Ông trùm lĩnh vực xa xỉ Bernard Arnault vượt mặt Bill Gates để trở thành người giàu thứ 2 thế giới
Ngày đăng: 21/07/19
Ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault vượt mặt ông chủ Microsoft – Bill Gates để trở thành người giàu thứ hai thế giới. Theo Bloomberg, suốt 7 năm qua, Gates chưa từng rớt xuống vị trí thứ 2. Nhưng 16/07 vừa qua, Gates đã phải nhường lại vị trí này cho Arnault, vị doanh nhân với biệt danh “con sói trong chiếc áo khoác cashmere”.
Theo Ranking The World, vào năm 1995, top 10 người giàu nhất thế giới chỉ có 2 người đến từ Hoa Kỳ là Bill Gates và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Trong khi, người giàu nhất thế giới hiện nay là tỷ phú Amazon – Jeff Bezos phải đến tận tháng 04/2015 mới có mặt trong bảng xếp hạng này.
Cuộc đua giành vị trí giàu nhất thế giới trong 24 năm qua cho thấy vị trí của Bill Gates dường như luôn ổn định, thậm chí ông chưa bao giờ xếp hạng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg Billionaires suốt 7 năm qua. Thế mà, điều đó đã xảy đến vào hôm 16/07 vừa rồi, Gates phải nhường vị trí này cho tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH.
Bernard Arnault vượt mặt Bill Gates để trở thành người giàu thứ 2 thế giới
Cổ phiếu của tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ LVMH vừa qua lập thêm kỷ lục mới và khiến tài sản của ông Bernard Arnault đạt mức 107,6 tỷ USD, nhiều hơn 200 triệu USD so với lượng tài sản ròng mà Gates đang sở hữu (tính đến thời điểm hiện tại).
Từ đầu năm 2019 đến nay, tài sản của “Ông hoàng xa xỉ” Arnault đã tăng thêm 39 tỷ USD, mức tăng lớn nhất trong số 500 tỷ phú hàng đầu dược Bloomberg xếp hạng.
Nguyên nhân khiến vị trí của Gates rớt xuống là khoản từ thiện lên tới 35 tỷ USD của ông. Nếu không tính khoản đóng góp này, ông chủ Microsoft vẫn là người giàu nhất thế giới. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos luôn tăng trong năm nay và lên tới 125 tỷ USD, ngay sau khi đạt được thỏa thuận ly hôn trị giá 35 tỷ USD với vợ cũ MacKenzie Bezos.
2019 được cho là năm vàng của nhiều tỷ phú Pháp, khi Francois Pinault – ông chủ tập đoàn xa xỉ Kering và người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal – Francoise Bettencourt Meyers cũng chứng kiến số tài sản tăng lên nhanh chóng.
Vào tháng trước, doanh nhân đồ hiệu Pháp Arnault ở tuổi 70 đã gia nhập câu lạc bộ siêu tỷ phú cùng Jeff Bezos và Bill Gates khi khối tài sản của ông vượt 100 tỷ USD. Thật bất ngờ, khối tài sản của 3 tỷ phú giàu nhất thế giới này đã vượt giá trị thị trường của hầu hết các công ty trong nhóm S&P 500 Index, bao gồm Walmart Inc., Exxon Mobil Corp và Walt Disney Co.
Tỷ phú Arnault gia nhập thị trường xa xỉ vào năm 1984, với sự giúp đỡ của Antoine Bernheim, một đối tác cao cấp của Lazard Frères, Arnault đã mua lại Financière Agache, một công ty hàng xa xỉ. Ông trở thành CEO của Financière Agache và sau đó nắm quyền kiểm soát Boussac Saint-Frères, một công ty dệt may trong tình trạng hỗn loạn. Boussac sở hữu Christian Dior, cửa hàng bách hóa Le Bon Marché, cửa hàng bán lẻ Conforama và nhà sản xuất tã giấy Peaudouce.
Ông đã bán gần như tất cả tài sản của công ty, chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior uy tín và cửa hàng bách hóa Le Bon Marché. Ông Arnault hiện kiểm soát khoảng một nửa cổ phần trong LVMH, đồng thời sở hữu 97% cổ phần của công ty thời trang cao cấp danh tiếng Christian Dior.
