Nhật Bản – Nơi tìm kiếm sự “hoàn hảo” trong chất liệu
Ngày đăng: 30/07/23
Nhật Bản đã trải qua một “cuộc cách mạng denim” vào giữa những năm 1970. Những chiếc quần denim – trong những năm 1960 chỉ giới hạn trong khuôn khổ những người muốn trở thành “người hùng miền viễn Tây” hay những sinh viên cách mạng theo chủ nghĩa Trotsky – nhanh chóng trở nên phổ biến tại Nhật. Người trẻ đầu tiên mua những chiếc quần giá rẻ từ các thương hiệu trong nước như Big John, Edwin và Bobson, sau đó chuyển sang các thương hiệu tiên phong của Mỹ như Levi’s, Lee và Wrangler. Tuy nhiên, tại Nhật Bản người tiêu dùng tương đối khó tính và bị thất vọng với những sản phẩm nhập ngoại.
Năm 1975, thời điểm mà mọi người đều đua nhau mua cuốn catalog của tạp chí Made in U.S.A., nơi mà chiếc quần Levi’s 501 với vết “fade” hoàn hảo được đặt trên trang bìa chính. Từ đó niềm tin và đam mê của họ với 501 đã trỗi dậy nhưng họ luôn thắc mắc tại sao những chiếc 501 mới của họ không bao giờ có thể tạo ra được những hiệu ứng “fade” như vậy.
Không ai biết chính xác tại sao denim Mỹ không đáp ứng được kỳ vọng của họ, nhưng họ không hề tưởng tượng ra điều đó. Để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về các sản phẩm denim trong những năm 1970, các nhà sản xuất Mỹ đã áp dụng các phương pháp sản xuất nhanh và tiết kiệm chi phí hơn. Đối với sợi, họ thay thế việc vắt sợi chất lượng cao bằng việc vắt sợi open-end, điều này đã làm thay đổi cách vải cotton twill hấp thụ màu nhuộm, màu nhuộm indigo đặc trưng cũng chuyển từ màu nhuộm tự nhiên qua nhân tạo. Và để tăng cung ứng vải, họ chuyển sang sử dụng các máy dệt công nghiệp lớn hơn. Tất cả những cắt giảm chi phí này đã dẫn đến hiệu ứng “fade” kém chất lượng mà bất kì ai “chơi” denim cũng đều thất vọng.
Hầu hết tất cả mọi người trên khắp thế giới đều không hề để ý đến những thay đổi như vậy, chưa kể đến việc cam kết sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này. Nhưng một số nhà đổi mới tại Nhật đã tiên phong biến sự thất vọng của họ thành một sự can thiệp – một sự can thiệp sẽ thay đổi vĩnh viễn văn hóa “chơi” Denim. Các thương hiệu tư nhân, phối hợp với các công ty vắt sợi, nhà dệt và nhà máy nhuộm địa phương, đã cùng nhau tạo ra loại vải denim thủ công mới với chất lượng cao hơn, giúp tái hiện lại cảm giác của những chiếc quần jeans những năm 1950. Như một cách “đối kháng” với sự nhất quán công nghiệp của những sợi vải tầm thường trên thị trường đại trà, những chuyên gia kỹ thuật tại các công ty vắt sợi của Nhật đã phát minh ra phương pháp máy tính hóa để tái tạo các sự không đều “slubby” như cái cách mà những chiếc quần được dệt vào năm 50-60, hơn nữa các nhà máy nhỏ lẻ đã sử dụng các máy dệt vải buồm Toyoda cổ từ các kho đồ cũ và dệt nên “những tấm vải denim hoàn toàn mới”.
Trong giới yêu thích denim tại Nhật Bản cũng như toàn thế giới, những tên tuổi này được tôn thờ như những vị thánh: Denime, Warehouse, Studio D’Artisan, Fullcount, và Evisu. Đây là những người tiên phong trong ngành denim của Nhật Bản và những nhà xây dựng của một ngành công nghiệp thủ công nổi tiếng trên toàn cầu. Giống như Big Three ở Hoa Kỳ, những nhà sản xuất Nhật Bản này đã được biết đến dưới cái tên không ai khác ngoài “Osaka Five”.
Câu chuyện về sự nổi lên của “Osaka Five” rất mơ hồ và chứa đựng những mâu thuẫn. Thật sự, đó là một cuộc cách mạng mà đối với những “con nghiện” denim thời điểm đó. Tsujita là người sáng lập Full Count, một trong năm thương hiệu Nhật Bản ra đời trong khoảng 15 năm, tái giới thiệu denim selvedge và tái thiết kế quần jeans thành một sản phẩm cao cấp và, có thể nói, đã kích hoạt sự phục hồi của quần jeans mang nó quay trở lại vị trí vốn có thành món đồ phổ biến nhất trên toàn cầu.
