Khi các thương hiệu thời trang Việt tìm cách bứt phá tại thị trường Việt Nam 

Ngày đăng: 11/10/23

Theo Báo cáo thị trường Thời trang Việt Nam 2022 của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, thị trường thời trang Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định trong vài năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Mặc dù có sự khó khăn do sự cạnh khốc liệt đến từ các thương hiệu nước ngoài như Zara chính thức vào Việt Nam, tiếp đó là H&M rồi đến UNIQLO, cùng các tên tuổi khác ở phân khúc tầm trung cho đến cao cấp có cửa hàng chính thức tại nước ta. Nhưng điều này không có nghĩa các thương hiệu thời trang tìm không tìm cách bứt phá tại “sân nhà” để giành lại thị phần và phát triển những điểm mạnh trong chiến lược kinh doanh của mình. 

Canifa – Thương hiệu có tuổi đời hơn 20 không ngừng khẳng định ưu thế

Năm 2001 thương hiệu thời trang Canifa ra đời và đã phát triển thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu tại Việt Nam. Để cạnh tranh với các thương hiệu ngoại và thậm chí với đối thủ nội địa ở cùng một phân khúc, Canifa tập trung đa dạng sản phẩm, nhất là các hạng mục quần áo váy có tính ứng dụng cao ở mức giá mềm. Định hướng chiến lược của Canifa chú trọng chất lượng sản phẩm, độ bền hơn so với chạy theo xu hướng chóng vánh.

Cách đây vài năm, Canifa cũng trở thành thương hiệu tài trợ cho các show thực tế về thời trang như Vietnam’s Next Top Model hay Project Runway; tham gia Tuần lễ Thời trang Quốc tế tại Việt Nam (VIFW); và hợp tác với người mẫu và nhà thiết kế trẻ để gia tăng độ phủ sóng. Giờ đây, thương hiệu phát triển các kênh online như website, fanpage để gia tăng tiện lợi mua sắm song song với phát triển các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. 

May 10 – Tập trung khai thác thị trường nội địa với đồ công sở

May 10, Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng… những doanh nghiệp dệt may cũng hướng đến chinh phục thị trường trong nước. Tổng công ty Cổ phần May 10 tập trung vào dòng thời trang công sở, thời trang cao cấp cho nữ và thời trang nam giới, song song phát triển chuỗi cửa hàng online và offline. 

May 10 hiện có hơn 20 nhãn phục vụ từng nhóm đối tượng khách hàng chiến lược May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra… Không chỉ May 10 hay Ðức Giang, các doanh nghiệp ngành dệt may khác như Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng… cũng không ngừng nỗ lực để giành lại thị phần tại Việt Nam. 

Local brand thời trang phát huy dấu ấn cá nhân, thể hiện bản sắc

Bên cạnh các thương hiệu thời trang thuộc các doanh nghiệp lớn hay có sự hậu thuẫn đằng sau của các tập đoàn lớn, thì một số local brand nhỏ cũng đang nỗ lực xây dựng giá trị thương hiệu và dấu ấn của mình thông qua mạng xã hội. Song song đó, các thương hiệu còn tiếp cạnh tiếp cận các đơn vị truyền thông, tham gia các show diễn thời trang được tổ chức với quy mô chuyên nghiệp để tiếp cận khán giả tiềm năng. 

Tiêu biểu như sân chơi SR Celebrating Local Pride thành lập bởi Style-Republik diễn ra 5 mùa ra mắt hàng trăm thương hiệu thời trang nội địa có cá tính và màu sắc riêng. SR Celebrating Local Pride Fall/Winter 2023 trở lại với tính năng mới, cùng sự kết hợp với ứng dụng BIDU, hứa hẹn mang đến trải nghiệm “See Now, Buy Now” cho khán giả đồng thời giúp các local brand tiếp cận khách hàng rộng hơn với ứng dụng công nghệ hiện đại. 

Cạnh tranh hay là chết, là triết lý sống còn cho các thương hiệu ở bất cứ thời đại nào và lĩnh vực nào. Kinh doanh thời trang đang là một cuộc đua đầy tiềm năng với các đối thủ cạnh tranh đáng gờm, dù vậy các thương hiệu thời trang Việt đã và đang tìm cách bứt phá tại thị trường Việt Nam, điều này hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị cho thị trường thời trang trong thời gian tới. 


Theo AZ, mức chi tiêu trung bình của người Việt dành cho thời trang là 13,9%, chỉ đứng sau chi tiêu dành cho thực phẩm (32,9%) và tiết kiệm (14,9%). Giá trị thị trường thời trang Việt Nam vào năm 2020 đạt 5,6 tỉ USD. Chỉ riêng trong năm 2022, vừa phục hồi sau đại dịch, thị trường thời trang đã thu về 2,23 tỉ USD, dự kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 15%.


Thực hiện: Hoàng Khôi