Các nhà mốt lớn làm gì sau khi Pháp ban hành luật cấm đốt bỏ mặt hàng thời trang cao cấp?

Ngày đăng: 21/03/20

Ngành thời trang luôn phải đối mặt với tình trạng hàng tồn đọng không được tiêu thụ. Dù là một thương hiệu nổi tiếng hoặc có số lượng sản phẩm được tiêu thụ cao thì sẽ luôn có những mẫu thiết kế không phù hợp với thị hiếu của đại chúng và bị bỏ ngơ. Chính vì lẽ đó, các thương hiệu phải luôn tìm cách để xử lý những sản phẩm tồn đọng để không làm chật kho lưu trữ và đốt bỏ là giải pháp khả thi nhất từ trước tới nay.

Vào năm ngoái, Burberry đã tặng quần áo cho hơn 250 người phụ nữ thất nghiệp. Trong số đó có những người vô gia cư, có những người vừa được ra tù, có những người trong số đó đang chật vật tìm kiếm việc làm. Thiện ý của Burberry là nhằm giúp những người phụ nữ này thành công trong các buổi phỏng vấn xin việc để giúp họ ổn định cuộc sống.

Các thương hiệu phải luôn tìm cách để xử lý những sản phẩm tồn đọng để không làm chật kho lưu trữ và đốt bỏ là giải pháp khả thi nhất từ trước tới nay.

Thiện ý của Burberry có thể được xem là công tác từ thiện. Thương hiệu thời trang cao cấp của Anh quyên góp những sản phẩm thời trang tồn đọng cho tổ chức Smart Works – một tổ chức chuyên giúp đỡ để tặng quần áo miễn phí cho những ứng viên đang đi xin việc. Hành động của Burberry giúp làm tăng thêm phần ý nghĩa cho hoạt động của tổ chức này. Thêm hơn, đây cũng là một cách thức để dọn dẹp kho lưu trữ các sản phẩm thời trang cao cấp tồn đọng, vốn dĩ sẽ được đem đi đốt bỏ nếu không có một phương án xử lý nào khác.

thời trang cao cấp

Sự thật là hành vi tiêu dùng của khách hàng là thứ không thể nào có thể dự đoán chính xác được; cho dù đã có những dự đoán về xu hướng hay là sự sáng tạo mới mẻ trên thị trường bởi đội ngũ thiết kế và kể cả những chiến lược marketing phong phú. Tất cả những yếu tố hợp thành ở trên cũng sẽ không giúp cho việc bán toàn bộ các sản phẩm quần áo trong một mùa là điều khả thi (chỉ trừ khi nào hình thức đặt hàng để sản xuất trở nên phổ biến rộng rãi).

Việc đốt bỏ các sản phẩm quần áo thời trang cao cấp được xem là một phương án tốt nhất mà các nhà mốt lớn vẫn thường áp dụng. Họ quyết tâm không để sức hút và giá trị của thương hiệu bị giảm sút, ngay cả khi số lượng các sản phẩm bị tồn đọng là rất nhiều. Nhưng bây giờ, áp lực đối với ngành công nghiệp xa xỉ để tìm giải pháp mới đang phải được thực thi. Những tổ chức phi chính phủ, người tiêu dùng cũng có những hoạt động biểu tình và kêu gọi chính phủ lập pháp để ngăn chặn hành động thiêu hủy sản phẩm hoặc loại bỏ vào bãi rác vì tính chất lãng phí và hao tổn tài nguyên.

Tại Pháp, luật mới ban hành cấm các thương hiệu đốt bỏ hay loại bỏ những sản phẩm thời trang cao cấp vào bãi rác sẽ được áp dụng lên toàn bộ các thương hiệu và tổ chức; nhất là những tập đoàn lớn như LVMH hay Kering bởi việc họ sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp với doanh thu tỷ đô. Bởi lệnh cấm mới này, các thương hiệu sẽ phải lựa chọn phương án tái chế thiết thực, hoặc quyên góp các sản phẩm tồn kho.

