SR CAREER TALK EP.04: “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?” và những câu chuyện thú vị về nghề đằng sau 30 giây tỏa sáng của nghệ sĩ

Ngày đăng: 02/07/22

Vào sáng thứ 7 ngày 02.07.2022 hôm nay, SR Career Talk tập 04 đã diễn ra thành công tại không gian hoành tráng và hiện đại từ hội trường phòng 204 trong khuôn viên trường đại học Hoa Sen Thành phố Hồ Chí Minh. Với chủ đề nóng hổi cùng sự xuất hiện của các vị khách mời nổi tiếng, SR Career Talk Ep.04 đã thu hút đông đảo sự tham dự của các bạn trẻ đam mê thời trang.

SR Career Talk Ep.04: “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?” là buổi tọa đàm quy tụ 3 Fashion Stylist tài năng, nổi tiếng cùng trò chuyện và thảo luận những chủ đề xoay quanh ngành thời trang và nghề Fashion Stylist.  Hiện nay, khi các phương tiện truyền thông phát triển chóng mặt đồng nghĩa với nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn, cùng với nhu cầu thẩm mỹ ở mỗi cá nhân ngày càng tăng cao, Fashion Stylist dần trở thành chủ đề “hot” xoay quanh những bạn trẻ yêu thích thời trang và phong cách ăn mặc độc đáo. Ngoài ra, do có nhiều cơ hội hợp tác với các ngôi sao nổi tiếng, tham dự các sự kiện thời trang trong và ngoài nước hay đơn giản là có thêm nhiều cơ hội thể hiện bản sắc cá nhân hơn, cũng là những nguyên do khiến nghề Fashion Stylist có được một sức hút đặc biệt đối với cộng đồng mến mộ thời trang. Tuy nhiên, tồn tại trong xu hướng đó là những hiểu nhầm dẫn đến cái nhìn chưa được rõ ràng về con đường để phát triển trong lĩnh vực này. 

Với câu hỏi “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?”, Style-Republik mong muốn mang lại góc nhìn thực tế và chính xác về công việc và vai trò của một Stylist trong ngành thời trang. Trong bối cảnh phương tiện truyền thông phát triển đồng nghĩa với nhiều cơ hội thể hiện bản thân, không chỉ đơn thuần là biết mặc đẹp, mỗi cá nhân đều cần vạch ra một lộ trình rõ ràng, để tự trau dồi và rèn luyện kiến thức của bản thân, qua đó tích lũy thêm nhiều trải nghiệm và làm sáng portfolio của mình nếu muốn trở thành một Fashion Stylist.

Vậy thì, như thế nào là một lộ trình hợp lý? Chúng ta cần được đào tạo bài bản như thế nào, tích lũy kinh nghiệm ra sao, và tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng ở đâu? Buổi tọa đàm của Style Republik ngày hôm nay đã giúp các bạn trẻ giải đáp từng ngóc ngách liên quan đến nghề Fashion Stylist, cũng như có thể xoá bỏ những khúc mắc xoay quanh công việc này, từ đó tiếp thêm động lực giúp các bạn tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một nhà cố vấn thời trang chuyên nghiệp trong tương lai. 

Chương trình có sự góp mặt của ba vị khách mời: họ là 3 Fashion Stylist nổi bật trong làng thời trang Việt: anh Trần Đạt – một stylist thời trang đồng hành cùng hàng loạt hoa hậu nổi tiếng cũng như đứng sau hình ảnh của nhiều dự án điện ảnh, anh Kye Nguyễn – một giám đốc sáng tạo hình ảnh và cũng là một nhà cố vấn trang phục cho hàng loạt sao Việt đình đám; và cuối cùng là chị Trang Nhẹ Nhàng – một “người phụ nữ nhỏ bé” đứng sau hàng loạt vẻ ngoài lộng lẫy của người nổi tiếng trên các thảm đỏ lừng danh cũng như các tạo hình đặc sắc của các thương hiệu Việt.

Giữa “rừng” định nghĩa dễ hiểu lầm trong thời đại mới vậy Fashion Stylist thực chất là gì?

