Tận hưởng trọn vẹn mùa hè 2024 với những bộ phim tài liệu về thời trang hấp dẫn

Ngày đăng: 20/08/24

Nếu không còn hứng thú với những bộ phim thời trang được cải biên, loạt tác phẩm thuộc thể loại tài liệu sau đây sẽ mang đến cảm giác chân thật, và gần gũi hơn cho khán giả, để tận hưởng trọn vẹn những ngày tháng cuối cùng của mùa thu. 

Không chỉ có những tuyệt tác quần áo huyền thoại được trình làng trên sàn diễn, quy trình sản xuất phía sau từ vẽ phác thảo cho đến ra thành phẩm, thậm chí là cuộc sống riêng tư của những nhà thiết kế còn là “phương thuốc bổ” truyền cảm hứng sáng tạo về cái đẹp, cùng hàng loạt thông điệp đặc biệt ý nghĩa khác cho giới mộ điệu. Đối với những người trẻ làm sáng tạo hoặc làm việc trong ngành thời trang, đó sẽ là “ngọn lửa hy vọng” tiếp thêm động lực theo đuổi đam mê cho họ. Làng mốt tò mò muốn biết, thậm chí là khao khát có thể “đi sâu” và tận mắt nhìn thấy hậu trường thực sự đằng sau sàn diễn hào nhoáng. Hành trình theo đuổi thời trang cũng như quá khứ có tác động mạnh mẽ tới hiện tại của những nhà thiết kế huyền thoại được các nhà báo, phóng viên, chuyên gia trong ngành, đặc biệt là những nhà làm phim “lưu giữ” lại trên những bài báo, cũng như các thước phim có giá trị lịch sử, văn hóa và sáng tạo cao. 

Tuy nhiên, với cái tôi đặc trưng của những nhà thiết kế, không dễ dàng gì để có thể khai thác quá trình làm việc của họ, chứ nói gì cuộc sống riêng tư. Vì thế những “tài liệu” này càng trở nên quý giá hơn. Trong những năm gần đây, một số nhà mốt danh giá nhất thế giới đã mở máy quay, ghi hình và kết quả cũng tuyệt vời như những chiếc váy, các bộ quần áo được tạo ra trong đó.

Hãy xem “Dior and I”, một góc nhìn đầy cảm xúc, nhạy cảm bên trong Trụ sở chính của Christian Dior tại Paris, khi Raf Simons chuẩn bị cho buổi trình diễn đầu tiên của mình vào năm 2012; hoặc “Martin Margiela: In His Own Words”, bộ phim đem đến cái nhìn sâu sắc hiếm có trong tâm trí của nhà thiết kế nổi tiếng kín tiếng này. Ngoài ra, còn có những bộ phim tài liệu tập trung vào những người mẫu và nàng thơ có sức ảnh hưởng nhất trong ngành, từ Christy Turlington trong “Catwalk” (1995) đến “Invisible Beauty” đầy xúc động của Bethann Hardison. 

“Martin Margiela: In His Own Words”

Trước thềm tuần lễ thời trang Xuân Hè năm 2025 sẽ bắt đầu vào tháng 9 sắp đến, và để chuẩn bị cho hội nghị Forces of Fashion của tạp chí Vogue, với chủ đề đề cập đến lịch sử và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của show diễn thời trang; hãy ôn lại lịch sử thời trang với những bộ phim tài liệu về thời trang hay nhất từ xưa cho đến nay mà tạp chí danh giá đã chọn lọc bên dưới. 

Catwalk (1995)

“Catwalk” là những thước phim đi theo chân siêu mẫu Christy Turlington trong suốt các buổi trình diễn mùa mốt Xuân/Hè năm 1994, từ hậu trường tại Versace ở Milan, Isaac Mizrahi ở New York đến tham dự buổi fitting cho Chanel ở Paris. Cô và những người mẫu cùng thời khác chạy từ buổi ra mắt của một nhà thiết kế này đến buổi ra mắt của một nhà thiết kế khác. Catwalk còn mang đến góc nhìn sâu sắc về những năm đầu sự nghiệp của những cái tên quen thuộc như Helena Christensen và Kate Moss, cũng như cái nhìn thoáng qua về những ông trùm trong ngành như John Galliano và Gianni Versace khi làm việc cùng nữ siêu mẫu. Với Kate Moss, Naomi Campbell và Turlington, chúng ta thấy được bản chất tình bạn hiếm hoi giữa những người mẫu. Với Mizrahi, “Catwalk” còn khám phá mối quan hệ đặc biệt giữa nhà thiết kế và nữ người mẫu.

