Những điều cần biết Halston: Con người và di sản, một biểu tượng thời trang
Ngày đăng: 17/09/21
Roy Halston Frowick, được toàn thế giới biết đến với cái tên đơn giản là Halston, một trong những nhà thiết kế người Mỹ có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông là người đã định hình phong cách thập niên 70-80 với những bộ váy thanh lịch mà gợi cảm, trở thành biểu tượng của văn hóa Disco thời bấy giờ.
Sức hấp dẫn của các thiết kế Halston được khuếch đại bởi nhóm người mẫu – những người được gọi là Halstonettes – thường xuyên diện trang phục của ông và theo ông khắp mọi nơi. Họ luôn phủ từ đầu đến chân những thiết kế mới nhất nhằm thể hiện ý đồ của nhà tạo mốt trong việc định hình thời trang cho tất cả phụ nữ thời bấy giờ.
“Chúng ta phải nghĩ đến mọi nhu cầu trong tủ quần áo của người Mỹ, từ những cô gái trẻ có phong cách tân thời tới người phụ nữ dẫn đầu doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là tôi phải đủ trang phục cho cuộc hẹn ăn tối nhẹ hay một dạ tiệc xa hoa, một thứ gì đó thoải mái ở nhà và những bộ quần áo thời thượng phù hợp khi thời tiết thay đổi”.
Theo Patricia Mears, đồng tác giả của “Yves Saint Laurent + Halston: Thời trang thập niên 70”, các Halstonettes “nổi bật không chỉ bởi thân hình cao gầy, khuôn mặt xinh đẹp mà còn là sự đa dạng về sắc tộc của họ.” Nhóm bao gồm một số đông những người mẫu dẫn đầu mang tính cách mạng nhất của thời đại đó như Pat Cleveland, Alva Chinn, Karen Bjornson và Anjelica Huston, cùng nhiều người khác.
Một trong những Halstonettes thân thiết nhất với Halston là nhà thiết kế trang sức quá cố Elsa Peretti, người từng là một trong những nàng thơ và đồng thời là cộng sự của ông. André Leon Talley đã mô tả mối quan hệ của Halston và Peretti là “liên kết trong một vũ trụ của sự sang trọng”. Halston chính là bàn đạp cho sự nghiệp thành công rực rỡ của Peretti, là người đã kết nối Peretti với Tiffany & Co., để rồi những thiết kế của bà đã trở thành di sản, một phần cốt lõi trong bản sắc của thương hiệu này.
Bên cạnh những thiết kế trứ danh, tên tuổi Halston còn gắn liền với lối sống tiệc tùng phóng khoáng. Vào những năm 70-80 ông cùng nhóm bạn bè người mẫu nổi tiếng là các nhân vật thường thấy trong những bữa tiệc xa hoa tại New York, nhất là Studio 54 lừng danh một thời. Ngoài ra, Halston cũng thường xuyên tự tổ chức tiệc tùng tại nhà mình ở phố Upper East Side, góp mặt nhiều nhân vật nổi tiếng như Liza Minnelli, Andy Warhol, Truman Capote và Elsa Peretti.
Lối sống hào nhoáng gắn liền với những bữa tiệc là cảm hứng cho nhiều thiết kế nổi bật của Halston, bao gồm cả chiếc váy hai dây, đã trở thành món đồ ưa thích của nhiều phụ nữ thời đó, kể cả Bianca Jagger, Marlene Dietrich, Lauren Bacall. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Halston mô tả các thiết kế của ông như “chỉnh sửa tâm trạng của hiện thực xảy ra” và khiêm tốn nhận là “một nhà thiết kế chỉ đủ tốt cho những người mà ông phục trang“.
Hồi tưởng về sự nghiệp một năm trước khi ông qua đời vào năm 1990, Halston nói rằng công việc của ông là “một thử nghiệm” và mang tính “cách mạng trong thời đại của nó“.