Tại sao lại là Osaka mà không phải bất cứ đâu? Điều đó dường như chỉ là sự tình cờ hơn là một thiết kế có chủ đích, với những đề xuất khác nhau liên quan đến sự hỗn độn của lịch sử nhỏ bé này của denim. Một số nói rằng điều này bởi vì Osaka từ lâu đã có nhiều cửa hàng “đồ si” nên đã “kích thích tình yêu“ của người Nhật đối với phong cách Americana; người khác nói rằng đó là trung tâm lịch sử của ngành công nghiệp dệt tại Nhật Bản, nằm ở giữa Ibara, nơi nổi tiếng với việc dệt vải denim, Kojima, nơi nổi tiếng với việc cắt và may, và thậm chí cả Wakayama, quê hương của áo nỉ chân cua,…
Dù tự tạo ra một loại vải Denim riêng của họ nhưng thiết kế vẫn dựa trên “tinh thần Mỹ”, họ luôn trung thành với những mẫu tiêu bản của Levi’s 501 trước những năm 1970 với đầy đủ các miếng tag da và selvedge (lai biên) trên gấu quần. Ban đầu, những chiếc quần “denim Nhật” này mang lại một kết quả khá tích cực đã chiều lòng được đại đa số người tiêu dùng Nhật Bản, nhưng vào đầu thế kỷ 21, chúng đã thiết lập một “tiêu chuẩn toàn cầu” dành cho denim. Đáng kinh ngạc là, việc tạo ra những chiếc quần denim “cao cấp” đã trở thành điều thông thường đối với các công ty Nhật Bản, tất cả đều tạo ra loại denim chân thực nhất, mặc dù quần jeans luôn là biểu tượng mạnh mẽ của mang hơi thở của Hoa Kỳ. Người Mỹ có thể đã sáng tạo ra denim, nhưng có lẽ người Nhật đã gìn giữ và mang nó đạt đến sự hoàn thiện.
Người Mỹ có thể đã sáng tạo ra denim, nhưng có lẽ người Nhật đã gìn giữ và mang nó đạt đến sự hoàn thiện.
Sự cầu toàn của người Nhật trong thế giới denim không phải là một trường hợp đơn lẻ. Chúng ta thấy những câu chuyện tương tự về sản xuất chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau: ô tô, giày thể thao, rượu, cà phê hay bánh pizza. Trên thực tế, ý tưởng về sự ưu việt hoá sản xuất của Nhật Bản đã trở thành một điều rất phổ biến, Nhật Bản hoàn thiện và cá nhân hoá những gì các quốc gia khác phát minh. Câu hỏi hiển nhiên là tại sao? Câu chuyện về denim đặc biệt kỳ lạ: Dù truyền thống indigo (chàm) đã tồn tại bao đời ở Nhật Bản, nhưng không có ghi chép nào về việc họ từng tạo ra quần jeans có năm túi từ vải cotton twill nhuộm indigo, được đóng bằng đinh tán (rivet). Chính phủ Nhật Bản có thể đã đầu tư vào các nhà máy dệt sau Thế chiến thứ II, nhưng những máy móc này đã phải được tái cơ cấu để vắt các sợi nặng, cần thiết cho việc sản xuất denim. Và để đạt được hiệu ứng “fade” phù hợp, các công ty Nhật Bản phải “quên đi” các kỹ thuật nhuộm truyền thống bằng thùng chàm và thay thế bằng kỹ thuật nhuộm dây chuyền công nghiệp của Mỹ. Loại denim đầu tiên của Nhật xuất hiện vào năm 1973, được dệt trên các máy dệt lớn hình ống của Thụy Sĩ, và ngay cả vào thời điểm đó, việc nghĩ rằng Nhật Bản có thể trở thành quốc gia sản xuất denim tốt nhất thế giới nghe có vẻ khá xa vời. Nhưng với denim và hàng chục sản phẩm ngoại nhập khác, tính cầu toàn của người Nhật đã thiết lập nên tiêu chuẩn toàn cầu.
Các công ty Nhật Bản không sản xuất phiên bản tốt nhất của mọi thứ; có rất ít người hãnh diện về rượu vang, phô mai, xúc xích, đồ ăn liền, mỳ Ý,… Thay vào đó, chúng ta nên tìm hiểu kĩ lý do tại sao một nhóm người cụ thể từ Nhật Bản – các nghệ nhân, thương hiệu, nhà sản xuất – đã theo đuổi và duy trì tinh thần hoàn thiện trong một số lĩnh vực nhất định. Đúng, yếu tố văn hóa đóng một vai trò khá quan trọng ở đây, nhưng cũng có những yếu tố kinh tế và lịch sử cũng giải thích vì sao tinh thần này được hướng tới việc tạo ra các sản phẩm hoàn thiện. Chúng ta nên bắt đầu bằng việc xem xét những yếu tố văn hóa làm nổi bật tinh thần hoàn thiện thành một lý tưởng tập thể quan trọng. Các triết học cổ điển không đưa chúng ta đến các kết quả đương đại, nhưng chúng giải thích những hành động được đánh giá cao bởi người khác. Trong trường hợp này, sự hoàn thiện nhận được sự ủng hộ từ tính chất của Nho giáo, triết học Trung Quốc đã từ lâu đặt nền tảng đạo đức chính thức cho nền văn minh Nhật Bản.
