Polyester, rayon, nylon,…: Những vải vóc này, đáng giá bao nhiêu?
Ngày đăng: 12/10/17
Hằng ngày hằng đêm, chúng ta được bao bọc với vải. Từ quần áo đến chăn ga gối nệm, từ vải nội thất đến vải bọc ghế xe, vải là một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.
Vải gần như luôn luôn ở bên cạnh mỗi chúng ta, nhưng chẳng mấy ai sớm nhận ra: điều quan trọng không phải là màu sắc, họa tiết hay phong cách, việc lựa chọn chất liệu vải có thể hữu ích hoặc gây hại cho sức khỏe con người lẫn hành tinh này.
Một thế giới vật chất
Cách đây không lâu, con người sống gắn liền với các loại sợi tự nhiên như: len, cashmere, cotton, lụa, vải lanh (linen) và gai dầu (hemp). Nhưng nếu nhìn vào nhãn thông tin trên quần áo của chúng ta hôm nay, thật phổ biến với các loại chất liệu tổng hợp như polyester, rayon, acrylic, axetat, nylon…Và những chiếc áo sơ mi, quần tây còn có khả năng chống nhăn, chống thấm bẩn. Những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất vải có lẻ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và phong phú hơn, nhưng: Cái giá là bao nhiêu?
Vải tự nhiên và vải tổng hợp đã qua xử lý hóa học là nguồn độc tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sức khỏe của hành tinh. Dưới đây là một danh sách ngắn các loại vải độc hại, thực sự độc hại hơn những gì chúng ta có thể đã biết. Nếu mong muốn một cuộc sống tốt lành hơn, tại sao không bắt đầu những lựa chọn thay thế!
1. Polyester là loại vải tồi tệ nhất mà chúng ta có thể thấy ở khắp mọi nơi. Được làm từ các polyme tổng hợp, từ este của cồn dihydric và axit terpthalic. Sử dụng vải Polyester thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề hô hấp, bệnh da liễu, ung thư, thần kinh và suy giảm sinh lý ở nam giới.
2. Vải sợi Nylon có khả năng chống bám bẩn, bền và đàn hồi. Bởi sợi Nylon được sản xuất từ dầu mỏ, thường bao gồm một loại hóa chất có thể gây hại và tồn tại bền vững trong môi trường.
3. Trang phục làm từ vải sợi tổng hợp Arcylic chống nhàu, ít bám bẩn hay phai màu, có thể bị xù hoặc không nếu dùng acrylic chất lượng cao. Tuy nhiên loại chất liệu này dễ bị giãn dão sau mỗi lần giặt, phổ biến với các dạng quần áo len và dệt kim nói chung. Hơn hết, những loại quần áo len nhân tạo không có khả năng giữ ấm. Theo EPA (United States Environmental Protection Agency), vải sợi Acrylic sử dụng nhiều hóa chất polycrylonitriles có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, tuyến tụy, gan và bàng quang.
4. Rayon được tạo ra từ những loại bột giấy, bột gỗ và vải vụn tái chế có nguồn gốc cellulose, do thường mòn rách sau một thời gian nên phải xử lý bằng các hóa chất như soda caustic, amoniac, axeton và axit sulfuric để chịu được việc giặt giũ thường xuyên.
5. Các loại vải Acetate và Triacetate được làm từ các sợi gỗ cellulose và phải trải qua quá trình chế biến hóa học đậm đặc để sản xuất thành phẩm.
6. Bất cứ chất liệu tổng hợp có tính chất chống tĩnh điện, chống cháy, dễ làm sạch, không nhăn, không ố bẩn, chống thấm và kháng khuẩn. Nhiều loại vải chống trầy xước và không có vết nhăn, như vải Teflon hay vải sợi nhân tạo Microfiber, được xử lý bằng các hóa chất perfluorinated (hay PFCs).
Cái gọi là chất liệu hiện đại
Phải luôn nhớ rằng có rất nhiều loại vải (bao gồm cả vải sợi tự nhiên) đều trải qua những quá trình xử lý quan trọng, bao gồm:
– Tẩy rửa
– Thuốc nhuộm hóa dầu
– Formaldehyde để tránh co rút
– Hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs)
– Tẩy trắng có sản phẩm phụ là Dioxin
– Làm mềm vải bằng chất hóa học
Khi lựa chọn quần áo thời trang, bạn có thể không ngờ mình đang tiếp nhận những độc hại lên cơ thể và môi trường. Hãy tìm hiểu để tự bảo vệ và biết cách yêu thương bản thân.
Những chất phụ gia hóa học sử dụng và sản sinh trong quá trính xử lý vải thường độc hại với cơ thể người, có thể chứa kim loại nặng và gây ô nhiễm môi trường. Theo Extension Toxicology Network: “hóa chất có thể thẩm thấu qua da và đi vào máu”. Vì thế, khi các loại vải đã qua xử lý với quá nhiều hóa chất, bằng việc tiếp xúc thường xuyên với da sẽ trở thành một “con đường quen thuộc” để đi vào cơ thể. Điều này rất thực tế, có nhiều người đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực, các vấn đề dị ứng, trầm cảm, stress trở nên trầm trọng hơn, thậm chí là rối loạn hormone, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa,…
Với chừng đó những cảnh báo, liệu chúng ta có thể làm gì?
