Kinh doanh thời trang: Nền tảng giúp bạn gây dựng một thương hiệu thời trang vững chắc
Ngày đăng: 12/06/23
Quá trình khởi nghiệp kinh doanh thời trang chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn có ý tưởng sản phẩm tuyệt vời trong đầu và nghĩ rằng đây chắc chắn sẽ khiến tất cả mọi người phải “wow”. Sự hứng khởi và nhiệt huyết trong người khiến bạn nhanh chóng phải hành động.
Điều đầu tiên bạn nghĩ mình chắc chắn phải chụp ngay một bộ ảnh thật cuốn hút, độc đáo và lập tài khoản online để bắt đầu kinh doanh. Thế nhưng để thật sự vận hành một doanh nghiệp thời trang dù lớn hay nhỏ, bạn cần chuẩn bị rất nhiều thứ không chỉ riêng việc tạo lookbook hoàn hảo. Với bài viết này, Style-Republik sẽ tóm tắt những bước đi nền tảng sẽ giúp bạn gây dựng một thương hiệu thời trang vững chắc ngay từ đầu.
Xác định mô hình kinh doanh
Thị trường thời trang rất đa dạng, gồm nhiều phân khúc khác nhau và đặc điểm của khách hàng của những phân khúc này có sự khác biệt đáng kể. Vì thế bạn cần xác định mô hình và phân khúc của thương hiệu mình như thế nào.
Style-Republik gợi ý bạn các mô hình kinh doanh thời trang sau:
- Thời trang thiết kế
- Bán lẻ & Phân phối độc quyền
- Thời trang nhanh
- Thương mại điện tử
- Thời trang cao cấp (Haute Couture)
- May đo Bespoke/Custom/Made-to-measure
- Sản xuất gia công
- Nhập khẩu & Bán sỉ
- Mặt hàng thời trang cũ/đã qua sử dụng
- Thời trang cho thuê
Để tìm hiểu chi tiết, tham khảo bài viết Các mô hình kinh doanh thời trang phổ biến cần biết trước khi bắt đầu kinh doanh thời trang.
Khi bạn đã quyết định mô hình kinh doanh thời trang của mình, cân nhắc đến việc xâm nhập vào thị trường ngách (niche market). Đó có thể là sản phẩm quần áo thể thao, công sở, Y2K, phong cách sexy hay tối giản,… Sự lựa chọn nằm ở bạn.
Bạn sẽ thành công hơn nếu chuyên môn hoá một phong cách, đặc trưng mà bạn quen thuộc và yêu thích. Từ đó, không chỉ giúp ích trong việc xây dựng USP (Unique selling point – Điểm bán hàng độc nhất) và câu chuyện của thương hiệu mà còn tạo động lực cho bạn tiếp tục trong công việc kinh doanh. Sau cùng, đam mê với thời trang là điều kiện tiên quyết để vận hành một thương hiệu thời trang.
Nghiên cứu thị trường
Nghe có vẻ buồn chán với những số liệu và báo cáo nhưng đừng bỏ quên yếu tố quan trọng này trước khi kinh doanh: tình hình kinh tế và hành vi người tiêu dùng của ngành thời trang. Từ đó, bạn sẽ hiểu điều thị trường đang cần là gì và sản phẩm của bạn sẽ đáp ứng cho nhu cầu đó ra sao.
Tình hình kinh tế sẽ phản ánh xu hướng tiêu dùng của khách hàng cũng như ảnh hưởng đến quá trình nhập hàng hoá và sản xuất của thương hiệu. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện nay chúng ta dễ dàng thấy người tiêu dùng dần thắt chặt hầu bao, lựa chọn những sản phẩm mang tính chất bền lâu, có thể sử dụng cho nhiều dịp khác nhau. Không dừng lại ở đó, với sự lên ngôi của công nghệ còn làm thay đổi hành vi người tiêu dùng. Xu hướng mua sắm online từ sàn thương mại điện tử (e-commerce) và thương mại điện tử (social commerce) đang phát triển mạnh mẽ. Điển hình chính là sự phát triển của Shoppertainment (Mua sắm kết hợp giải trí) tại Việt Nam mà đơn vị tiên phong đầu tiên chính là Tiktok Shop.
Có thể thấy, những sự thay đổi liên tục môi trường vĩ mô đòi hỏi bạn luôn phải cập nhật những diễn biến mới nhất vì ít nhiều những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh của mình.
Để tìm hiểu thông tin về thị trường và người tiêu dùng bạn có thể tìm đến Báo cáo tiêu dùng hằng quý của Kantar, Decision Lab, Google Trends, Brands Vietnam hay Style-Republik.
Khách hàng của bạn là ai?
Khách hàng mục tiêu là nhóm người thật sự có nhu cầu tìm đến sản phẩm của thương hiệu. Ở giai đoạn đầu, bạn không nên tập trung vào quá nhiều nhóm khách hàng khác nhau mà hãy chọn một nhóm khách hàng khả quan và có tiềm năng nhất.