Unzipped (1995)

Đây hẳn là một trong những phim tài liệu về thời trang hay nhất mọi thời đại. “Unzipped”, do Douglas Keeve đạo diễn, xoay quanh công việc của bạn trai khi đó, nhà thiết kế thời trang thập niên 90 Isaac Mizrahi, khi anh lên kế hoạch cho show diễn trình làng bộ sưu tập Thu Đông năm 1994 của mình. Bộ phim tài liệu này tập trung chủ yếu vào phần tiếp theo của bài đánh giá tiêu cực mà Mizrahi nhận được về bộ sưu tập Xuân Hè năm 1994 của mình. “Unzipped” còn có sự xuất hiện của các siêu mẫu đình đám như Cindy Crawford, Naomi Campbell, Linda Evangelista và Kate Moss, cũng như nhiều người nổi tiếng và nhà thiết kế khác trong thế giới thời trang và hơn thế nữa. Tại Liên hoan phim Sundance năm 1995, bộ phim đã giành được giải “Audience Award for U.S. Documentary”. Đây là một bộ phim không thể bỏ qua vì đây là bức chân dung sâu sắc về một trong những nhà thiết kế thời trang tài năng, thông minh và thú vị nhất.

The First Monday in May (2016)

Trong bộ phim “The First Monday in May” (2016), đạo diễn Andrew Rossi đảm nhận thử thách ghi lại quá trình chuẩn bị bí ẩn nhưng đầy mê hoặc cho sự kiện thời trang lớn nhất hành tinh – Met Gala và triển lãm nghệ thuật mà nó tôn vinh theo từng chủ đề. Ở bộ phim tài liệu kinh điển này, chủ đề là “China: Through The Looking Glass” năm 2015. Đạo diễn Rossi tập trung chủ yếu khai thác vai diễn Andrew Bolton, người đang chịu áp lực nặng nề, đè nặng trên đôi vai, khi buộc phải tổ chức một triển lãm ấn tượng và thành công như hoặc hơn triển lãm “Alexander McQueen: Savage Beauty” vào năm 2011.

“The First Monday in May” vừa là một hành trình hấp dẫn khám phá những gì diễn ra đằng sau sự hào nhoáng được làng mốt thèm khát của Met Gala, vừa phân tích về lý do tại sao công việc của Bolton và nhóm của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan lại rất quan trọng; từ đó giúp người xem hiểu hơn về chức năng như một “công cụ nhân học” của thời trang.

The Gospel According To André (2017)

“Ông ấy là một người nghệ sĩ đa tài, và chúng ta không thể tránh khỏi điều đó,” Whoopi Goldberg đã nói về André Leon Talley như thế. “The Gospel According To André” (2017) là “bức chân dung” cuối cùng của André Leon Talley, biên tập viên huyền thoại quá cố của Vogue và là nhà “vô địch” thời trang. Từ khi bắt đầu sự nghiệp tại Andy Warhol’s Factory vào những năm 1970 cho đến các vị trí tại WWD, W và Vogue, bộ phim tài liệu này ghi lại sự nghiệp và quan trọng nhất là di sản lâu dài của Leon Talley với sự hiểu biết sâu sắc của chính mình, cùng màn hợp tác ăn ý với người cộng sự hoàn hảo Anna Wintour, cũng như Tom Ford, Manolo Blahnik,…“Ông ấy là tổng thống Nelson Mandela của địa hạt thời trang cao cấp, là Tổng Thư ký Kofi Annan của những gì bạn mặc,” như will.i.am đã nói.

Franca: Chaos & Creation (2016)

Bộ phim “Franca: Chaos & Creation” (2016) là câu chuyện xoay quanh sự nghiệp của biên tập viên huyền thoại của Vogue Italia – Franca Sozzani, và do chính con trai bà, Francesco Carrozzini, đạo diễn. Trong bộ phim, chúng ta được nghe và chứng kiến những cuộc phỏng vấn của nữ biên tập viên và những cái tên mang tính biểu tượng trong ngành thời trang bao gồm Karl Lagerfeld, Baz Luhrmann và Courtney Love.

Sau đó là bức chân dung dịu dàng về mối quan hệ của bà với con trai. Bộ phim được phát hành chỉ vài tháng trước khi Sozzani qua đời vào tháng 12 năm 2016, điều này khiến nó trở thành một món “báu vật” thực sự của giới truyền thông thời trang.

