Meta và TikTok: Cuộc cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh sức ảnh hưởng trong ngành thời trang
Ngày đăng: 28/02/22
Giá cổ phiếu của Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, đã giảm 26% vào tuần qua khi Mark Zuckerberg thừa nhận lượng người dùng Facebook hoạt động hàng ngày giảm (Daily Active User) và thậm chí còn tiết lộ rằng lý do cụ thể là vì nhiều người dùng trẻ đang dành nhiều thời gian hơn trên TikTok. Điều đó có ý nghĩa gì đối với ngành thời trang?
Meta gần đây đã khiến cho các nhà đầu tư phải ngỡ ngàng khi công bố lượng người dùng Facebook hàng ngày sụt giảm lần đầu tiên, trong khi thừa nhận TikTok thuộc sở hữu của Bytedance đang chiếm thế thượng phong trong việc chiếm được nhiều thời gian của người dùng hơn. Trong giới thời trang, TikTokers đang thống trị hàng đầu của tuần lễ thời trang, nhưng Meta đang trở thành đơn vị tiên phong đầu tư vào metaverse – vốn dĩ được săn đón và bùng nổ trong thời gian tới. Xét theo nhiều phương diện, liệu TikTok vẫn có thể duy trì được sức hút đối với ngành thời trang, một khi metaverse trở thành một lãnh địa mới?
Kể từ khi đổi thương hiệu từ Facebook thành Meta, Mark công khai cho biết doanh thu đã không đạt được mức như kỳ vọng sau khi tổng kết ở quý Tư, dẫn đến việc định giá thị trường của nó giảm hơn 200 tỷ USD. Mark Zuckerberg thừa nhận rằng TikTok là một đối thủ cạnh tranh chính (và chiếm nhiều thời gian của người dùng hơn), trong khi đó tính năng Reels, tính năng video ngắn của Instagram để cạnh trang với TikTok, lại cần thêm thời gian để có thể phát triển hơn. Mark còn chia sẻ thêm rằng quảng cáo video thường khó kiếm tiền hơn loại quảng cáo dựa theo nguồn cấp dữ liệu, vốn dĩ đã đưa Instagram và Facebook lên vị trí thống trị trong lĩnh vực mạng xã hội.
Người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đã giảm khoảng nửa triệu người vào cuối năm ngoái và người dùng hoạt động hàng tháng cũng giảm xuống dưới ước tính của các nhà phân tích. Tăng trưởng doanh thu quảng cáo chậm lại một phần do những thay đổi về quyền riêng tư năm 2021 của Apple cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu của hai nền tảng social commerce khác là Snap và Pinterest cũng giảm. Zuckerberg cũng lưu ý rằng Discord cũng là một đối thủ cạnh tranh khác khi nền tảng trò chuyện dành cho các game thủ nhanh chóng phát triển thành một tụ điểm để thảo luận về các dự án Web 3.0 và NFT.
Trong khi đó, TikTok vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển: TikTok đạt 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng Chín, trong khi Meta báo cáo 2,9 tỷ vào năm 2021. Về doanh thu quảng cáo, TikTok kém xa, kiếm được khoảng $4 tỷ đô vào năm ngoái, so với $100 tỷ đô của Facebook.
Đối với thời trang, Meta và TikTok đang cạnh tranh để giành được sự chú ý của người dùng trẻ tuổi, trong khi cũng cạnh tranh với tư cách là nhà quảng cáo hiệu quả cho ngành thời trang. Hiện tại, TikTokers được ưu tiên trở thành đối tượng danh sách khách mời ngang hàng với các blogger truyền thống hiện nay và influencer trên Instagram, hay TikToker được mời hợp tác với các thương hiệu cao cấp trong những dịp khác nhau. Nhưng đó dường như nó đã là giới hạn.
Trong khi đó, một lợi thế của Meta là sự thúc đẩy mạnh mẽ hành vi mua sắm. Trong những năm gần đây, nó đã nhanh chóng triển khai công nghệ giúp mọi người mua những gì họ thấy trên Instagram, đặc biệt là bao gồm thanh toán trong ứng dụng, thuật toán tăng cường để tìm các phiên bản hàng hóa có thể mua được trên hình ảnh và mua sắm qua video trực tiếp. Meta cũng đang tăng cường tích hợp giữa Facebook và Whatsapp để cho phép các thương hiệu tạo ra cửa hàng trực tuyến, để đẩy mạnh việc quảng cáo trực tuyến và giao tiếp với khách hang hiệu quả hơn.
“Chiến lược của chúng tôi ở đây kể từ khi giới thiệu tính năng Shops cách đây một năm rưỡi là giúp mọi người mua hàng dễ dàng nhất có thể sau khi phát hiện ra một thương hiệu hoặc sản phẩm mới mà không cần phải chuyển sang trình duyệt hoặc nhập lại thông tin thanh toán của họ.” Zuckerberg từng chia sẻ về việc ra mắt tính năng mua sắm trực tuyến thuận tiện tích hợp trên các nền tảng social commerce của Meta.