Anh Trần Đạt: Đối với bản thân tôi cũng như những người làm công việc này trong một khoảng thời gian dài thì định nghĩa về Fashion Stylist không còn là một câu hỏi mới lạ nữa mà nó giống với một lời chia sẻ hơn. Khác với hào quang, sự lộng lẫy hay sức hút truyền thông của những người nổi tiếng, những ngôi sao, fashionista hay influencers, những người stylist thường đứng sau cánh gà sân khấu trong suốt bao nhiêu năm theo nghề. Đối với giới trẻ Việt, khái niệm stylist còn khá mơ hồ. Nói thì nghe có vẻ sang đó nhưng thực chất ở Việt Nam thị trường stylist cũng như tuổi nghề của những người đã và đang làm công việc này vẫn còn nhỏ so với các nước trên thế giới. Không có một nền thời trang lâu năm như các nước ngoài thế giới, danh từ stylist chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng 15 đến 20 năm đảo lại. Vì thế, mọi người luôn thấy công việc này mơ hồ và không xác định rõ những gì mà stylist phải làm cũng là một điều hiển nhiên. 

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Theo các bạn trẻ ngày nay thường hiểu nhầm rằng một người đến các thương hiệu thời trang để lựa chọn trang phục cho người nổi tiếng đã là một stylist. Tuy nhiên đối với những người làm khá lâu năm trong công việc này thì đó chưa phải là một stylist mà đúng hơn là một trợ lý stylist (assistant stylist). Một người stylist đúng nghĩa phải là một người có một cái nhìn tổng quan. Tổng quan ở đây không phải là một bộ trang phục trong một ngày hay trong một sự kiện mà là hình ảnh, cả một quá trình của người nghệ sĩ, người mẫu mà bạn đang làm việc cùng. Đối với Trang, để trở thành một người stylist thật sự thì bạn phải có một nền tảng, một kiến thức nhất định và một cái nhìn tổng quát, nó gần giống như một Art Director của khách hàng về thời trang.

Anh Kye Nguyễn: Nếu dịch sát nghĩa, Fashion Stylist chính là chuyên gia định hình thời trang, định hình phong cách, mà phong cách đến từ đâu? Phong cách không đơn thuần được thể hiện thông qua quần áo mà còn qua những thứ đi cùng như trang sức, phụ kiện và cả tóc tai, trang điểm. Ngoài ra, phong cách không chỉ là khi bạn mặc một bộ trang phục thật đẹp mà bộ trang phục đó phải nói lên được bạn là ai, thể hiện được cá tính của bạn. Chính vì vậy, một người stylist là một người phải am hiểu về phong cách, có kiến thức về thẩm mỹ hoặc phải có một sự hiểu biết nhất định về cách trang điểm, tóc tai và cả hiểu được lịch sử thời trang, từng phong cách hay xu hướng để từ đó bạn có thể định hình phong cách cho khách hàng của mình, không chỉ đẹp mà còn phải phù hợp với họ. 

Theo bản thân tôi, do sự mơ hồ của định nghĩa về stylist nên các bạn trẻ thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm KOL, Influencers,… và Fashion Stylist hay đúng hơn là nhầm tưởng rằng một stylist phải có khả năng ăn mặc đẹp. Đối với ba chúng tôi ở đây, khi đã là những người stylist rồi thì chúng tôi lại không muốn được chú ý quá nhiều, chỉ muốn là người đứng sau hào quang đó để giúp cho những người khách hàng của mình, những người nổi tiếng, tỏa sáng và tự tin nhất có thể. Và khi họ tỏa sáng thì đó cũng chính là hào quang của những người stylist như chúng tôi đây. 

Anh Trần Đạt: Qủa thật việc ăn mặc đẹp cũng là một vấn đề quan trọng vì ăn mặc đẹp cũng là cách mà bạn thể hiện sự tôn trọng của mình với người nhìn, với khách hàng và cả công việc. Tuy nhiên, ăn mặc đẹp chỉ là một phần rất nhỏ trong công việc của người stylist. Và chúng ta không nền nhầm tưởng là khi đã trở thành một stylist thì lúc nào cũng phải ăn mặc đẹp, lúc nào cũng xuất hiện thật lộng lẫy. Vì khi làm việc, cũng giống nhiều công việc lao động khác, chúng tôi – những người stylist cũng phải chọn những trang phục thoải mái, phù hợp để có thể hoàn thành công việc một cách thật hiệu quả. 

