Nhà thiết kế Lê Hà: Tìm hướng đi bền vững giữa ‘chất’ và ‘lượng’
Ngày đăng: 11/05/18
Vào ngày trình diễn thứ hai của chương trình Vietnam International Fashion Week Xuân Hè 2018, Le Ha x Canifa là một điểm sáng về sự cân bằng trong nghệ thuật và thương mại. Nói về nhà thiết kế Lê Hà, nhân vật này không phải ẩn số đối với làng mốt Việt Nam. Một cái tên tuy không có sức ảnh hưởng mạnh với công nghệ lăng xê trên truyền thông, nhưng tính chuyên môn và hướng đi của Lê Hà luôn khiến giới mộ điệu khó tính nhất cũng phải gật gù khen ngợi.
Nhà thiết kế đã từng chia sẻ: “Tôi sợ sự hào nhoáng! Nhiều lúc sự hào nhoáng vô tình tạo ra giá trị ảo cho bản thân. Tôi chỉ biết cách sống thật và sống chân thành!”
Thế hệ trẻ đã mở rộng giao lưu với nhiều xu hướng mới
Hãy cứ tập trung vào chuyên môn. Đa phần nền công nghiệp thời trang ngày nay trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng chỉ xoay quanh với Punk, không quá đột phá hay nổi loạn như thập niên 80s, 90s, thậm chí ở giai đoạn chuyển giao qua thiên niên kỷ mới. Phải chăng thời trang ngày nay đang bão hoà, hoặc trên đà suy thoái?
Tôi không nghĩ thế, đó chỉ là quan niệm đến từ một phía cơ quan tổ chức truyền thông. Họ có cái nhìn của riêng họ, và tôi cũng có cái nhìn của riêng tôi với vai trò là một người thiết kế. Tôi không nghĩ thời trang đương đại ngày nay đang bão hoà hay suy thoái mà nó đang tạo ra dòng chảy mới, đan xen giữa quá khứ và hiện đại. Thời trang là sự xoay vòng không ngừng nghỉ. Thời điểm này, thời trang đang quay trở về hơi thuở thập niên 80 – 90 kết hợp với sự phát triển rất mạnh của làn sóng công nghệ. Với tôi, thời trang là sự phát triển về công nghệ vật liệu và ứng dụng kỹ thuật.
Tôi không nghĩ thời trang đương đại ngày nay đang bão hoà hay suy thoái mà nó đang tạo ra dòng chảy mới, đan xen giữa quá khứ và hiện đại. Thời trang là sự xoay vòng không ngừng nghỉ.
Thế trong suốt chặng đường sự nghiệp của Lê Hà, đặc biệt trên giảng đường đại học, chị đã nghiên cứu dòng chảy thời trang của giới trẻ Việt Nam – thế hệ thời trang Việt thế kỷ 21 ngày nay đã thay đổi như nào? Nó có nổi loạn đúng theo trường phái Punk?
Bởi phong cách đặc trưng ở giữa những năm thuộc thập niên 70 của thế kỉ trước, được khởi xướng và tạo cuộc cách mạng vẻ vang trong giới thời trang với những cái tên đã đi vào huyền thoại của Thế giới như Vivienne Westwood, thiên tài Alexander Mcqueen, John Galliano, Kenzo, Saint Laurent, Yohji Yamamoto và cả Rei Kawakubo,… Với phong cách không đi theo một quy chuẩn hay lề lối khắc khe vốn có, sự phóng khoáng, mạnh mẽ và sáng tạo đúng với định nghĩa về giá trị vô hình. Những biểu biểu hiện đẹp mắt nhất của sự phóng túng từ ý tưởng, những ngôn ngữ thiết kế ấy dường như bóp méo những tỉ lệ chuẩn mực của cấu trúc trang phục, vò nhàu cái đẹp thuần chủng trở nên đẹp đẽ một cách lạ kì. Cái tư tưởng có phần nổi loạn ấy dần dần du nhập, tạo nguồn cảm hứng, làm nên ảnh hưởng rất lớn đến các nhà thiết kế Việt Nam.
Thời đại này là thời đại kỹ thuật số, rất nhiều công cụ bổ trợ kiến thức thẩm mỹ cho các bạn trẻ; đặc biệt là các bạn sinh viên ngành thiết kế. Thế hệ nhà thiết kế trẻ hiện nay, tựu chung, họ vô cùng nhanh nhẹn, rất thích học hỏi và chịu khó tìm tòi. Những nhà thiết kế trẻ đã biết mở rộng giao lưu cập nhật vốn liếng xu hướng, họ đủ sức cảm nhận về tính thẩm mỹ tốt giúp đưa đến gần với dòng chảy thời trang thế giới hơn.
