Nguyễn Thanh Long: “Mình đã đi một chặng đường khá dài và đánh đổi rất nhiều thứ…”
Ngày đăng: 02/10/18
Một cậu bé đam mê vải vóc, sáng tạo tìm đến thời trang với hiểu biết từ con số không cho đến những thành công đầu tiên của tuổi trẻ. Nguyễn Thanh Long, tân thủ khoa học viện Istituto Marangoni đã có cuộc chia sẻ cùng Style-Republik về quá trình học thiết kế thời trang của mình tại hai ngôi trường London College of Fashion và Istituto Marangoni, Paris cùng những lời khuyên dành cho các tân sinh viên ngành thiết kế thời trang.
Bạn có thể chia sẻ đôi chút về bản thân và niềm đam mê thời trang của bạn?
Mình bắt đầu đi du học từ năm 16 tuổi và có một khoảng thời gian học và làm việc tại 2 kinh đô thời trang lớn là London và Paris. Mình đã được trải nghiệm tại hai ngôi trường đào tạo về thời trang danh giá nhất thế giới là LCF (London College of Fashion) và Istituto Marangoni (IM) Paris.
Mình tìm đến thời trang cũng một phần là đam mê vẽ từ nhỏ, mình nhớ có khoảng thời gian, khoảng 5 năm, bắt đầu từ năm học lớp 3 đã được gia đình cho theo học vẽ vào những ngày cuối tuần tại nhà của một bác họa sĩ gần nhà. Mình là người duy nhất trong gia đình có máu nghệ thuật, bố thì luôn muốn định hướng cho mình theo âm nhạc và đó cũng chính là lí do mình theo học tại nhạc viện Hà Nội vài năm. Có lần ngỏ lời với mẹ là muốn theo học thời trang, sau một quá trình tìm hiểu và được sự đồng ý từ gia đình, mình lên đường sang London. Mình tự nhận thấy yếu tố gia đình là sự may mắn nhất mà mình có được, nếu không có được sự ủng hộ từ mẹ thì sẽ không có được danh hiệu tân thủ khoa học viện Istituto Marangoni ngày hôm nay.
Long có thể trao đổi đôi chút về BST tốt nghiệp vừa rồi của mình? Nguồn cảm hứng nào đã cuốn hút Long và đưa bạn đến BST?
BST tốt nghiệp là điểm sáng tự hào nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của mình. Mình đã đi một chặng đường khá dài và đánh đổi rất nhiều thứ. Mặc dù biết, đây mới chỉ là sự khởi đầu, nhưng đây là một cột mốc khó quên trong cuộc đời.
Đi tìm nguồn cảm hứng cho BST là điều khó khăn nhất. Mình mất 3 tháng hè để chuẩn bị, cũng không nhớ đã làm rồi xoá đến bao nhiêu lần. Mình kể lại câu chuyện của chính bộ phim tài liệu “The children of Leningradsky” – cũng chính là tên BST tốt nghiệp. Đó là chuỗi những câu chuyện khác nhau, về một nhóm trẻ vô gia cư sống thành nhóm trong nhà ga tàu điện ngầm có tên Leningradsky ở Moscow – Nga.
Xuyên suốt bộ phim, chúng kể lại về cuộc sống của chính mình, cách chúng tồn tại trong mùa đông lạnh cắt da dưới những hầm tàu đầy nguy hiểm. Có thể thấy, trong bộ phim cách bọn trẻ ăn mặc rất thú vị, chúng mặc mà không hề quan tâm đến việc người ngoài nhìn chúng ra sao, cốt để bảo vệ mình khỏi thời tiết khắc nghiệt. “Kids wearing adult clothes” cũng chính là ý tưởng chính trong BST này và mình chọn ‘oversized’ làm phom dáng chính. Về chất liệu, mình bám sát tư liệu trong phim. Hầu hết là những chất liệu rất nặng và dày, có một vài mẫu phải xử lý kỹ để tăng thêm độ cứng, ví dụ denim mình có rửa acid nhẹ và bề mặt sau của một số loại vải có tráng thêm một lớp wax, để khi may tạo độ phồng và cứng hơn.
