Nhìn lại sự phát triển của Fashion Influencer trước thời mạng xã hội bùng nổ
Ngày đăng: 01/04/20
Giở lại lịch sử thời trang, từ Thời Phục Hưng cho đến đầu thế kỉ 20 với sự trỗi dậy của nền công nghiệp điện ảnh và văn hóa pop. Đoán xem, những “fashion influencer” thời bấy giờ, họ là ai và họ đã đóng góp gì cho sự phát triển của nền thời trang đương đại?
Thật khó tin khi chỉ 10 năm trước, chúng ta đã sống trong một thế giới không có Instagram. Nhưng kể từ khi các ứng dụng chia sẻ hình ảnh như SnapChat, Facebook và TikTok xuất hiện, cả thế giới đắm chìm trong mạng xã hội.
Ảnh hưởng của thời đại số từ các kênh thông tin xoay quanh và chi phối cuộc sống hằng ngày, dù cho bạn có muốn hay không đi chăng nữa. Từ bức ảnh màu vàng lộng lẫy đến bộ hình bóng loáng đã qua bộ lọc Kira Kira đều có sức hút khó tả. Và thời trang là lĩnh vực đi đầu trong truyền thông trực tuyến, bạn có thể dễ dàng tìm thấy bất kỳ xu hướng mới nhất nào bằng cách lướt qua những trang, tài khoản của người nổi tiếng thay vì dạo quanh trên phố.
Tuy nhiên, những “fashion influencers” đã có trước thời kì xuất hiện mạng xã hội, họ là những người phụ nữ quyền lực ở vai trò lãnh đạo và phong cách của họ được người đời sao chép. Họ tạo nên xu hướng thời trang không chỉ vì phong cách đặc biệt, mà còn vì hiện thân của quyền lực thể hiện qua trang phục.
Nữ hoàng Catherine de’ Medici – Người tạo ra giày cao gót, găng tay mùi hương và corset
Vai trò của các Influencer (người có sức ảnh hưởng) bắt đầu vào thời kì trật tự thế giới mới đã mang lại sự tiến bộ trong cả nghệ thuật lẫn công nghệ, Thời kỳ Phục Hưng (1300-1600), hay còn gọi là thời kì tái sinh. Trong thời kì này, gia tộc Medici nắm giữ quyền lực khắp Florence.
Các thành viên trong gia tộc kết hôn với những người mang dòng máu hoàng gia trên khắp châu Âu. Catherine de’ Medici, nữ hoàng Pháp được biết đến với nhiều âm mưu quyền lực với kết cục bị sát hại. Những giai thoại về người phụ nữ này đã phần nào che lấp nhiều sáng tạo thời trang mà bà đã tạo dựng trong triều đình Pháp và cách mà bà sử dụng trang phục như một công cụ thể hiện quyền lực.
Catherine de’ Medici đã cho ra đời mẫu găng có mùi thơm để che lấp mùi của da thuộc và bà cũng là người đưa chiếc corser vào lịch sử, khi ban hành lệnh cấm những người có vòng eo lớn xuất hiện tại triều đình.
Khi được hứa hôn cùng Henry II, Thái Tử Pháp, bà đã ấp ủ tham vọng lãnh đạo đất nước và ý thức rằng bản thân cần nắm giữ người chồng tương lai, người đứng đầu của triều đình Pháp. Biết được nhà Vua đã có một mối tình lâu năm với Diane de Poitiers, một cận thần xinh đẹp và cao ráo hơn mình. Vì thế bà đã ủy thác cho một thợ đóng giày tại Florence tạo ra một biến thể của giày cao gót giúp nâng cao vóc dáng với mũi giày phẳng và thoải mái khi mang. Chẳng lâu sau, hoàng gia các nước, thậm chí cả đàn ông, đua nhau mang loại giày này để có tướng tá cao lớn nhằm thể hiện địa vị xã hội xứng tầm. Nhiều phát minh của bà vẫn được sử dụng đến ngày nay.
