SR Fashion Career Talk Ep.06: Cùng Điền và Freddy Nguyễn nói về “chuyện nghề của người đứng sau hào quang”
Ngày đăng: 25/07/23
Ngày 13.07.2023, buổi tọa đàm SR Fashion Career Talk Ep.06 của SR Fashion Business School đã diễn ra thành công rực rỡ tại trường đại học Văn Lang. Với chủ đề hấp dẫn, thực tế cùng những chia sẻ chân thật của 2 vị khách mời đặc biệt – Stylist Freddy Nguyễn và Điền 70s, hội trường N2T1 đã bùng nổ với sự tham gia của hơn 300 bạn sinh viên.
Khi nhắc đến cụm từ ‘’Fashion Stylist’’, mọi người thường nghĩ đến những viễn cảnh tuyệt vời như được ghi tên vào các dự án cộng tác cùng người nổi tiếng, được tham dự các sự kiện thời trang lớn nhỏ và được báo chí nhắc tên… Tuy nhiên trên thực tế, để đạt được những thành quả trên, Fashion Stylist phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc hàng ngày và thử thách trên chặng đường phát triển sự nghiệp. Để giúp các bạn trẻ có góc nhìn chân thật cũng như nắm rõ những hướng đi đúng đắn để dấn thân và phát triển trong nghề Fashion Stylist, SR Fashion Career Talk Ep.06 đã mời đến hai vị khách mời đặc biệt có thể giải đáp và chia sẻ những nỗi lo của những người mới bắt đầu: Fashion Stylist Freddy Nguyễn và Fashion Stylist Điền (hay còn được biết đến với nghệ danh Điền 70s).
Mở đầu cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên, SR Fashion Business School đã cùng các vị khách mời đặc biệt – Fashion Stylist Freddy Nguyễn và Stylist Điền nhìn lại những cột mốc đáng tự hào trong sự nghiệp của mình.
Bắt đầu nghề Stylist trong sự tình cờ, nhưng để có thành công như bây giờ là cả nỗ lực
Với Freddy thì những khoảnh khắc đáng tự hào trong sự nghiệp phải bắt đầu từ thuở ban sơ, sau khi tên tuổi anh được các anh chị trong ngành chú ý tới trong lần hợp tác với Nhiếp ảnh gia Thông Hoàng cho một dự án chụp hình. Kể từ ấy, Freddy không ngừng nghỉ học tập và nghiên cứu với giấc ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày. Anh được anh Khuất Năng Vĩnh dẫn dắt vào nghề Stylist và thử sức với những bìa báo của Men’s Folio Vietnam (Wren Evans, Isaac, Sơn Tùng MTP), cũng như là người đồng hành hình ảnh cho những gương mặt nổi tiếng khác: Phúc Du, Văn Mai Hương, Hoàng Yến Chibi, Rocker Nguyen, Thu Anh Hồ,
Dự án tự hào tiếp theo là khi Freddy làm việc với chàng rapper HieuThuHai sau khi mới bước ra từ King of Rap. Freddy đã mang tới một diện mạo độc đáo so với hình ảnh gai góc thường thấy của rapper; Bên cạnh đó, hình ảnh Hiếu bận outfit có nét mềm mại, nữ tính với pattern hoa và chất vải rủ nhận được cơn mưa lời khen từ người hâm mộ. Kỷ niệm làm việc với AMEE – cô ca sĩ mang hình ảnh em gái quốc dân ngọt ngào thanh xuân được Freddy biến chuyển với diện mạo mang đôi phần kiêu kỳ, sang trọng hơn theo thời gian, nhưng khán giả vẫn nhận ra nét thanh thuần đặc trưng của cô nàng. Đặc biệt, sự trợ giúp của Freddy đã phát huy tác dụng trong lần Amee sánh đôi với các ngôi sao quốc tế tại bữa tiệc của Tiffany & Co.
Một trong những khoảnh khắc đáng tự hào là cơ hội làm việc với Sơn Tùng MTP: Vài tháng trước khi Freddy được nhận lời mời để chụp ảnh bìa với Sơn Tùng MTP từ chị Liên Chi và báo Elle Vietnam và 2 bìa báo là Elle Men và Đẹp. Cũng từ lần được styling cho anh Tùng ấy, Ekip của anh Tùng MTP và nhãn hàng Gucci cũng liên hệ lại để “book” thẳng Freddy để chuẩn bị 10 outfit trong vòng 1 buổi tối cho ca sĩ Sơn Tùng trong chuyến tham dự show diễn Gucci Cruise 2024 tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 5, 2023 vừa rồi.
