Talkshow “FASHION rob MY FUTURE – Thời trang đánh cắp tương lai”: Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Ngày đăng: 11/11/20

Cuối Tháng 10 vừa rồi, một talkshow kết hợp triển lãm mang tên “FASHION rob MY FUTURE – Thời trang đánh cắp tương lai” được tổ chức bởi Công ty TNHH MTV Vải Sợi Bảo Lân đã diễn ra tại CirCO Co-working Space ở Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đơn vị, thương hiệu trong lĩnh vực thời trang và khán giả quan tâm đến môi trường cũng như thời trang bền vững. 

Talkshow đặt vấn đề về tính bền vững của thời trang đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế từ những chia sẻ sâu sắc của các diễn giả.

Sự kiện #FRMF có sự tham gia của 4 diễn giả:

– Chị Thư Vũ : Cố vấn thời trang, Founder/CEO Coco Dressing Room – mô hình kí gửi đồ thời trang second-hand hướng tới tiêu dùng có ý thức.

– Chị Vũ Thảo: CEO/Founder đồng thời là giám đốc thiết kế của Kilomet 109 – một thương hiệu không thể không nhắc tới khi nói về thời trang bền vững tại Việt Nam cùng các sản phẩm may mặc sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật nhuộm tự nhiên từ các nghệ nhân địa phương.

– Chị Đỗ Thị Thanh Huyền: Nhà sáng lập, giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là giáo dục truyền thông môi trường tại Việt Nam.

– Anh Dave Quách: Founder/CEO công ty vải sợi Bảo Lân với 2 thương hiệu GREENYARN và W.ELLFabric cung cấp nguyên liệu bền vững cho ngành may mặc Việt Nam.

Chương trình diễn ra dưới sự dẫn dắt của MC Thái Minh Châu với 13 năm kinh nghiệm dẫn chương trình truyền hình/radio/sự kiện, đồng thời là nhà sáng lập và điều hành Phục Hưng Books.

Triển lãm các giải pháp thay thế cho thời trang bền vững

Trong khuôn khổ sự kiện #FRMF, nhiều đơn vị cung ứng nguyên vật liệu, thương hiệu đã tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại khu vực triển lãm. Trong đó có các thương hiệu thời trang bền vững như Kilomet109 với các thiết kế sử dụng kỹ thuật may nhuộm truyền thống của đồng bào miền cao miền Bắc, Dòng Dòng với các dòng túi xách và phụ kiện được làm từ vải bạt bỏ đi, Greenyarn và W.ELLFabric chuyên cung cấp sợi bền vững và các sản phẩm từ sợi bền vững, Ecolotus với các sản phẩm bao bì, phụ kiện từ lá sen. Bên cạnh các thương hiệu và đơn vị nội địa, sự kiện #FRMF còn có sự góp mặt của nhiều đơn vị đến từ nước ngoài cùng các giải pháp mới về bao bì sản phẩm. 

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Tác động của thời trang đối với môi trường

Thời trang đứng thứ 3 trong top 7 ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới, đứng sau ngành công nghiệp dầu khí và nông nghiệp. Hằng năm, ngành công nghiệp thời trang làm tiêu tốn hơn 79 tỷ mét khối nước – tương đương với lượng nước chảy qua đỉnh thác Niagara trong chừng đó thời gian – và thải ra 1,5 tỷ tấn CO2, không ít hơn là bao so với lượng khí thải từ công nghiệp giao thông vận tải ở Mỹ. Không chỉ tiêu tốn năng lượng, thời trang còn đầu độc môi trường bởi hóa chất được sử dụng trong quá trình canh tác cây lấy sợi, nhuộm công nghiệp… Thế nhưng, xin khẳng định một điều chắc chắn rằng không chỉ thời trang mới là nguyên nhân duy nhất và lớn nhất của ô nhiễm môi trường. 

Nhưng tại sao thời trang hay được “xướng tên” mỗi khi nhắc đến môi trường? Trong số các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới, thời trang vừa là một nguyên nhân mà cũng vừa là một giải pháp bởi so với các ngành công nghiệp còn lại, giải pháp bền vững được đưa ra từ thời trang là nhiều và tích cực hơn cả. Nếu như cả thế giới phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ dầu mỏ cho hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống và loại bỏ dầu mỏ là một điều khó có thể xảy ra ở tương lai gần, hay nông nghiệp bởi chúng ta không thể ngừng ăn thì thời trang khi được đặt lên bàn cân vẫn không khiến cán cân cân bằng bởi thời trang không được xem là ngành công nghiệp thiết yếu của con người. 