Chính phủ Pháp ước tính rằng 10.000 đến 20.000 tấn vải và chất liệu sản xuất bị tiêu hủy mỗi năm tại Pháp. Số lượng ước tính này tương đương với hai lần trọng lượng của tháp Eiffel.

Luật “chống lãng phí và kinh tế tuần hoàn” sẽ được triển khai bắt buộc phải thực hiện đến cuối năm 2021. Luật này quy định những tổ chức vi phạm sẽ bị phạt mức tiền 15,000 euro (tương đương 17,050 đô) chỉ bằng việc loại bỏ không hợp pháp. (Mặc dù mức độ đòi hỏi tuân thủ của luật mới này sẽ được áp dụng nghiêm ngặt như thế nào là điều chưa thể nói trước).

Mức độ trầm trọng của vấn đề tồn kho là rất lớn. Tình trạng tồn kho sẽ có tổng giá trị lên tới khoảng 10-13% tổng giá trị doanh thu sau mỗi mùa sale của các thương hiệu. (Theo thống kê của tổ chức Bernstein Research). Chính phủ Pháp ước tính rằng 10.000 đến 20.000 tấn vải và chất liệu sản xuất bị tiêu hủy mỗi năm tại Pháp. Số lượng ước tính này tương đương với hai lần trọng lượng của tháp Eiffel.

“Đây là vấn đề được nhận thức rõ rệt của toàn ngành thời trang. Qua đó cho thấy rằng sự không hiệu quả của hệ thống vận hành hiện tại là như thế nào khi cho rằng đốt sản phẩm (ở tình trạng còn mới toanh) tồn đọng sẽ rẻ hơn việc sản xuất ít lại”.

Phát biểu của ông Orsola de Castro – đồng sáng lập của tổ chức vận động tư tưởng Fashion Revolution.

Chúng ta luôn biết rằng họ (những thương hiệu thời trang cao cấp) vẫn luôn đốt bỏ những sản phẩm tồn đọng, kể cả những sản phẩm thiết kế studio cao cấp hay thậm chí là vải có in họa tiết logo của thương hiệu. Chúng tôi vẫn xem thời trang nhanh là kẻ thù của môi trường. Nhưng nếu nhìn vào thực tế thì thời trang cao cấp cũng chẳng tốt đẹp hơn là bao. Họ cũng sử dụng những chất liệu gây ảnh hưởng đến môi trường (cả hành vi đốt bỏ) và cũng sản xuất với số lượng lớn chẳng kém gì các thương hiệu thời trang nhanh”.

Đúng như nhận định của ông Castro, thời trang cao cấp trở nên có giá trị bởi tính độc quyền. Việc đốt bỏ sản phẩm tồn đọng giúp bảo vệ giá trị thương hiệu khi tránh được tình trạng sản phẩm bị bán với mức giá rẻ tại các cửa hàng không uy tín hoặc kênh phân phối không liên kết hay được tín nhiệm bởi thương hiệu. Và một sản phẩm cao cấp khi bị lọt vào tay của những kẻ trục lợi sẽ để lại hậu quả khôn lường về vấn nạn hàng giả. Giờ đây, khi luật định sắp sửa được thi hành, việc phải tìm những phương án thay thế là điều bắt buộc.

CÁC NHÀ MỐT LỚN LUÔN CÓ NHỮNG SẢN PHẨM, THIẾT KẾ HOA VĂN, PHỤ KIỆN MANG TÍNH CHẤT ĐẶC HỮU NHẰM TÔN VINH GIÁ TRỊ VÀ ĐẲNG CẤP CỦA THƯƠNG HIỆU.

Burberry là thương hiệu đầu tiên trong ngành hàng xa xỉ đã đưa ra cam kết rằng sẽ không đốt bỏ bất kỳ một sản phẩm nào kể từ tháng 9 năm 2018, sau nhiều phản ứng dữ dội của công chúng về thực tiễn lâu dài trong việc hủy bỏ sản phẩm bằng việc đốt. Nhưng tới thời điểm bây giờ là đầu năm 2020, vẫn chưa có một thương hiệu nào khác đi theo bước chân tiên phong của nhà mốt xa xỉ nước Anh. Điều này phản ánh rõ ràng hiện trạng đốt bỏ sản phẩm đặc hữu vẫn còn được duy trì.