Điền – thời trang là phương tiện để kể chuyện và khai phá đa dạng các chủ thể khác nhau
Với Điền, một cô gái không xuất phát từ ngành thời trang mà là truyền thông của trường đại học RMIT, Điền cũng có những khoảnh khắc bắt đầu sự nghiệp đáng tự hào và không kém phần thử thách. Trong quá trình Điền thực tập tại Elle trong bộ phận Marketing, thì anh Dũng và chị Liên Chi hỏi Điền là Điền muốn làm stylist không. Điền luôn đặt câu hỏi thời kỳ ban đầu là: Làm thế nào để styling cho người khác được đây? Anh Dzũng Yoko có nói với Điền là: “Em mặc như thế nào thì em style cho người khác như vậy…”. Với câu nói đó và sự tin tưởng, động viên của mọi người, Điền mạnh dạn bước qua ranh giới của sự băn khoăn giữa “mặc đồ cho mình và mặc đồ cho người khác như nào” và bắt đầu thử nghiệm công việc styling.
Điền cũng hiểu là không phải mình mặc như nào thì mình “style” chính xác cho người ta như vậy, mà là mình muốn cảm thấy thoải mái như nào thì mình cũng nên để người ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu như vậy… Chúng ta “style” cho người ta cảm thấy tỏa sáng, tự tin nhất thì công việc của bạn đã thành công rồi.
Bắt đầu sự nghiệp khoảng 2017-2018, Điền đã nhanh chóng ghi danh là fashion stylist trong một bài Editorial được đăng trên báo Elle, cô chia sẻ niềm tự hào đầu tiên khi được cảm nhận thành quả của mình trên tay qua các trang giấy báo in. Sau đó với niềm đam mê dần phát triển với thời trang và sự tò mò, Điền còn thử làm MV, Concert và dự án phim ngắn cho các nghệ sĩ khác nhau như: Hà Anh Tuấn (trong dự án “Truyện Ngắn”), Rapper Đen (MV Trốn Tìm) và Vũ (MV Bước qua mùa cô đơn), để tạo ra những hình tượng hoài cổ, lãng tử, lịch lãm nhưng hết sức độc đáo, khác biệt giữa các nghệ sĩ nam này… Cô cũng đảm nhận vai trò làm hình ảnh cho Mỹ Tâm trong concert, hay gần đây nhất là làm mới hình ảnh của Á Hậu Thảo Nhi Lê trong Hoa Hậu Hoàn Vũ 2022.
Mỗi project đều đòi hỏi những yêu cầu và có độ khó tăng dần. Điền luôn muốn thử nghiệm nhiều khía cạnh và khả năng của Fashion Stylist trong nhiều tình huống và công việc yêu cầu tạo dựng hình ảnh cho các nghệ sĩ hay những chủ thể khác nhau. Điền tâm đắc một câu rằng: “Mình phải cảm nhận được người ta, thì mình mới style cho người ta được kể cả người ta ở độ tuổi nào. Nếu mình không thể hiểu người ta thì khi mình style cho người ta không thể đúng được… Con người đẹp nhất khi người ta là chính mình!”
Khi hợp tác với chị Su (Rapper Suboi), thì Điền thực ra cũng từng được styling cho chị Su cho bìa ELLE Vietnam. Và sau này, Điền và Freddy được hợp tác dài hơi với chị Su qua chương trình Rap Việt, phần vì rất tò mò về thế giới underground ấy. Ngoài việc cần chuẩn bị hết các outfit tư trước khi ghi hình thì Điền và Freddy sẽ phải on set trong 2-3 ngày liên tiếp (từ 5h sáng đến 1-2h sáng hôm sau) cho 1 tập của Rap Việt để check lại các bộ trang phục. Mọi người có thể thấy, nghề fashion stylist không chỉ có những hình ảnh đẹp đẽ mà còn những vất vả ở phía sau.
