Những nhà thiết kế “upcycling” mang đến sức sống mới cho thời trang bền vững
Ngày đăng: 01/11/22
Quần áo bền vững và được tái chế ngày càng trở nên thiết yếu hơn khi ngày càng có nhiều nghi vấn về ảnh hưởng của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường. Một trong những phản hồi về vấn đề này là sự bùng nổ thời trang upcycling: biến đổi các sản phẩm phụ, vật liệu phế thải, các sản phẩm vô dụng hoặc không mong muốn thành những thứ mới có chất lượng cao hơn nhờ tính nghệ thuật và mang giá trị tích cực.
Upcycling được định nghĩa là một giải pháp tái chế thú vị, đặt sự sáng tạo vào những sản phẩm thời trang bị xem là lỗi thời. Bằng cách sử dụng những chi tiết, vải vóc thừa của một bộ trang phục để tạo nên những thiết kế hoàn toàn mới, xu hướng này đã nhận được không ít sự chú ý của những người yêu thời trang, và làm trong ngành thời trang.
Lược sử hình thành của “upcycling”
Ngược dòng lịch sử, upcycling lần đầu tiên được sử dụng tại Anh trong bối cảnh nước Anh đang khan hiếm nguyên liệu may mặc cho quân phục của binh lính. Tuy đã xuất hiện từ năm 1941 nhưng đến năm 1994, thuật ngữ upcycling mới chính thức được đặt tên bởi kỹ sư người Đức Reiner Pliz. Vì cho rằng thuật ngữ recycling (tái chế) đang làm giảm giá trị của những bộ trang phục đã được “tân trang” lại, cũng như thành quả sáng tạo của những thợ may, Reiner Pliz đã thay đổi tên gọi cho phương pháp tái chế sáng tạo này thành upcycling (nâng cấp).
Chia sẻ trong quyển sách Textiles and Clothing Sustainability Journal: Recycled and Upcycled Textiles and Fashion, tác giả Vadicherla cùng các cộng sự đã nhận định: “Upcycling cho phép chúng ta sáng tạo một điều gì đó mới mẻ với chất lượng tốt hơn, từ những mặt hàng cũ hoặc đã qua sử dụng.” Upcycling là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều kỹ năng: nhận thức về môi trường, khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới, và trên hết là thái độ làm việc chăm chỉ. Dựa trên những quan điểm này, những bộ sưu tập upcycling sau cùng được đánh giá là có tư duy thiết kế mới lạ, mang yếu tố bền vững.
Trong khi nhiều thương hiệu lớn đang áp dụng triết lý này vào các bộ sưu tập của họ, có những nhà thiết kế độc lập đã “tiến công” địa hạt thời trang bằng cách kết hợp upcycling vào DNA của họ. Cùng tìm hiểu với Style-Republik qua bài viết sau đây!
Peterson Stoop
Được thành lập bởi Jelske Peterson và Jarah Stoop, studio thủ công này đang đi tiên phong trong cách tiếp cận bền vững đối với sản xuất và thiết kế giày dép. Xuất thân từ nghề sửa giày và thuộc da, bộ đôi nhà thiết kế không hài lòng với thực trạng là giày sneakers thường bị vứt bỏ hoặc thay thế thay vì sửa chữa. Vì vậy, họ đã phát triển Peterson Stoop nhằm giải quyết vấn đề rác thải trong ngành giày dép.
Chỉ bằng các vật liệu tự nhiên bao gồm nút chai và da, những đôi sneakers cổ điển được cải tiến, phục dựng lại thành những đôi giày hoàn toàn mới, có phom dáng siêu nhẹ đầy tinh tế tự nhiên. Giày Nike Silver Bullets, Off-White Blazer cổ điển hay giày Jordans được sửa lại bằng da thuộc với phần đế chất lượng cao, để từ đó chúng tiếp tục được sử dụng trong đời sống. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở việc giải quyết, Peterson Stoop cũng đang thử nghiệm phương pháp mới bằng cách sử dụng những đôi giày cũ làm chất liệu kết hợp với kỹ thuật chắp vá để tạo ra những kiểu dáng của riêng mình.
NTK Thế Huy – Hải Long
NTK Huỳnh Hải Long tốt nghiệp khoa Kịch nói Đại học Sân khấu & Điện ảnh, anh từng đạt giải quán quân cuộc thi Việt Nam Collection Grandprix 2009 và giải phụ New Color. Cùng đồng hành với NTK Hải Long trong hơn 12 năm tạo dựng thương hiệu Hulos là NTK Đặng Thế Huy – người thầy và cộng sự của anh. Bộ đôi hai NTK được đánh giá cao về khả năng chuyên môn và sáng tạo nghệ thuật. Thương hiệu Hulos từng góp mặt ở Lễ hội thời trang của những nhà thiết kế Châu Á (China Fashion Designers Creation Contest 2011) tại Thượng Hải hay Tokyo Fashion Show tại Nhật Bản, Canada fashion week…
Bộ đôi NTK Huỳnh Hải Long và NTK Đặng Thế Huy vừa qua cũng đã mang bộ sưu tập Hồi sinh trình diễn tại khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York (New York Fashion Week). Đây là bộ sưu tập với chất liệu tái chế, vận dụng các kỹ thuật thêu đính thủ công để hoạ tiết hoa sen, rồng phụng, kiến trúc cổ trên trang phục.
Joshua Samuels
Joshua Samuels là một nhà thiết kế mới nổi có thương hiệu cùng tên bắt nguồn sâu sắc từ triết lý bền vững. Ý thức được những tác động mà ngành công nghiệp của mình gây ra đối với môi trường, Samuels đã dành hết tâm huyết cho quá trình nâng cấp sản phẩm, với 100% sản phẩm của anh được chế tác từ các sản phẩm phụ, chất thải và các vật liệu thừa. Giá trị cốt lõi mà thương hiệu của Peter Simmonds tạo dựng là niềm tin rằng tất cả mọi người sẽ đều có thể mua được một tủ quần áo bền vững.
Với tiêu chí “Tất cả các mặt hàng chúng tôi thiết kế, sản xuất và bán ra 100% đều upcycling”, thương hiệu với quy trình thiết kế mang tính tối giản (họ cũng không ngừng chia sẻ quá trình làm đồ của mình trên kênh Instagram) đồng thời tập trung vào việc làm mới các loại trang phục đã qua sử dụng. Họ cũng nhấn mạnh đến việc mong muốn tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với mức giá phải chăng mà không ảnh hưởng đến các đặc tính bền vững.
Những bông hoa được cắt thô rải rác trên trang phục của Joshua Samuels đã trở thành một họa tiết ấn tượng của thương hiệu, cùng với hình đầu lâu xương chéo được thêm vào áo khoác và áo hoodie. Bộ sưu tập patchwork dệt kim gần đây có lẽ là tác phẩm tinh tế nhất của anh từ trước đến nay, củng cố vị trí của anh như một trong những nhà thiết kế thú vị đang phát triển theo định hướng upcycling đầy sôi động.
Thực hiện: Bảo Long, Koi