Mình có sử dụng nhiều kĩ thuật để khiến BST nhìn hấp dẫn hơn như: in hình vẽ tay lên áo, kĩ thuật khâu tay trang trí… Thay vì nhiều layers rối mắt, hình ảnh quen thuộc khi nghĩ về những người vô gia cư, thì mình chỉ sử dụng những hình ảnh đặc biệt thể hiện qua từng chi tiết nhỏ. BST tuy có vẻ đơn giản, nhưng làm thủ công mất 3 tháng. Phụ kiện như dép phải đặt làm tại Mỹ và 6 chiếc túi nhựa trong đặt ở một xưởng gia công tại Trung Quốc.
Mình phải bay đi bay về giữa Việt Nam và Pháp khá nhiều lần, vì 100% BST gia công ở Việt Nam. Do bản chất mình là một người cầu toàn nên mình luôn phải giám sát kĩ từng khâu, dù đã thuê một team sản xuất giỏi.
Công việc hiện tại của Long sau khi rời IM là?
Trong quá trình 6 năm học ở châu Âu mình cũng khá lăn xả tìm kiếm việc làm dưới cương vị là một thực tập sinh. Đây cũng là điều mình tự hào về bản thân mà mình muốn chia sẻ. Mình đã thực tập cho rất nhiều brand lớn nhỏ ở nhiều công việc khác nhau. Đáng nói nhất là được làm thợ cắt và sửa đồ chuẩn bị cho show diễn của 3 brand lớn là KTZ London (SS16), Vetements (FW18) và Rick Owens (FW19).
Hiện tại mình đã tốt nghiệp và đang làm việc trong studio của nhà hát lớn Paris, công việc của mình là trợ lí nhà thiết kế tại nhà hát và sản xuất đồ diễn cho các nghệ sĩ.
Bạn có hình dung được thương hiệu của bản thân mình trong tương lai?
Thời điểm này là thời điểm khá bận rộn của mình vì mình đang làm song song hai công việc. Ngoài việc làm trong Opera Paris bên cạnh đó mình đang tập trung để ra mắt thương hiệu riêng, ‘high end ready to wear’ cho nam. Tinh thần của thương hiệu: cá tính và chất riêng dành cho giới mộ điệu thời trang, sẽ ra mắt vào khoảng cuối năm sau tại Paris.
Các chủ đề như Giới tính linh hoạt, chính trị, có là những chủ đề cuốn hút bạn? Theo Long, làm thế nào để chuyển tải được ý tưởng đó vào trang phục do mình thiết kế đạt hiệu quả?
Đây là một câu hỏi khá thú vị! Thật ra trong nghệ thuật không có bất kì một chuẩn mực nào, ý tưởng có thể đến từ mọi thứ hiện hữu hoặc vô hình quan trọng là khai thác có tới và để lại ấn tượng hay không. Giới tính và chính trị không còn là chủ đề mới trong thời trang, nhưng với ai giỏi và có tư duy tốt, sẽ cho người thưởng thức thời trang thấy được nó mới, đấy mới là người tạo ra nghệ thuật.
Mình luôn tìm ý tưởng bằng cách xây dựng một kịch bản hay kể một câu chuyện và tưởng tượng nó như một chuyện có thật. Hãy bắt đầu từ việc trả lời ba câu hỏi: Who? When? Where? Sau đó bám vào và khai thác nhân vật chính trong câu chuyện mình tạo ra.
Để truyền tải được ý tưởng, theo mình khi bắt đầu xây dựng BST từ những bước đầu tiên, khi làm research ngoài concept tốt thì phải có một nền móng vững chắc, để dựa vào đó mới có thể bám theo và khai thác triệt để từ màu sắc chất liệu…
Thế nào là một NTK thiết kế thành công, theo quan điểm của bạn?
Theo quan điểm của mình thì muốn thành công ngoài sự sáng tạo còn phải biết làm mới cái cũ, hay còn được hiểu là đạo nhái có đầu tư. Đạo nhái ở đây không phải là ‘copy and paste’ mà là phải biết biến cái của người khác thành của mình. Ở đây điều mình muốn nói, còn là sự nhặt nhạnh những thứ mình học được trong quá trình làm việc với những người đi trước, tích luỹ kinh nghiệm mà đem áp dụng vào theo cách của mình.