Những bài học đắt giá từ buổi trò chuyện Fashion Stylist – những câu chuyện sau ánh hào quang
Mindset quyết định bạn là ai khi vào nghề
Điền chia sẻ rằng cái khó khăn đầu tiên của mình là mindset của bản thân: Chúng ta có thái độ và suy nghĩ như thế nào khi tiếp cận và bước chân vào nghề Fashion Stylist, không quan trọng chúng ta xuất phát điểm từ đâu, từ lĩnh vực nào. Quan trọng là chúng ta để mindset của bản thân ở đâu, chúng ta làm fashion stylist này với mục tiêu, mục đích cụ thể này là gì… Mọi người thường nghĩ là Stylist chỉ đơn giản là mặc đẹp thôi, nhưng fashion stylist còn là việc làm thế nào để có thể styling cho nhiều kiểu người, dáng người khác nhau. Mọi người cần nghĩ nó là một chuyên môn và cần tiếp cận với một thái độ chuyên nghiệp và trân trọng. Đó là bước đầu tiên.
Để dấn thân vào fashion stylist – Không có một lối đi duy nhất, chỉ cần bạn kiên trì
Khó khăn tiếp theo là làm thế nào để các bạn có thể “breakthrough” vào ngành Fashion Stylist này là một thử thách tiếp theo. Bởi không giống ngành khác, thì các bạn để phát triển trong lĩnh vực Fashion Stylist sẽ chủ yếu thông qua việc được refer (giới thiệu chéo) bởi những người trong ngành với nhau. Như Freddy, mọi người có thể quảng bá cá thân mình qua rất nhiều kênh social media khác nhau như Instagram, Facebook…
Hay bạn có thể có thể bắt đầu bằng việc viết lách như làm reporter/journalist – Đó là cơ hội rất tốt để học về lịch sử, kiến thức thời trang, và được áp dụng rất nhiều cho ngành của Fashion Stylist… Một hướng đi khác là chụp personal project – là một cách để khẳng định khả năng bản thân nhiều nhất qua tác phẩm. Đó cũng là cái để khách hàng có thể nhận biết và tiếp tục hợp tác với mình. (Đặc biệt, đây là cách phù hợp cho những bạn có tính cách hướng nội)
Cuối cùng, mọi người có thể intern tại các tạp chí thời trang, hay stylist assistant để học được các quy trình trong việc styling cũng như nhận biết được các yêu cầu trong styling đối với từng loại phân khúc của các thương hiệu (luxury brand, mid-end brand, thời trang sự kiện cho celebrity như nào…) và những process đặc thù trong ngành (như việc stylist phải nhận brief, lên kế hoạch, chuẩn bị bản trình bày về concept idea, giải thích tại sao lựa chọn những sản phẩm thời trang đi với người mẫu kia…)
Trong sáng tạo thời trang, bạn không thể làm việc một mình
Khi tác phẩm, một buổi shooting hoàn thành là công sức của cả một nhóm. Do vậy nó cũng đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm cao, chứ không thể làm một mình được. Kể cả bạn là designer, hay artist/creative director thì bạn vẫn phải cùng nhau làm việc để đưa ra được 1 tác phẩm truyền tải đúng concept mà cả ekip mong muốn. Đó là điều khó khăn trong việc làm việc nhóm và giao tiếp với nhau (art/creative director, makeup artist, model…) làm thế nào để truyền tải dễ hiểu, mạch lạc, chuyên nghiệp để cho mọi người trong ekip và cả công chúng biết được, hiểu được chúng ta muốn nói gì. Nếu cách mình truyền tải nó đơn giản, cho trẻ 5 tuổi hay người 50 tuổi hiểu được thì mọi người mới hiểu được. Đừng nghĩ nó phức tạp quá, hãy nghĩ gì đó đơn giản thôi, và nó đủ sáng tạo, đủ tốt thì mình sẽ truyền đạt tốt hơn.
Những thử thách đối với lĩnh vực sáng tạo như nghề Fashion Stylist
Với Điền thì Điền cố gắng bình tĩnh để sắp xếp ưu tiên thứ tự công việc: cái gì có thể làm trước, cái gì có thể để sau trong khoảng thời gian cho phép, còn lại là cong chân mà chạy thôi.
Còn theo Freddy, Freddy từng có một project phải chuẩn bị trong 3 ngày cho 40 trang, hơn 20 look cùng với anh photographer Thông Hoàng. Đó là L’Officiel số đặc biệt, bìa Portrait. Bởi vì project đến rất gấp và chỉ có 3 ngày chuẩn bị, nên Freddy và ekip chỉ kịp mang tất cả những item tự có được, chứ không kịp mượn đồ từ các nhãn hàng hay local brands. Đứng giữa ba sào đồ tự chuẩn bị được cùng team dù trong đầu chưa có định hướng rõ ràng, cuối cùng bộ hình cuối cùng được hoàn thành với hơn 20 look trên 8 models. Cả Freddy và anh Thông Hoàng ôm nhau khóc vì “không biết tại sao mình có thể làm được với mấy chục look như vậy”, mặc dù rất là gấp. Nên đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, cũng là thử thách-cơ hội để Freddy có thể thử nghiệm khả năng, giới hạn của mình. Bên cạnh đó, lời khuyên dành cho các bạn là: Mọi người nên chịu khó sưu tầm ở nhiều brand hay ở nhiều ngóc ngách các item thú vị, để có thể trong những trường hợp khẩn cấp như trên, chúng ta có sẵn những sản phẩm biết đâu có thể tạo nên outfit phù hợp cho các project styling.
