Tại sao đồ bơi lại là một thách thức với tính bền vững?

Ngày đăng: 16/05/23

Hầu hết các loại đồ bơi đều được làm từ các loại vải tổng hợp – như nylon, polyester và spandex – vì chúng có thể co giãn trên cơ thể, giảm ma sát trong nước. Chi phí sản xuất không quá tốn kém, cho nên các loại chất liệu này không chỉ làm đồ bơi, mà còn có áo khoác và quần áo giá rẻ.

Ước tính có khoảng 65 triệu tấn từ các chất liệu này được tạo ra mỗi năm. Đây là một vấn đề vì các chất liệu có nguồn gốc từ nhựa này không thể phân hủy sinh học, vì vậy nó không bị phân hủy. Thay vào đó, nó sẽ nằm mãi mãi trong các bãi chôn lấp hoặc đại dương, làm tăng thêm khoảng 8 tỷ tấn nhựa ước tính đã tồn tại trên hành tinh. Không có cách nào tốt để loại bỏ nhựa này.

Ở những quốc gia không có hệ thống quản lý chất thải tốt, sợi làm từ nhựa đôi khi bị thải ra đại dương, nơi động vật biển có thể nhầm chúng là thức ăn, khiến chúng bị mắc nghẹn. Một số quốc gia khác khi đốt nó, đã tạo ra khí thải carbon, vì nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng hiện tại không có chất liệu phân hủy sinh học nào có tất cả các đặc tính phù hợp để sản xuất áo tắm. Do đó, các thương hiệu thân thiện với môi trường đang dựa vào giải pháp thay thế bằng cách sử dụng nhựa tái chế. Ngày càng có nhiều thương hiệu đồ bơi sử dụng nhựa tái chế thay vì nhựa nguyên chất để sản xuất sản phẩm, như Mara Hoffman hay Outdoor Voices, Koru Swimwear, Galamar, Vitamin A. Đặc biệt, Summersalt đã xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ bằng cách sử dụng nylon làm từ lưới đánh cá và thảm công nghiệp. Về phần mình, Reformation sử dụng Econyl, một loại nylon được tạo ra từ nhựa tái chế, bao gồm cả nhựa công nghiệp từ các bãi rác và đại dương.

Tất nhiên, điều quan trọng cần nhớ là nhựa tái chế không phải là một giải pháp hoàn hảo. Khi khách hàng sử dụng xong, nó có khả năng bị bỏ vào thùng rác vì hiện tại có rất ít cơ sở tái chế vật liệu tổng hợp. Điều đó có nghĩa là bộ đồ sẽ bị chôn lấp, thiêu hủy hoặc nó sẽ kết thúc ở đại dương sau một vài lần mặc.

Thực hiện: L.

Bài viết được mang đến bởi A Way To Green – không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.