Song, để nói nổi loạn theo trường phái Punk thì không hẳn như thế. Vì từng thiết kế thuộc trường phái Punk đều sặc sụa một sức quyến rũ mới toanh, đủ gai góc để đạp đổ mọi ước lệ về sự hấp dẫn giới tính, và tái định nghĩa khái niệm thẩm mỹ ngay cả trong phong cách thời trang. Đó là sự khát vọng đan xen với nội tâm thầm kín nhất, ngông cuồng nhất, thậm chí méo mó đến không ngờ, có thể phản ảnh trung thực xã hội một cách có ý thức và bài bản. Tuy nhiên, các nhà thiết kế trẻ Việt Nam rất đa dạng về phong cách và trào lưu, họ biết pha trộn hướng tiếp cận của thế giới với bản ngã cá nhân để tạo nên một nét riêng. Nếu như ở thế thệ của tôi những năm trước đây, thời trang chỉ được khái niệm mang tính chất sàn diễn, khó sử dụng trong cuộc sống. Nhưng hiện tại, xu thế các nhà thiết kế trẻ thời trang Việt Nam đã có cái nhìn thay đổi, mang tính ứng dụng, thương mại và hợp thời hơn.
Thế hệ nhà thiết kế trẻ hiện nay, tựu chung, họ vô cùng nhanh nhẹn, rất thích học hỏi và chịu khó tìm tòi. Những nhà thiết kế trẻ đã biết mở rộng giao lưu cập nhật vốn liếng xu hướng, họ đủ sức cảm nhận về tính thẩm mỹ tốt giúp đưa đến gần với dòng chảy thời trang thế giới hơn.
Thời trang và mối tương quan với nhiều lĩnh vực thuộc xã hội học
Trong suy nghĩ của chị, mối liên hệ giữa cuộc sống, âm nhạc và thời trang? Nhịp sống âm nhạc đã tác động cho cuộc sống sáng tạo của chị như thế nào?
Ôi! Thực sự là tôi không có nhiều thời gian để thưởng thức cuộc sống hay âm nhạc; vì tôi đã dành hết khoảng trống cho dự án từ thương hiệu riêng, nhãn hàng Canifa và công việc giảng dạy. Nhưng mỗi lần tôi về đến nhà nghỉ ngơi, thư giãn thì… nhịp sống âm nhạc của tôi đều xuất phát từ người chồng. Anh ấy là một người có ‘gout’ nhạc tốt.
Nói về những bản thu âm được yêu thích thường xuất hiện trong bộ sưu tập của của chị?
Khi sáng tác hay nghiên cứu một vấn đề, tôi sẽ đi tìm và phân tích mọi khía cạnh liên quan đến vấn đề tôi làm. Và chắc chắn âm nhạc là một trong những phần không thể thiếu trong các bộ sưu tập của tôi. Vì mỗi bản lồng ghép đều gợi lên một gợi ý để khách hàng hiểu và yêu thích hơn sản phẩm của mình.
Trong âm nhạc và thời trang, có một chu kỳ liên tục xảy ra. Một số điều tưởng chừng chỉ còn nằm trong ký ức, và nhiều năm sau đó, nó lại trở lại và không chỉ gây ảnh hưởng – hoài cổ là một cách, nhưng sẽ mới lạ hơn so với giai đoạn trước; do trong âm nhạc, ngay cả khi bạn đã kinh doanh được 50 năm, bạn đứng trên sân khấu và bạn làm ca khúc đó từ 50 năm trước, và khán giả sẽ yêu thích bài hát đó – họ sẽ tôn trọng và luôn luôn tôn trọng người tạo ra và người thổi hồn. Còn trong thời trang, nó không phải như thế. Chúng ta không thể đi trên sân khấu và trình làng bộ sưu tập đã làm thời gian cách xa với hiện tại. Theo chị, âm nhạc và thời trang liệu có mối quan hệ mật thiết?
Thật vậy! Chắc chắn âm nhạc và thời trang có mối quan hệ mật thiết! Thời trang giống như một khía cạnh trong âm nhạc, nó có tính liên kết mạnh mẽ với thế hệ mới hiện nay. Bạn biết đó âm nhạc những năm 20, nhạc Jazz phát triển đỉnh cao gắn liền thời trang art decor, những năm 50, âm nhạc Rock ‘n’ Roll gắn liền trao lưu thời trang A-line của Dior, những năm 70, nhạc disco gắn liền với thời trang chiếc quần ống vẩy. Điều đó kích thích tâm trí tôi giữa văn hóa và nét tươi trẻ ngày nay.