Gucci và Moncler là hai thương hiệu im lặng nhưng đồng thuận với luật không đốt bỏ. Hai thương hiệu này tuy cũng không thường xuyên góp mặt vào các đợt sale lớn theo như chu trình tuần tự thường thấy, nhưng theo những báo cáo và điều tra (không chính thức) đã ghi nhận không có hiện trạng đốt bỏ sản phẩm tồn; mặc dù đại diện của các công ty không đưa ra bất kỳ bình luận nào về báo cáo ở trên.

Vậy Burberry và một vài thương hiệu lớn đã có những giải pháp như thế nào?

Tiến gần hơn đến với việc sản xuất không hao

Burberry đã từng phải tiêu hủy số lượng sản phẩm lớn có giá trị tương đương 28,6 triệu bảng Anh (khoảng 37,2 triệu đô). Để không phải tiếp tục đối diện với thực trạng đó, giám đốc điều hành Marco Gobbetti của hãng đã áp dụng chiến lược không hao tổn (zero waste) cho doanh nghiệp. Từ việc tổ chức các show diễn thời trang không tạo ra khí thải, tới việc bắt tay với các thị trường thời trang cao cấp đã qua sử dụng (second-hand luxury) là The Real Real nhằm khuyến khích việc kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm áo quần. Khách hàng có thể ký gửi các sản phẩm cũ bao gồm áo quần và trendcoat, đổi lại sẽ được cung cấp để trải nghiệm dịch vụ mua sắm cá nhân đặc biệt tại các cửa hàng tại Mỹ.

Chất liệu sản xuất cũng được tận dụng triệt để; các mẫu vải da thừa được quyên góp cho Elvis & Kresse – một tổ chức sử dụng chất liệu da để tạo ra các mẫu nội thất hay phụ kiện. Tổ chức sẽ biến những phần nguyên liệu thừa này thành những hợp phần lớn hơn để dùng trong việc chế tác thủ công các món đồ mới. Thương hiệu Burberry còn chủ động tái tạo các cuộn vải để biến thành sợi dệt. Các loại vải hay vật liệu cách nhiệt được trưng dụng thành nguyên liệu để nhồi vào đệm của ghế ngồi xe hơi. Hãng cũng đang xem xét các phương án để tái sử dụng thành phẩm không thể bán được. Việc đó yêu cầu phải làm gia tăng hạn sử dụng của một sản phẩm bằng cách đưa ra những dịch vụ sửa chữa hay thay thế những thành phần hư hại của những món đồ thời trang cao cấp đã cũ hoặc đồ da.

BURBERRY LÀ THƯƠNG HIỆU ĐẦU TIÊN CAM KẾT KHÔNG ĐỐT BỎ SẢN PHẨM TỒN ĐỌNG SAU MỘT THỜI GIAN DÀI BỊ LÊN ÁN BỞI CÔNG CHÚNG.

Những chất liệu cũ của Burberry cũng được quyên góp cho Progetto Quid – một thương hiệu thời trang Ý có nguồn nhân lực chủ đạo là những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội như nạn nhân bị bạo hành, nạn nhân của tội phạm buôn người trái phép, những tù nhân mãn hạn và người tị nạn. Progetto Quid hiện tại sử dụng chất liệu được quyên góp của Burberry để sản xuất ra trang phục mới.

Vào năm 2018, tập đoàn LVMH đã công bố 93% của tổng số 102,184 tấn rác thải sản xuất đã được tái chế, thông qua việc chuyển hóa thành năng lượng hay được tái sử dụng.