Những ngày đầu theo đuổi đam mê 

Anh Trần Đạt: Đối với tôi, để được như ngày hôm nay thì tôi cũng như hai vị khách mời còn lại ắt hẳn đã trải qua nhiều trải nghiệm, công việc khác nhau từ lớn đến nhỏ và những kỷ niệm trân quý từ những ngày đầu theo đuổi đó có lẽ sẽ đi theo chúng tôi đến hết cuộc đời. Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên làm trợ lý stylist, ngày được ủi những bộ đồ đầu tiên và lần đầu được chạm vào những thiết kế thời trang cao cấp và cũng là lần đầu bước những bước đầu tiên vào thế giới lộng lẫy, cùng ước mơ cháy bổng và đam mê bất tận. Đam mê đối với thời trang của Đạt bắt đầu từ những năm học cấp hai, từ những trang báo tạp chí thời trang cũ phải dành dụm để có thể mua được và những show thời trang xa xỉ trên đài truyền hình. Và khi được lên đất Sài Gòn hoa lệ sau khi tốt nghiệp lớp 12, Đạt đã không ngừng nghỉ cố gắng để có thể thực hiện ước mơ, đam mê của mình có thể bước vào thế giới thời trang bao lâu hằng mong ước. Không có cơ hội tìm hiểu cũng như trải nghiệm một công việc thời trang thực thụ, tôi bắt đầu tiếp cận thời trang qua ngành học kiến trúc và cái duyên với thời trang vẫn chưa bao giờ biến mất từ khi tôi gặp được cố stylist Mì Gói – một người thầy, người anh của tôi thì tôi đã chính thức bắt đầu những ngày tháng đầu tiên “chạm” vào nghề stylist.

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Nếu Đạt bắt đầu từ ngành học kiến trúc thì Trang lại bắt đầu là một cô sinh viên học ngành Truyền thông – một ngành học có lẽ không có liên quan chặt chẽ mấy với thời trang, nhất là fashion stylist. Tuy nhiên với thời đại của chúng tôi thì ắt hẳn rất ít thậm chí là không có một trường đào tạo về nghề stylist và muốn dấn thân vào công việc phù hoa này thì các bạn phải bắt đầu với việc làm một assistant stylist. Còn đối với bản thân tôi, những ngày đầu trước khi bén duyên với nghề stylist thời trang thì tôi đã từng là một biên tập viên cho những trang tin hay những tạp chí thời trang. Sau đó, khi có kinh nghiệm về “phần chữ” rồi thì tôi được mời về làm mảng “take care”, quản lý hình ảnh cho một website công ty. Trong suốt quá trình làm việc, dần dần tôi được gọi là stylist của công ty. Từ đó, tôi cũng có cơ hội được làm việc với nhiều bạn người mẫu hơn, nhiều người nổi tiếng hơn nhưng chỉ trong phạm vi là một dự án cho công ty. Nhờ năng lực cũng như những ấn tượng nhất định thì tôi được mời hợp tác cùng với họ trong những dự án, sự kiện cá nhân, làm một thứ gì đó lớn hơn và “art” hơn rất nhiều, cũng như tiến gần hơn với đam mê cũng chính mình.

Anh Kye Nguyễn: Đối với Kye, thì đam mê với thời trang đến từ những ngày học xong lớp 12. Cũng giống như Đạt, tôi cũng tiếp cận với thời trang qua những tờ giấy báo tạp chí mà phải dành dụm từ nhiều công việc làm thêm khác nhau từ dancer đến phục vụ nhà hàng, để có thể mua được. Thời trang đối với Kye là một quá trình tích lũy thẩm mỹ, mà không phải qua bất cứ nền tảng xã hội hay tiện ích của công nghệ nào mà chỉ đơn giản là các hình ảnh lộng lẫy trên các tờ tạp chí thời trang. Những ngày đầu tiên tiếp xúc với vai trò stylist cũng giống như Đạt, tôi bắt đầu với việc phụ giúp xách đồ cho người khác hay những lần chủ động nhắn tin xin được đến phụ giúp để có thể học hỏi, học hỏi từ những việc nhỏ nhất như xách đồ và hiểu được nhiều vai trò khác nhau phía sau một sản phẩm thời trang từ anh chụp ảnh, vị trí art director và cả người stylist. 

