NTK An Nam: “Tôi tin vào triết lý của sự tử tế trong mọi sự”

Ngày đăng: 06/02/24

2023 là một năm đầy sôi động, với những biến số thú vị của thị trường thời trang nội địa. Có những thương hiệu bất chợt vụt sáng, nằm ngoài sự dự đoán của những người mến mộ thời trang lẫn giới chuyên môn. Một trong số đó phải kể đến thương hiệu An Closet, hay An Heritage (tên gọi mới).

Style-republik đã có một cuộc trao đổi thân mật với giám đốc sáng tạo và nhà sáng lập của thương hiệu An Heritage – NTK An Nam, để hiểu thêm hơn về chặng hành trình phát triển lẫn những dự định mới của thương hiệu trong tương lai.

NTK An Nam

2024: An Closet sẽ chuyển mình thành An Heritage

Khi được hỏi về dự định “to bự” nhất mà NTK An Nam dành cho thương hiệu của mình, anh không do dự nói rằng đó là biến An Closet trở thành một “di sản”, một công cuộc cả đời của mình. An Closet, từ một thương hiệu thiết kế thời trang nhỏ, dệt ước mộng mang đến những thiết kế mang đượm sắc tình của văn hoá Việt đến tay những người biết trân quý, cảm thụ nó, sẽ trở thành một thương hiệu thời trang Việt với tầm nhìn to lớn hơn. NTK muốn lan toả tình yêu dành cho thời trang, khẳng định được vị thế của thời trang Việt bằng việc vươn xa hơn nữa. Vậy nên anh sẽ đăng ký tên thương hiệu, lập trình bài bản những kế hoạch cụ thể, để thương hiệu lớn nhanh hơn. An Closet sẽ trở thành An Heritage, và mang đúng tính thần của cái tên mới được trao cho. 

Thành tựu đạt được trong năm 2023 của An Closet mà anh cảm thấy tự hào để chia sẻ là gì?

Có lẽ là sự chú ý mà thương hiệu nhận được từ giới mộ điệu, khách hàng, lẫn những chuyên gia trong ngành. Thương hiệu cũng có đà phát triển tốt hơn, nhờ vào việc các BST mới được ra mắt trong năm qua được đón nhận nồng nhiệt là BST Ready-to-wear 2023 “Đồng Dao” và BST Thu-Đông 2023. Không chỉ thành công về mặt thương mại, mà độ phủ sóng và sự tín nhiệm dành cho thương hiệu cũng tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào sức hút của các mẫu thiết kế thuộc hai BST này.

Một thành tựu cũng đáng kể khác, đó là bản thân mình và thương hiệu nhận được ba đề cử ở ba hạng mục khác nhau thuộc lễ trao giải “SR Fashion Awards 2024” vừa qua. Đây là sự ghi nhận mà mình rất cảm kích.

Anh có thể chia sẻ về dự định, tầm nhìn gần trong hoạch định chiến lược kinh doanh của thương hiệu?

Mặc dù được thành lập từ ba năm trước, nhưng thương hiệu chỉ mới được mình chú trọng phát triển trong năm vừa qua. Hoạch định quan trọng nhất trong năm nay của thương hiệu là đăng ký tên thương hiệu chính thức là An Heritage. Cùng với đó là nỗ lực để phát triển dòng sản phẩm chủ lực, và xây dựng nhận diện thương hiệu được tốt hơn trên thị trường, thông qua việc tái thiết lập lại bộ nhận diện thương hiệu, cũng như xây dựng chiến lược tiếp thị đánh đúng phải nhóm đối tượng khách hàng trọng tâm. 

Mình cũng mong muốn xây dựng được một cửa hàng khang trang trong tương lai gần. Làm ngôi nhà để đón tiếp những khách hàng, bạn hữu đã vẫn luôn ủng hộ An Heritage. Đây sẽ là một không gian ấm áp, nơi trưng bày, góp phần thể hiện rõ hơn tinh thần của các thiết kế, và cũng để mình có thể gặp gỡ, gắn kết với khách hàng thân mật. 

Việc đổi tên thương hiệu có thật sự cần thiết trong chiến lược kinh doanh? Đâu là lý do khiến anh lại quyết định đổi tên thương hiệu ngay khi nó đang nhận được nhiều sự chú ý nhất?

Mình muốn thương hiệu có một cuộc tái thiết mà theo mình là cần thiết. Cái tên An Heritage bao hàm một ý nghĩa lớn hơn, giúp cho cả đội ngũ lẫn khách hàng phần nào hiểu được những giá trị về sáng tạo, thủ công, thẩm mỹ mà thương hiệu đang muốn gầy dựng. Tính di sản không chỉ được thể hiện qua những mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ cội nguồn văn hoá, quê hương Việt Nam, mà còn nằm ở những giá trị thủ công của những nghệ nhân dành ra sự nghiệp trọn đời của họ để mang đến cái hồn cho những tấm váy áo.

Đã có bài học kinh doanh nào anh rút ra được cho mình trong năm qua?