Tại tập đoàn LVMH, những sản phẩm tồn đọng được bán lại với mức giá ưu đãi cho toàn thể nhân viên thông qua những dịp bán hàng nội bộ (private sales). Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm khác được quyên góp cho những trường học và tổ chức từ thiện như La Réserve des Arts (trường dạy về thời trang và chế tác sản phẩm bằng da cao cấp) và La Fabrique Nomade. Đây là những tổ chức có nhân viên là dân nhập cư và họ sẽ tiếp nhận những chất liệu từ các thương hiệu thuộc LVMH như Chaumet, Louis Vuitton, Kenzo để tái chế hay sử dụng làm phương tiện học tập của sinh viên tại trường.

Vào năm 2018, tập đoàn LVMH đã công bố 93% của tổng số 102,184 tấn rác thải sản xuất đã được tái chế, thông qua việc chuyển hóa thành năng lượng hay được tái sử dụng. Chủ của các thương hiệu như Louis Vuitton, Fendi, Celine, Givenchy lại không đưa ra lời tuyên bố nào khác về việc đã xử lý thế nào với 7% còn lại, hay là sẽ có những phương án nào phù hợp để tuân theo luật mới của chính phủ Pháp trong việc không được đốt bỏ sản phẩm.

Trong khi đó, tập đoàn Kering là một tổ chức thường xuyên minh bạch trong việc công bố số liệu tiêu tốn của doanh nghiệp hàng năm trong việc giảm thiểu tác động trong quá trình sản xuất và vận hành của tổ chức tới môi trường. Kering cũng đã từng cam kết sẽ trung hòa lượng khí thải tạo ra trong quá trình sản xuất và đầu tư vào việc phát triển những nguyên liệu bền vững, cũng như sẽ tạo dựng một mô hình tái chế và tận dụng hiệu quả cao trong tương lai.

Đối với thương hiệu Moncler, họ đã từng công bố rằng chỉ một lượng nhỏ rác thải được đem đi xử lý bằng cách đốt trong hai năm vừa qua; chủ yếu là những mảnh vải vụn, thừa trước và sau quá trình sản xuất. Moncler cam đoan rằng những sản phẩm tồn kho không được xử lý bằng cách đốt bỏ; thay vào đó là được bán lại cho nhân viên, bạn bè hay người thân của họ. Hoặc những sản phẩm tồn đọng sẽ được gửi tới các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ, chịu giá rét ở những khu vực bị ảnh hưởng. Hãng cũng thừa nhận rằng phần lớn số sản phẩm tồn kho khác cũng vẫn còn đang được chứa đựng tại các cửa hàng và các kênh phân phối được ủy quyền của họ ở khắp mọi nơi.

THƯƠNG HIỆU MONCLER.

Chiến lược sử dụng khôn ngoan các kênh phân phối

Dĩ nhiên, Moncler không phải là thương hiệu duy nhất tận dụng các kênh phân phối sản phẩm được ủy quyền của họ để chứa đựng hàng tồn. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các thương hiệu nên tận dụng các kênh này một cách khôn ngoan để duy trì giá trị toàn vẹn của sản phẩm bán ra và hình ảnh của thương hiệu trên thị trường. (Các thương hiệu thường phải chịu chiết khấu và đưa ra các ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mua sắm trên các kênh phân phối).

Gucci cũng áp dụng chiến lược thông minh cho hình thức trưng bày thị giác (visual merchandising) tại các cửa hàng là sẽ không phụ thuộc vào các thiết kế theo mùa, hoặc các bộ sưu tập có ý tưởng sáng tạo riêng.

Chẳng hạn, những kênh phân phối như Yoox đã tạo điều kiện cho khách hàng mua được những mặt hàng thời trang cao cấp quá dễ dàng, khi luôn đưa ra mức ưu đãi mua sắm khủng có khi lên tới 70%. Điều này khiến cho tính độc quyền của các thương hiệu không còn nữa. Theo nhận định của chuyên gia, những kênh phân phối chỉ nên là nơi để trao cơ hội may mắn cho các tay săn hàng hiệu đích thực trong việc mua các mẫu thiết kế có số lượng giới hạn, hoặc những size áo quần không vừa với số đông người tiêu dùng.