Âm nhạc những năm 20, nhạc Jazz phát triển đỉnh cao gắn liền thời trang art decor, những năm 50, âm nhạc Rock ‘n’ Roll gắn liền trao lưu thời trang A-line của Dior, những năm 70, nhạc disco gắn liền với thời trang chiếc quần ống vẩy. Điều đó kích thích tâm trí tôi giữa văn hóa và nét tươi trẻ ngày nay.
Lê Hà có cảm thấy thời trang là điều quan trọng để tạo nên một tác động mạnh về mặt xã hội đại chúng? Hoặc chị có thể làm ra những tác phẩm hay sản phẩm tuyệt vời, và hy vọng rằng mọi người tìm thấy chúng và khoác lên mà không cần phải hiểu, cũng như xây dựng một câu chuyện xung quanh nó?
Tuỳ vào suy nghĩ của mỗi người, nhưng đối với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng bây giờ sẽ là thời điểm giao nhau, đặc biệt là trong ngành thời trang sẽ thể hiện nhiều hơn trong các lĩnh vực khác. Thời trang ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến xã hội. Thời trang là một loại ngôn ngữ hình ảnh phản ánh nhiều thực trạng cấp bách. Tôi không phải là người có tài ăn nói nhưng tôi tin tôi làm tốt hơn nói. Mỗi sản phẩm của tôi đều ẩn chứa tâm hồn, tình cảm từ trái tim. Khách hàng của tôi đón nhận sản phẩm đó là họ đã mua không chỉ quần áo mà là những điều tốt đẹp ẩn chứa bên trong bộ trang phục đó!
Sáng tạo tốt là duy trì được DNA
Nhiệm vụ của chị khi đến Canifa – khái quát hơn là tinh thần thương hiệu và chiến lược tiếp cận khách hàng?
Với Canifa, Chúng tôi có cùng một quan điểm chung trong ngành thời trang: Đề cao sự tiện dụng. Tôi luôn nhận những đề bài rất khó từ Canifa để có thể phục vụ cho số đông, nhưng phải đảm bảo tính thời trang. Một thương hiệu thời trang “Fashion for all”, tôi luôn phải đảm bảo ba mục tiêu chính: Đảm bảo tinh thần thương hiệu. Sản phẩm mang tính thời trang, ứng dụng tiếp cận gần gũi với khách hàng Canifa. Mỗi mùa là một cuộc hành trình, áp lực của tôi cùng ekip Canifa phải luôn sáng tạo ra những trải nghiệm khác biệt bên trong tính thực tế.
Chị từng chia sẻ riêng vào hai năm trước, đến với thời trang để truyền cảm hứng; song, sự bắt tay giữa Le Ha x Canifa chắc phải đặt nặng yếu tố kinh doanh hơn yếu tố thời trang. Có bao giờ chị nghĩ mình đang cuốn theo bởi tính thương mại?
Đơn giản là ở quá khứ, hiện tại và tương lai, tôi vẫn luôn làm thời trang để truyền cảm hứng. Là một nhà thiết kế nếu như bạn truyền cảm hứng được đến nhiều khách hàng, những người yêu thời trang có nghĩa là bạn đang làm thương mại rất tốt. Truyền cảm hứng cũng là một hình thức làm kinh doanh.
Ở hai bộ sưu tập cá nhân giới thiệu tại Vietnam Designer Fashion Week thuở trước, hơi thở của chị có ảnh hưởng từ nhịp sống thị thành Pháp, chút vi vị Đông phương – đó là sự phối trộn “điên rồ” trong giản dị. Nhưng khi hợp tác với thương hiệu Canifa, dường như chị dành phần lớn thời gian để đưa thời trang đường phố kết hợp cùng yếu tố công nghệ cao (Urban Techwear) nhằm đáp ứng được tính ứng dụng nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Chị có nghĩ điều đó có thể gắn mác là chị chưa thật sự xây dựng DNA thiết kế cho riêng bản thân mình?
Bạn nghĩ sai rồi nhé! Một nhà thiết kế giỏi là một nhà thiết kế sở hữu một đôi mắt thời đại, một tâm hồn cởi mở. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai trong giới chuyên môn hay bất kỳ khách hàng nào, họ có thể nhận ra ngay đó là những mẫu thiết kế của tôi dù tôi có ở vị trí nào. Đó là sự thành công rồi!