Fashion Stylist muốn lâu bền đều cần biết cách cân bằng giữa các yêu cầu đặc thù của mỗi project, cân bằng giữa tính nghệ thuật và thương mại
Trong những khoảng thời gian đầu, khó khăn với Freddy là việc phải học và trau dồi rất nhiều về Styling trên thảm đỏ từ anh Stylist Long Ichi, học styling cho các dự án commercial từ anh Khuất Năng Vĩnh (Editor Managing của Men’s Folio VN),… bởi tính chất của các dự án như vậy đều có những yêu cầu riêng và mục tiêu riêng cho đối tượng khán giả và bối cảnh khác. Ví dụ tính nghệ sĩ và sáng tạo của các dự án commercial styling cho nhãn hàng sẽ không cao so với styling cho editorial của báo hay các bộ hình trên báo nói chung. Đến bây giờ, Freddy trải qua nhiều các dự án đa dạng khác nhau: từ styling thảm đỏ, MV, TVC, editorial, shooting cho các nhãn hàng lớn như Biti’s,… thì Freddy cũng đã tự tin trong việc cân bằng giữa các yếu tố và yêu cầu khác nhau của các dự án ấy. Và để đi lâu dài trong nghề fashion stylist, việc cân bằng yêu cầu của các dự án khác nhau này cũng sẽ tốt hơn so với mỗi stylist chỉ chuyên về một mảng.
Tìm hiểu và thử nghiệm sử dụng các yếu tố văn hóa, lịch sử vào project thời trang
Tìm hiểu và thử nghiệm sử dụng các yếu tố văn hóa và lịch sử nước ta trên các dự án styling là một ngưỡng thử thách mới dành cho các bạn fashion stylist. Hiện nay, có một số dự án styling có sử dụng và phản ánh những yếu tố văn hóa Việt Nam cũng nhận được sự chú ý nhất định. Có dự án gây được tiếng vang, tuy nhiên, cũng có dự án nhận phản hồi tiêu cực.
Phản hồi về điều này, cả Freddy và Điền đều công nhận rằng việc thử nghiệm và đào sâu về lịch sử và văn hóa, cũng như phản ánh những giá trị đó qua các dự án photoshoot, v.v. là một điều đáng khích lệ, mới lạ và giúp fashion stylist tạo được dấu ấn sâu đậm trong nghề. Hơn nữa, những tác phẩm sau đó cũng trở thành nguồn cảm hứng chạm tới nhiều đối tượng khán giả, tiếp thêm lòng yêu mến và mong muốn gìn giữ giá trị văn hóa thiêng liêng.
Nhưng các Fashion Stylist phải hết sức cẩn thận và tìm hiểu kỹ lưỡng, đào sâu nhất có thể để phản ánh đúng ý nghĩa và tính thẩm mỹ trong các dự án của mình thực hiện. Điền chia sẻ, trong những lần hợp tác với anh Dzũng Yoko, cô cũng đã may mắn được hiểu sâu về ý nghĩa của từng thiết kế ngày xưa và đồng thời thử làm mới trang phục như hình ảnh áo dài nhưng được phối với quần jeans để mang góc nhìn đương đại cho những giá trị và quy tắc cũ. Với Freddy, anh cũng cẩn thận tiếp cận các giá trị cũ. Freddy lặn lội đi gặp những người đi trước để hiểu sâu về lịch sử phục trang… để từ đó dám thử thách bản thân anh và tìm cách hiện đại hóa sao cho phù hợp, như việc sử dụng thiết kế từ các thương hiệu thời trang và nhà thiết kế đương đại, hay tạo hình lại “nón quai thao” và “Khăn mỏ quạ” bằng tóc, cách điệu lối make-up trên người mẫu… trong một số dự án yêu cầu yếu tố văn hóa dân tộc. Từ những lần biến tấu giá trị cũ với góc nhìn mới mẻ của người trẻ, những khán giả tiếp xúc các tác phẩm ấy sẽ được gợi lên sự thích thú và tò mò với chính văn hóa dân tộc ngày một nhiều hơn.