Qua những câu chuyện của bản thân và cả hai vị khách mời còn lại, tôi nghĩ rằng để trở thành một người stylist đúng nghĩa thì không cần phải là một người nào nổi tiếng cả hay một người có điều kiện mà chỉ cần bạn có đam mê, một niềm đam mê sâu sắc với thời trang, với những gì bản thân yêu thích. Với những bằng chứng sống như chúng tôi ngày hôm nay, các bạn cũng có thể thấy để đến với thời trang, trở thành một stylist thì bạn chẳng cần một điểm xuất phát thật hào nhoáng mà chỉ đơn giản là chữ “đam mê”.

Đam mê được “thanh toán” bằng những cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách

Anh Trần Đạt: Không có quá nhiều điều kiện như cuộc sống hiện đại ngày nay, Đạt đã từng làm rất rất nhiều công việc như tiếp tân ở nhà hàng với mức lương 20-30 nghìn mỗi tiếng,… để có thể “hiện thực hóa” đam mê của mình. Là một thanh niên từ quê lên Sài Gòn tôi đã tìm đủ mọi cách, làm đủ nghề để có thể sinh sống và nuôi dưỡng ước mơ của bản thân. Khi còn là một trợ lý stylist, vốn dĩ là bản thân mình đi xin người ta học nghề nên cũng không kiếm được thu nhập từ công việc này nên tôi cũng bắt buộc phải làm thật nhiều công việc, tranh thủ những giờ rảnh sau lớp học để đi làm kiếm thêm. Những ngày tháng đầy thử thách đấy không phải là lời “kể khổ” với các bạn ngày hôm nay mà đó đúng hơn là những kỷ niệm đáng quý làm nên thành công sau này của bản thân Đạt. 

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Đã có nhiều phụ huynh thắc mắc và không tin rằng những người stylist hay những bạn assistant stylist có khi phải “chạy việc” vào lúc 1-2g theo những yêu cầu của khách hàng. Thật sự công việc này cũng có những vất vả, điều khắc nghiệt nhất định, đặc biệt là về thời gian, yêu cầu bạn phải thật sự linh hoạt để đáp ứng mọi yêu cầu cũng như kiên trì theo đuổi đam mê. 

Những vị trí, vai trò khác nhau của một Stylist

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Trong thị trường stylist thì có rất nhiều lĩnh vực khác nhau như celebrity stylist (personal stylist) như anh Kye Nguyễn, đảm nhận vị trí stylist đồng hành trong nhiều chương trình lớn như anh Trần Đạt hay là một brand stylist và commercial stylist như tôi chẳng hạn, hoặc thú vị hơn nhưng hay bị lãng quên như food stylist,… Tùy vào đam mê, sở trường cũng như sở thích cá nhân, các bạn sẽ có một lĩnh vực nhất định và tập trung phát triển lĩnh vực đó một cách tốt nhất.

Anh Trần Đạt: Celebrity Stylist sẽ là một phần nhỏ trong Personal Stylist. Tức là công việc định hình phong cách cho một cá nhân như người bình thường, một doanh nhân hay một người nổi tiếng,… Ngoài ra còn có nhiều lĩnh vực nổi bật khác như brand stylist, commercial stylist và nhỏ hơn nữa là photoshoot stylist, product stylist hay những stylist cho những MV ca nhạc, chương trình, dự án,… Quan trọng là bạn thích cái gì, đam mê và phù hợp với lĩnh vực nào. Đặc biệt, một người stylist cũng có thể đảm nhận nhiều vai trò, vị trí khác nhau đồng thời cùng lúc.

Anh Kye Nguyễn: Ngoài những chia sẻ chi tiết trên của hai vị khách mời, khi làm stylist thì các bạn đã có một quá trình thử nghiệm thú vị để tìm ra bản thân thích và phù hợp với lĩnh vực nào cũng như xác định một hướng đi rõ ràng cho định hướng của mình trong tương lai. 