Đức tính đầu tiên là chú trọng chi tiết. Nho giáo nhấn mạnh vào thực tiễn hơn là niềm tin – đặc biệt là hoàn thiện mặt đạo đức, điều quan trọng là thực hiện các nghi lễ đã định sẵn một cách hoàn hảo. Trong nghệ thuật thủ công, điều này tạo ra một logic trong đó sự xuất sắc được thể hiện thông qua việc cân nhắc tỉ mỉ đến từng chi tiết, bao gồm những bộ phận nhìn thấy và những bộ phận không nhìn thấy của sản phẩm nâng cao trải nghiệm người dùng. Nếu Silicon Valley từng nói “Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo” với tư duy của những người thợ thủ công Nhật Bản sẽ đáp lại rằng “Chỉ có hoàn hảo mới hoàn thành.” Những điểm khuyết nhỏ được coi là bằng chứng cho rằng cả sản phẩm phải bị lỗi, vì vậy mọi thứ phải được thực hiện đúng cách.
Thứ hai, trong khi triết học phương Tây, từ Kitô giáo cho đến chủ nghĩa Marx đều đặt nền móng tạo nên tư tưởng thế giới lý tưởng trong tương lai, thì Nho giáo lại đề xuất rằng sự hòa hợp trong xã hội hiện đại được đạt được nhờ cách nhìn về quá khứ. Từ lý tưởng này, người ta nhận ra rằng có một cách hoàn hảo, được thiết lập từ trước để thực hiện bất kỳ hoạt động nào – thường được gọi là “kata”. Nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ thợ thủ công nào là tập trung vào thành thục việc tái tạo “kata” một cách chính xác. Chỉ sau khi thành thạo việc này, các ý tưởng mới có thể được đề xuất. Cách tư duy này đã chỉ đạo cách các nhà sản xuất và người tiêu dùng Nhật Bản tiếp nhận văn hóa tiêu dùng thế kỷ XX. Các nhà sản xuất hy vọng tạo ra máy ảnh hoàn hảo, whiskey hoàn hảo, chiếc xe hoàn hảo và trong lĩnh vực denim, mẫu vintage Levi’s 501 là “kata” của họ và mọi người đua nhau tái tạo nó với những chi tiết huy hoàng phản chiếu cả một nền văn hoá. Do đó, tư duy Nho giáo đã thúc đẩy những người thợ thủ công nhìn thấy sự xuất sắc trong việc tái tạo các lý tưởng cũ hơn là sáng tạo tương lai.
Ảnh hưởng văn hóa cuối cùng từ Nho giáo là cách các thợ thủ công nhìn nhận vị trí của họ trong cấu trúc xã hội. Trong thời kỳ phong kiến, kết thúc vào năm 1868, đã có một hệ thống xếp hạng xã hội chính thức với các samurai ở hàng đầu, sau đó là nông dân, tiếp đến là công nhân thủ công, thương nhân, và cuối cùng là các nhóm thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội. Dù chính phủ Nhật Bản đã bãi bỏ hệ thống này, nhưng có hai ý tưởng vẫn tồn tại vào thời hiện đại.
Thứ nhất, hệ thống đã xác định nghề thủ công là một hoạt động có địa vị tương đối cao, cho phép các thợ thủ công tự hào về việc mình đang làm. Thứ hai, hệ thống tạo ra một sự phân biệt rõ ràng giữa sản xuất thủ công và các giao dịch thương mại, khiến cho các thợ thủ công nhìn thấy giá trị của họ nằm trong việc tạo ra các sản phẩm xuất sắc hơn là xoay quanh số lượng và đồng tiền.
Tìm kiếm lợi nhuận trở đúng nghĩa đen là thấp hèn đối với họ. Điều này đã tạo nên lý tưởng sống của thợ thủ công, cố gắng làm ra những thứ tốt nhất mà không kể đến chi phí. Ngay cả ngày nay, đầu bếp, chủ quán cà phê, những người thợ thủ công và nhà thiết kế thời trang Nhật Bản đều khoe khoang về sự nhất quán cứng đầu trong việc đảm bảo sản phẩm đáp ứng đúng cụ thể và chính xác thứ họ cần, ngay cả đối với những khía cạnh mà khách hàng của họ không bao giờ nhận ra. Tinh thần này là con đường duy nhất đến sự hài lòng với bản thân đó là sự hoàn hảo của người Nhật.
Thực hiện: Tuấn Hiệp