Để nói về DNA, kể từ cuối những năm 90, ý tưởng về DNA thương hiệu như một công cụ trong chiến lược thương mại đối với thời trang cao cấp cũng như sự tiếp quản ở các tập đoàn LVMH, Kering, Richemont… thuộc Âu châu nhưng gặp chút khó khăn vì thiếu bóng dáng thổi bùng sức sống thương hiệu người quá cố.
Việc treo biển thông báo tuyển dụng chiếc ghế Giám đốc sáng tạo mới như Alexander McQueen cho thương hiệu Givenchy, hay John Galliano hợp tác cùng nhà mốt Dior đồng nghĩa với việc tập đoàn đang kiếm tìm sự cân bằng giữa các DNA huyền thoại cộng hưởng với DNA vay mượn từ các nhà thiết trẻ đầy tiềm năng nhằm bắt kịp thời đại. Bằng cách này, việc xác định và sử dụng DNA sẽ mang lại sự gắn kết trong nền tảng cung cấp sản phẩm của thương hiệu và chiến lược tiếp thị hỗn hợp. Song song, để xác định DNA của một thương hiệu bao gồm 4-7 bước cơ bản: cội rễ nơi hình thành và di sản, danh tính tạo dựng bằng logo, đặc điểm hình thù, các giá trị và tầm nhìn cũng như các mã số về tài liệu tham khảo được đối chiếu qua sản phẩm, hình ảnh – nói chung là đường dây kết nối thông tin liên hệ.
Thế nên khi định nghĩa và sử dụng DNA thương hiệu của bạn có nghĩa là xác định được nguồn gốc thiết lập những gì làm cho thương hiệu của bạn trở thành độc nhất vô nhị. Nó sẽ giúp bạn tạo ra nội dung nhãn hiệu với mục đích mang lại một thông điệp nhất quán trong suốt quãng đường chinh chiến. Bên cạnh, lúc xây dựng bức tường thành DNA về lâu về dài sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tích cực không thể ngờ đến trong khâu tổ chức bán hàng, phát triển sản phẩm mới và truyền thông.
Một nhà thiết kế giỏi là một nhà thiết kế sở hữu một đôi mắt thời đại, một tâm hồn cởi mở.
Trong mọi trường hợp, có vẻ chị rất yêu văn hoá Pháp và văn hoá Nhật Bản?
Bạn có cái nhìn rất hay! Hai nền văn hoá này đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách tâm hồn tôi. Hai yếu tố đó nếu mang đi dung hoà lại lẫn nhau sẽ đem lại nét cổ điển, hoài niệm, vừa khai thác ra vẻ phá cách có chút thanh nhã. Mà bạn hỏi tôi câu này chứng tỏ rằng, mạch DNA thiết kế của tôi rất rõ ràng dù tôi có ở cương vị nào mỗi khi xuất hiện.
Có thể nói, một điều chung mà cảm thấy mạnh mẽ nhất là khán giả thời trang chán quá nhanh. Đôi khi họ cảm thấy buồn chán ngay cả trước khi họ xem một chương trình. Và thủ phạm chính là làn sóng thời trang thực dụng (Streetwear và high fashion) đang chiếm ưu thế rất lớn (ví dụ như Vetements, Louis Vuitton x Supreme,…) vô tình làm mất đi vẻ sang trọng vốn có của thời trang cao cấp đối với một thương hiệu. Xu hướng này theo góc nhìn của người thiết kế, đồng thời là giảng viên, thì đây phải chăng là một quá trình lâu dài ở thời trang ngày nay?
Với góc nhìn của người giảng viên và nhà thiết kế, tôi thấy điều này hết sức bình thường, ‘cung’ và ‘cầu’ luôn là hai trạng thái bổ sung qua lại. Đối tượng nào sẽ cần đến dòng cao cấp thì sẽ phục vụ đúng nhu cầu họ mong muốn. Đối tượng nào yêu mến dòng sản phẩm mang tính đường phố thì sẽ đáp ứng đến đối tượng tiềm năng đó. Và dù có làn sóng ‘streetwear’ hay ‘high fahion’ thì đó chỉ là một trào lưu, tôi tin các thương hiệu vẫn giữ được chữ ký riêng cho mình, vẫn duy trì được sự khéo léo giữa ‘chất’ và ‘lượng’.
Bộ sưu tập vừa qua tại Vietnam Internatinal Fashion Week Xuân Hè 2018, Lê Hà lấy hứng cảm trong một chuyến công tác đến Mỹ thăm cánh đồng trồng bông vải và lấy cảm hứng về những anh chàng cao bồi nơi đó. Nhưng có ý kiến cho rằng, chị vay mượn hình ảnh chàng cao bồi Lucky Luke trong truyện tranh của Morris?