Nữ hoàng Elizabeth I – Trang điểm cầu kỳ, ăn mặc lộng lẫy
Còn tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth I đã mở ra kỷ vàng son của thời trang vào những năm 1500 với phong cách khác biệt trong suốt triều đại của mình. Khi càng về già, bà lại càng yêu thích những chiếc đầm sang trọng, từ đó dẫn đến một xu hướng ăn mặc mới, công phu hơn cho cả nam và nữ. Đặc biệt nhất là tiêu chuẩn làm đẹp, khiến việc trang điểm đạt đến tầm quan trọng hơn.
Trước thời Elizabeth I, mỹ phẩm không được ưa chuộng, nhưng bà sớm chịu ảnh hưởng và yêu thích cách phóng đại vẻ đẹp qua trang điểm. Bà chú trọng nhiều vào một làn da trắng màu thạch cao, kiểu tóc mái thưa, lông mày lá liễu, đường gân giả (thể hiện độ trong của làn da thủy tinh) và đôi môi đỏ tươi cùng mái tóc xoăn đỏ. Bởi thế, chúng trở thành cách để những thường dân, giới quý tộc bắt chước nhằm nâng cao địa vị của mình. Khi về già, răng của Nữ hoàng bắt đầu bị sâu và bà đã táo bạo đến mức sơn toàn bộ răng màu đen và nó cũng được lan truyền như một xu hướng làm đẹp. Chúng ta không thể phủ nhận những ảnh hưởng của bà trong quá khứ và vẫn còn được truyền tại hậu thế.
Hoàng hậu Marie Antoinette – Kiểu tóc pouf cao ngất trời và váy dạ hội phồng khổng lồ
Nếu như trước đây những “fashion influencer” thường có xuất thân dòng dõi hoàng gia, thì cũng nhiều thiết kế ra đời từ các nhà thiết kế được các quân vương tin tưởng, những người đã định hình phong cách mới. Đã hơn 200 năm kể từ ngày Hoàng hậu nổi danh nhất nước Pháp Marie Antoinette bị đưa lên máy chém, nhưng Marie luôn là nguồn cảm hứng đặc biệt về phong cách thời trang. Bà say mê thời trang và dùng nó như một phương cách thị uy trước công chúng, và bà không đơn độc.
Được bổ nhiệm làm người chăm nom mặt thời trang của Vương hậu, Marie Jeanne Bertin, được biết đến với cái tên Rose Bertin, là thợ may kiêm vai trò cố vấn phong cách cho nhà cai trị trẻ tuổi. Bertin đã có tác động đáng kể đến thời trang trong thời gian này, liên kết chặt chẽ với nỗi ám ảnh của nền quân chủ với sự xa hoa, phù phiếm. Kiểu tóc pouf cao ngất trời và váy dạ hội phồng khổng lồ được giới thiệu bởi Marie rất có thể là tác phẩm của Bertin.
Với sự hậu thuẫn của Vương hậu, các tác phẩm của Bertin trở nên nổi tiếng và sớm đặt nền móng cho một tương lai của các nhà chinh phục thời trang. Charles Frederick Worth, còn được gọi là “cha đẻ của Haute Couture”, cũng theo bước chân của Bertin trong những năm sau đó, tạo ra các thiết kế cho các “trend-setter” hoàng gia như Nữ hoàng Victoria và Hoàng hậu Eugénie của Tây Ban Nha.
Thế kỷ 20 – Sự ảnh hưởng của nền công nghiệp điện ảnh và các nữ minh tinh
Đại diện tiêu biểu: Clara Bow, Marlene Dietrich, Marilyn Monroe, Audrey Hepburn, Twiggy
Bước qua thềm thế kỷ 20, sự ra đời của ngành công nghiệp điện ảnh đã khiến thị hiếu thời trang thay đổi. Bỗng nhiên, hoàng gia không còn định hướng và thay vào đó các ngôi sao màn bạc nhanh chóng làm thế giới say mê. Họ mang đến các xu hướng thời trang “hot” nhất, và đến nay, chúng ta vẫn còn thấy tầm ảnh hưởng của các nữ minh tinh.