Thời trang là một vòng tuần hoàn nó sẽ lặp đi lặp lại và đó là một bài toán khó để làm mới cái cũ. Mình xin chia sẻ một kinh nghiệm khá thú vị cho các bạn bắt đầu làm quen với thời trang là đừng bao giờ áp đặt mình phải tạo ra BST chạy theo xu hướng đang thịnh hành, hãy sáng tạo bằng chất xám của mình và tìm cho mình được chất riêng vì chính bạn là người tạo ra xu hướng của riêng mình. Với mình thì đó cũng là một thành công!
Vì sao Long chọn học tại IM, đây là ngôi trường khá danh tiếng tại Ý?
Mình là người có hoài bão lớn, vì vậy ắt hẳn phải có mục tiêu lớn. Khi chọn trường mình đặt ra mục tiêu là phải vào được trường top 10 và với sự cố gắng không ngừng mình đã vào được 2 trường danh giá. Quá trình học tại LCF và IM áp lực rất lớn vì xung quanh mình có hàng trăm sinh viên xuất sắc đến từ các nước trên thế giới.
Suốt quá trình 6 năm học, tại 2 ngôi trường này, phần lớn 1 ngày học và làm việc thường bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc rất muộn, có những ngày đến 2h sáng vẫn chưa làm hết bài. Chưa kể những tuần chạy deadline phải thức đêm không ngủ, để kịp tiến độ. Mình chọn học tại 2 trường này là vì muốn thử sức ở 2 dòng sản phẩm khác nhau, LCF thì luôn nghệ thuật hơn, tập trung nhiều về concept, còn IM thì luôn là lựa chọn tốt cho những ai muốn theo đuổi dòng sản phẩm ứng dụng luxury.
Đâu là những thay đổi lớn nhất của Long khi học tập ở đây? IM và các giảng viên ở đây đã giảng dạy bạn những bài học tâm đắc nào trong việc học thời trang?
Thay đổi lớn nhất của mình khi chuyển từ LCF qua IM là giáo viên đã dạy mình cách kìm chế sáng tạo, thay vì ngày trước luôn ngông cuồng trong cách thiết kế lúc nào cũng phải thật ‘art’ thì khi qua tới IM mình đã biết tiết chế, để phù hợp với tiêu chí ngoài sự sáng tạo còn phải mặc được và bán được.
Tư duy sáng tạo trong thời trang hay bài toán kinh doanh thời trang là quan trọng hơn khi Long được dạy trong trường? Quan điểm của riêng bạn là?
Nếu bạn học về ngành nào thì ít nhiều cũng nên biết về mảng còn lại để sau này làm việc với nhiều người, ở từng vị trí công việc khác nhau thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Long có thể chia sẻ đôi chút về kinh nghiệm apply thành công vào IM?
Với kinh nghiệm của mình, để apply thành công vào bất kì ngôi trường nào việc đầu tiên bạn phải biết dòng sản phẩm sau này bạn muốn theo đuổi, sau đó tìm hiểu về hướng đi mà mỗi trường định hướng cho sinh viên là gì.
Bước tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị một portfolio thật ấn tượng, phù hợp với tiêu chí của từng trường và dòng sản phẩm mình muốn theo đuổi. Đừng vội vàng sẽ không có được kết quả như mong đợi, hãy bình tĩnh và chuẩn bị thật kĩ cho mình một portfolio có dấu ấn riêng và tự tin trả lời được bất kì câu hỏi nào từ phía trường.
Trường càng danh tiếng thì tỉ lệ được nhận càng thấp vì sự cạnh tranh rất cao. Mình xin chia sẻ thêm, để bước vào những ngôi trường này hãy chuẩn bị cho mình một hành trang tốt, bạn nên có một chút kinh nghiệm như cách làm ‘research’ và vẽ, vì họ sẽ không đào tạo bạn từ con số 0.
Mình đã dành khoảng thời gian 3 tháng để chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ, và cũng đã bị đánh rớt 4 lần khi ‘apply’ cho Central Saint Martin và cuối cùng cũng được nhận học tại hai trường tốt. Không có gì là không thể nếu bạn có cố gắng!
Thực hiện: Thư Quân
Ảnh: NVCC