Bạn thật là thông minh khi nhìn thấy sự hiện diện bóng dáng anh chàng Lucky Luke trong bộ sưu tập lần này. Thật sự đứa con trai tôi rất rất thích xem quyển chuyện tranh nói về anh chàng Lucky Luke. Một anh chàng bụi bặm, bản tính hào sảng, ga-lăng hay giúp đỡ người khác. Có lẽ hình ảnh ấy đã trở thành thần tượng của gia đình chúng tôi, cũng như cộng hưởng cùng với sự trải nghiệm thực tế trong chuyến đi công tác thăm cánh đồng bông tại bang Texas vào tháng Mười Hai năm ngoái nên tôi đã hình thành những ý tưởng để dựng lên bộ sưu tập này.
Chị có niềm tin rằng bộ sưu tập mới tạo một hiệu ứng mạnh với thị giác người xem, chất liệu, cũng như kích người người tiêu dùng?
Mỗi khi tôi làm việc gì đó, tôi luôn có một niềm tin tuyệt đối trong khả năng của mình. Tôi tin tôi đã tạo hiệu ứng tốt cho người tiêu dùng với hình ảnh về chàng cao bồi Lucky Luke. Toàn bộ bộ sưu tập được sử dụng nguyên liệu từ sợi bông USA – một sợi bông được cả thế giới tin dùng với tính năng thoáng mát, thấm hút cao, chịu nhiệt tốt, dễ sử dụng, an toàn cho cơ thể người mặc.
Thời trang là loại hình để thưởng thức, không phải thước đo hạn chế. Nhưng giới phê bình là người vô cùng khó đoán ý khi nhận xét về bộ sưu tập. Chị có phải là người phụ nữ dũng cảm để dễ dàng học cách chấp nhận từ những ý kiến trái chiều?
Thật vậy à? Giới phê bình họ là ai? Họ nhìn từ góc cạnh nào để đánh giá? Công việc chuyên môn của họ là thích vạch những điểm sơ hở, công việc của tôi là sáng tạo, cho ra đời những bộ sưu tập vừa đảm bảo chất nghệ, vừa kiếm tiền được từ sản phẩm đó. Thế nhưng, tôi là người chịu lắng nghe từ nhiều phía, nhiều góc nhìn nhưng tôi sẽ luôn làm điều tôi thích, điều tôi đam mê. Không ai có đủ quyền xây dựng hàng rào ngăn cản bước đường tôi tiến được.
Giới phê bình họ là ai? Họ nhìn từ góc cạnh nào để đánh giá? Công việc chuyên môn của họ là thích vạch những điểm sơ hở, công việc của tôi là sáng tạo, cho ra đời những bộ sưu tập vừa đảm bảo chất nghệ, vừa kiếm tiền được từ sản phẩm đó.
Sau bao năm, dường như môi trường truyền thông không phải con đường để chị đẩy mạnh giúp làm bệ phóng khuếch trương danh tiếng? Vì trong show diễn đợt này, rất ít ký giả trực thuộc những trang tin online với đối tượng chủ yếu là giới thanh thiếu niên khai thác sâu hoạt động nghệ thuật của chị.
Cá nhân tôi, một cách đơn giản để làm truyền thông chuyên nghiệp là xây dựng thương hiệu cá nhân từ năng lực và sự khác biệt của bản thân. Ngày nay, có nhiều nhân vật rất xuất sắc về phương diện truyền thông đại chúng mà cái cốt yếu của thời trang là dựng rập và thiết kế lại còn khá non tay; hoặc họ chả thèm quan tâm đến. Tôi rất buồn về điều đó! Tôi chỉ nghĩ như vầy, bạn khuếch trương danh tiếng bằng hành động, sự nỗ lực hoạt động và cống hiến trong ngành sẽ là hướng đi bền vững nhất.
Thế khi nào chị sẽ giới thiệu bộ sưu tập riêng của cá nhân thêm lần nữa, song song cùng với vai trò sáng tạo bên nhãn hàng Canifa?
Bạn cho tôi xin giữ bí mật này nhé! Thời trang mà, nó đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch và đem đến sự mới mẽ cũng như sự ngạc nhiên tới giới mộ điệu. Nếu giờ này tôi trả lời mà dự án cá nhân không thực hiện kịp sẽ gây đến sự hẫng hụt đối với sự trông chờ với khách hàng và người xem. Cứ thuận theo tự nhiên, mốc thời gian luôn là điểm chờ đợi hấp dẫn.
Thực hiện: Phong