Một phần trong chiến lược để tăng cường lượng người dùng thường xuyên của Meta, là sự xoay chuyển chính đến một nền tảng metaverse, một không gian kỹ thuật số mà ngay cả Bytedance hay bất kỳ một ông lớn công nghệ nào khác cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để bắt kịp. Metaverse được nhiều người coi là giai đoạn tiếp theo của internet và dự kiến sẽ có ảnh hưởng như các trang web và phương tiện truyền thông xã hội trong lĩnh vực thời trang, đặc biệt là tính thương mại các mặt hàng kỹ thuật số cho nhân vật đại diện của người dùng trong không gian kỹ thuật số. Hiện tại, các thương hiệu cao cấp như Gucci và Ralph Lauren đang đẩy mạnh các hoạt động để đem tới trải nghiệm metaverse trên các nền tảng như Roblox, Zepeto và Decentraland. Theo ước tính, lĩnh vực GameFi có thể tăng thêm $20 tỷ đô vào tổng thị trường chi tiêu của mặt hàng xa xỉ.
Thế giới ảo và thương mại ảo cũng có nghĩa là cơ hội cho quảng cáo ảo, được thông báo bằng dữ liệu hành vi vượt xa những gì Instagram hoặc Facebook có thể đo lường thông qua các sự tương tác của người dùng. Trong mục tiêu chuyển hướng sang metaverse, Meta đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và chiêu mộ tất cả mọi tài năng trong lĩnh vực công nghệ cần thiết để xây dựng phần cứng và phần mềm để thực hiện điều này.
Tầm nhìn của Meta là một chiều không gian kỹ thuật số, mà tồn tại trong đó là những nhân vật đại diện trông giống với người thật, mặc quần áo kỹ thuật số mà mọi người đã mua thông qua một trong các nền tảng social commerce của Meta, và người dùng sẽ tụ tập để làm việc và giải trí cũng giống với thế giới thực. Meta hy vọng rằng tất cả các thuộc tính của nó đều được tích hợp và mọi người có thể luân phiên tương tác giữa thế giới ảo và thế giới tăng cường bằng cách sử dụng các ứng dụng chuyên biệt để phục vụ cho mục đích này, bao gồm cả kính AR và tai nghe cao cấp. Tuy nhiên, “tầm nhìn được thực hiện đầy đủ này vẫn còn nhiều khó khăn”, Zuckerberg thừa nhận, ước lượng rằng tầm nhìn của Meta sẽ cần đến nhiều thời gian để thực sự hoàn thiện.
Hiện tại, đã có một loạt các ông lớn trong ngành công nghệ, blockchain, GameFi, NFT bắt đầu giúp cho người chơi làm quen với việc nhập vai trong một chiều không gian kỹ thuật số từa tựa như metaverse, cũng như là việc giao thương thương mại để sở hữu tài sản kỹ thuật số. Các nền tảng GameFi đình đám hiện nay bao gồm Roblox, Decentraland và The Sandbox.
Khi công ty thông báo rằng họ sẽ đổi tên thành Meta vào tháng Mười, các tìm kiếm cho cụm từ “metaverse” đã tăng vọt. Mọi người đã nhầm tưởng rằng Zuckerberg và Meta đã phát minh ra “metaverse”. Nhưng nếu điều này không rõ ràng có phải là một dấu hiệu tích cực hay không, bởi đã có nhiều người bày tỏ việc không tin tưởng vào Facebook và dĩ nhiên là metaverse sắp tới. Theo một nghiên cứu gần đây từ nhà cung cấp dịch vụ VPN NordVPN, có tới 87% người Mỹ bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư nếu Facebook thành công trong việc tạo ra metaverse được đề xuất. Khảo sát cũng cho thấy rằng hơn 41% cho rằng sẽ khó lòng tách biệt danh tính thực của họ khỏi danh tính kỹ thuật số trong metaverse của họ.
Việc tạo ra metaverse có thể sẽ khiến Facebook phải đối mặt với một vài thách thức trong vài năm tới khi Meta theo đuổi tầm nhìn metaverse, trong khi vẫn phải trang bị thêm nhiều tiện ích và tính năng trên Instagram để cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Rachel Jones, nhà phân tích tại công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, cho biết: “Meta đang hy sinh mô hình kinh doanh cốt lõi của mình vì niềm đam mê với metaverse, nhưng nó sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa để thực sự bắt đầu và số lượng người dùng hàng ngày suy giảm của Meta trên cả Facebook và Instagram cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về mức độ tương tác của người dùng với các nền tảng khác.”
Có thể thấy bây giờ là thời điểm hoàng kim của TikTok, nhưng chưa rõ nó sẽ kéo dài được bao lâu. Facebook sau hơn 20 năm thống lĩnh, giờ đây đang tự mình thay máu với hy vọng nắm giữ vị trí hàng đầu trong ngành trong tương lai.
Thực hiện: Fellini Rose
Bài viết được chuyển ngữ từ Vogue Business