Dưới đây là một số câu hỏi cần xem xét khi xác định đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn:
- Họ là ai? Trong độ tuổi nào?
- Thương hiệu thời trang yêu thích của họ là gì?
- Họ mua sắm ở đâu?
- Họ mua sắm thường xuyên như thế nào?
- Họ có quan tâm đến xu hướng không?
- Họ sẵn sàng chi trả ở mức giá nào?
- Điều gì ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ?
- Họ tìm kiếm trải nghiệm mua sắm như thế nào?
Khi tạo được chân dung khách hàng của mình, bạn sẽ có chiến lược cụ thể làm cách nào để tiếp cận khách hàng, từ đó, phát triển sản phẩm và kênh phân phối một cách hiệu quả.
Tìm hiểu về đối thủ của mình
Với đặc điểm là ngành năng động, tính cạnh tranh cao, ngành thời trang có số lượng lớn người tham gia, từ các local brand nhỏ và vừa đến các tập đoàn đa quốc gia lớn. Bên cạnh đó, rào cản gia nhập ngành (barrier to entry) khá thấp vì thế hoàn toàn dễ hiểu khi mỗi năm chúng ta lại thấy nhiều thương hiệu mới xuất hiện. Nhưng câu hỏi đặt ra liệu các thương hiệu có trụ được lâu khi tốc độ đào thải của ngành khá cao. Chính vì thế, theo một cách ngắn gọn khi bạn tìm hiểu về đối thủ của mình hãy luôn ghi nhớ “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Có hai dạng đối thủ: Direct competitor (Đối thủ trực tiếp) và Indirect competitor (Đối thủ gián tiếp). Cụ thể hơn, đối thủ cạnh tranh trực tiếp bao gồm các thương hiệu cung cấp về cơ bản những thứ giống như bạn; đối thủ cạnh tranh gián tiếp là các thương hiệu cung cấp các mặt hàng hơi khác nhau nhưng có thể đáp ứng cùng một nhu cầu của khách hàng.
Đối với mỗi đối thủ, bạn cần phân tích tổng quan về doanh nghiệp và lưu ý những điểm mạnh và điểm yếu của họ. Những thông tin đó bao gồm:
- Khách hàng của họ là ai?
- Họ cung cấp sản phẩm gì?
- Chất lượng sản phẩm như thế nào?
- Giá của họ ở phân khúc nào?
- Điểm mạnh của họ?
- Điểm yếu của họ là gì?
Sau khi tìm hiểu và so sánh, bạn sẽ kết hợp điểm mạnh của thương hiệu mình và điểm chưa hoàn thiện của đối thủ để tìm ra lợi thế cạnh tranh riêng.
- Chất lượng sản phẩm của bạn có tốt hơn đối thủ không?
- Khách hàng mua sản phẩm của bạn có dễ dàng và nhanh chóng hơn đối thủ không?
- Dịch vụ khách hàng của bạn so với đối thủ như thế nào?
- Bạn có cung cấp giá tốt hơn đối thủ không?
Bắt tay vào bản kế hoạch kinh doanh thời trang
Bản kế hoạch kinh doanh được hiểu như bản đồ cho lộ trình phát triển của thương hiệu. Kinh doanh không thể một sớm một chiều, vì vậy, bạn càng có một bản kế hoạch chi tiết sẽ càng có ích trong việc xác định mục tiêu trong tương lai.
Một bản kế hoạch sẽ bao trùm từ 3 đến 5 năm đầu tiên của công việc kinh doanh. Tất nhiên mọi thứ có thể sẽ không diễn ra chính xác như mong đợi nhưng bản kế hoạch giúp bạn có mục tiêu rõ ràng, động lực cũng như tạo nền tảng vững chắc ngay từ đầu cho thương hiệu.
1. Về doanh nghiệp/thương hiệu
- Thương hiệu của bạn là ai? Tầm nhìn (Vision) và Sứ mệnh (Mission) của thương hiệu như thế nào?
- Mục tiêu kinh doanh của thương hiệu? (Có thể tham khảo cách đặt mục tiêu SMART)
- Vì sao bạn nghĩ việc kinh doanh này sẽ thành công? Yếu tố nổi trội của thương hiệu?
- Bạn đo lường hiệu quả bằng những công cụ nào?
- Nhân sự của thương hiệu được sắp xếp như thế nào?