Hollywood trở thành kinh đô điện ảnh và thời trang, phong cách của những người nổi tiếng đã trở thành kinh điển. Ai có thể quên đôi môi đỏ hình cánh cung và lông mày rủ xuống của Clara Bow, vẻ ngoài kiêu ngạo của Marlene Dietrich trong thập niên 30, mái tóc vàng kim bồng bềnh của Marilyn Monroe, và dĩ nhiên, chiếc váy đen nhỏ của Audrey Hepburn?
Những năm 60 đã mang đến một nền văn hóa trẻ với nguồn năng lượng hoàn toàn mới cho trên thế giới, nghệ thuật và âm nhạc lan tỏa khắp nơi, chuyển hướng thành nền văn hóa pop. Siêu mẫu đầu tiên, Twiggy đã xác định hình ảnh của một IT girl thời bấy giờ với đôi hàng mi cong dài cùng phong cách mod của cô đã gây ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Thời trang chính thức bước vào thời kỳ khi mà những người mẫu không còn là “cái giá treo đồ” mà có thể cất lên tiếng nói riêng và tác động đến thị hiếu của số đông.
Jackie Kennedy – Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ
Với sự ra đời của TV, hầu hết mọi người có thể dễ dàng nắm bắt các vấn đề chính trị và thế giới xung quanh hơn bao giờ hết. Khi Jackie Kennedy trở thành Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ năm 1961, sự kiện có ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới bởi phong cách đặc trưng của bà được phát trên các đài truyền hình và trên báo chí. Trong nhiều đời chủ Nhà Trắng, Jackie được mệnh danh “Đệ nhất phu nhân thời trang” nhờ sự đóng góp của bà cho nơi đây. Phu nhân cũng nổi tiếng với chiếc mũ hình hộp nhỏ xíu do Halston thiết kế, phụ nữ ở khắp mọi nơi đã sao chép hình dáng chiếc khăn quàng cổ, các bộ trang phục đứng phom của bà. Phong cách của Jackie vượt thời gian và được sao chép hết lần này đến lần khác.
Nữ hoàng nhạc Pop, Madonna
Với sự tiến bộ của công nghệ, máy nghe nhạc Walkman và các video âm nhạc, thập niên 80 đắm mình trong các giai điệu và đặt nền móng cho sự ra đời của nhiều nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Một trong những người có ảnh hưởng lớn trong thời gian này là Nữ hoàng nhạc Pop, Madonna. Thời trang luôn là một yếu tố quan trọng đối với “tắc kè hoa”, người được biết đến với khả năng thay đổi cách liên tục và thổi bùng nhiều xu hướng. Bà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng ứng dụng đồ lót vào trang phục hằng ngày, bên cạnh sự hợp tác mang tính biểu tượng với Jean Paul Gaultier. Phụ nữ trẻ nhanh chóng yêu thích những chiếc áo nịt ngực, dây chuyền thánh giá và găng tay ren. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Madonna mạnh mẽ như thế nào.
Công nương Diana
Phía bên kia Đại Tây Dương, sự gia nhập vào hoàng gia Anh của công nương xứ Wales đã mở ra chương mới cho thời trang của thế kỷ trước. Được nhân dân yêu mến gọi với cái tên “Công nương quốc dân” nhờ những hoạt động thiện nguyện như nghiên cứu thuốc chống AIDS và loại bỏ bom mìn ở Ăng-gô-la. Không như những thành viên khác, Công nương Diana luôn được săn đón như người nổi tiếng và được chụp hình nhiều nhất thời bấy giờ. Là người thích thử nghiệm nhiều phong cách trang phục, những di sản của Công nương vẫn còn được lưu truyền trong thế giới thời trang. Và để vinh danh bà, thiên tài nước Pháp Christian Dior có một dòng túi của Dior mang tên Lady Dior.
