Nghịch lý của ngành thời trang: Khi quần áo rẻ tiền hơn cả một chiếc bánh sandwich
Ngày đăng: 22/02/21
Đại dịch COVID-19 đã kéo nền kinh tế ngành thời trang toàn cầu trị giá 2,5 nghìn tỉ đô lâm vào khủng hoảng, khiến cho các cửa hàng phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hay thậm chí là đệ đơn phá sản ở các quốc gia phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là nhân công may mặc ở các quốc gia nghèo – vốn lệ thuộc kinh tế vào ngành công nghiệp thời trang trong chuỗi sản xuất quần áo toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Làm thế nào mà một bộ quần áo lại rẻ hơn một chiếc bánh sandwich? Làm thế nào mà một sản phẩm cần gieo, trồng, thu hoạch, chải kỹ, kéo sợi, dệt kim, cắt và khâu, thành phẩm, in, dán nhãn, đóng gói và vận chuyển lại có giá vài euro?”
2020, COVID-19 và suy thoái kinh tế để lại những tổn hại nặng nề đối với những nhân công ở các quốc gia nghèo. Họ luôn là đối tượng được trả lương thấp và không được hưởng những phúc lợi xã hội nhất định. Hoàn cảnh của họ đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng mặc nhiên xảy ra trên nhiều nơi của nền văn minh, toàn cầu hóa, mà nổi bật nhất là nhóm ngành thời trang.
Những áp lực kinh tế do đại dịch tạo ra đã chứng tỏ lợi nhuận của ngành thời trang phụ thuộc vào việc bóc lột sức lao động giá rẻ như thế nào và sự phụ thuộc lẫn nhau này có thể tàn phá như thế nào trong bối cảnh suy thoái, kinh tế khó khăn. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra lời cảnh báo rằng có tới 150 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm 2021 vì đại dịch.
Khi COVID-19 bắt đầu lan rộng và các cửa hàng thời trang đóng cửa hàng loạt, hàng triệu công nhân may mặc bị trả lương thấp ở các nước đang phát triển đã phải gánh chịu rất nhiều thất thoát. Khi chuỗi cung ứng thời trang bị gián đoạn, thanh toán bị đóng băng và đơn đặt hàng bị hủy bỏ, các chủ nhà máy ở Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh đã phải chịu thiệt hại nặng. Nhiều người trong lực lượng lao động đã bị cho nghỉ việc mà không được trả lương, phải tự lo cho mình trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và kiệt quệ về kinh tế.
Khi COVID-19 tiếp tục hoành hành, các nhà hoạt động nhân quyền cũng chú ý đến vai trò của ngành thời trang trong việc tiếp tay cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, theo New York Times.
Công nhân may ở châu Á không phải là nhóm nhân lực duy nhất gặp khó khăn. Theo một cuộc điều tra của The Sunday Times of London vào tháng 7, cho thấy các công nhân tại một nhà máy ở Leicester – doanh nghiệp chuyên gia công quần áo cho thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng tại Anh là Boohoo, được trả lương thấp nhất là 3,50 bảng Anh, tương đương 4,64 USD, một giờ. (Ở Anh, mức lương tối thiểu cho những người trên 25 tuổi là 8,72 bảng một giờ.)
Theo Labour Behind the Label, một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho quyền của người lao động, một số nhà máy may mặc ở Leicester vẫn mở cửa trong thời gian đại dịch mà không quan tâm đến các biện pháp ngăn cách xã hội; một số nhân viên cho biết họ được yêu cầu đi làm ngay cả khi họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Thực tế về những người lao động được trả lương thấp là không tốt, đặc biệt là khi cả thế giới đang chiến đấu với một căn bệnh chết người. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London đã chỉ ra rằng ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, đối tượng người nghèo có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn nhiều so với những người giàu có. Tại Hoa Kỳ, hậu quả kinh tế của đại dịch là tồi tệ nhất đối với những người trưởng thành có thu nhập thấp.
