Những điểm đáng chú ý về thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam 2023

Ngày đăng: 23/09/23

Ngày nay, tìm hiểu về sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử là điều cần làm với những người kinh doanh thời trang. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống đang giúp cho người mua có nhiều chọn lựa mua sắm thuận tiện hơn trong thời đại hiện nay.

Từ năm 2023, thương mại điện tử có nhiều biến động đáng kể. Thị trường này nhiều tiềm năng phát triển hơn trước, trong đó quần áo, giày dép, mỹ phẩm thường được mua sắm online nhiều nhất. Sự vươn lên của TikTok Shop ở vị trí thứ 2 chỉ sau Shopee cho thấy giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại đang thành xu hướng. Song song đó, người mua hiện nay cũng thích kết nối trực tiếp với nhãn hàng thông qua mạng xã hội và mong chờ phản hồi trực tiếp, nhanh chóng. Đồng thời, các gian hàng nhỏ không chuyên nghiệp cũng dần dần rút lui khỏi thị trường nhường thị phần cho các gian hàng được đầu tư chỉn chu, bày bản. Cùng Style-Republik tìm hiểu những điểm đáng chú ý về thương mại điện tử thị trường Việt Nam 2023 qua bài viết sau đây.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam giàu tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai gần

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2023 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20%) năm 2022. Dự kiến con số này sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước. Theo thống kê, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%).

Tính riêng trong ba năm qua, doanh thu của ngành thời trang Việt Nam đã tăng 180%. Dự báo trong 5 năm tới, ngành thời trang sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 24%, với doanh thu khoảng 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.

Dự báo giai đoạn từ năm 2022-2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 10% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

TikTok Shop vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Shopee

Với lợi thế giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại, TikTok Shop vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Shopee, đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng và 117 triệu sản phẩm bán ra trong quý II/2023.

Theo đánh giá của các shop thương mại điện tử thì tính giải trí trên TikTok được cho là lý do thúc đẩy các hoạt động khám phá sản phẩm. Thói quen khám phá sản phẩm thông qua truyền miệng kết hợp với tính cộng đồng, giải trí và thương mại đang tạo ra một hành trình liền mạch từ giai đoạn tìm hiểu về sản phẩm cho đến mua hàng.

Việc kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng giúp các thương hiệu kết nối với người dùng, từ đó đẩy mạnh hoạt động tiếp thị sản phẩm. Đầu tư vào content được xem là chìa khoá để phát triển với các thương hiệu thời trang trong giai đoạn tới trên TikTok.

Thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử quý 1 và quý 2/2023. (Nguồn Metric)

Những nhà bán nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp dần rút khỏi thị trường

Cũng theo thống kê của Metric, so với quý II/2022, quý II/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán khi mức giảm đã đạt 18%, tương đương 76.030 nhà bán dừng hoạt động trên sàn. Điều này cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp dần rút khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thực sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Người mua trên các sàn thương mại điện tử thường xem các đánh giá, phản hồi của người mua trước trước khi mua sắm. Điều này buộc các thương hiệu phải gia tăng uy tín thương hiệu qua việc chăm sóc khách hàng và các chính sách mua sắm tích cực. Việc đầu tư cho nội dung, hình ảnh và cả nhân sự để tư vấn khách hàng nhanh chóng là điều cần thiết để các thương hiệu có thể cạnh tranh với các đối thủ hiện nay.

Khách hàng có xu hướng nhắn tin và mong nhận được phản hồi nhanh chóng

Một điểm đáng chú ý, nếu như hoạt động mua sắm của người dùng trên website thương mại điện tử giảm thì kênh mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội và các ứng dụng mua hàng trên di động lại tăng mạnh. Thay vì gọi điện hoặc gửi email, khách hàng có xu hướng nhắn tin và mong nhận được phản hồi nhanh chóng.

Một khảo sát 6.500 người tiêu dùng tại Việt Nam, Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) về kinh doanh hội thoại vừa được Meta kết hợp với Boston Consulting Group thực hiện đã cho thấy rõ những xu hướng này của người dùng và doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Với nhận định, kinh doanh hội thoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, báo cáo cho biết, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng tin nhắn kinh doanh hội thoại cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.

Doanh nghiệp ở các lĩnh vực đang tìm ra nhiều cách để sử dụng tin nhắn kết nối với khách hàng: trả lời yêu cầu cơ bản, tạo khách hàng tiềm năng, tư vấn 1:1, dịch vụ hậu mãi, nhận phản hồi, remarketing và thu thập dữ liệu.

Thực hiện: K. (Tổng hợp)

Theo Người dùng thay đổi hành vi tiếp cận nhãn hàng, mua sắm online

Đạt 16.300 tỷ đồng doanh thu, TikTok Shop đang lấy thị phần của nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam

Quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD vào năm 2025