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Stylist nhìn chung là một nghề định hình phong cách nhưng những ngách nhỏ, lĩnh vực trong stylist thì luôn có sự khác biệt nhất định. Brand Stylist khác với Celebrity Stylist ở chỗ là bạn không còn làm việc cùng một người mà là cho một tập đoàn, một thương hiệu lớn, thậm chí là những tập đoàn quốc tế, đa quốc tế. Khi đó khách hàng của bạn không còn là một vị sếp hay một đối tượng khách hàng nào nữa mà là có thể là hàng tỷ người trên các đất nước khác nhau mua sản phẩm đó. Chỉ vài giây xuất hiện trên quảng cáo hay chỉ một bộ đồ xuất hiện trên một chiếc TVC thôi những câu chuyện sản xuất đằng sau vô cùng vất vả và phức tạp. Phía sau đó, chúng tôi đã phải “bán” hàng nghìn bộ đồ để làm sao khi phát sóng dù chỉ một giây mà khách hàng từ trẻ con đến người già có thể hiểu được xu hướng đó. Khó khăn nằm ở chỗ là chúng ta phải phục vụ cho rất nhiều khách hàng, trải qua vô số bước thẩm định của nhiều vị sếp. Công việc mà stylist cần làm ở đây là làm sao có thể gom góp, kết hợp biến những góp ý, những mâu thuẫn hay các yêu cầu vô lý của khách hàng thành một xu hướng, một phương án hợp lý. Đối với Trang, commercial stylist tưởng là dễ như lại là công việc khó nhất, như “làm dâu trăm họ” vậy đó, bạn phải làm sao cho bộ trang phục mà bạn chọn phải đáp ứng được hết yêu cầu của từng vị khách hàng và họ phải hài lòng với sản phẩm của bạn.

Anh Trần Đạt: Bản thân tôi cũng có cơ hội được đảm nhận vai trò của một Commercial Stylist. Khi đảm nhận công việc này, bạn phải làm việc cùng ba loại khách hàng chủ đạo như: agency, client và production house. Khi làm việc với nhiều đối tượng khách hàng như vậy tất nhiên bạn không thể nào tránh được những mâu thuẫn, những ý kiến trái chiều, không vừa lòng của các bên, nên thật sự vai trò này rất vất vả. Để thực hiện một chiếc clip quảng cáo trong vòng 30s thì quá trình sản xuất có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng thậm chí là cả năm và cái hay cũng như cái khó đòi hỏi stylist ở dây là làm sao để đến thời điểm ra mắt thì bộ trang phục đó, xu hướng đó vẫn còn trendy, phù hợp thị hiếu. Trong tất cả các lĩnh vực trong stylist thì Đạt tin rằng Commercial Stylist sẽ mang đến được tương lai vô cùng rực rỡ cũng như một công việc ổn định. Celebrity Stylist có thể mang đến cho bạn sự nổi tiếng nhưng Commercial Stylist sẽ là một lĩnh vực bền vững vì nó gắn liền với nhu cầu thiết yếu của chúng ta của cuộc sống. Trải qua bao nhiêu thế kỷ thì quảng cáo vẫn ở đấy để phục vụ cho con người.

Anh Kye Nguyễn: Trước khi tôi nhận lời mời làm stylist cho một celebrity nào đó thì tôi sẽ xem xét lại mình có thể giúp ích được gì cho khách hàng này hay không và định hướng hình ảnh của mình hiện tại có đang phù hợp với hình ảnh của người nổi tiếng hay không để có thể làm cho họ nổi bật nhất có thể. Vậy theo Kye, trong mối quan hệ làm việc giữa stylist và celeb thì tôi nghĩa celebrity sẽ là người chọn, người liên hệ với stylist trước. 

Sau khi tìm được mối tương đồng giữa cá tính, hình ảnh thời trang giữa hai bên, tôi sẽ bắt đầu ngay vào việc tìm hiểu tất cả thông tin về phong cách của khách hàng để đầu tiên là hiểu về họ và rút ngắn thời gian. Các bạn cũng nên hỏi khách hàng của mình những câu hỏi đúng trọng tâm nhất như “bạn đang hợp với phong cách này” hay “bạn nên tránh những loại quần áo phom dáng này?” và tránh những câu hỏi mà bản thân mình có thể tìm hiểu được như “bạn thích phong cách nào?”,…

Bước tiếp theo là các ban stylist nên tạo ngay một moodboard chuẩn chỉnh gồm các thương hiệu, thiết kế, layout makeup phù hợp nhất,…như một “kim chỉ nam” xác định đúng hướng phong cách của khách hàng đang cần. Không chỉ cố vấn trang phục cho ngôi sao mà các bạn stylist có thể giữ vai trò quản lý hình ảnh cho khách hàng của mình với những chiến lược truyền thông, những hình ảnh gắn liền xuyên suốt quá trình để người xem có thể thấy được sự cải tiến trong hình ảnh của ngôi sao, đặc biệt là làm bật lên được cá tính cũng như signature của họ. Lúc này stylist đã trở thành một “người thân” của ngôi sao cùng ekip của ngôi sao giúp họ luôn nổi bật và gây ấn tượng với khán giả. 