Ông nói với WWD (Women’s Wear Daily Magazine): “Tôi đã thay đổi từ những bộ quần áo với nhiều cấu trúc sang một cái nhìn giản dị hơn và những phụ nữ sành điệu đã chọn nó. Cho dù đó là len cashmere, jersey hay voan (chiffon), quần áo phải thiết thực, quyến rũ, tiện dụng và tinh tế. Tuy vậy, không phải lúc nào công việc của tôi cũng dễ dàng. Một số nhìn có vẻ đơn giản nhất thực sự lại phức tạp nhất.“
Hơn ba thập kỷ sau khi ông qua đời, Halston vẫn tiếp tục chinh phục cả thế giới và mê hoặc ngành thời trang. Mối quan tâm mới nhất về cuộc sống và sự nghiệp của ông được gợi lại nhờ loạt phim giới hạn Netflix “Halston” do Ryan Murphy sản xuất, trong đó Ewan McGregor đóng vai nhà thiết kế. Với một phiên bản kịch tính, loạt phim đã thể hiện sự nghiệp của Halston thăng hoa rực rỡ như thế nào trong các thập niên 70-80 cũng như cách nó đi chệch hướng bởi những bữa tiệc tùng quá đà, dẫn đến việc ông bị sa thải khỏi công ty thiết kế của chính mình vào giữa những năm 80.
Halston sinh ngày 23 tháng 4 năm 1932 tại Des Moines, Iowa và theo học một thời gian ngắn tại Đại học Indiana trước khi đăng ký học tại Viện Nghệ thuật Chicago. Halston Frowick đã bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một nhà thiết kế mũ thành công. Ông có cửa hàng đầu tiên và bắt đầu kinh doanh bằng tên đệm của mình tại khách sạn Ambassador ở Chicago vào năm 1953.
Năm năm sau, ông tiếp tục hành trình mới ở thành phố New York, là một thợ thiết kế mũ cho Lilly Daché trong một năm rồi chuyển đến làm việc với Bergdorf Goodman. Tại đây, tài năng của Halston ngày càng nở rộ và chinh phục được một nhóm khách hàng nổi tiếng bao gồm Kim Novak, Gloria Swanson và Fran Allison. Sự nghiệp của ông liên tục thành công và thăng hoa vào năm 1961 khi nhận thiết kế riêng chiếc mũ pillbox (mũ có hình dáng hộp đựng thuốc) mà Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đội cho lễ nhậm chức tổng thống của chồng bà – Bước ngoặt lớn này trong sự nghiệp đã đưa tên tuổi của Halston phổ biến rộng rãi với công chúng nước Mỹ.
Khi lượng khách hàng tăng lên, Halston mở rộng sang lĩnh vực may mặc. Halston đã ra mắt bộ sưu tập ready-to-wear – đồ may sẵn đầu tiên của mình tại Bergdorf Goodman với một khởi đầu đầy hứa hẹn cho những bộ trang phục được săn đón nhiều về sau. Trong bài đánh giá của WWD về bộ sưu tập đầu tay, Halston được mô tả là một “Nhà sáng tạo tuyệt vời nhưng vẫn chưa phải là nhà thiết kế thời trang nữ xuất sắc tuy nhiên với kỹ năng trình diễn đã mang lại đã thành công rực rỡ.”
Năm 1970, ông thành lập Halston International cùng với Henry Pollack Inc. cung cấp các mặt hàng dệt kim và phụ kiện với mức giá dễ tiếp cận hơn. Hai năm sau, ông tiếp tục mở Halston Originals – một cơ sở kinh doanh ready-to-wear hoàn chỉnh, và Halston III – một bộ sưu tập áo khoác. Cùng năm đó, Halston mở cửa hàng đầu tiên của ông trên Đại lộ Madison. Cửa hàng thứ hai ở Chicago được khai trương vào năm 1976.
Năm 1973, Halston bán doanh nghiệp của mình cho Norton Simon Inc. với mức giá ước tính từ 11 đến 12 triệu USD. Ông vẫn là giám đốc điều hành và công ty được đổi tên thành Halston Enterprises.
Halston đã tham gia “Trận chiến Versailles” của WWD vào năm 1973 cùng các nhà thiết kế người Mỹ như Bill Blass, Oscar de la Renta, Anne Klein, Stephen Burrows và 5 nhà thiết kế người Pháp – Yves Saint Laurent, Hubert de Givenchy, Pierre Cardin, Emanuel Ungaro, Marc Bohan trong một cuộc trình diễn thời trang nhằm gây quỹ cho việc trùng tu cung điện Versailles.
“Người Mỹ đã đến, họ thiết kế, họ chinh phục” là dòng tiêu đề trên trang nhất của WWD vào ngày 30 tháng 11 năm 1973, sau cuộc trình diễn. “Trận chiến” là nơi trưng bày những bộ đồ thể thao tốt nhất và là một bước tiến vượt bậc về sự đa dạng, tính toàn diện trong thế giới người mẫu khi 10 người mẫu da đen sải bước thể hiện phong cách của các nhà thiết kế Mỹ. Năm 1974, ông đã được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Coty (the Coty Hall of Fame).