Chăm chỉ trau dồi khả năng thẩm mỹ của bản thân từ những bước đầu tiên để tạo dấu ấn khác biệt trong nghề
Đối với Freddy và Điền, từ những ngày đầu tiên hay đến bây giờ, cả hai đều duy trì thói quen làm project cá nhân để liên tục thử nghiệm và khám phá những khía cạnh thẩm mỹ mới ở bản thân, những góc nhìn mới. Các project cá nhân này thường không có sự chi phối từ nhiều phía như nhãn hàng, khách hàng. Nó sẽ là nơi để bạn thử, chấp nhận những cái chưa được và học từ chính thất bại của mình.
Đối với thời gian ban đầu mới vô nghề, thì các bạn stylist sẽ bị thử thách khá nhiều để tìm cách có được ngân sách vừa đủ triển khai các project cá nhân ấy. Nhưng nếu cứ cố gắng thực hành những dự án nhỏ của cá nhân đó, cố gắng tạo network và huy động các nguồn lực sẵn có để cho ra được thành phẩm của riêng mình, thì sau này những trải nghiệm đó sẽ giúp cho bạn có được kinh nghiệm và kỹ năng phong phú trong các dự án lớn hơn.
Ngoài ra, để trau dồi gu thẩm mỹ của bản thân, chúng ta còn có thể sử dụng chính các chất liệu, tư liệu xuất hiện xung quanh ta hằng ngày. Các bạn trẻ có thể tăng cường thời gian tiếp xúc và quan sát tỉ mỉ các bộ hình, video, các thành phẩm có sự góp tay của fashion stylist trong đó trên các phương tiện ấn phẩm báo in, pinterest, IG, FB v.v. Các bạn có thể lựa chọn ra những stylist và những bộ hình, những ekip mình thích nhất để đào sâu hơn, đặt các câu hỏi sâu hơn như: tại sao mình thích bộ hình này, tác phẩm này? Chúng mang thông điệp gì? Làm như thế nào để triển khai hay tổ chức ra những outfit đó, bộ hình hay tác phẩm đó? Nếu là bản thân bạn thì bạn muốn làm khác đi như thế nào?
Freddy cũng lưu ý rằng, để các bạn thực sự cảm nhận sâu sắc và hình thành gu thẩm mỹ cho riêng mình, các bạn trẻ nên đầu tư vào các cuốn tạp chí, artbook có chất lượng hình ảnh cao, được chuẩn bị công phu… để cảm nhận được chiều sâu của các bộ hình, cách chúng được trình bày như thế nào. Việc cảm nhận thực tế trên các trang giấy in chất lượng sẽ mang cho chúng ta trải nghiệm sâu hơn là trên các nền tảng mạng xã hội. Cũng chỉ có các cuốn artbook hay tạp chí in mới mang tới cho người đọc các tác phẩm thực sự chất lượng, không dễ dàng xuất hiện trên nền tảng truyền thông đại chúng.
Điền bổ sung thêm rằng, những ai muốn theo đuổi nghề fashion stylist – đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay – hãy luôn đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng: “Mình sẽ đem lại một giá trị mới nào trong lĩnh vực fashion stylist tại Việt Nam hiện nay? Mình sẽ làm gì khác thế hệ đi trước? Bối cảnh hiện nay cần những nhân tố fashion stylist mới như thế nào?”. Với thái độ cực kỳ chăm chỉ và đam mê, các bạn trẻ hãy cố gắng tìm câu trả lời cho những điều trên để các bạn có thể vượt lên, nổi bật và được các bên trong ngành thời trang nhớ tới để hợp tác.
Hãy dành thời gian thấu hiểu client để tạo dựng phong cách độc đáo cho mỗi người
Cuộc thảo luận còn đề cập tới vấn đề mà các bạn trẻ đều thắc mắc: Cách để chúng ta có thể thấu hiểu clients, tạo ra màu sắc riêng cho chủ thể được tạo dựng phong cách – mà không bị lặp lại một màu sắc như những chủ thể khác hay chỉ là bản sao vô hồn từ phong cách vốn có của stylist.