Điều kiện để trở thành một stylist đúng nghĩa?

Anh Trần Đạt: Theo Đạt để trở thành một stylist ngoài những kiến thức cần phải có thì thẩm mỹ là một trong những yếu tố quan trọng nhưng nó không phải là tất cả mà chính đam mê mới quyết định được trọn vẹn, vì chỉ có đam mê thì các bạn mới có thể kiên trì vượt qua những thử thách và sẵn sàng lăn xả trong công việc hào nhoáng nhưng khắc nghiệt này. Có đam mê thì ắt hẳn bạn sẽ có được thành công. Và như những gì tôi đã chia sẻ trong bài phỏng vấn với Style Republik: “Hãy biến đam mê thành sự nghiệp, thứ có thể nuôi sống và gắn kết với ta dài lâu” và hãy kiên trì với những gì chúng ta thích và làm. 

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Đồng thời bên cạnh đó, một người stylist chuyên nghiệp thì bạn phải có được một nền tảng kiến thức vững chắc về thời trang từ vải vóc, màu sắc đến cả tỉ lệ cơ thể. Cũng là một loại vải, một màu sắc nhưng những bạn stylist phải biết được tất cả các thành phần, các sắc thái để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng cũng như phù hợp với sản phẩm đi cùng. Đặc biệt, các bạn phải biết kiên nhẫn và điềm đạm để lắng nghe yêu cầu của khách hàng, cuối cùng để tìm ra một giải pháp hợp lý nhất. 

Bên cạnh đó chúng ta cũng không đừng quên làm nổi bật bản thân vì sự nổi tiếng, hình ảnh trau chuốt và ấn tượng của bạn sẽ khiến khách hàng chú ý đến cũng như ghi điểm trong mắt họ để cùng đồng hành với nhau sau này. Đối với các bạn stylist chưa có tên tuổi nhất định, những “lính mới” bước vào nghề thì các bạn cũng phải biết cách tự chủ động quảng bá bản thân mình với những dấu ấn, thành thích nhất định và cùng sự chân thành muốn đồng hành cùng đối tượng khách hàng đó. Ngoài ra, các bạn cũng cần phải biết tìm ra được điểm dung hòa giữa mình và khách hàng hay ngôi sao nổi tiếng mà mình đồng hành cùng, để có thể đáp ứng được được những gì mà khách hàng đang tìm kiếm, dù là ngôi sao đã có gu ăn mặc nổi bật thì bạn đấy cũng cần phải có một người stylist đồng hành trong những hình ảnh mới. 

Anh Trần Đạt: Bổ sung thêm cho những chia sẻ của chị Trang, là một stylist các bạn còn phải biết đi mua vải, biết được thành phần trong vải đó như thế nào, đường may trên vải ra sao. Stylist không chỉ am hiểu về thời trang, làm đẹp hay phong cách mà còn phải biết đến thật nhiều thứ liên quan như chất liệu, kỹ thuật từ quần áo, trang sức đến giày dép, phụ kiện. Vì vậy, bạn phải không ngừng học hỏi và tiếp thu kiến thức để trau dồi và cải tiến cho bản thân. Quan trọng hơn hết, khi bạn làm stylist cho ngôi sao nổi tiếng hay sắp nổi tiếng thì bạn phải thay đổi và đồng hành cùng sự thay đổi hình ảnh của họ để có thể tư vấn và cung cấp dịch vụ, tư vấn ở đây là đưa ra ý kiến để họ cải thiện hình ảnh và cung cấp dịch vụ tức là làm sao để đáp ứng được yêu cầu của họ, khiến họ hạnh phúc và hài lòng nhất, thay vì cứ áp phong cách cá nhân của mình vào khách hàng. 