Hồi tháng 4, Arnault và gia đình đã cam kết ủng hộ hơn 650 triệu USD để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy. Hiện, ông chủ LVMH cũng sở hữu một bộ sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst, Maurizio Cattelan, Andy Warhol và Pablo Picasso.
Tỷ phú Arnault – Con sói trong chiếc áo khoác cashmere
Trên thương trường, tỷ phú giàu thứ hai thế giới khiến các đối thủ vừa sợ hãi vừa khâm phục bởi tính quyết đoán đến mức khó tin của ông. Hồi còn trẻ, Arnault đã bộc lộ khả năng kinh doanh thiên bẩm. Sau khi lấy bằng kĩ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique (Pháp), ông về làm việc tại công ty xây dựng của gia đình ở tuổi 25. Đến năm 1979, khi tròn 30 tuổi – ông trở thành Chủ tịch công ty của gia đình. Tuy nhiên, một số thay đổi trong chính trường Pháp thời ấy khiến gia đình Arnault di cư đến nước Mỹ.
Sau khi trở thành Chủ tịch của tập đoàn LVMH, tham vọng của Arnault là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm với hai tên tuổi trong lĩnh vực là Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp).
Trong vòng 11 năm, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%. Nguyên lý kinh doanh của ông là các thương hiệu thuộc tập toàn sau khi được thâu tóm vẫn hoạt động như doanh nghiệp độc lập, theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng. Vai trò của tập toàn là hỗ trợ lợi ích chung cho các thương hiệu. Phương thức táo bạo và dứt khoát này giúp sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế đầy rẫy biến động. Trong các năm qua, LVMH tiếp tục thâu tóm Zenith, Tag Heuer và Hublot.
Là một CEO khốc liệt, sẵn sàng sa thải cả nhân sự cao cấp, “con sói trong chiếc áo khoác cashmere” Arnault luôn là người đi đầu trong những cuộc chơi. Sau khi thâu tóm LVMH vào năm 1990, ông bắt đầu cuộc thập tự chinh đến những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, nơi cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ra đời vào năm 1992.
Khi kinh tế thế giới đang được thúc đẩy tăng trưởng bởi sự tăng trưởng của châu Á, và các nền kinh tế mới nổi, LVMH lập tức có mặt ở Đông Nam Á, từ Singapore rồi lan nhanh qua Sài Gòn, Phnom Penh, Bangkok, Kuala Lumpur… đến các thành phố Yekaterinburg (Nga), Macao và Abu Dhahi. Như cựu tổng biên tập tờ Vogue – Anna Wintour đã khẳng định: “Chẳng có gì trên thế giới ngăn cản quyết định của Bernard Arnault”.
Theo Arnault, công thức xây dựng thương hiệu nổi tiếng sẽ theo các bước: Nhận dạng DNA thương hiệu bằng cách khai thách lịch sử thương hiệu và khai thác nhân lực có thể thể hiện được điều đó, sáng tạo biện pháp tiếp thị hữu hiệ và quản lý chặt chẽ chất lượng, phân phối hàng hóa.
Arnault từng được những cá nhân kiệt xuất trong giới siêu giàu và chính trị gia đánh giá cao về khả năng và tầm nhìn của mình. “Ông hoàng công nghệ” Steve Jobs đã từng nói: “Này Bernard, cậu biết không, tôi không chắc là 50 năm nữa iPhone của tôi có còn thành công như bây giờ nhưng tôi hoàn toàn tự tin rằng, mọi người vẫn sẽ uống Dom Pérignon của cậu”. Cựu giám đốc điều hành của Goldman Sachs Lloyd Blankfein từng nhận xét Arnault là người có tầm nhìn hoàn chỉnh”. Gilles Cahen-Salvador, khi đang điều hành công ty tài chính LBD France, chia sẻ: “Những người như Arnault đang nêu tấm gương tốt cho nền kinh tế Pháp”.
Với những thành tựu, tầm nhìn và phương thức kinh doanh đáng tâm phục khẩu phục, Arnault sẽ là một doanh nhân huyền thoại – một điểm sáng trong ánh nhìn của công chúng toàn cầu.
Thực hiện: Trang PS
Theo Luxuo.vn