Global Luxury Updates: Sự chuyển giao thế hệ của Prada
Ngày đăng: 12/11/24
Sau khi biến một cửa hàng đồ da nhỏ ở Milan thành một đế chế xa xỉ trị giá 19 tỷ USD, Miuccia Prada và Patrizio Bertelli đã thực hiện những bước đầu tiên để gầy dựng nên tương lai của Prada SpA. Lorenzo Bertelli, con trai cả của cặp đôi tỷ phú, đã được trao cho trọng trách nắm giữ cổ phần quan trọng sau khi ông đã tích lũy đủ kinh nghiệm ở bộ phận tiếp thị và phát triển bền vững.
Thừa kế công việc kinh doanh của gia đình là một sự kiện quan trọng đối với các doanh nghiệp gia đình ở Ý như Prada, và các nhà sáng lập thường có xu hướng đóng vai trò giám sát hoặc điều phối thay vì trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các công việc cụ thể. Bà Miuccia (76 tuổi) và Patrizio – chồng của bà (78 tuổi) đang có ý định trao lại quyền điều hành theo một cách có thể đảm bảo Prada vẫn duy trì được sự độc lập của mình. Điều đó có nghĩa là bà không muốn thương hiệu của mình bị phụ thuộc hoặc bị kiểm soát bởi các tập đoàn lớn như LVMH hay Kering SA, vốn đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực hàng xa xỉ.
Các nhà mốt Ý đã từng chứng kiến rất nhiều thương hiệu một bị các công ty toàn cầu lớn thâu tóm. Chẳng hạn như thương vụ mua lại Fendi và Loro Piana của LVMH và lần gần đây nhất, ‘gã khổng lồ’ này đã mua lại một phần cổ phần của công ty Moncler SpA. Quỹ đầu tư L Catterton (cũng là một phần của LVMH) đã tham gia vào quá trình mua lại cổ phiếu của Tod’s từ công chúng, khiến Tod’s không còn là công ty đại chúng mà trở thành công ty tư nhân. Hay việc Kering sở hữu Gucci, Bottega Veneta và có quyền kiểm soát Valentino.
Nhưng tầm ngắm của họ đã không còn là nước Ý mà thay vào đó là các kinh đô thời trang khác như Paris, London và New York, mặc dù khoảng 80% hàng xa xỉ được bán trên toàn cầu đều đi qua các xưởng và nhà máy của Ý, theo Patrizio. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các gia đình đứng sau các thương hiệu đã bị mất quyền kiểm soát và uy tín.
Để tránh bị rơi vào số phận như các thương hiệu khác, bà Miuccia (được gọi thân mật với cái tên “La Signora”) đã chủ động chuyển nhượng gần như toàn bộ cổ phần của mình trong các công ty quan trọng khác. Mặc dù bà vẫn giữ quyền biểu quyết, nhưng Lorenzo, con trai 36 tuổi của bà, đã được trao 50,5% cổ phần của công ty mẹ Ludo SpA. Em trai của Lorenzo, Giulio, dù hiện tại không có làm việc trong công ty gia đình nhưng vẫn nhận được số phần cổ phần còn lại.
Ông Patrizio Bertelli chưa thực hiện các động thái tương tự như bà Miuccia và hiện vẫn kiểm soát hoàn toàn công ty đầu tư của mình, theo các hồ sơ pháp lý ở Ý. Tuy nhiên, điều này vẫn không ảnh hưởng đến vị trí của Lorenzo. Ngoài ra, ông Patrizio cũng hoàn toàn ủng hộ động thái chuyển nhượng cổ phần của bà Miuccia. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2021, ông cho biết Lorenzo sẽ là người quyết định thời điểm anh sẵn sàng nắm quyền điều hành tập đoàn. Và ông Patrizio cũng bảo rằng mình đã có thể bàn giao công việc trong khoảng ba năm.
Việc chuyển nhượng quyền sở hữu có nghĩa là cựu tay đua xe rally sẽ sở hữu cổ phần lớn nhất trong công ty mẹ của gia đình, nắm giữ 80% Prada. Điều đó sẽ củng cố vai trò ngày càng tăng của anh tại công ty. Lorenzo sẽ giữ các chức vị như giám đốc tiếp thị, người đứng đầu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giám đốc điều hành.
Mặc dù Lorenzo đã nói với cha mẹ mình nhiều năm trước rằng anh đã chuẩn bị xong để tiếp nhận vị trí này, nhưng việc lãnh đạo tập đoàn này có thể đạt đến thành công như họ sẽ rất khó khăn. Trong thế giới xa xỉ lúc lên lúc xuống, chương tiếp theo trong câu chuyện của Prada có thể ẩn chứa nhiều biến động hơn. Bởi vì những điều kiện và hoàn cảnh đã giúp bà Miuccia biến Prada thành một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng không còn tồn tại nữa.