Thương hiệu có doanh thu tốt nhất của Kering là Gucci phải đợi qua vài mùa fashion week (thường là hơn 1 năm) mới chịu chuyển các sản phẩm tồn kho sang các kênh phân phối. Một số khác thì sẽ được bán lại cho nhân viên, người thân và bạn bè của họ. Gucci cũng áp dụng chiến lược thông minh cho hình thức trưng bày thị giác (visual merchandising) tại các cửa hàng là sẽ không phụ thuộc vào các thiết kế theo mùa, hoặc các bộ sưu tập có ý tưởng sáng tạo riêng. Điều này giúp cho toàn bộ sản phẩm của hãng có thể được trưng bày tại cửa hàng lâu hơn với mức giá bán nguyên vẹn.

MỘT CỬA HÀNG MUA SẮM ĐẲNG CẤP CỦA GUCCI.

Sản xuất ít sản phẩm hơn là giải pháp thiết thực nhất

Giờ đây, việc giảm thiểu số lượng sản phẩm tồn trong kho là một yếu tố quan trọng mà các thương hiệu xa xỉ phải cân nhắc cẩn trọng trong quá trình sản xuất. Thương hiệu Burberry tung ra các bộ sưu tập nhỏ, với tần suất thường xuyên hơn là một giải pháp mà hãng đang áp dụng.

Thương hiệu Moncler thì phát kiến ra một chương trình (có vẻ) hiệu quả hơn khi giới thiệu một chuỗi các bộ sưu tập có-một-không-hai. Đây là các bộ sưu tập giới hạn (sẽ không sản xuất thêm nếu hết đợt) là thành quả hợp tác với các nhà thiết kế, thương hiệu khác trong suốt một năm. Việc này tuy đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc giám sát quy trình vận hành, nhưng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Việc lên kế hoạch sản xuất, phân phối chuẩn xác sẽ giúp giảm thiểu số lượng sản phẩm tồn. Theo thống kê của hãng, tỷ suất lợi nhuận của việc bán hàng nguyên giá đạt mức 70% (thông thường là 60% đối với các thương hiệu thời trang cao cấp chuyên dòng hàng mặc sẵn)

Việc lên kế hoạch sản xuất, phân phối chuẩn xác sẽ giúp giảm thiểu số lượng sản phẩm tồn.

Tập đoàn LVMH tuyên bố rằng họ có ít sản phẩm tồn đọng hơn các thương hiệu thời trang đại chúng gấp nhiều lần. Và sản phẩm của họ có độ bền, chất lượng sản xuất tốt và có giá trị sử dụng lâu dài là những điều góp ích trong công cuộc bảo tồn hệ sinh thái. Tuy là vậy, việc sản xuất ít sản phẩm lại, đề cao chất lượng hơn số lượng, độ bền cao, hoàn toàn phù hợp để tái chế hay tái sử dụng vẫn không hoàn toàn nằm trong nền tảng tư duy của các ông lớn ngành thời trang, bởi đây là một ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi lợi nhuận và mua sắm vô độ.

Nhìn chung, các thương hiệu cần phải minh bạch và rõ ràng hơn trong việc xử lý hàng tồn đọng và rác thải trong chuỗi cung ứng sản phẩm. “Vấn đề này vẫn tồn tại từ rất lâu và cần được nhìn nhận một cách rõ ràng, công khai về hành vi đốt bỏ đã và đang gây tổn thất tài nguyên vô cùng lớn. Các thương hiệu sẽ cần phải nghiêm túc đầu tư vào quá trình làm chậm lại chuỗi sản xuất (slow fashion), đầu tư vào chất lượng sản phẩm và ước tính chừng mực số lượng sản phẩm cần sản xuất để không bị dư thừa. Thêm vào đó là sự thấu hiểu rằng mọi thứ họ sản xuất sẽ cần đến phương án tối ưu để kéo dài vòng đời của sản phẩm do chính họ làm ra”, ông Orsola de Castro – đồng sáng lập của tổ chức vận động tư tưởng Fashion Revolution trao đổi với trang Business of Fashion.

Thực hiện: Fellini Rose