The Look (1992)

“The Look” là một “viên ngọc” khác trong kho lưu trữ mà BBC sản xuất. Bộ phim tài liệu dài sáu tập này sẽ đưa bạn đến với thế giới thời trang đa sắc màu, tập trung vào các nhà thiết kế (Yves Saint Laurent có một tập dành riêng cho ông), sức mạnh của báo chí, ngành kinh doanh nước hoa và các buổi trình diễn thời trang, cùng hàng loạt chủ đề khác. Chính thức được phát sóng vào năm 1992 và được sản xuất bởi Jeremy và Gina Newson, người trước khi đã là người dẫn chương trình, đã ghi lại sự thay đổi của thời trang từ một ngành kinh doanh tương đối biệt lập thành ngành công nghiệp toàn cầu mà chúng ta biết ngày nay.

Loạt phim có sự góp mặt của một số tên tuổi lớn nhất của thời trang thời bấy giờ, từ Issey Miyake và Ralph Lauren đến Jean Paul Gaultier và Valentino, cùng với các chuyên gia quan hệ công chúng và biên tập viên hàng đầu (bao gồm John Fairchild của WWD và Bob Colacello của Vanity Fair). 

Martin Margiela: In His Own Words (2020)

Đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng nhất, Reiner Holzemer, từng thành công với tác phẩm “Dries”, đã tiếp tục chuyển thể câu chuyện về một huyền thoại thời trang Bỉ khác: Martin Margiela – một người kín tiếng nhất trong ngành. Khuôn mặt của nhà thiết kế không bao giờ được xuất hiện trên màn hình, thay vào đó, máy quay tập trung vào đôi tay của ông khi ông viết ghi chú, may trang phục và xử lý những đồ vật quý giá từ thời thơ ấu ở Genk.

Sau khi ghi lại quá trình trưởng thành của ông, bộ phim cung cấp một bảng tóm tắt lịch sử về sự nghiệp lừng lẫy của nhà thiết kế – từ những buổi trình diễn phi truyền thống được dàn dựng trên các chuyến tàu chở hàng không còn sử dụng và ở các cửa hàng Salvation Army, đến những sáng tạo đáng nhớ nhất của ông (bốt Tabi, váy in ảnh), và cuối cùng là màn từ giã của ông khỏi ngành vào năm 2009. Liệu nhà thiết kế huyền thoại có muốn quay trở lại không? Holzemer tin rằng điều đó là có thể, và bộ phim tài liệu này sẽ khiến chúng ta ấp ủ hy vọng, khao khát được nhìn thấy tài năng đấy quay lại sàn diễn một lần nữa.

Inside Dior (2016)

Sau khi Raf Simons rời đi, bộ phim tài liệu gồm hai phần Inside Dior (2016) là hành trình đi sâu, khám phá hậu trường của cuộc săn tìm giám đốc sáng tạo mới, đảm đương trách nhiệm dẫn dắt nhà mốt Pháp theo bước chân của Yves Saint Laurent, John Galliano và tất nhiên là cả Christian Dior.

Vào lần kỷ niệm 70 năm thành lập thương hiệu, hai phần phim cung cấp góc nhìn độc đáo về nhà mốt xa xỉ của Pháp, cũng như giai đoạn chuyển tiếp giữa các triều đại khác nhau của từng nhà thiết kế trước khi bổ nhiệm Maria Grazia Chiuri.

High & Low: John Galliano (2024)

Được phát hành vào đầu năm nay sau bộ sưu tập thời trang couture Maison Margiela Artisanal Xuân Hè 2024 tuyệt đỉnh của John Galliano, trong “High & Low: John Galliano”, đạo diễn Kevin Maconald muốn vẽ nên một bức chân dung mạnh mẽ nhưng đầy sắc thái về một trong những nhân vật “phức tạp” nhất của thời trang.

Sau khi vượt qua làn sóng tranh cãi, “tẩy chay” của dư luận từ năm 2011, bộ phim tài liệu mới đem lại nhiều góc nhìn mới. Trong phim, những người bạn thân thiết của Galliano là Naomi Campbell và Kate Moss đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về tính cách của nhà thiết kế, cũng như những người đồng nghiệp cũ bao gồm giám đốc điều hành LVMH Sidney Toledano, người từng là giám đốc điều hành của Dior vào thời điểm Galliano sụp đổ.

Thực hiện Dory 

Theo Vogue