2. Đặt tên thương hiệu
Một trong những bước khó (nhưng cũng cực kỳ thú vị) khi bắt đầu kinh doanh đó là đặt tên cho thương hiệu của mình. Như bao “phụ huynh” khác, bạn mong muốn “đứa con tinh thần” của mình thật hoàn hảo, nổi trội, ghi dấu ấn trước đám đông. Không có công thức cụ thể nào cho việc đặt tên ngoại trừ một số lưu ý như:
- Lựa chọn tên mà khách hàng không gặp khó khăn để đọc và nhớ
- Kiểm tra xem đã có thương hiệu nào dùng tên này
- Điểm cộng nếu có câu chuyện phía sau cái tên
Sau khi chọn tên, bạn có thể bắt đầu thiết kế logo, màu sắc và concept của thương hiệu. Nếu bạn tự mình thực hiện, hãy cân nhắc sử dụng Canva cho việc thiết kế vì tính thân thiện, thao tác dễ dàng của phần mềm này. Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư cho thương hiệu ở cấp độ cao hơn thì việc tìm đến những nguồn hỗ trợ chuyên nghiệp như agency sẽ là giải pháp tốt nhất.
3. Đăng ký pháp lý và đăng ký bản quyền thương hiệu
Nếu bạn định hướng kinh doanh lâu dài, không chỉ online ngày một ngày hai, bước tiếp theo bạn cần hợp pháp hoá công việc kinh doanh của mình. Có rất nhiều trường hợp bạn trẻ khi bắt đầu kinh doanh tập trung quá nhiều về mảng sáng tạo nhưng bỏ quên mất những khâu “không được thú vị cho lắm” – đăng ký pháp lý và lập kế hoạch tài chính.
Khi có giấy phép kinh doanh, bạn sẽ có các quyền lợi và nghĩa vụ của một công ty trong đó gồm các nghĩa vụ về thuế. Mặc dù có vẻ phức tạp nhưng đây là sẽ những bước đi cần thiết khi bạn mở rộng kinh doanh như mở cửa hàng, sở hữu nhiều nhân viên, kêu gọi vốn đầu tư hoặc có những giao dịch quốc tế với những công ty nước ngoài,… Chưa kể ở một số sàn thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada để có được nhãn “Mall” – một lợi thế xây dựng lòng tin cho khách hàng, các sàn này yêu cầu đơn vị kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh hợp pháp.
Hầu hết hiện nay đối với các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện đặc biệt, người khởi nghiệp thường lựa chọn 3 loại hình công ty là: công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Để tìm hiểu chi tiết và đăng ký, bạn nên tìm đến các dịch vụ tư vấn ở những công ty luật.
Lập chiến lược giá cho sản phẩm
Việc định giá các sản phẩm thời trang phần lớn được quyết định bởi hai yếu tố chính. Thứ nhất, giá vốn (ví dụ: chi phí lao động và chi phí nguyên vật liệu) và thứ hai, dựa vào thị trường ngách mà bạn đã nhắm mục tiêu. Một số thương hiệu sẽ dùng phương pháp định giá then chốt, trong đó họ tính chi phí sản xuất và tăng gấp đôi giá bán. Với các thương hiệu cao cấp hơn, họ sẽ tăng gấp 5 lần.
Dưới đây là một vài chi phí chính cần bao gồm khi định giá sản phẩm:
- Chi phí vật liệu sản xuất
- Chi phí lao động
- Thời gian thực hiện
- Chi phí marketing và quảng cáo
- Packaging (bao bì)
- Chi phí vận chuyển hàng (shipping)
Lập kế hoạch Marketing và xây dựng thương hiệu
Đây có lẽ là giai đoạn bạn mong chờ nhất, từng bước “nuôi dưỡng” và “bồi đắp” đứa con tinh thần của mình. Để marketing sản phẩm đến nhóm khách hàng mục tiêu, bạn cần lưu ý đến một số kênh phổ biến:
- Fanpage mạng xã hội và quảng cáo trực tuyến (Facebook, Instagram, Tiktok, Pinterest,…)
- Công cụ SEO và SEM của Google
- Website
- Influencer marketing
- Thương mại điện tử
- Email marketing
- Tài trợ cho các sự kiện có sự góp mặt của nhóm khách hàng mục tiêu
- Áp phích quảng cáo
- Báo chí, truyền thông
- Tạo các sự kiện
Không có giới hạn nào trong việc sáng tạo các chiến dịch truyền thông của bạn. Một lưu ý cho bạn đừng chọn tất cả các kênh mà hãy phân bổ nhân sự, nguồn lực vào những kênh có tiềm năng nhất, từ đó sẽ giúp bạn tối ưu chi phí và đem đến hiệu quả tốt hơn.
Để tìm hiểu thêm về kiến thức Marketing thời trang, bạn có thể tham khảo bài viết sau của Style-Republik: Giải mã bài toán truyền thông cho thương hiệu thời trang nội địa.
Lời kết
Bắt đầu kinh doanh thời trang sẽ là một thách thức lớn nhưng hoàn toàn xứng đáng. Hi vọng những lời khuyên trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức mới cho hành trình khởi nghiệp của mình. Sau cùng, ngoài những lời khuyên được đề cập, bài học tốt nhất bạn có thể tiếp thu cho mình đó là liên tục thử và học hỏi từ sai lầm trong quá trình thực hiện.
Thực hiện: Như Quỳnh