Bài học lớn nhất mà mình rút ra được là đầu tư vào đúng nguồn lực, và đúng mục đích. Trong năm qua, mình kham nhiều công việc khác nhau bởi đội ngũ nhân sự còn trẻ. Việc phải đảm đương nhiều trách nhiệm, lẫn vai trò khiến mình cảm thấy áp lực, hoặc phó mặc vào người khác đôi khi. Kết quả sau cùng lại không như ý định ban đầu, hoặc cá nhân mình cảm thấy kiệt sức. Mình nghĩ đây là điều mà nhiều thương hiệu thời trang nội địa trong giai đoạn khởi đầu cũng đều trải qua, nhất là khi nguồn vốn không lớn mạnh. 

Mình muốn bản thân sẽ biết cân nhắc tầm quan trọng của từng bước trong việc xây dựng thương hiệu. Mình sẽ nên và không nên phân bổ nguồn lực nội bộ vào những công việc nào. Còn lại, mình sẽ tìm và hợp tác với những đội ngũ, cá nhân bên ngoài có năng lực lẫn phong cách phù hợp với thương hiệu để cộng tác, phát triển lâu dài.

Áp lực đến từ việc thương hiệu được chú ý chỉ trong thời gian ngắn sẽ đem tới những lợi ích hay tạo ra khó khăn nào trong việc phát triển thương hiệu trong tương lai?

Mình trân trọng mọi sự chú ý có được trong quãng thời gian qua dành cho thương hiệu. Đó là cả một quá trình nỗ lực của đội ngũ để tạo ra những sản phẩm đánh động được tâm thức của khách hàng lẫn giới chuyên môn, giữa một thị trường thời trang quá đỗi sôi động. Mọi thứ đều là trải nghiệm tích cực cho đến thời điểm hiện tại. Nhờ đó mà đội ngũ của thương hiệu cũng cảm thấy phấn chấn, giàu động lực, lẫn phát huy trí lực để tạo ra nhiều thêm hơn những khoảnh khắc, những sáng tạo, những di sản của An Heritage mà đáng để tự hào, chia sẻ. 

Xem sự tử tế là giá trị cốt lõi của sự sáng tạo và việc kinh doanh

Xuyên suốt cuộc đối thoại cùng Style-republik, nhà thiết kế An Nam nhắc khá nhiều đến cụm từ “tử tế”. Không mang nặng hàm ý phê phán hay đánh giá, mà phần nhiều là nói về những ước mơ và sự vững tin vào những giá trị tốt đẹp mà sự tử tế giữa người với người có thể mang lại. Anh hồ hởi, phấn chấn chia sẻ về những người thợ may, người nghệ nhân đang góp công tạo dựng nên những mẫu thiết kế mang đậm tinh thần yêu quê hương, văn hoá Việt của An Heritage. Hay cái cách mà anh luôn muốn tự mình đứng ra để chia sẻ, nói chuyện, tư vấn cho khách hàng để họ hiểu thêm hơn về những câu chuyện đằng sau của từng mẫu thiết kế, về giấc mộng thời trang của An Heritage. Nó không xa hoa, phù phiếm hay rạch những đong đếm vật chất. Nó chỉ được bắt đầu, dưỡng nuôi và đong đầy hy vọng vào ngày mai của những ngày mai, nơi sự tử tế đằng sau một thương hiệu mới thật sự thống lĩnh, và được yêu thương, đón nhận bởi những người cũng tìm kiếm giá trị tương đồng trong cuộc sống.

Anh có cảm xúc thế nào khi là nhà thiết kế/ thương hiệu nhận được 3 ứng cử ở 3 hạng mục “Thương hiệu bền vững”, “Thương hiệu thời trang triển vọng” và “Nhà thiết kế triển vọng” tại SR Fashion Awards 2024?

Đây là một bất ngờ, lẫn vinh dự lớn. Tuy chưa may mắn ở lễ trao giải năm nay, nhưng với ba đề cử ở ba hạng mục khác nhau như vậy tại SR Fashion Awards 2024, thì đây chính là sự công nhận dành cho nỗ lực của đội ngũ của An Heritage trong năm vừa qua. Cá nhân mình sẽ xem đây là một sự thúc đẩy, kỳ vọng lẫn niềm tin mà ban cố vấn, lẫn giới chuyên môn đặt vào thương hiệu.

Anh lựa chọn thời trang là vì đam mê hay một nguyên do nào khác?

Mình vẫn luôn đam mê thời trang từ khi còn nhỏ. Cho dù sau này có học và theo đuổi những công việc khác, thì cái duyên với thời trang vẫn cứ thoáng hiện giữa những vướng bận, lo toan của cuộc sống. Mình tiếp xúc với thời trang ở vị trí bán hàng cho thương hiệu Huulala, dần dà được tín nhiệm với vai trò trợ lý thiết kế. Mình nghĩ đam mê ở bên trong là một phần, nhưng sự lựa chọn của cá nhân lẫn cơ duyên tìm đến mới là thứ khiến mình quyết định xây dựng nên thương hiệu cá nhân. Mình lập nên An Heritage để thỏa nguyện sự sáng tạo cá nhân, và tình yêu dành cho thời trang. Triết lý về sự tử tế của nhà sáng lập nên thương hiệu Huulala cũng phần nào tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới bản thân mình. Mình cũng muốn làm thời trang bằng sự tử tế như vậy.