Trong thế giới xa xỉ lúc lên lúc xuống, chương tiếp theo trong câu chuyện của Prada có thể ẩn chứa nhiều biến động hơn. Bởi vì những điều kiện và hoàn cảnh đã giúp bà Miuccia biến Prada thành một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng không còn tồn tại nữa.
Nhu cầu ở Trung Quốc, nơi đã thúc đẩy sự bùng nổ của hàng xa xỉ đạt đến đỉnh điểm, đã chững lại. Những thương hiệu nhỏ như Prada gặp khó khăn trong việc duy trì mức đầu tư cần thiết để cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu lớn. Hơn nữa, việc có mặt tại các vị trí đắc địa trên các con phố mua sắm xa xỉ ở các thành phố lớn như Milan, New York và Thượng Hải cũng quan trọng không kém việc có bộ sưu tập phù hợp.
Prada Group gần đây đã chi hơn 800 triệu đô la để mở rộng sự hiện diện của thương hiệu tại New York bằng cách mua lại hai tòa nhà trên Đại lộ số 5. Con số này chưa tính đến chi phí cải tạo và là một nỗ lực đáng kể đối với một công ty như Prada, nơi có doanh thu 4,7 tỷ euro vào năm 2023 — so với hơn 86 tỷ euro của LVMH.
Doanh thu của Prada SpA đã tăng gấp đôi trong quý 3 nhờ vào thương hiệu Miu Miu. Trong giai đoạn này, cả hai thương hiệu đều nằm trong top ba những cái tên “hot” nhất trong bảng xếp hạng do Lyst Index biên soạn. Nhà phân tích Luca Solca của Bernstein cũng cho biết Miu Miu có thể sẽ tăng gấp đôi doanh số hàng năm lên khoảng 2 tỷ euro. Lorenzo đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Prada trong những năm gần đây, theo những người hiểu rõ về hoạt động nội bộ của tập đoàn.
Nhưng chiến lược kế nhiệm không chỉ đơn thuần là chuyển giao quyền sở hữu, mà còn có sự hỗ trợ của những chuyên gia hàng xa xỉ đáng tin cậy. Raf Simons — cựu giám đốc sáng tạo tại Christian Dior của LVMH — được bổ nhiệm làm đồng giám đốc sáng tạo của nhãn hiệu cùng tên của Prada vào năm 2020. Ngoài ra còn có một nhóm quản lý mới tại tập đoàn do Tổng giám đốc điều hành Andrea Guerra và Phó chủ tịch Paolo Zannoni lãnh đạo.
Nhiều thương hiệu thời trang Ý được thành lập khi nền kinh tế bùng nổ vào những năm 1960 và 1970 và những nhà sáng lập vẫn còn tại thế như Giorgio Armani (hiện đã ở độ tuổi 90), Leonardo Del Vecchio (người sáng lập Ray-Banowner EssilorLuxottica SA – đã qua đời vào năm 2022) cũng phải trải qua việc chuyển giao quyền lãnh đạo và kế thừa cho thế hệ sau trong gia đình. Nhưng họ đã gặp rất nhiều khó khăn, cho nên không phải công ty nào cũng dễ dàng thực hiện được như Prada.
Trong nhiều gia đình kinh doanh, các cuộc thảo luận về việc chuyển giao cho thế hệ tiếp theo là điều cấm kỵ, khiến những người thừa kế không được chuẩn bị đầy đủ dẫn đến các cuộc tranh chấp. John Elkann, người đứng đầu gia đình Agnelli, những người sáng lập ra hãng xe Fiat, vẫn đang tranh chấp trên toà với mẹ mình là Margherita Agnelli. Tuy nhiên, Miuccia và Patrizio rất muốn đảm bảo rằng “Prada-ness” sẽ tồn tại mãi mãi.
Mặc dù bà Miuccia thừa kế cửa hàng ở trung tâm Milan, nhưng những ý tưởng và tư duy của nhà thiết kế này lại không cổ hủ. Là một người theo chủ nghĩa cánh tả và là một nhà hoạt động nữ quyền trong những năm 1960, bà đã loại bỏ những tư tưởng lỗi thời. Chính sự phá cách này đã giúp bà sáng tạo ra chiếc ba lô nylon Prada vào những năm 1980 và các bộ sưu tập “ugly chic” (còn được biết đến với ý nghĩa là thời trang “xấu nhưng đẹp”) – điều này đã giúp Miuccia trở thành một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bà cũng biết cách và thời điểm để từ bỏ quyền kiểm soát và hợp tác để duy trì mối liên hệ với văn hóa giới trẻ. Duy trì sự tươi mới đó sẽ là chìa khóa cho tương lai của Prada. Miuccia là một người “rất thông minh khi chọn làm việc với những người bà cảm thấy phù hợp với tư duy đến từ thế hệ trẻ hơn” – nhà thiết kế người Mỹ Marc Jacobs cho biết thêm.
Thực hiện: Mỹ Tâm