SR Fashion Business Talk Ep.17 và những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử”

Ngày đăng: 18/09/23

Buổi tọa đàm SR Fashion Business Talk Ep.17: “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử” vừa khép lại với những chia sẻ thú vị đến từ 3 vị diễn giả – những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). 

Là tọa đàm được tổ chức bởi Style-Republik và SR Fashion Business School, trải qua 16 chuyên đề, SR Fashion Business Talk gây hứng thú với các chủ thương hiệu Việt cũng cộng đồng yêu thích, ủng hộ thời trang nội địa khi đem đến những chia sẻ bổ ích trong kinh doanh thời trang.

Ngày 16/9 vừa qua, trong không gian hiện đại đạt chuẩn 5 sao của Khách sạn Le Meridien Sài Gòn, SR Fashion Business Talk Ep.17 chính thức quay trở lại với chủ đề đầy hấp dẫn mang tên: “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử”. Tọa đàm được dẫn dắt bởi chị Trần Hà Mi – nhà đồng sáng lập của Style-Republik và SR Fashion Business School, với sự tham gia của ba vị khách mời uy tín, là các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là trong ngành thời trang. 

SR Fashion Business Talk Ep.17 được dẫn dắt bởi chị Trần Hà Mi – nhà đồng sáng lập của Style-Republik và SR Fashion Business School.

Khách mời đầu tiên của SR Fashion Business Talk Ep 17 – “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử” là anh Eric Kim – CEO Ứng dụng mua sắm Thời trang và Làm đẹp BIDU. Tại buổi tọa đàm, bằng góc nhìn của người đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc vận hành và kinh doanh thời trang tại DDP Plaza, Seoul – Hàn Quốc, nam CEO lần đầu tiên chia sẻ về những đặc điểm nổi trội cũng như chiến lược phát triển của sàn thương mại điện tử BIDU, với mong muốn về một tương lai thời trang mới tại Việt Nam – thị trường có dân số trẻ đầy tiềm năng, nơi có nhu cầu về thời trang và phong cách sống đa dạng.

Anh Eric Kim lần đầu chia sẻ về những tính năng vượt trội của Ứng dụng mua sắm Thời trang và Làm đẹp BIDU.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại các công ty thuộc lĩnh vực Marketing và thương mại điện tử tại Úc, chị Oanh Trương – Fashion Category Manager tại TikTok Shop không chỉ đem đến cái nhìn tổng quan về các sàn TMĐT tại Việt Nam, mà thông qua đó, chị còn có những chia sẻ bổ ích trong việc làm thế nào để một thương hiệu thời trang nội địa mới thành lập có thể phát triển thương hiệu và đạt doanh thu tốt trên TikTok Shop.

Chị Oanh Trương – Fashion Category Manager tại TikTok Shop và những chia sẻ bổ ích tại SR Fashion Business Talk Ep.17

Bên cạnh cơ hội hiểu sâu hơn về những tiềm năng cũng như thách thức của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, tại buổi tọa đàm, khán giả còn có cái nhìn tổng quát về thị trường kinh doanh TMĐT thời trang trong nước thông qua chia sẻ của anh Bình Lê –  nhà sáng lập của COME Media Agency. Anh cũng chính là một trong những người đứng sau thành công về doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử, bán lẻ thời trang hàng đầu tại Việt Nam như GroupM, Sonkim Retail, Seedcom (Fashion Group), VinGroup, VNG, FPT Online.

Diễn giả Bình Lê – Founder COME Media Agency cho thấy những cái nhìn tổng quan về thị trường TMĐT đầy tiềm năng.

Những chiến lược thú vị được 3 chuyên gia hàng đầu lĩnh vực thương mại điện tử thời trang chia sẻ tại SR Fashion Business Talk Ep.17 vừa qua:

Sự phát triển của sàn thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam những năm gần đây và những điểm sáng của ứng dụng mua sắm thời trang & làm đẹp BIDU

Không khó để nhận ra rằng, sau đại dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể, xu hướng mua sắm trực tuyến ở mọi ngành hàng dần trở nên phổ biến hơn so với những hoạt động mua sắm truyền thống. Đặc biệt, số liệu từ các thống kê cho thấy, ngành thời trang – một ngành hàng với tính chất đặc thù, luôn ưu tiên việc trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận chất lượng của sản phẩm, lại có tỷ lệ người mua sắm online tăng trưởng đáng kể, từ 18% lên 48% chỉ trong 1 năm từ 2020 – 2021. Đứng trước câu hỏi về việc liệu có hay không việc trào lưu mua sắm online sẽ sớm thay thế các hoạt động mua bán truyền thống của lĩnh vực mặc đẹp, anh Bình Lê khẳng định: “Offline store vẫn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong kế hoạch xây dựng hình ảnh thương hiệu của một Local Brands”, song, “nó sẽ hiệu quả hơn nếu như biết tận dụng và kết hợp cùng thương mại điện tử” – nhà sáng lập công ty truyền thông cũng cho biết thêm.

