Những điều thú vị về lịch sử phát triển của thời trang trẻ em
Ngày đăng: 27/05/18
Đối với xã hội đương thời, thật kì lạ khi cho các bé trai mặc váy, tuy nhiên trong quá khứ, trước khi vào thế kỉ 20, trang phục của trẻ em hầu như không có phân biệt về giới tính. Thời trang trẻ em được cho là bắt đầu hình thành vào thế kỉ 17, 18 khi thiếu niên cùng với nam giới Châu Âu bắt đầu mặc loại trang phục gọi là breeches, một loại quần ống rộng mặc khi cưỡi ngựa.
Vào đầu thế kỉ 18, trẻ sơ sinh thường hay được mặc loại đầm gọi là “slips” được may bằng vải linen hay cotton che phủ toàn thân kéo dài đến ngón chân. Khi trẻ bắt đầu biết bò và biết đi, chiếc váy của chúng ngắn lại, gọi là petticoats, với phần nhún được may từ thắt lưng hay dưới ngực trở đi. Những đứa bé trai cũng mặc petticoat cho đến khi chúng lên 7 tuổi, khi đó chúng có thể mặc quần breeches theo kiểu như người lớn nhưng được may với phiên bản trẻ con kết hợp cùng áo và vest. Độ tuổi mặc breeched của trẻ tùy theo phụ huynh quyết định, đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của một chàng trai.
Đầm trẻ em ra đời như thế nào?
Năm 1760, đầm “frocks” ra đời, như một phiên bản dài đầm ngủ dài mắc cá chân, thay thế cho “petticoats”. Cho đến những năm 1770, những bé trai vẫn mặc petticoats từ ấu thơ. Khi được 10 tuổi chúng chuyển sang mặc breeched phối với những chiếc áo sơ mi hay áo hở cổ hoặc cổ nơ ruffled. Song song đó, các bé gái tiếp tục mặc váy frock-style với nhiều kiểu thân váy và chân váy khác nhau, cho đến khi đủ lớn để mặc trang phục của nữ giới.
Trang phục trẻ em cũng bị ảnh hưởng từ sự thay đổi của trang phục nữ giới như váy vải muslin chemise của những năm 1780 và 1790. Tuy nhiên chúng không cầu kì như trang phục nữ giới thời bấy giờ. Bắt đầu năm 1770, có sự chuyển đổi chất liệu từ vải dệt thổ cẩm thành các loại chất liệu mềm mại hơn như lụa và cotton. Trẻ em mặc những chiếc váy cotton trắng, phần eo váy may cao với thắt lưng. Đến năm 1800, trang phục này trở nên phổ biến với phái nữ và trẻ em.
Những bộ đồ liền cho bé trai
Năm 1780, một loại trang phục dành cho các bé trai ở độ tuổi ba đến bảy được hình thành, gọi là “skeleton suits” bởi vì chúng ôm sát cơ thể. Trang phục gồm có jacket ngắn phủ bên ngoài sơ mi với nơ áo thật to, cùng quần có độ dài đến mắc cá. Quần, đến từ tầng lớp bình dân và trang phục quân ngũ, tuy hình thành từ trang phục dành cho người lớn, nhưng chúng khác biệt so với kiểu quần chỉ dài đến gối dành cho thanh niên và đàn ông.
Vào những năm 1800, ngay khi những chiếc quần trousers đã thay thế cho breeches như một chọn lựa mang tính thời trang, những bộ đồ liền như “skeleton suits” vẫn dành cho bé trai. Trang phục cho trẻ, nhất là bé trai, trở nên đa dạng hơn tùy vào độ tuổi, trẻ sơ sinh mặc slips, đến thời kì biết đi thì mặc toddlers, sau đó đến skeleton suits, và lớn chút nữa là áo sơ mi có cổ cho đến thời kì vị thành niên.
Đồ trẻ em thế kỉ 19 có gì thú vị?
Vào thế kỉ 19, trang phục trẻ sơ sinh tiếp nối của thế kỉ trước. “Layettes” ra đời với váy dài và số lớn undershirts, mũ đội, khăn ăn, đầm ngủ, với áo khoác bên ngoài. Những trang phục này được làm bởi mẹ của bé hoặc thợ may.
Đến cuối thế kỉ 18, hàng may sẵn cũng đã dần có mặt trên thị trường. Trang phục trẻ em khi ấy thường được làm bằng cotton trắng để dễ giặt tẩy, phong cách thường thấy là yếm, áo kiểu hay áo váy. Người ta bắt đầu trang trí chúng với hình thêu hay ren, ngày nay những trang phục này lại thường dành cho những dịp quan trọng. Tuy nhiên, thời bấy giờ, chúng chỉ là trang phục phổ biến. Khi trẻ được 4 đến 8 tháng tuổi, thì trang phục ngắn hơn để chúng dễ cử động. Vào giữa thế kỉ, những họa tiết in bắt đầu phổ biến trên trang phục của trẻ.
