Tác giả trẻ Nguyễn Hoàng Mai: Sự liêu xiêu của tuổi trẻ luôn có nhịp điệu riêng
Ngày đăng: 05/08/18
Đung đưa trên những đám mây là tiểu thuyết đầu tay của tác giả trẻ Nguyễn Hoàng Mai do công ty sách Phương Nam Book phát hành. Tác phẩm nói về sự cô đơn, lạc lõng của tuổi trẻ này cho thấy một nội lực văn chương của Hoàng Mai: cô nghiêm túc, chịu khó đầu tư cho nhân vật, tác phẩm với nhiều qui chiếu văn hóa đa dạng từ văn chương đến điện ảnh, âm nhạc. Hiện tại, Hoàng Mai đang du học ở Nhật chuyên ngành về văn học.
Style-Republik đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Mai xoay quanh tác phẩm Đung đưa trên những đám mây và những quan niệm của cô về văn chương.
Bạn bắt đầu có ý tưởng viết Đung đưa trên những đám mây từ đâu? Động lực nào thôi thúc bạn hoàn thành tác phẩm này?
Cách đây bảy, tám năm hình như tôi đã muốn viết một “cái gì đó” làm quà tặng bản thân mình vào lần sinh nhật hai mươi tuổi. Có lẽ vì đối với mỗi người, tuổi hai mươi luôn là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành. Xa hơn nữa, năm 16 tuổi tôi đã cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết. Ngày ấy tuy học chuyên Văn nhiều năm, nhưng cơ hồ không có kinh nghiệm viết lách gì, chỉ có lòng khao khát và niềm tin ắp đầy nhưng rốt cuộc, tôi đã ngừng lại để dành cho việc học với cường độ cao vào những năm lớp 11, 12 để bước vào cánh cửa Đại học. Duy nhân vật chính trong câu chuyện viết ra năm 16 tuổi vẫn tồn tại đâu đó trong tập vở học sinh và trong tâm trí. Nhân vật ấy đã một lần nữa bước vào tiểu thuyết lần này, cho tôi động lực để hoàn thành câu chuyện ngày nào.
Đung đưa trên những đám mây là tiểu thuyết đầu tay của bạn, khi lần đầu tiên viết một tác phẩm dài hơi, bạn có gặp phải khó khăn nào không? Nếu có, bạn đã vượt qua bằng cách nào?
Vào thời điểm bắt đầu lên ý tưởng viết, trong tôi như có một nút thắt, phải viết để hiểu, để tháo nó ra bằng mọi cách mới có thể bắt đầu viết những gì tiếp theo.
Ban đầu viết một tác phẩm dài hơi khá khó khăn. Ngày ấy tôi học báo chí phải tiếp xúc với tin tức, dòng thời sự đổi thay hằng ngày có thể cuốn người ta theo những hướng khác nhau. Đã cảm thấy khó khăn để cân bằng giữa thế giới thực tại và thế giới cô đơn giữa những trang viết. Ngày ấy tôi đã gặp một người chị trong trường sau này cũng là một người theo nghiệp viết lách. Tôi và chị đã trao đổi với nhau, rồi đi đến áp dụng phương pháp viết học từ người thầy của chúng tôi, nôm na là cách viết “làn hương”. Mỗi chương là một làn hương tuy mỏng, nhưng có thể coi như một ấn tượng mạnh, một câu chuyện dẫn dụ chính tác giả và những người khác, cuốn vào một bức tranh tổng thể lớn hơn.
Tại sao bạn quyết định đặt tên tác phẩm là Đung đưa trên những đám mây? Phải chăng vì nó thể hiện trạng thái cô đơn, vô định, lạc lõng của những người trẻ trong truyện?
