Tạp chí thời trang – Tiếng nói chính thống của ngành công nghiệp tỉ đô
Ngày đăng: 11/03/22
Sự ra đời của các tạp chí bắt nguồn từ cuối những năm 1600, dưới thời Nữ hoàng Elizabeth, và theo thời gian, tạp chí thời trang đã trở thành một công cụ không thể thiếu của nền công nghiệp tỉ đô này, đồng thời mang thêm nhiều giá trị khác phục vụ cho độc giả.
Những tạp chí ra đời lần đầu tiên từ cuối những năm 1600, dưới thời Nữ hoàng Elizabeth, với mục tiêu đầu tiên là cập nhật những sự kiện mới nhất, chẳng hạn như dịch bệnh. Kế đến, dưới thời của Công chúa Anne, nội dung của những tờ báo bắt đầu chuyển sang các đề tài mà ở đó, phụ nữ được lấy làm trung tâm, và các ấn phẩm có dạng sách báo hoặc sách nhỏ bỏ túi. Các ấn phẩm này tiên phong tạo nên một cộng đồng người đọc giàu tri thức và có cơ sở để trao đổi thông tin với nhau.
Mãi đến năm 1732, khi biên tập viên và nhà xuất bản Edward Cave sáng lập ấn phẩm “Gentlemen Magazine” thì những quyển xuất bản này mới được gọi là tạp chí, bao gồm những bài viết và bài báo được chọn lọc kỹ lưỡng từ xa hàng tháng. Dưới thời Louis XIV của Pháp, các tạp chí bắt đầu đăng các bản phác thảo thời trang và minh họa trang phục của quý tộc thời đó. Họ miêu tả giới quý tộc, phục vụ nguồn cảm hứng và chỉ dẫn cho các nhà may mặc lúc bấy giờ. Tạp chí thời trang ngày càng phát triển hơn trong thời kỳ Gruzia và thúc đẩy sự ra đời của các cửa hàng bách hóa.
Tạp chí và thế giới thời trang độc quyền lúc bấy giờ đã mang đến cho người đọc một hình thức thoát ly tạm thời khỏi thế giới thực, cho phép những người phụ nữ tạm gác lại vai trò làm vợ hay làm con gái của họ và những người đàn ông, thậm chí, theo như Oscar Wilde mô tả trong ấn phẩm “The Ladies World” năm 1886, cũng thể hiện mong muốn về những tủ quần áo thẩm mỹ và hiện đại tương tự.
Từ đó trở đi, tạp chí thời trang tiếp tục phục vụ cho ngày càng nhiều đối tượng độc giả hơn, tạo thành công cụ để truyền cảm hứng về ăn mặc cho rất nhiều người. Alexandra Shulman, cựu Tổng biên tập tạp chí Vogue Anh từng nói với BBC Radio 2 vào năm 2014: “Mọi người không muốn mua một tạp chí như Vogue chỉ để xem những gì họ nhìn thấy khi soi gương. Tôi nghĩ Vogue là một tạp chí, ở mức độ nào đó, nói về sự tưởng tượng và những giấc mơ, một lối thoát khỏi cuộc sống thực.”
Sự ra đời của những ấn phẩm thời trang nổi tiếng
Ngày 02/11/1867, Harper & Brothers, một công ty xuất bản có trụ sở tại New York do anh chị em James, John, Joseph Wesley và Fletcher Harper điều hành đã ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Harper’s Bazaar với lời mô tả về mình trên trang bìa: “A repository of fashion, pleasure, and instruction” (tạm dịch: Một kho về thời trang, sự hài lòng đi kèm những hướng dẫn).
Năm 1892, doanh nhân người Mỹ Arthur Baldwin Turnure đã sáng lập nên Vogue tại New York, với ý định tạo ra một ấn phẩm tôn vinh các “ceremonial side of life” (tạm dịch: các khía cạnh lễ nghi của đời sống) dành cho tầng lớp thượng lưu. Ở đó, cuốn tạp chí để “kể lại thói quen, hoạt động giải trí, các cuộc tụ tập xã hội, những địa điểm thường lui tới và quần áo (của thế giới thượng lưu)… và dành cho tất cả những ai muốn trông giống họ, muốn bước vào vòng tròn độc quyền”.