Bên cạnh, niềm đam mê, sự kiên trì, kiến thức thì các bạn stylist cũng cần phải có một nền tảng networking vững chắc hay những mối quan hệ nhất định, cũng như chủ động tạo nên những mối quan hệ tốt với những người trong ngành, không chỉ là các người có tên tuổi nổi bật mà còn là những người bán hàng tại các cửa hiệu thời trang bình thường vì trong tương lai chúng ta có thể hợp tác cùng với họ.

Anh Kye Nguyễn: Đối với một stylist việc mặc đẹp là một trong những yếu tố cần thiết để gây ấn tượng nhưng vẫn không phải là một yếu tố quyết định tất cả. Khi làm việc cùng khách hàng, bạn phải tập trung để làm cho khách hàng mình đẹp và tỏa sáng nhất thay vì cứ chăm chăm vào hình ảnh hay phong cách cá nhân cũng như làm sau có thể dung hòa cá tính thời trang của riêng mình với cá tính của khách hàng. Để có được những mối quan hệ trong nghề tốt thì các bạn stylist phải biết cách làm mình nổi bật, và quan trọng là phải đối xử tử tế với tất cả mọi người để sau này không đánh mất nhiều cơ hộ làm việc quý giá. 

Vì sao ngôi sao nổi tiếng lại cần đến một stylist?

Anh Trần Đạt: Ngoài nhu cầu muốn luôn xuất hiện trước công chúng một cách chỉn chu nhất thì người nổi tiếng còn cần cần đến sự tươi mới trong hình ảnh. Là những người có sức ảnh hưởng với xã hội thì nghệ sĩ, ngôi sao luôn phải cập nhật hình ảnh của mình, làm mới mình mỗi người để đáp ứng thị hiếu, thẩm mỹ cũng như xu hướng của hiện đại vì những lý do đó, họ cần đến stylist. Không định hướng họ theo một khuôn khổ, một phong cách xuyên suốt nhất định, stylist còn đem đến “sự tắc kè hoa” cho ngôi sao, miễn sao khách hàng của mình hài lòng, vui vẻ và thích là được.

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Nói đến sự tươi mới, việc ngôi sao làm việc với nhiều stylist là chuyện vô cùng bình thường. Vì họ muốn thử nhiều trải nghiệm mới, nhiều bàn tay stylist mới và những phong cách mới, không chỉ phù hợp với định hướng của bản thân mà còn vì yêu cầu từ nhãn hàng mà ngôi sao đang hợp tác. 

Vượt qua những áp lực từ dư luận

Anh Trần Đạt: Áp lực từ dư luận những lời phán xét nặng nề về sản phẩm và công việc chắc hẳn ba chúng tôi ai cũng đã đều trải qua. Những ngày đầu tất nhiên không tránh khỏi suy sụp nhưng nếu không thể mạnh mẽ vượt ra khỏi những suy sụp đó thì đã không có ba chúng tôi xuất hiện ở đây ngày hôm nay. Chúng tôi phải biến những lời ác ý đó trở thành nguồn động lực để tiếp thu, để luôn mạnh mẽ, tiếp tục phát huy, cải tiến để làm tốt hơn tốt hơn nữa trong tương lai. Đã có lúc tôi nghĩ rằng tại sao trong suốt bao năm làm nghề họ không nhắc đến những thành tựu của tôi mà lại nhắc đến những sai lầm? Nhưng chúng tôi không thể nào giải thích và chứng minh cho tất cả được. Bản thân tôi cũng không thể nào biến thành một con người khác vì những lời chỉ trích bên ngoài, mà phải kiên trì tiếp thu những góp ý chân thành để cố gắng phát huy bản thân tốt đẹp, mạnh mẽ và độc lập hơn nữa. Đừng để dư luận dập tắt niềm đam mê trong mỗi chúng ta vì xung quanh ta còn rất nhiều người tốt, người yêu thương và cả khách hành của mình nữa. Điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ đó chính là sản phẩm, là hình ảnh khách hàng và sự hài lòng của họ chứ đừng phức tạp hóa những điều tiêu cực trong cuộc sống. 

