Những sai lầm về tài chính thường gặp của các thương hiệu thời trang nội địa khi mới bắt đầu kinh doanh
Ngày đăng: 13/02/24
Thành công của các doanh nghiệp thời trang nội địa không chỉ dựa trên việc thiết kế và sản xuất hàng hóa mà còn phụ thuộc vào việc quản lý tài chính hiệu quả.
Với sự gia tăng không ngừng của những thương hiệu thời trang quy mô vừa và nhỏ trong vài năm trở lại đây, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên gay gắt. Tuy nhiên, sai lầm về kế hoạch tài chính khi mới bắt đầu kinh doanh là điều mà nhiều doanh nghiệp gặp phải, nhất là với những thương hiệu nhỏ được thành lập bởi những nhà thiết kế trẻ – những người thiên về mặt sáng tạo trong thiết kế hơn là nắm bắt cách thức vận hành doanh nghiệp.
Trong bài viết này, cùng Style-Republik phân tích những sai lầm tài chính phổ biến và cách khắc phục những sai lầm ấy để thương hiệu thời trang nội địa có thể đi đến thành công.
Thiếu một kế hoạch tài chính rõ ràng
Các thương hiệu thời trang nội địa thường xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo và đam mê về thiết kế. Ngày nay, nhiều nhà thiết kế trẻ được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng về thiết kế thời trang. Họ sở hữu những ý tưởng sáng tạo mới mẻ và độc đáo, nhưng khi xây dựng một thương hiệu thời trang lại thiếu kế hoạch tài chính chi tiết. Điều này dẫn đến việc không đánh giá được chi phí tài chính, thu chi, lợi nhuận và quỹ đầu tư. Các thương hiệu thiếu kế hoạch tài chính cụ thể có thể tạm biệt thị trường chỉ sau một hoặc hai bộ sưu tập đầu tiên.
Cách khắc phục: Cần lên kế hoạch tài chính cụ thể, bao gồm dự tính về vốn đầu tư, chi phí sản xuất, lương, thuế và các khoản lãi, lỗ dự kiến. Ngoài ra, cần xác định một nguồn tài chính dự phòng để đối mặt với những khó khăn không mong muốn.
Không dùng công nghệ tài chính hiện đại
Các thương hiệu thời trang nội địa thường không quan tâm đến việc sử dụng công nghệ tài chính hiện đại để quản lý, theo dõi và phân tích các chỉ số tài chính. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá và điều chỉnh quy trình kinh doanh.
Cách khắc phục: Cần sử dụng phần mềm quản lý tài chính, tài khoản và công nghệ thông tin để tạo ra các báo cáo tài chính, như báo cáo lãi và lỗ, báo cáo cân đối kế toán và báo cáo dòng tiền. Các công nghệ này giúp tăng cường quản lý tài chính và cung cấp thông tin cần thiết để ra quyết định kinh doanh chính xác.
Không có chiến lược tiếp thị và quảng bá
Các thương hiệu thời trang nội địa thường quan tâm chủ yếu đến thời trang và thiết kế, bỏ qua việc đầu tư vào hoạt động tiếp thị và quảng bá. Điều này dẫn đến việc không thể tiếp cận được khách hàng tiềm năng và bị mất cơ hội kinh doanh. Một số thương hiệu khác tập trung tài chính quá nhiều cho chi phí sản xuất bộ sưu tập, nhưng không đầu tư vào campaign, lookbook và cách thức tiếp thị để chuyển tải thông điệp, tinh thần của bộ sưu tập. Điều này khiến cho thương hiệu trở nên mờ nhạt trên thị trường đầy tính cạnh tranh.
Cách khắc phục: Cần lên kế hoạch tiếp thị và quảng bá sản phẩm của mình. Có nhiều cách thức để marketing, từ digital cho đến trên các tạp chí thời trang uy tín. Việc tạo dựng mối quan hệ với khách hàng và xây dựng cộng đồng cũng rất quan trọng. Đầu tư vào tiếp thị giúp thương hiệu được nhìn thấy và nhận biết bởi khách hàng tiềm năng. Với các thương hiệu thời trang phát triển sản phẩm cao cấp, thì vận dụng marketing đa kênh rất quan trọng thay vì chỉ đầu tư vào một hai kênh mạng xã hội như nhiều thương hiệu nội địa đang làm.
Thiếu phân tích thị trường và cạnh tranh
Các thương hiệu thời trang nội địa thường không nắm bắt được xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh, dẫn đến việc không thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Cách khắc phục: Nên đầu tư vào nghiên cứu và phân tích thị trường trước khi ra mắt bộ sưu tập cho mùa mới. Tìm hiểu chi tiết về chân dung khách hàng tiềm năng, xu hướng thị trường và sản phẩm cạnh tranh. Điều này giúp thương hiệu nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp.
Lạm dụng giảm giá và khuyến mãi
Các thương hiệu thời trang nội địa thường dễ dùng các chiến lược giảm giá và khuyến mãi để thu hút khách hàng, nhưng không xem xét được ảnh hưởng dài hạn đến lợi nhuận và hình ảnh của thương hiệu. Việc giảm giá thường xuyên cũng khiến cho niềm khao khát về thương hiệu suy giảm, thậm chí các khách hàng còn chờ đợi “sale-off” để mua biết rằng đằng nào thương hiệu cũng giảm giá.
Cách khắc phục: Nên lên kế hoạch quảng cáo một cách hợp lý, sử dụng giảm giá và khuyến mãi vào những thời điểm cần thiết, như dịp đặc biệt hoặc để thu hút khách hàng mới. Đồng thời, cần đánh giá và theo dõi kết quả của các chiến dịch giảm giá để đảm bảo rằng chúng không gây thiệt hại cho lợi nhuận và hình ảnh của thương hiệu.
Thực hiện: K.
Đọc thêm:
Kinh doanh thời trang: 4 điều cần lưu ý khi tạo chương trình ưu đãi giảm giá
Vì sao khách hàng từ “hễ thấy sale là mua” dần dần chuyển sang “đợi sale hãy mua”?