Vào những năm 1800, bé trai vẫn mặc skeleton suits cho đến tuổi lên ba, mặc thêm trang phục ngoài đến sáu bảy tuổi. Tunic suit với chiều dài đến gối dần dần thay thế cho skeleton suits vào cuối những năm 1820 và tiếp tục đến những năm 1860. Lúc đầu giờ, breeched vẫn dành cho các bé dưới độ tuổi lên 10 với jackets vạt dài, thi thoảng cách điệu đuôi tôm.
Năm 1860 – 1880, bé trai 4 đến 7 tuổi mặc trang phục nhẹ nhàng hơn các bé gái, với màu sắc thanh nhã và kiểu dáng giản đơn như vest. Năm 1860 quần cụt (knickerbockers) được ra mắt và trở thành trang phục phổ biến với các bé trai độ tuổi 3 đến 6, đi cùng với jackets bên ngoài áo cổ sen viền nơ, thắt lưng tunics hay áo khoác thủy thủ. Các bé lớn hơn cũng mặc tương tự vậy với áo len hay áo sơ mi cổ đứng kèm nơ bướm.
Từ những năm 1870 đến 1940, điểm khác biệt lớn nhất giữa trang phục nam giới và bé trai ở độ tuổi đến trường là nam giới mặc quần dài và những bé trai quần đùi. Cho đến cuối những năm 1890, breeches không còn dành cho độ tuổi tiểu học nữa mà chỉ dành cho các bé ở tầm ba tuổi, sự kiện chuyển đổi từ quần ngắn sang quần dài thay thế cho giai đoạn “breeching” trong thế kỉ trước, trở thành một dấu mốc quan trọng dánh dấu thời kì trưởng thành của thiếu niên.
Không như các bé trai, trang phục dành cho bé gái không có nhiều biến đổi lớn, chỉ khác biệt đôi chút với những chi tiết trang trí nhỏ thay đổi theo độ tuổi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa trang phục nữ giới với bé gái là độ dài, các bé sẽ mặc đầm dài hơn khi đến tuổi vị thành niên.
Những đặc trưng thời kì Victorian
Từ những năm 1830 cho đến giữa những năm 1860, khi mà phụ nữ mặc phần áo bó eo với chân váy, đa số trang phục bé trai với bé gái đều tương tự như thời trang nữ. Trang phục trẻ em thời kì này có những điểm đặc trưng, cổ rộng, vai rộng, với tay áo ngắn hoặc phồng, có dây thắt lưng, chiều dài đến đầu gối. Kiểu váy này thường được may với vải cotton có in họa tiết hay vải lanh. Các bé gái thường mặc thế này cho đến khi chúng có thể mặc được trang phục nữ giới ở tuổi vị thành niên.
Đa phần bé trai và gái mặc quần cotton có chiều dài đến mắc cá, gọi là pataloons hay pantalets bên dưới váy. Vào những năm 1820, khi pantalets được giới thiệu lần đầu đã gây tranh cãi về “giới tính” của trang phục. Sau đó chúng dần dần trở thành trang phục lót của các bé gái. Với bé trai, mặc dù chúng cũng có thể mặc pantalets bên trong, nhưng so với ý nghĩa của breeched trong quá khứ, chúng không thể so sánh được.
Vào giữa thế kỉ 19, trang phục dành cho bé gái ở độ tuổi từ 10 trở lên bắt đầu có nhiều chuyển biến, thời trang và hiện đại hơn. Vào những năm 1860, thời trang bắt đầu nhộn nhịp với nhiều phong cách. Trẻ em đôi khi được mặc những trang phục như nữ giới với những chiếc đầm công chúa.
Vào những năm 1870 đến 1880, váy đầm cho bé gái từ 9 đến 14 tuổi với phần thân ôm chít eo cùng chân váy không khác kiểu dáng nữ giới, chỉ khác có độ dài. Đến năm 1890, trang phục tailored với váy xếp ly và áo thủy thủ hay váy đầm với phần thân kiểu yếm giúp cho nữ sinh trở nên năng động hơn.
Các khái niệm mới về nuôi dạy trẻ em phát triển song song với các loại trang phục dành cho trẻ vào cuối thế kỉ 19. Một loại trang phục mới dành cho trẻ sơ sinh được gọi là “crepping aprons” được ra đời vào những năm 1980, dùng để che phủ bên ngoài đầm ngắn của trẻ. Sau đó, “crepping aprons” dần dần được mặc cho các bé trai lẫn gái mà không đi kèm với đầm nữa. Đây có thể xem là món đồ “unisex” đầu tiên dành cho trẻ mà không vấp phải bất kì ý kiến phản đối nào.