Sau nhiều năm thiết kế trang phục cho nữ, năm 1975, Halston đã cho ra đời một bộ sưu tập riêng biệt dành cho nam. Halston là một trong những nhà thiết kế đầu tiên tạo ra dòng sản phẩm unisex, phát triển các bộ sưu tập với các mặt hàng như áo khoác lông thú, áo len argyle và áo khoác da. Halston cũng là người đã phổ biến Ultrasuede (một trong những sản phẩm thay thế da lộn đầu tiên xuất hiện trên thị trường).
Năm 1979, Halston và 27 người trong số các Halstonettes của ông đã có chuyến lưu diễn quốc tế để quảng bá thời trang Mỹ, thăm các thành phố như Paris, Bắc Kinh, Thượng Hải và Tokyo. WWD đưa tin về việc bắt đầu chuyến tham quan khi Halston và các người mẫu đặt chân đến sân bay JFK (John F. Kennedy International Airport)
“Mặc trang phục thể thao được sắp xếp hợp lý – tất cả đều có các sắc thái bổ sung của đỏ, đen, be và trắng ngà, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể đứng cạnh bất kỳ ai khác mà không đụng độ – và kính râm đen bóng, kín đáo không thể xuyên thủng như những chiếc limos, nhìn như từng mảnh, từng mảnh riêng biệt nhưng lại rất hoà hợp, cùng với những khối nâu của hành lý cá nhân, vỉa hè thực chất trở thành sàn diễn được phủ kín.”
Hơn 500 thiết kế đã được đóng gói cho chuyến đi, bao gồm cả trang phục để mặc trên máy bay và cho các hoạt động như chuyến tham quan Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc. Halston nói: “Thứ duy nhất tôi không trang bị là đồ lót của họ và thứ gì đó dùng để ngủ.”
Cũng chính năm này, Halston cho ra đời bộ sưu tập thời trang công sở gồm những bộ quần áo váy với cổ áo bất đối xứng. “Đó là một sự trừu tượng của cổ áo“, Halston nói về thiết kế. “Nó thật sự rất bắt mắt. Khi mà bạn dùng bữa trưa với đối tác trong mọi toạ đàm kinh doanh thì đây sẽ là đẳng cấp trên bàn ăn.”
Đến năm 1983, ước tính rằng Halston Enterprises đã tạo ra doanh thu 150 triệu USD. Ông cũng giành được một số giải thưởng trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm 4 giải thưởng Coty cho nhà thiết kế mũ và quần áo.
Khi sự nghiệp của Halston đang thăng hoa, ông đã từng gặp phải một cú sốc lớn vào năm 1983 khi ký hợp đồng với J.C. Penney Co. Inc. để tạo ra một dòng quần áo giá rẻ hơn. Dòng sản phẩm đầu tiên của sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ mang tính cách mạng và tạo ra doanh thu 1 tỷ USD trong 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, sự liên kết của Halston với một nhà bán lẻ tầm trung đã khiến các nhà bán lẻ cao cấp, đặc biệt nhất là Bergdorf Goodman, bỏ dòng sản phẩm chính của ông khỏi các cửa hàng của họ.
Về sau, do cuộc sống tiệc tùng phóng túng cộng với việc sử dụng ma túy, Halston đã bị Norton Simon sa thải khỏi thương hiệu của chính mình vào năm 1984 và mất quyền thiết kế dưới tên ông. Halston dùng phần đời còn lại để cố gắng giành quyền kiểm soát thương hiệu của mình, nhưng cuối cùng đã không thành công. Ông tiếp tục thiết kế quần áo với công suất nhỏ hơn, cụ thể là may trang phục cho Minnelli và vũ công Martha Graham. Halston qua đời năm 1990 ở tuổi 57 sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư liên quan đến AIDS.