Vanity Fair là tạp chí định kỳ hàng tháng về văn hóa đại chúng, thời trang và các vấn đề thời sự do Condé Nast xuất bản lần đầu vào năm 1913. Tạp chí phát triển mạnh trong suốt 20 năm cho đến khi rơi vào cuộc Đại suy thoái và bị sáp nhập vào Vogue năm 1935 với sức sản xuất đỉnh điểm là 90.000 bản in. Nhưng sau đó, năm 1983, Condé Nast Publications, đã thông báo sẽ hồi sinh quyển tạp chí và từ đó đến nay, Vanity Fair vẫn là ấn phẩm hàng đầu về thời trang trên toàn cầu, với 5 phiên bản quốc tế.
Năm 1921, Chambre Syndicale de la Couture Parisienne, một cơ quan thương mại đại diện cho tất cả các thợ may ở Paris đã cho ra đời ấn phẩm L’OFFICIEL, với vai trò một tạp chí thương mại chuyên nghiệp hướng đến những người mua thời trang cao cấp quốc tế, cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, và những người làm việc trong ngành thời trang. Chỉ trong thời gian ngắn, L’OFFICIEL đã giúp cho những nhà thiết kế đại tài lúc bấy giờ là Pierre Balmain, Cristóbal Balenciaga, Christian Dior hay Yves St. Laurent có những bước tiến lớn trong sự nghiệp của mình.
Nhưng không dừng lại ở đó, các tạp chí thời trang tiếp tục phát triển, không những đưa thời trang trở nên dễ tiếp cận hơn với cộng đồng bằng cách cập nhật các xu hướng mới nhất, mà còn là nơi phản ánh các vấn đề xã hội và nhiều mặt của văn hóa của đời sống. Khi tầm ảnh hưởng của các phong trào nghệ thuật đối với thời trang ngày càng trở nên phổ biến thông qua tác phẩm từ các nhà may của Paul Poiret và Elsa Schiaparelli, tạp chí L’OFFICIEL cũng dần rẽ thêm nhánh khai thác nội dung về nghệ sĩ và phong trào nghệ thuật. Từ nửa sau của thế kỷ 20, chủ đề nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu của tạp chí này.
Các tạp chí thời trang cũng phải cạnh tranh với Internet giống như mọi tạp chí in khác. Sự ra đời của ấn phẩm kỹ thuật số dường như trở thành mối đe dọa với những người làm tạp chí in. Tuy nhiên, tạp chí in với những tờ giấy nóng hổi còn thơm mùi mực mới, chứa đựng những hình ảnh editorial xinh đẹp và những bài viết được trau chuốt độc quyền vẫn luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả. Cảm giác được chạm vào với sự phấn khích khi cầm trên tay một quyển tạp chí yêu thích vào mỗi tháng luôn là điều không thể thay thế với người đọc trung thành.
Thực hiện: Thảo Nguyên
Bài viết được mang đến bởi L’officiel Vietnam
SR Fashion Business Talk Ep.14: “Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang?”
SR Fashion Business Talk – Hội thảo thời trang do Style-Republik phối hợp cùng SR Fashion Business School tổ chức định kỳ mỗi tháng. Đây là cơ hội để cộng đồng kinh doanh thời trang nói riêng cũng như những ai yêu thích thời trang nói chung có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và thảo luận về các vấn đề thời trang tại thị trường Việt Nam. Được dẫn dắt bởi chị Trần Hà Mi, Fashion Marketing Strategist & Co-Founder Style-Republik.com, SR Fashion Business Talk Ep.14 với chủ đề “Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang?” mang đến những nội dung:
- Vai trò và tầm quan trọng của tạp chí thời trang.
- Góc nhìn thực tế và chính xác hơn về vị thế của tạp chí trong thời đại số.
- Những định hướng tương lai của tạp chí trong ngành Công nghiệp thời trang.