Những năm 1910, trang phục trẻ nhỏ đã chuyển thành trang phục ngắn, mặc dù vậy những chiếc váy ngắn màu trắng dành cho trẻ dần lùi vào quá khứ. Đến năm 1920, trẻ sơ sinh mặc quần ngắn, váy màu trắng chỉ dành cho trẻ mới sinh đến sáu tháng tuổi mặc trong lễ rửa tội. Trẻ em tiếp tục mặc váy ngắn cho đến năm 1950, tuy vậy đa phần các bé trai chỉ mặc trong vài tuần đầu từ khi chào đời.
Bắt đầu phân chia giới tính trang phục
Những chiếc đầm dần dần được thay thế bởi “rompers” vào thế kỉ 20. Chiếc rompers đầu tiên được làm ra với màu sắc và hoạt tiết sọc gingham checks. Năm 1920, họa tiết hoa và động vật bắt đầu xuất hiện trên trang phục trẻ nhỏ. Đầu tiên là ở trên những thiết kế không phân biệt giới tính (unisex) như rompers, nhưng dần dần có sự phân chia, ví dụ như trống dành cho bé trai, gà hay hoa cỏ dành cho bé gái. Các họa tiết chia cách giới tính dần xuất hiện nhiều hơn, khiến cho trang phục cũng phân chia thành “thời trang bé trai” và “thời trang bé gái”.
Màu sắc dần được sử dụng để phân chia trang phục bé trai – bé gái vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, ví dụ quen thuộc là màu xanh cho bé trai và hồng cho bé gái. Mất nhiều năm để mã màu sắc dần dần trở nên phổ biến. Hồng và xanh bắt đầu phân định giới tính những năm 1910, thật ra trong ấn phẩm Children’s Wear Review từng viết “người ta chấp nhận quy luật rằng màu hồng cho bé giai và màu xanh cho bé gái”.
Năm 1939, tạp chí Parents Magazine đưa ra tuyên bố bởi vì màu hồng thuộc sắc đỏ, màu sắc của thần chiến tranh Mars, nên nó dành cho bé trai, trong khi đó xanh là màu sắc của chòm sao Venus nên sinh ra dành cho bé gái. Điều này kéo dài đến sau Chiến tranh thế giới II, các ý kiến thay đổi, màu hồng danh cho bé gái và xanh dành cho bé trai, quan điểm này tiếp diễn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ngày nay đa phần các bé trai mặc màu xanh, trong khi đó bé gái có thể mặc cả xanh lẫn hồng.
Thế kỉ 20 với những đổi thay, sức mạnh nền văn hóa thanh thiếu niên
Từ năm 1940, bé gái ở độ tuổi nào cũng có mặc quần như trang phục ở nhà hay trang phục ở nơi công cộng, tuy nhiên vẫn phải mặc váy hoặc đầm khi đến trường, nhà thờ, tiệc tùng và cả khi mua sắm. Đến năm 1970, bé trai và bé gái có sự phân biệt trang phục như bé trai mặc quần, bé gái mặc váy đến trường. Ngày nay, bé gái có thể mặc quần ở mọi tình huống trong xã hội. Có rất nhiều kiểu dáng quần, như là quần jeans, không phân định thiết kế và đường cắt, nhưng phần lớn điều khác biệt với bé trai ở khâu trang trí và màu sắc.
Trước thể kỉ 20 hầu hết trẻ em đều mặc những gì cha mẹ trang bị, không có sự chọn lựa khác đi việc mặc theo cha mẹ. Tuy nhiên, từ đầu thế kỉ 20, trẻ em thường thể hiện sự nổi loạn ở độ tuổi thành niên qua ngoại hình và trang phục, thường là khác biệt rõ nét với người lớn. Thời kì của nhạc jazz những năm 1920 lần đầu tiên hình thành nên nền văn hóa thanh thiếu niên (youth culture) với những điểm độc đáo. Ví như tất trắng đi với giày của những năm 1940 hay váy poodle thịnh hành vào những năm 1950, tuy nhiên về cơ bản chúng không ảnh hưởng đến nhiều dòng chảy của trang phục thời bấy giờ.
Cho đến năm 1960, phong cách ăn mặc của thanh thiếu niên, với những xu hướng váy ngắn, áo sơ mi nam nhiều màu sắc, quần jean và áo phông “hippie” dần dần phát triển và trở thành một dòng chính trong ngành công nghiệp thời trang. Kể từ đó cho đến ngày nay, văn hóa thanh thiếu niên tiếp tục ảnh hưởng và tác động đến ngành công nghiệp thời trang và làm mờ đi lằn ranh giữa quần áo trẻ em và người lớn.
Lược dịch: Koi
Theo fashion-history.lovetoknow
Ảnh: google image, ảnh bìa Gucci Kid SS18