Tôi mất khá nhiều, gần hai năm từ năm 19 đến 21 tuổi không liên tục, cho việc viết sửa lại tiểu thuyết đầu tay vì có cảm giác chưa thật đúng câu chuyện mình muốn truyền tải. Với tôi viết đã là để hiểu chính mình. Nhan đề truyện, tự đã đến trong quá trình khám phá này, dù không cố ý, dường như đã thể hiện một phần chủ đề. Tất cả những người trong câu chuyện này đều như đang sống trên mây, không thực tế chút nào. Mà chẳng phải chúng ta, có lẽ những người trẻ ở thế hệ chúng ta đôi khi ít nhiều cảm thấy vô tình hay hữu ý lạc trong đám mây của mình. Không phải bàng quan, không phải vô cảm, nhưng đôi khi chúng ta không nhìn rõ và đối diện thật sự với người khác. Và người khác ấy phải chăng cũng đang trong những vấn đề, những rắc rối, đám mây riêng của chính họ.
Câu chuyện Đung đưa trên những đám mây, có phần ngẫu hứng loạng choạng giữa hiện thực và mơ, hiện tại và quá khứ. Tuổi trẻ này đôi lúc cũng thế, loạng choạng hoang hoải vấp ngã. Dẫu như thế nào, sự liêu xiêu của tuổi trẻ dường như đã thể hiện những cố gắng, sống như chính mình và sự cố gắng luôn có nhịp điệu riêng của nó, sẽ mang đến một kết quả nào đó. Những khó khăn tổn thương đến trong cuộc đời này không dư thừa đâu, tôi đã nghĩ như thế. Những đám mây lúc nào cũng trôi trên bầu trời trông đơn giản nhưng có thể lý giải cuộc sống tiếp diễn này.
Câu chuyện Đung đưa trên những đám mây, có phần ngẫu hứng loạng choạng giữa hiện thực và mơ, hiện tại và quá khứ. Tuổi trẻ này đôi lúc cũng thế, loạng choạng hoang hoải vấp ngã. Dẫu như thế nào, sự liêu xiêu của tuổi trẻ dường như đã thể hiện những cố gắng, sống như chính mình và sự cố gắng luôn có nhịp điệu riêng của nó, sẽ mang đến một kết quả nào đó.
Mimi – nhân vật nữ diễn viên trong truyện có phải được lấy hình mẫu từ một diễn viên thật ngoài đời bạn yêu mến?
Mimi có lẽ là tổng hợp, chấm phá những tính cách tôi yêu, từ những người có thực mang cả những tính cách thực mà tôi gặp gỡ ngoài đời, thậm chí từ những diễn viên tôi thích. Tôi đã nghĩ về một nhân vật đại diện cho những gì mình yêu nếu xuất hiện trên trang giấy thì tuyệt biết bao, khi xây dựng nhân vật này.
Thế nhưng đến lúc này khi đã đứng ra ngoài câu chuyện, Mimi không đơn thuần là ai cả, cô ấy là nỗi ám ảnh về tình yêu mà mỗi người trong đời ai cũng có, giống như tựa đề phiên bản tiếng Pháp của ca khúc “She” (tác giả Charles Aznavour, Herbert Kretzmer) đã được trích dẫn ở đầu truyện, đó là “Tous Les Visages De L’amour” (Muôn mặt tình yêu).
Khi xây dựng nhân vật chính là một nữ diễn viên, bạn có lấy cảm hứng từ phong cách phim của một đạo diễn nào đó bạn yêu thích để xây dựng bối cảnh, không khí cho câu chuyện không?
Không phải là cảm hứng của toàn bộ câu chuyện, nhưng ở đâu đó trong tác phẩm của tôi có thể bắt gặp ảnh hưởng chút chậm rãi điềm tĩnh của phim Koreeda Hirokazu, gam màu trong phim Vương Gia Vệ, sự lãng mạn của phim Woody Allen, vì từng yêu thích tác phẩm của những đạo diễn này với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, tôi đã không hoàn toàn chủ đích nghĩ đến việc dựa vào bối cảnh, không khí từ những bộ phim yêu thích để xây dựng câu chuyện.
