Tầng lớp thượng lưu chuộng trang phục workwear: Khi người giàu không thích chải chuốt?
Ngày đăng: 09/04/24
Người nổi tiếng và những người giàu có ngày càng ưa chuộng quần áo workwear. Kiểu thời trang này cũng dần xuất hiện nhiều ở các show diễn gần đây của các nhà mốt. Một câu hỏi được đặt ra rằng: mối quan hệ giữa người giàu có và trang phục workwear nên như thế nào?
Đầu tháng 3 này, Hailey Bieber được bắt gặp đi ăn tối ở Beverly Hills trên chiếc xe Tesla của cô với chiếc áo khoác có phong cách workwear với giá 1.700 USD. Đây không phải là lần đầu tiên Bieber diện “quần áo lao động”, trước đó cô nàng “trendsetter” từng được phát hiện mặc áo khoác We11done giá cỡ 1.200 USD. Không có gì ngạc nhiên khi những người nổi tiếng, bao gồm Bieber, Jaden Smith, Kaia Gerber và Brooklyn Beckham đều đã bắt kịp xu hướng này: các thương hiệu thời trang workwear cũng đang chớp lấy cơ hội kiếm tiền bằng những sản phẩm hợp tác mang tính sang trọng.
Chẳng hạn như Junya Watanabe có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Carhartt (thương hiệu nổi tiếng trong việc thiết kế quần áo workwear). Vào tháng 6 năm 2023, Marni x Carhartt WIP đã sản xuất một dòng sản phẩm ngộ nghĩnh, từ áo khoác hoa (giá 770 USD) cho đến chiếc quần hai tông màu (giá 354 USD). Những thương hiệu cao cấp như Prada, Miu Miu và Louis Vuitton cũng đều ra mắt những chiếc chore jacket trong các show diễn gần đây.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng có một sự không phù hợp nhất định trong việc sở hữu những món đồ xa xỉ nhưng lại mang tính thẩm mỹ của giai cấp bình dân, đặc biệt khi người mặc xuất thân từ tầng lớp “đặc quyền” như vậy. “Khi các nhãn hiệu cao cấp cố gắng tăng cường sự khan hiếm của mình, khái niệm về mức độ mong muốn vẫn được xây dựng dựa trên những gì có và không có” Daniel Rodgers viết trên Dazed. “Sự bất hòa giữa những gì thời trang bán và bán cho ai đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội, nơi vốn thường cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tôn sùng thẩm mỹ bắt nguồn từ tầng lớp lao động.”
Dù khó hiểu nhưng chúng ta hông thể phủ nhận rằng đâu đó luôn có những người giàu ưa chuộng xu hướng ăn mặc “càng khiêm tốn càng tốt”, đôi khi họ còn khiến mình trông dễ gần và luôn có những lời nói khiêm tốn so với lối sống của bản thân. Rõ ràng không có gì sai khi đạt được sự đảm bảo về mặt tài chính – đặc biệt khi giá trị cốt lõi của việc nuôi dạy con cái là cố gắng mang lại cuộc sống tốt nhất có thể cho con. Điều này không đồng nghĩa là người giàu chưa từng trải qua đau khổ. Nhưng sự giàu có sẽ xoa dịu mọi khó khăn về thể chất và tinh thần đi kèm với khó khăn tài chính.
Giống như bất kỳ xu hướng thời trang nào, khi quần áo mang tính ứng dụng ngày càng phổ biến trong vài năm qua đã chinh phục những người nổi tiếng. Nhưng khi tầng lớp đặc quyền này thử mang vào những món đồ thường gặp ở những người lao động thì chúng dường như trở nên đặc biệt hơn.
Tất nhiên không có quy định rằng chỉ vì ai đó giàu có thì họ không được mặc những bộ quần áo kiểu này, đặc biệt là vì chúng rất “thực dụng”. Cây bút thời trang Samuel Hine của GQ cho biết : “Điều thú vị về thời trang của thời đại ngày nay là mọi thứ đều thuộc về đại chúng. Tôi nghĩ chúng tôi đã thoát khỏi quan điểm là ai đó thì phải mặc cái gì. Đặc biệt khi Virgil Abloh đã loại bỏ nhiều quan niệm về quyền sở hữu thời trang và tôi không nghĩ việc anh ấy thường mặc đồ của Dickies hay Carhartt là ngẫu nhiên.”
Khi áp đặt suy nghĩ rằng ai đó chỉ được mặc một số loại quần áo nhất định, chúng ta đã vô tình làm cho sự phân chia giai cấp trở nên rõ ràng hơn. Hine nói: “Sức hấp dẫn của quần áo workwear trở nên phổ biến và sự phổ biến của nó trong thời trang – đặc biệt là trang phục nam giới – đi kèm với nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của chất lượng và giá trị của quần áo”. Mỗi cá nhân phải tự tìm hiểu mối liên kết của mình giữa vị thế và trang phục. Ông nói thêm: “Tất nhiên, nếu bạn quyết định mua một chiếc áo khoác Carhartt sang trọng với giá hàng nghìn đô la, thì đó cũng là việc của bạn”.
Thực hiện: Elio
Theo Vogue