Vào năm 2016, tại Voices, một cuộc họp của các nhà đổi mới trong ngành thời trang do The Business of Fashion tổ chức, nhà dự báo xu hướng người Hà Lan Li Edelkoort đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà một bộ quần áo lại rẻ hơn một chiếc bánh sandwich? Làm thế nào mà một sản phẩm cần gieo, trồng, thu hoạch, chải kỹ, kéo sợi, dệt kim, cắt và khâu, thành phẩm, in, dán nhãn, đóng gói và vận chuyển lại có giá vài euro?”
Các ngành công nghiệp bông, dệt và may mặc đã bị bóc lột sức lao động từ rất lâu trước khi Covid-19 phơi bày sự thật cay đắng này. Ngành công nghiệp thời trang nhanh từ lâu đã đồng lõa với một hệ thống trả lương cho nhân công dưới mức sinh hoạt để tối đa hóa lợi nhuận. Mô hình kinh doanh này, tập trung vào việc bán hàng núi quần áo với mức giá vốn không “bền vững”, đã mang lại lợi nhuận ngày càng ít cho những người trực tiếp tạo ra chúng.
Cụ thể hơn là tại Bangladesh, nơi có bốn triệu công nhân may mặc. Nhiều người trong số họ kiếm được nhiều hơn một chút so với mức lương tối thiểu do chính phủ quy định: chỉ 8.000 taka, hoặc dưới 100 đô la, mỗi tháng. Các nhà hoạt động về quyền lợi công bằng cho người lao động nói rằng cần gấp đôi số tiền đó để người lao động có thể tích trữ cho tương lai.
Ngay cả những thương hiệu thời trang cao cấp nhất cũng “góp công” vào việc bóc lột những người lao động dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng của họ. Các nhãn hiệu xa xỉ như Dior và Saint Laurent thường chuyển sang các nhà thầu phụ ở Ấn Độ để sản xuất các sản phẩm thêu và trang trí phức tạp với chi phí thấp hơn. Các nghệ nhân có tay nghề cao được thuê sẽ nhận được tiền (thấp hơn mức họ nên xứng đáng được nhận) hoặc được ghi nhận một chút tiếng tăm về công sức đã bỏ ra khi làm việc với các thương hiệu xa xỉ này. Trên thực tế, một số công ty ráp thành phẩm thường sẽ thực hiện công đoạn hoàn thiện cuối cùng của hàng may mặc ở châu Âu và cố tình dán nhãn mác là “Sản xuất tại Ý” hoặc “Sản xuất tại Pháp”.
Người ta nói rằng nhân cách thực sự của con người được thể hiện qua cách họ phản ứng khi gặp khủng hoảng. Điều tương tự cũng có thể nói về ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 2,5 nghìn tỷ USD và những thách thức mà nó hiện phải đối mặt. Đại dịch đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể doanh thu của toàn ngành, làn sóng phá sản và sự không chắc chắn của người tiêu dùng trong việc chi trả cho mặt hàng thời trang.
Liệu kinh doanh thời trang có thể rút ra được tính cấp thiết của thời điểm này và cố gắng để thay đổi theo hướng tốt, bền vững hơn không?
Ngành công nghiệp phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc đại tu một mô hình kinh doanh mà-về-cơ-bản-là-không-công-bằng. Giải pháp không phải là hủy hợp đồng, chuyển sản xuất đến các nhà máy địa phương và thay thế nhân công ở các nước nghèo bằng nhân công ở các nước trả lương cho nhân công tốt hơn, hay là thay thế con người bằng công nghệ tự động, mà là tạo điều kiện có ý nghĩa cho nguồn lực đang cần công việc này và cải thiện điều kiện làm việc cho chính những người làm ra quần áo của chúng ta.
Đây phải là tầm nhìn và mục tiêu hàng đầu nằm trong hoạch định của các công ty thời trang, khi đặt ra mục tiêu dài hơi cho việc phát triển và phục hồi trong tương lai.
Bài viết được chuyển ngữ từ The New York Times
Thực hiện: Fellini Rose