Anh Kye Nguyễn: Dù là những người đứng sau hậu trường làm ngôi sao của mình nổi tiếng như đã là stylist là bạn đã bước được một chân vào showbiz. Vì thế, các bạn cũng phải biết cách cư xử cũng như cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói để tránh hiểu lầm cũng như tổn thương ngoài ý muốn. Điều giúp các bạn stylist có thể vượt qua nhiều biến cố đó chính là bản thân bạn phải có nhiều biến cố trước đã! Vì trong tất cả chúng ta ở đây thì không một ai có được bản lĩnh vượt qua biến cố khi chưa trải qua biến cố. Khi đối đầu với những áp lực từ dư luận, chúng ta nên tiếp nhận chúng một cách thật lạc quan, tiếp thu những góp ý chân thành và bỏ qua những lời chỉ trích nặng nề, tiêu cực. Và từ đó hãy cải tiến và cập nhật bản thân, tay nghề của mình tốt hơn nữa, vì chính sự cố gắng và thành phẩm sau này của mình sẽ là lời chứng minh và sự giải thích đúng nhất cho cộng đồng mạng.

Những áp lực trong công việc

Chị Trang Nhẹ Nhàng: Đối với tôi, khi làm việc với nhiều ngôi sao khác nhau thì tất nhiên stylist phải trải qua nhiều loại áp lực khác nhau và đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau. Đối với chuyến đi đến thảm đỏ Cannes vừa qua cùng chị Lý Nhã Kỳ, đó thật sự là một trải nghiệm, một chuyến công tác chấn động nhất của tôi từ khi bắt đầu làm nghề đến hiện nay. Nếu độ “chặt chém” trên thảm đỏ Việt là một thì ở quốc tế đã lên đến mười. Thảm đỏ Cannes được xem như là một thảm đỏ để nghệ sĩ “chặt chém” nhau bằng những viên kim cương hay những thước vải đồ hiệu. Ekip ở quốc tế cũng vô cùng chuyên nghiệp từ độ an ninh đến độ “take care” nghệ sĩ. Áp lực từ ngày đầu tiên ở thảm đỏ danh giá nhất hành tinh đó đối với Trang chính là không chỉ khách hàng, ngôi sao của mình đẹp là đủ mà bạn phải sao để ngôi sao của bạn vừa xuất hiện thì những người ở đó phải “ồ” lên cũng như thu hút mọi ống kính nhiếp ảnh truyền thông. Thành công không chỉ được khen ngợi ở nước nhà mà thành công ở tại giây phút thảm đỏ đó là phản ứng bất ngờ của người em cũng như được giới truyền thông quốc tế chú ý. 

Áp lực tiếp theo là về chiến lược đằng sau những lần xuất hiện của ngôi sao trên thảm đỏ. Ngoài việc đảm bảo hình ảnh mỗi lần thật chỉn chu thì chúng tôi cũng phải có được một chiến lược hình ảnh vô cùng chuẩn chỉnh chẳng hạn: ngày thứ nhất phải “đánh” vào quê hương,…và những ngày tiếp đó là những câu chuyện với từng ý nghĩa khác nhau. Chứ không phải muốn mặc sao là mặc, không màn đến thứ tự. Đặc biệt, khi được truyền thông chú ý thì bạn cũng phải giữ được một tâm thế vững vàng, luôn tin vào những điều mình làm và hiểu rõ được khách hàng. 

Anh Trần Đạt: Giống như Trang đã chia sẻ, không chỉ phải khiến ngôi sao của mình xuất hiện thật chỉn chu, lộng lẫy và tự tin nhất mà stylist phải biết cách thu hút được sự chú ý của truyền thông. Mặc dù đôi khi truyền thông sẽ sinh ra tranh cãi nhưng chính sự tranh cãi đó sẽ tạo nên sự chú ý. Đối với tôi, thành công của ngôi sao đó trên một thảm đỏ bất kỳ cũng như thành công của những stylist không chỉ là về mặt hình ảnh mà còn là ở mặt truyền thông và gây ấn tượng với người xem. 

SR Fashion Career Talk Ep.04: “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?” tạm khép lại. Cảm ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cảm ơn trường Đại học Hoa Sen đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Chương trình còn có nhiều chia sẻ ngoài lề thú vị và những lời giải đáp hữu ích từ khách mời cho người nghe. Video chương trình SR Fashion Career Talk Ep.04 sẽ được cập nhật trên kênh Youtube của Style-Republik! Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!

Thực hiện: Huỳnh Trân