Chia sẻ về những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng lớn của mặt hàng thời trang trên các nền tảng TMĐT trong những năm gần đây, anh Bình cho biết, COVID-19 vốn không phải điều khiến TMĐT trở nên phổ biến, anh cho rằng, giai đoạn cách ly xã hội chỉ mở ra thêm một sự lựa chọn khác trong các hình thái mua sắm. Chính vì vậy, một thương hiệu thời trang được cho là đầu tư khôn ngoan là khi họ có cho mình một chiến lược vận hành kinh doanh phù hợp với mục tiêu, với định hướng đã được vạch ra trước đó. Ngoài ra, nam diễn giả cũng đưa ra lời khuyên dành cho những thương hiệu thời trang đang có ý định chỉ vận hành doanh nghiệp ở quy mô kinh doanh trực tuyến rằng: nếu chỉ kinh doanh Online thì chắc chắn 100% thương hiệu thời trang vẫn có thể duy trì. Nhưng khi có thêm một showroom nhỏ, thì chủ doanh nghiệp đã tạo thêm cho người tiêu dùng một tùy chọn khác, không chỉ giúp khách hàng có những trải nghiệm mua sắm đa dạng, mà đây còn là yếu tố giúp thương hiệu thời trang của bạn nổi bật hơn so với các đối thủ ngoài thị trường.

“Các thương hiệu nội địa không nên chạy theo trend (xu hướng) mà hãy chú trọng vào mục tiêu cốt lõi khi mới bắt đầu” – anh Bình Lê – Founder COME Media Agency.

Tại buổi tọa đàm SR Fashion Business Talk Ep.17, chị Oanh Trương – Fashion Category Manager tại TikTok Shop cho biết top 4 sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại bao gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki. Đây là những sàn TMĐT được người mua và người bán tin dùng bởi sự đa dạng về ngành hàng cùng nhiều mức giá dành cho các đối tượng khác nhau, song, phần lớn các sàn TMĐT này lại mất rất nhiều thời gian trong việc tạo dựng sự tin tưởng dành với khách hàng. Tuy nhiên, với ứng dụng mua sắm thời trang và làm đẹp BIDU thì ngược lại.

Theo CEO Eric Kim, khác với các ứng dụng mua sắm trực tuyến trên, BIDU là nền tảng thương mại điện tử chỉ tập trung vào lĩnh vực thời trang và làm đẹp, việc khoanh vùng rõ rệt tệp khách hàng cũng như phân khúc giá ngay từ đầu đã khiến giúp ứng dụng mua sắm đến từ Hàn Quốc dễ dàng tạo dựng niềm tin với khách hàng. Không chỉ vậy, khách hàng sẽ không phải lo lắng vì chất lượng sản phẩm. Bởi tại BIDU, mỗi doanh nghiệp khi đăng ký bày bán sản phẩm đều phải trải qua quy trình kiểm duyệt chặt chẽ trước khi tiếp cận với người tiêu dùng.

Chị Rubie (phải) – Marketing & Communication Manager tại BIDU giúp khán giả hiểu hơn về cách vận hành của ứng dụng mua sắm tiềm năng đến từ Hàn Quốc.

“Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ đến từ công ty mẹ BITHUMB INVESTMENT – sàn giao dịch lớn nhất Hàn Quốc, mô hình startup của BIDU nói không với việc gọi vốn từ các nhà đầu tư, mà thay vào đó, ứng dụng mua sắm của chúng tôi hướng đến những chiến lược kinh doanh dài hạn trong 10 năm tới. Bằng sức mạnh về vốn và những kỹ thuật tiên tiến về công nghệ, BIDU sẽ trở thành nền tảng TMĐT giúp đỡ các thương hiệu thời trang nội địa đầy tiềm năng tại thị trường Việt phát triển nhiều hơn nữa” – CEO của BIDU, anh Eric Kim chia sẻ tại SR Fashion Business Talk Ep.17.

Các giải pháp giúp cho các Local Brands Việt trở nên nổi bật giữa thị trường thời trang và đứng vững trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử

Vươn lên nhờ sự phát triển vượt bậc của nền tảng giải trí TikTok trong những năm gần đây, TikTok Shop thành công chiếm lĩnh vị trí thứ 2 trong số các nền tảng TMĐT tại Việt Nam. Một trong những yếu tố biến TikTok Shop trở thành nền tảng thu hút khách hàng mua sắm nhất nhì tại Việt Nam phải kể đến những voucher giảm giá, khuyến mãi. Trước câu hỏi: xây dựng hình ảnh trên sàn TMĐT với nhiều ưu đãi, liệu có làm giảm đi giá trị của thương hiệu, anh Bình Lê thẳng thắn chia sẻ: “Promotion không có lỗi! Việc áp dụng nhiều những voucher giảm giá không những không làm giá trị thương hiệu mất đi, mà đó còn là một cách giúp các Local Brands tiếp cận gần hơn với những khách hàng của mình”. 