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?
Từ trái qua phải: MC Thái Minh Châu – Chị Thanh Huyền (Gaia) – Anh Dave Quách (Greenyarn & W.ELLFabric) – Chị Thảo Vũ (Kilomet109) – Chị Thư Vũ (Coco Dressing Room)

Tại sao một ngành công nghiệp không thiết yếu lại gây ảnh hưởng nặng nề đến hành tinh như vậy? Nguyên nhân một phần là vì cách thức các mặt hàng thời trang được làm ra (các nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường, quá trình tạo ra chúng tiêu tốn quá nhiều tài nguyên, sử dụng quá nhiều hóa chất…). Thế nhưng, một phần cũng là bởi hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thời trang xoay chuyển quá nhanh, quá chóng mặt và bị thúc đẩy bởi xu hướng khiến các thương hiệu phải liên tục ra mẫu mới, liên tục kích thích mời gọi người tiêu dùng phải mua sắm và chính bản năng của con người lại luôn có nỗi ám ảnh đối với sự mới mẻ!

Chúng ta không thể chịu được việc mặc đi mặc lại một món đồ giống nhau. Ngoài ra, chúng ta bị truyền thông, quảng cáo hấp dẫn, khiến chúng ta luôn muốn mua đồ mới để thỏa mãn nhu cầu làm đẹp của bản thân. Vì thế, lượng quần áo được sản xuất ra, được mua và được vất đi là những con số khổng lồ! 

Thế nhưng chúng ta không thể từ bỏ thời trang. Vậy giải pháp là gì?

Giải pháp cho thời trang bền vững

Sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường

Anh Dave Quách – Founder/CEO công ty vải sợi Bảo Lân với 2 thương hiệu GREENYARN và W.ELLFabric chia sẻ về các giải pháp mới dành cho ngành may mặc đó là nguyên liệu bền vững. 

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Thương hiệu sợi vải xanh Greenyarn nghiên cứu, sản xuất và phân phối sợi vải thân thiện với môi trường, có nguồn gốc thiên nhiên, sợi tái chế… được tạo ra trên dây chuyền sản xuất hiện đại góp phần giảm tối đa phát thải, tác động lên môi trường. Greenyarn tạo ra nguyên liệu sợi vải an toàn, thân thiện với mức chi phí phải chăng để mọi người đều có thể sử dụng, lựa chọn lối sống bền vững, cùng chung tay bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình. Sợi vải Greenyarn được phát triển từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên như: cây bông, cây tre, bột gỗ… hay những nguyên liệu tái chế tạo ra sản phẩm sợi vải chất lượng cao cấp và đặc tính tự nhiên an toàn, thân thiện với môi trường. 

Sau 6 năm phát triển – 2018, Greenyarn ra mắt 5 dòng sản phẩm sợi vải sinh học nổi bật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Việt là sợi vải Cellulose, sợi vải Organic, sợi Fancy, sợi vải Recycle, sợi vải Special. Đồng thời tới năm 2019, Bảo Lân chính thức thành lập thêm thương hiệu mới, tên gọi W.ELL Fabric (viết tắt của Wearable for Environment Lifestyle Loving Fabric) chuyên sản xuất và cung ứng sợi vải sinh học số lượng lớn cho các nhà dệt, nhà may và cả bộ phận bán vải lẻ, nhằm thay đổi tương lai ngành thời trang Việt ngày một bền vững hơn.

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Khi mức sống của người Việt cao hơn, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến việc chọn sản phẩm và ý thức hơn về tác động của hành vi mua sắm đến môi trường và sức khỏe. Các sản phẩm thời trang ngày nay cũng cần đáp ứng nhu cầu này: bảo đảm về mặt thẩm mỹ lẫn sức khỏe. Sản phẩm vải sợi xanh, vải sợi bền vững – được sản xuất với nguyên liệu thiên nhiên, organic không chứa hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… dần thay thế thời trang nhanh, độc hại gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Các sản phẩm hóa chất độc hại của dệt may truyền thống dần được thay thế bằng acid hữu cơ, tái chế giảm phát thải ra môi trường, tạo ra sợi vải lành tính, bảo vệ sức khỏe con người.

Đây là một giải pháp giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Nếu các nhà sản xuất lựa chọn nguyên liệu bền vững ngay từ đầu, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cho đến khi bị vứt đi đều có thể phân hủy hoàn toàn và không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong tương lai, nếu nhiều nhà sản xuất lựa chọn nguyên liệu bền vững trong sản xuất quần áo với số lượng lớn, giá thành của sản phẩm sẽ giảm xuống và có khả năng cạnh tranh với thời trang nhanh, giải quyết được vấn đề về giá hiện vẫn đang là rào cản ngăn việc đưa thời trang bền vững đến với người tiêu dùng Việt bởi mức giá khá chát của nó. 