Làm sao để anh có thể phát triển được khía cạnh kinh doanh của thương hiệu, khi bản thân là một người đam mê sáng tạo?

Kinh doanh là một khía cạnh mà cá nhân mình vẫn phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thêm hơn. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi, thứ mà cá nhân mình xem là nền tảng của mọi sự, dù là sáng tạo hay kinh doanh, lại là sự tử tế. Sự tử tế không chỉ nằm ở phạm trù đạo đức. Sự tử tế đem đến cho mình cảm hứng để lao động, để cống hiến, để tạo ra giá trị cho bản thân, thương hiệu, lẫn xã hội. Khi nói đến tử tế, nó như thể trừu tượng nhưng lại dễ để nắm bắt. Ai đồng điệu sẽ hợp để đồng hành. Còn ai nếu cảm thấy xa lạ, sẽ không phải là bạn hữu tương thích để cùng đi đường dài.

Anh có thực sự tin vào làm kinh doanh và sáng tạo bằng sự tử tế sẽ tạo ra sự khác biệt? Bằng cách nào anh đưa giá trị của sự tử tế vào trong sản phẩm sáng tạo của mình?

Mình tử tế trước tiên là đối với những người góp công tạo nên những sản phẩm của thương hiệu. Những người nghệ nhân, thợ thủ công, thợ may, luôn cần mẫn, yêu nghề và hỗ trợ mình, tin tưởng vào tầm nhìn của An Heritage. Sự tử tế được lan toả đó sẽ được thể hiện qua từng đường kim mũi thêu trên sản phẩm. Mình tử tế với khách hàng, với cộng sự, với đối tác. Thiết đãi khách hàng bằng sự tử tế, đến từ sản phẩm chỉn chu, được yêu thương tạo dựng bằng sự tử tế. Chính điều này sẽ khiến cho cảm xúc gắn kết của khách hàng lẫn thương hiệu sẽ ngày càng bền chặt hơn. 

Trong sáng tạo, mình tử tế khi nói không với việc đạo nhái, cóp nhặt ý tưởng của người khác. Thay vào đó, mình tìm kiếm những giá trị truyền thống, nét đẹp nhuần nhị của văn hoá Á Đông, của Việt Nam để thổi hồn vào các mẫu thiết kế. Cho dù rằng thị trường hiện nay vẫn ưa chuộng những xu thế, trào lưu Tây phương, thì việc kiên định và phát huy những gì mình cho là đẹp, là bản sắc, là đáng tôn vinh, là cả một nỗ lực rất lớn của cá nhân mình. Chính bởi lẽ đó, mình tin là sự tử tế sẽ giúp An Heritage đi được đường dài, bền bỉ hơn.

Cho dù rằng thị trường hiện nay vẫn ưa chuộng những xu thế, trào lưu Tây phương, thì việc kiên định và phát huy những gì mình cho là đẹp, là bản sắc, là đáng tôn vinh, là cả một nỗ lực rất lớn của cá nhân mình. Chính bởi lẽ đó, mình tin là sự tử tế sẽ giúp An Heritage đi được đường dài, bền bỉ hơn.

Anh có nghĩ rằng thị trường thời trang Việt có đang có cái nhìn thấu đáo hơn trong câu chuyện làm nghề bằng sự tử tế, hay chính những chiến lược marketing, hào quang cộng sinh với giới giải trí, những chủ đề gây tranh luận, tiềm lực kinh tế của thương hiệu mới là thứ tạo nên thành công và nhận diện của thương hiệu?

Mình nghĩ rằng chiến lược kinh doanh của mỗi thương hiệu đều có ưu, nhược điểm riêng. Cá nhân mình nhận thấy có nhiều thương hiệu được ra đời vì theo đuổi một giá trị nhân văn hay đóng góp cho xã hội nhiều hơn việc kinh doanh vì lợi nhuận, vẫn đang phát triển tốt, cũng như nhận được sự ủng hộ lẫn quan tâm của khách hàng, của cộng đồng, lẫn truyền thông sạch. Có thể những doanh nghiệp này sẽ mất nhiều thời gian để phát triển, mở rộng lẫn khẳng định được địa vị trên thị trường, nhưng mình tin là họ sẽ luôn thành công. 

Thành công lớn nhất là họ cảm thấy hạnh phúc vì những giá trị mình có thể làm và cống hiến cho cộng đồng, xã hội, vì một giá trị, mục đích tốt đẹp nào khác ngoài việc kinh doanh chỉ vì lợi nhuận. Khách hàng tiêu dùng và người trẻ Việt Nam giờ đây hiểu và quan tâm đến những quan điểm về đạo đức của doanh nghiệp lắm. Hãy đặt niềm tin vào họ. 

Thực hiện: Fellini Rose