Sau khi Halston qua đời, công ty cùng tên của ông đã nhiều lần đổi chủ sau thương vụ mua lại Norton Simon. Công ty kết thúc dưới sự điều hành của Revlon Inc. vào năm 1990, ngừng sản xuất dòng quần áo của Halston, nhưng vẫn tiếp tục phát hành nước hoa. Công ty của Halston sau đó được Tropic Tex mua lại vào năm 1996, trở lại thiết kế trang phục một lần nữa với Randolph Duke. Năm 1998, nó được bán cho công ty đầu tư Catterton Group, và mời nhà thiết kế Kevan Hall phát triển cho thương hiệu. Công ty tiếp tục được bán lại vào năm sau đó cho Neema Clothing với nhà tạo mốt Bradley Bayou chịu trách nhiệm sáng tạo từ năm 2002 đến 2005.
Năm 2007, cựu nhà sản xuất phim bị thất sủng Harvey Weinstein đã hợp tác với người đồng sáng lập Jimmy Choo, Tamara Mellon và nhà tạo mẫu Rachel Zoe trong nỗ lực hồi sinh thương hiệu Halston trở lại ánh hào quang trước đây. Với đối tác tài chính Hilco Consumer Capital, Weinstein đã đầu tư 25 triệu USD. Nỗ lực này đã vấp phải một khởi đầu khó khăn, khi các đối tác chưa thể thống nhất việc chọn ra nhà thiết kế chính để điều hành thương hiệu Halston mới, cả Giambattista Valli và Marco Zanini đều được xem xét cho vai trò này. Danh hiệu cuối cùng đã thuộc về Zanini, người đã đến với Halston sau khi làm việc dưới thời Donatella Versace.
Bộ sưu tập đầu tay của Zanini trình diễn vào mùa thu năm 2008 với đầy đủ trang phục ready-to-wear cùng phụ kiện các loại giày dép và túi xách. Hai trong số các mẫu thiết kế của bộ sưu tập mới ra mắt cũng được chuẩn bị sẵn sàng để người tiêu dùng có thể mua qua Net-a-porter (kênh bán lẻ trực tuyến). Tuy nhiên, phản hồi từ khách hàng cho thấy thương hiệu Halston mới không tạo được ảnh hưởng và Zanini đã rời đi một năm sau khi gia nhập công ty.
Marios Schwab sau đó được chọn là nhà thiết kế Halston tiếp theo và đã tung ra một dòng sản phẩm thứ cấp với giá cả phải chăng, được gọi là Halston Heritage, dựa trên nguyên tác các thiết kế của Halston.
Năm 2009 nữ diễn viên Sarah Jessica Parker đã tham gia vào thương hiệu khi diện thiết kế của Halston Heritage để quay phim “Sex and the City 2”. Cô được bổ nhiệm làm chủ tịch và là giám đốc sáng tạo cho thương hiệu này vào năm 2010, nhưng giống như nhiều nhà thiết kế Halston khác, nhiệm kỳ của cô cũng không kéo dài. Một năm sau, Parker rời công ty. Sau khi phát hành duy nhất một bộ sưu tập với đánh giá khắt khe từ giới phê bình của Schwab và sự ra đi của Parker, Weinstein rút lui khỏi công ty. Schwab cũng rời Halston trong năm 2011.
Cùng năm đó, Hilco Consumer Capital đã mời cựu chủ tịch BCBG Max Azria Group Ben Malka gia nhập Halston với tư cách là giám đốc điều hành và chủ tịch. Sau đó, công ty tập trung hoàn toàn vào dòng Halston Heritage.
Xcel Brands Inc. đã mua lại các dòng H Halston và H by Halston vào năm 2014, và đưa sản phẩm vào QVC (dịch vụ mua sắm trực tuyến) cùng với phân phối trực tiếp ở các cửa hàng bán lẻ, và tiến đến mua lại các thương hiệu Halston và Halston Heritage vào năm 2019. Năm ngoái, nhà thiết kế Robert Rodriquez với tư cách là giám đốc sáng tạo mới của Halston tung ra thị trường những bộ đồ thể thao gợi nhớ đến thương hiệu ban đầu của nhà thiết kế thời trang quá cố.
Ngay cả khi thương hiệu của Halston nhiều lần đổi chủ và gặp khó khăn, niềm đam mê của nhà thiết kế và cuộc sống của ông ấy vẫn chưa bao giờ ngưng truyền cảm hứng. Loạt phim Netflix “Halston” là minh chứng gần nhất. Ông ấy còn là chủ đề của bộ phim tài liệu CNN Films “Halston” phát hành năm 2019 và bộ phim tài liệu năm 2010 “Ultrasuede: In Search of Halston”.
Thực hiện: C.
Theo WWD