Thực hành mô hình kinh doanh thời trang bền vững

Chị Thảo Vũ – chủ nhân thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109 không chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững mà còn tự tạo ra một chu trình sản xuất khép kín cho các sản phẩm của mình. Bằng việc hợp tác với người dân và nghệ nhân dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, chị Thảo Vũ kiểm soát được toàn bộ quá trình làm ra một sản phẩm thời trang từ nguyên liệu, phương pháp dệt, nhuộm,… Đồng thời, thương hiệu Kilomet 109 luôn sản xuất với số lượng giới hạn nhằm hạn chế tình trạng hàng tồn kho. Với mức giá hiện tại, thương hiệu Kilomet 109 hướng đến tệp khách hàng trung và cao cấp và có ý thức về môi trường và chị muốn tập cho người tiêu dùng một thói quen mua ít lại nhưng chất lượng cao hơn, sử dụng lâu hơn thay vì chạy theo xu hướng. Vì thế, các thiết kế của Kilomet109 mang màu sắc rất riêng và không cố gắng bắt kịp xu hướng trên thế giới nhằm hạn chế kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. 

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Mua hàng thời trang đã qua sử dụng

Bên cạnh việc sản xuất và mua bán thời trang thiết kế, kinh doanh thời trang đã qua sử dụng đang trở nên vô cùng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà đã lan rộng ra toàn thế giới. Các nền tảng bán hàng đã qua sử dụng như TheRealReal dần được các nhà mốt xa xỉ lựa chọn hợp tác. Ở Việt Nam, Coco Dressing Room là một mô hình kinh doanh thời trang đã qua sử dụng nổi bật được sáng lập bởi Thư Vũ. 

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Điểm khác biệt giữa Coco Dressing Room với các mô hình kinh doanh đồ cũ khác là sự tuyển chọn kỹ lưỡng và tệp khách hàng có ý thức mua sắm. Các sản phẩm được Coco Dressing Room lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về tình trạng món đồ, chất lượng, thương hiệu và xu hướng. 

Theo chị Thư Vũ, việc mua sắm đồ đã qua sử dụng (second-hand) được xem là một việc làm dễ dàng và tiện lợi nhất để một phần nào đó góp phần tham gia vào lối sống tiêu dùng có ý thức (conscious consumption). Việc mua lại đồ đã qua sử dụng khiến vòng đời của sản phẩm dài hơn, giảm bớt rác thải thời trang ra môi trường và cũng giúp tiết kiệm chi phí hơn. 

Giáo dục, truyền thông và thực hành

Liệu mua quần áo bền vững hoặc quần áo đã qua sử dụng đã thực sự là bền vững? Nếu chúng ta cứ tiếp tục mua thật nhiều và bỏ đi thật nhiều thì cũng “xôi hỏng bỏng không”. Việc mua sắm đồ đã qua sử dụng cũng có mặt trái của nó: kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn. Những người mua đồ mới sẽ tiếp tục mua thêm đồ mới bởi họ biết họ có thể bán lại nó trên các nền tảng đồ second-hand còn những người mua đồ cũ cũng sẽ không ngừng mua đồ cũ bởi mức giá vô cùng phải chăng của nó. 

Một mặt khác, đối tượng dễ dàng tiếp cận được thời trang bền vững hầu hết đều là người tiêu dùng trung và cao cấp bởi họ vừa có khả năng tài chính vừa được tiếp cận nhiều nguồn thông tin uy tín. Tuy nhiên, đại đa số bộ phận người tiêu dùng ở Việt Nam thuộc phân khúc bình dân và khả năng tài chính của họ sẽ không cho phép họ đầu tư quá nhiều vào thời trang bền vững cũng như thực hành thời trang bền vững một cách toàn diện. 

Vì thế, một việc vô cùng quan trọng nữa là cần đưa các kiến thức về thời trang bền vững vào giáo dục, truyền thông đại chúng để thông tin có thể đến đông đảo người tiêu dùng giúp họ hiểu thế nào là bản chất của thời trang bền vững, phân biệt được các chiêu trò “greenwashing” (tẩy xanh), thực hành thời trang bền vững trong khả năng của họ chứ không nhất thiết phải đầu tư hết tiền bạc vào quần áo bền vững mới là lối sống bền vững.

Talkshow “FASHION rob MY FUTURE": Giải pháp nào cho tương lai của thời trang?

Lời kết:

Talkshow và triển lãm “FASHION rob MY FUTURE” đã chạm đến nhiều khía cạnh nhức nhối hiện nay về thời trang bền vững cũng như đưa ra một số giải pháp vô cùng khả quan cho ngành công nghiệp tỉ dân này. Với những hành động thiết thực của các nhà sản xuất, thương hiệu, nhà thiết kế và người tiêu dùng, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và lạc quan về một tương lai tươi sáng mà không phải từ bỏ thời trang. 

Toàn bộ số tiền vé thu được trong sự kiện đã được trao cho dự án trồng rừng của Tổ chức Phi lợi nhuận Gaia. 

 

Thực hiện: Mỹ Đỗ