Trong Đung đưa trên những đám mây, nhân vật chính có “nhật kí xem phim”, “nhật kí đọc sách”; ngoài đời, bạn có tạo cho mình nhật kí hay ghi chép tương tự về việc xem phim, đọc sách không?
Tôi thích đọc sách, xem phim, tuy nhiên một cách ngẫu hứng, vì vậy không như nhân vật, tôi chỉ thỉnh thoảng ghi chép với máy tính những tác phẩm phim truyện thực sự bị ấn tượng. Kể lại thông qua ký ức, thông qua những ấn tượng chính mình, cũng giống như việc viết dường như khiến mọi thứ khắc sâu hơn một chút, và có thể mở ra một điều gì đó.
Kể lại thông qua ký ức, thông qua những ấn tượng chính mình, cũng giống như việc viết dường như khiến mọi thứ khắc sâu hơn một chút, và có thể mở ra một điều gì đó.
Là người đã trải qua cả hai hệ thống giáo dục văn chương (Việt Nam và Nhật Bản), bạn có thể chia sẻ những cảm nghĩ của bạn về sự khác biệt trong cách dạy văn ở Nhật so với cách dạy văn ở Việt Nam không? Vì sao bạn quyết tâm du học ngành văn chương ở Nhật?
Thật ra tôi đã không được học về văn học một cách bài bản ở Đại học, dù là học trong khối Khoa học Xã hội chuyên ngành của tôi là Báo chí và Truyền thông. Các môn học về Văn học chỉ chiếm một vài tín chỉ ít ỏi, phần nhiều chúng tôi đã tự học để tích lũy kiến thức cho môn chuyên ngành, nên khó có sự so sánh chi tiết như sinh viên ngành Văn.
Và vì thế, một phần vì muốn học văn học Nhật ở chính cái nôi của nó, tôi đã quyết tâm du học ở Nhật. Ở Nhật Bản sinh viên từ năm 3, 4 sẽ tham gia vào các seminar do giáo sư mà họ chọn hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đứng ra hướng dẫn. Các seminar này rất ít thành viên, thường chỉ từ bốn đến trên dưới mười người. Tham dự buổi học này thường có những khách mời như sinh viên cao học, nghiên cứu sinh từ các nước khác. Thành viên trong cùng seminar có những buổi đi ăn tổ chức vào các đầu và cuối các kỳ nghỉ, thường xuyên có những buổi ăn trưa để giao lưu, thậm chí đi du lịch nước ngoài để tăng thêm sự gắn kết. Các giáo sư khá thoải mái, trong giờ học thường có trà và bánh ngọt, nhưng khi đi vào trình bày thảo luận về tác phẩm không khí tranh luận cực nghiêm túc, thậm chí đôi phần căng thẳng. Phần bài vở đánh giá cao ý kiến, lý giải mới mẻ mang dấu ấn cá nhân.
Những năm sắp và vừa mới tốt nghiệp Đại học tôi cảm thấy mình thiếu vốn sống, cũng như muốn tìm hiểu sâu hơn về văn học. Văn hóa, văn học Nhật Bản là giấc mơ và tình yêu của tôi, song song với con đường viết lách, một thế giới đầy bí ẩn cũng như quyến rũ, tôi đã nghĩ muốn được trải qua một phần tuổi trẻ ở đó. Và vì còn trẻ mà, nên nghĩ nếu yêu một điều gì, thì hãy theo đuổi thứ ánh sáng đó vì vậy tôi đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ.
Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường văn chương không?
Dự định cụ thể có lẽ là việc xuất bản một tập truyện ngắn gồm những truyện viết rải rác vào năm cuối Đại học và viết ở Nhật. Tôi muốn được đọc thêm sách, tìm hiểu nhiều hơn, học và viết mỗi ngày, rồi bao năm hy vọng sẽ vẫn giữ được sự háo hức, cũng như nhìn thấy vẻ đẹp của văn học mà tôi đã yêu, con đường tôi đang đi.
Thực hiện: Kodaki
Ảnh: Nhân vật và Phương Nam Book cung cấp