Freddy chia sẻ Khi làm việc với khách hàng, thì chúng ta có thể giúp khách hàng đưa ra khoảng 3-5 options khác nhau để người ta có quyền lựa chọn họ cảm thấy tự tin nhất. Bên cạnh đó chúng ta có thể đưa ý kiến chuyên môn để định hướng cho khách hàng, hoặc đôi khi một stylist cũng cần cố gắng bảo vệ option mà người stylist nhận thấy là tốt nhất cho clients hay nhãn hàng. Đích đến cuối cùng trong cả một project đó thì chúng ta vẫn cần đạt đến một tiếng nói chung với các bên: chủ thể được style, khác hàng hay nhãn hàng ta đang làm việc cùng.
Khi làm việc với Hiếu, với Amee, hay các nghệ sĩ và khách hàng khác, Freddy đều muốn dành thời gian để ăn uống, trò chuyện để hiểu người đó nhiều nhất về cá tính, mong muốn và gu thẩm mỹ vốn có, hoặc hình tượng họ hướng đến… bất cứ điều gì mà khách hàng/chủ thể ấy cảm thấy thoải mái và tự tin nhất. Khi Phúc Du – một người rapper và dần thoát ra hình tượng rapper chỉ đi với áo hoodie.
Với Điền, các bạn stylist hãy giữ niềm tin rằng bất cứ con người nào cũng có thể có cá tính, màu sắc riêng biệt. Do vậy trong khoảng thời gian ban đầu khi chúng ta nhận styling cho một nhân vật nào đó chưa xác định được cá tính rõ ràng của họ, thì chúng ta hãy vẫn kiên nhẫn tiếp cận họ và gợi ý cho họ những kiểu phối khác nhau để chính người khách hàng ấy được trải nghiệm, được khám phá dần bản thân họ. Từ ấy, cả stylist và khách hàng sẽ nhìn ra được một định hướng phong cách rõ ràng và phù hợp nhất.
Nghề Stylist là nền tảng của nhiều ngành nghề khác trong thời trang
Ngoài việc Fashion Stylist có rất nhiều cơ hội thử nghiệm khả năng styling trong các format dự án khác nhau (Commercial, Editorials, Filming, MV, v.v.), thì nghề Stylist được cho là nền tảng của nhiều ngành nghề trong Fashion khác, theo ý kiến của Stylist Freddy và Điền. Từ nghề fashion stylist, các bạn trẻ có thể phát triển kỹ năng, kiến thức để thực hành những nghề hay những vai trò khác như Art Director/Creative Director, Photographer, Fashion Journalist v.v. hay cho Fashion Marketing,… Bởi khi tham gia vào buổi shooting, một Fashion Stylist hiện nay đều phải để ý bao quát rất nhiều yếu tố ngoài việc lên các outfit cho chủ thể trong buổi chụp/buổi quay (ví dụ: ánh sáng, set đèn, màu sắc, set chụp, model, model posing,…) để đảm bảo thành quả cuối cùng được truyền tải đúng ý đồ và thông điệp. Do vậy, Fashion Stylist sở hữu nhiều kỹ năng nền mà những lĩnh vực, ngành nghề sáng tạo liên quan khác trong ngành cần tới. Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn có thể có đa dạng hướng phát triển trong ngành nếu xuất phát từ Fashion Stylist.
Cuộc chia sẻ kéo dài gần 2 tiếng với sự tham gia của 300 bạn sinh viên và các đại diện của trường đại học Văn Lang – anh Nam tư, Trưởng BP Quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Văn Lang, cũng như đại diện từ nhãn hàng Dermarium và Lý Gia Viên để mang tới những phần quà xứng đáng cho những bạn mang tới câu hỏi thú vị, đóng góp cho chương trình. Tất cả các bạn đã có một khoảng thời gian thú vị và tích lũy được nhiều kiến thức hữu ích để làm hành trang sự nghiệp cho mình.
SR Fashion Business School xin cảm ơn Stylist Điền và Freddy Nguyen. BTC cũng gửi lời cảm ơn trường ĐH Văn Lang cùng Khoa Mỹ thuật và Thiết kế đã hỗ trợ và tạo điều kiện để BTC và các khách mời có thể gặp gỡ và chia sẻ và cảm ơn 2 nhà tài trợ quà tặng: Lý Gia Viên (Nhà nhập khẩu và phân phối thiết bị nhà bếp, tiệm bánh, quán cà phê, nguyên liệu pha chế thức uống và bộ đồ ăn hàng đầu tại Việt Nam) & Dermarium – “Formulated with Dignity”.