Theo anh, giá trị của một thương hiệu phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh mà chủ doanh nghiệp hướng đến là gì. Đó là lý do khi bắt đầu bước chân vào sân chơi mới mang tên thương mại điện tử, các chủ doanh nghiệp cần tập trung vào thương hiệu của mình với mô hình 4P: Product (Sản phẩm) – Price (Giá thành) – Place (Kênh phân phối) – Promotion (Tiếp thị). Bởi nếu nắm chắc và hiểu rõ giá trị của 4 yếu tố trong mô hình trên, thương hiệu chắc chắn có thể tiếp cận được chính xác tệp khách hàng mà mình mong muốn hướng đến thông qua việc tạo ra khát khao về sản phẩm của khách hàng thông qua các chiến lược về định giá. Từ đó, xây dựng được chỗ đứng của mình trên thị trường cạnh tranh khốc liệt nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử thời trang nói riêng.

“Nếu không có định vị về 4 yếu tố thì thương hiệu của bạn gần như không thể tồn tại. Cốt lõi để tránh rủi ro khi bắt đầu kinh doanh chính là hãy xây dựng một mô hình 4P cho thương hiệu của mình một cách chuẩn chỉnh”.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: giữa làn sóng cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt trên các sàn điện tử, khi bất cứ thương hiệu nào cũng nhận được sự hỗ trợ về giá thông qua các voucher từ các sàn TMĐT. Vậy đâu sẽ là yếu tố giúp các Local Brands trở nên nổi bật hơn các đối thủ trên thị trường? Nhìn thấy vấn đề và khát khao không chỉ tiếp cận gần hơn với khách hàng mà phải nổi bật trên thị trường, Ứng dụng mua sắm thời trang & làm đẹp BIDU đã có một hướng đi khác. Hơn cả một nền tảng mua sắm, thông qua những cú chạm, BIDU muốn tạo ra những câu chuyện gắn kết giữa người mua và người bán. Ở BIDU, nhiệm của những seller không chỉ dừng lại ở việc đăng tải các sản phẩm, mà họ còn phải cho ra những bản phối phù hợp với dáng người của khách hàng, giúp họ có thể tự tin khi diện thiết kế thương hiệu mà không phải lo nghĩ. Việc nắm bắt và hiểu rõ những mong muốn, yêu cầu của khách hàng trong các sản phẩm, từ đây, người bán có thể có cho mình một tệp khách hàng nhất định. 

Bên cạnh việc có những voucher ưu đãi dành cho người dùng, hình thức livestream bán hàng cùng Influencer, KOL, KOC cũng được các thương hiệu nội địa áp dụng như một trào lưu bán hàng trên TikTok Shop trong thời gian trở lại đây. Sở dĩ việc bán hàng trực tuyến thông qua hình thức livestream kết hợp cùng người nổi tiếng trở thành xu hướng bán hàng được nhiều thương hiệu lựa chọn, chính là vì: đặc thù của sàn TMĐT TikTok Shop vốn là một sàn Social Commercial, nhờ những halo effect để trở thành làn sóng xu hướng cho mọi người làm theo. Chị Oanh Trương một lần nữa khẳng định: để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh giúp thương hiệu đứng vững tại sàn TikTok Shop, trước khi kết hợp với những người nổi tiếng để bán hàng, các thương hiệu hãy tập trung cho việc xây dựng hình ảnh riêng của mình để tăng Brand Awareness (Nhận thức thương hiệu) với người mua.

“Một lời khuyên dành cho các thương hiệu mới thành lập đó chính là: các bạn nên tập trung xây dựng kênh của mình bằng cách: tự livestream, tự tạo content (nội dung). Sau khi thành công xây dựng một màu sắc riêng cho thương hiệu, hãy kết hợp với KOL”.

SR Fashion Business Talk Ep.17 với chuyên đề: “Chiến lược đã khép lại với những chia sẻ đầy chân thực nhưng cũng không kém phần thú vị của 3 diễn giả. Thông qua buổi tọa đàm, Style-Republik hy vọng đã giúp cho các thương hiệu thời trang cũng như những bạn trẻ đang ấp ủ ý định khởi nghiệp hiểu hơn về cách lên chiến lược phù hợp với hình ảnh doanh nghiệp cũng như đến gần hơn với tương lai thời trang mới của thị trường Việt Nam thông qua những tính năng mới của Ứng dụng mua sắm Thời trang và Làm đẹp BIDU.

Một lần nữa, SR Fashion Business Talk Ep.17 xin gửi lời cảm ơn tới Khách sạn Le Meridien Sài Gòn vì đã đem đến một không gian hiện đại đạt chuẩn 5 sao cũng như những phần quà đặc biệt đến từ Thương hiệu Mỹ phẩm OFÉLIA và PoDo Flowers. Hẹn gặp lại các bạn trong những chuyên đề sau của SR Fashion Business Talk!

Thực hiện: Khánh Hoà