Big Six: Naomi Campbell, Kate Moss, Claudia Schiffer, Christy Turlington, Cindy Crawford và Linda Evangelista
Đến giữa thập niên 90, một nhóm người mẫu trẻ họp lại với nhau và tạo ra một điều chưa từng có trước đây. Được biết đến với cái tên Big Six, với Naomi Campbell, Kate Moss, Claudia Schiffer, Christy Turlington, Cindy Crawford và Linda Evangelista. Sáu cô gái đã đặt ra thuật ngữ “siêu mẫu” và tạo nên xu hướng với phong cách cá nhân họ đồng thời tô điểm thêm cho hào nhoáng theo lối “heroin chic” thời bấy giờ. Vẻ ngoài của những IT girl thập niên 90 được tham khảo bởi phong cách của những siêu mẫu huyền thoại này, dù là trên đường băng hay ngoài đường phố.
Nền văn hóa Pop: Paris Hilton, Lindsay Lohan và Britney Spears
Nỗi ám ảnh của các tay săn ảnh với Công nương Diana cũng tạo ra một guồng máy truyền thông mới. Thế kỷ mới là thời kỳ hoàng kim của “báo lá cải”, nơi các tay săn ảnh tìm kiếm những người nổi tiếng một cách điên loạn, nhưng chủ yếu là những khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ. Đèn flash chói chang với cái bấm máy liên tục khi những người nổi tiếng bước ra từ chiếc SUV và lao ra khỏi các hộp đêm ở Hollywood đã trở thành một dấu ấn của thời đại này.
Nền văn hóa paparazzi tạo nên sức ảnh hưởng mới của các influencer. Những người nổi tiếng như Paris Hilton, Lindsay Lohan và Britney Spears dẫn đầu xu hướng thời trang của thời đại với những bức ảnh chụp bởi paparazzi. Từ những bộ đồ thể thao Juicy Couture cho đến những chiếc váy ngắn khoe hông và cả những chiếc điện thoại mỏng dính như dao cạo, tất cả những thứ phô trương nhưng tạo nên xu hướng này in sâu vào nền văn hóa đương đại, được ghi lại như những thước phim tài liệu về cuộc sống của những người nổi tiếng thập niên 2000, thông qua các tờ báo lá cải.
Kết
Khi phương tiện truyền thông xã hội đã tồn tại một thời gian với sự xuất hiện của các nền tảng như Xanga, Facebook và MySpace, năm 2009 Instagram đã được tạo ra và mọi thứ đã thay đổi. Người ta không cần đến paparazzi để có thể biết một người nổi tiếng đang diện gì. Các ngôi sao bây giờ có thể khoe các sản phẩm yêu thích của mùa này ở ngay chính phòng thay đồ của họ. Instagram cho phép người dùng có toàn quyền đăng tải nội dung và chỉ dẫn luôn chỗ mua mặt nạ làm đẹp hay thể hiện gu thẩm mỹ. Các app cũng tham gia vào việc kiểm soát xã hội, từ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh như FaceTune đến các công ty cho phép mua lượt thích và theo dõi.
Khán giả đã không còn vô tình bị ảnh hưởng bởi báo chí nữa. Nhưng bây giờ khi bấm vào một bức ảnh, họ có thể tìm được chính xác những gì được hiển thị trong post. Fashion influencer dần biến bản thân trở thành một thương hiệu, thay vì cứ để báo chí chụp ảnh, họ có thể tự thực hiện và quảng bá chính mình.
Fashion influencer hiện nay rất khác so với những người định hình thị hiếu của thời đại cũ. Họ hoạt động trên mạng xã hội và tác động đến xu hướng bằng cách đăng tải những bài viết, hình ảnh,… Nhờ sự hỗ trợ của hàng ngàn kênh truyền thông xã hội trong tay, cơ hội để trở thành một người có sức ảnh hưởng không còn khó tiếp cận với bất kỳ ai muốn thử sức. Tuy nhiên, tất cả những gì ngày nay chúng ta được thừa hưởng đều phát xuất từ các vương triều châu Âu, ngôi sao màn bạc, siêu mẫu và những nữ thừa kế đầu thập niên 2000.
Biên dịch: Hiếu Lê
Theo crfashionbook
Ảnh Internet