Nếu bạn nhạy cảm với chất hóa học hoặc đơn giản là chỉ muốn bao quanh mình những loại chất liệu vải “thân thiện”, vẫn có nhiều lựa chọn.
Có một nhà thiết kế thời trang, tên là Doris Brunza, làm việc tại quận Garment (New York) trong hơn 20 năm qua. Cô hiểu biết về các loại vải không gây kích ứng, bởi Doris Brunza là một người nhạy cảm với hóa chất. Cô đã chỉ ra rằng, gần như tất cả các loại vải kể cả vải hữu cơ, có thể được xử lý bằng hóa chất tại một số thời điểm trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, vẫn luôn có một vài lựa chọn tốt hơn.
Các loại sợi tự nhiên phổ biến đáng quan tâm như: cotton, lụa, lanh (linen), gai dầu (hemp), len, cashmere. Các phiên bản hữu cơ của các sợi tự nhiên, sẽ thực sự hữu cơ khi không bị tác động bởi các loại hóa chất độc hại, vì thế an toàn cho con người và môi trường. Ngoài những loại chất liệu phổ biến vừa kể qua, ngày nay chúng ta có thể một vài lựa chọn về sợi như:
– Tencel: sợi từ các loại cây gỗ như Bạch Đàn, Tre, Khuynh Diệp,…. Có khả năng phân hủy, không gây ô nhiễm và quá trình sản xuất sử dụng các dung môi oxit amin vô hại.
– Modal: vải sinh học được làm từ cellulose tái chế từ cây sồi. Một loại sợi có đặc tính như cotton và tơ tằm, nổi bật hơn với khả năng chống nhăn và chống co rút tốt, có thể kết hợp với cotton hoặc spandex, đã bắt đầu được ứng dụng trong sản xuất đồ lót.
– Cupro: một loại vải đẹp có thể so bì với lụa. Được làm từ cotton linter – một loại sợi cotton bám dính ở hạt của bông cotton sau khi đã thu hoạch. Loại vải này có đặc tính giống với vải cotton kết hợp lụa: mềm, mịn, nhẹ và không gây dị ứng.
Tuy nhiên, hầu hết những công ty sản xuất các loại sợi này, chỉ giải quyết vấn đề về sợi. Những công ty này không có khả năng kiểm soát những nhà sản xuất vải dệt từ sợi, không ngăn chặn được các quá trình xử lý hóa chất. Tương lai tốt đẹp sẽ khởi sinh nếu các công ty và nhà sản xuất vải dệt quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sợi, hạn chế hóa chất và sử dụng hóa chất an toàn hơn cho sản phẩm của họ.
Thay đổi thế giới bắt đầu từ việc mỗi người thực hiện những thay đổi đơn giản trong cuộc sống của mình.
Vậy nên, người tiêu dùng nếu có thể, nên mua và sử dụng vải hữu cơ cũng như quần áo hữu cơ. Những loại vải này vẫn có thể được xử lý hóa học ở một mức độ nào đó, nhưng dẫu sao cũng là sự lựa chọn tốt hơn so với chất liệu tổng hợp.
Nhà nghiên cứu Doris Brunza khuyến khích mua dùng hàng may mặc chất lượng cao của Châu Âu, bởi nguồn sản xuất này thường bắt buộc dùng những chất liệu tốt nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đó có thể là sự lựa chọn đắt tiền, nhưng chất lượng nguyên vật liệu cao, sợi được dệt thành các loại vải mềm, đẹp và chắc chắn với đòi hỏi ít hóa chất để làm hài lòng thị trường. Và quần áo có chất liệu tốt sẽ bền bỉ trong một thời gian dài mới chính là sự lựa chọn thông thái: chấp nhận chi phí cao nhưng thực tiết kiệm.
Ngoài ra, nếu đã lựa chọn chất liệu vải hữu cơ, việc giặt giũ càng phải nên tránh xa hóa chất bằng các sản phẩm tẩy rửa “xanh”. Thực phẩm hữu cơ, nước tinh khiết và quần áo chất liệu vải tự nhiên có thể có ích rất nhiều trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của con người. Giảm tải độc hại trong việc sử dụng vải vóc nghe có vẻ rất áp lực và vĩ mô, nhưng giống như bất kỳ sự chuyển đổi nào, hãy cứ bắt đầu từng bước một. Theo thời gian, chúng ta sẽ cảm nhận được sự cải thiện trong cuộc sống của chính mình cũng như môi trường xung quanh. Thay đổi thế giới bắt đầu từ việc mỗi người thực hiện những thay đổi đơn giản trong cuộc sống của mình.
Chuyển ngữ & tổng hợp: Xu
Nguồn:
Top 6 fabrics you should avoid wearing – Bodyecology.com
Toxic Fabrics – Healty-holistic-living.com
Chú thích ảnh bìa:
‘Toxic Glamour’ Fashion Shoot là series hình ảnh được thực hiện để lên án sự thật độc hại đằng sau sự quyến rũ của ngành công nghiệp thời trang, đi cùng với báo cáo “Toxic Threads: Putting Pollution on Parade”. Bộ ảnh được thực hiện trên bờ sông Qiantang, thuộc quận Xiaoshan, tỉnh Hangzhou. Nguồn: Greenpeace.org