[The Signature Season 2] T-REDX – Chú “khủng long bạo chúa” ngự trị streetwear Việt Nam

Ngày đăng: 29/07/23

Dấu ấn mà T-REDX để lại trên đường đua thời trang Việt có lẽ khiến chúng ta sẽ phải thay đổi dấu tích lịch sự với câu nói “khủng long chẳng bao giờ bị tuyệt chủng”, và sau đây là câu chuyện thú vị tại The Signature Season 2 mà “chú khủng long bạo chúa” đường phố muốn chia sẻ và chứng minh điều đó với hội tín đồ Việt.

Trở lại khoảng 4 năm về trước, vào năm 2019-20220, khi streetwear bắt đầu nở rộ ở Việt Nam và được cộng đồng giới trẻ hưởng ứng như một làn sóng thời trang mới, có lẽ sẽ không dễ dàng để chúng ta có thể liệt kê ra được thương hiệu, nhà thiết kế hay gương mặt nào đang là “kẻ thống lĩnh” cuộc chơi. Bởi lẽ streetwear Việt Nam lúc bấy giờ vẫn còn cuộc đua còn đang dang dở, vị trí cao nhất vẫn chưa thể gọi tên người chiến thắng, cũng như đang trên hành trình tìm lại màu sắc riêng biệt cho chính mình. Theo dòng chảy phát triển của thời trang, tính đến thời điểm hiện tại khi streetwear Việt Nam dần ổn định hơn, có lẽ để “điểm mặt, gọi tên” những thương hiệu đang nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng cũng không quá khó và hạn chế. Tuy nhiên, để có thể trở thành một thương hiệu streetwear tạo dựng được một mối quan hệ đặc biệt với chính streetwear, một gương mặt không chỉ nhận được sự tán dương của cộng đồng mà còn để lại sự chú ý với toàn ngành thời trang, cũng như nhận được sự công nhận từ người thưởng thức, thì đó thực sự mới là vấn đề. Bởi lẽ, với sự tự do, phóng khoáng đậm chất đường phố, đặc trưng của cộng đồng, streetwear là một sân chơi thực thụ để mọi cái tôi tỏa sáng, chào đón mọi màu sắc, cá tính khác nhau. Nói cách khác, đây là nơi mà ai cũng có quyền tự do như nhau, tự do thể hiện cái tôi và tự do trong cách tiếp cận đến người thưởng thức, thay vì sự phân cấp. Vì thế, để nhận được hào quang thật sự thì ắt hẳn thương hiệu đó đã phải trải qua một hành trình không ngừng nỗ lực và cố gắng. Và có lẽ T-REDX chính là thương hiệu như thế, một gương mặt tạo nên kỳ tích, và một “chú khủng long bạo chúa” đường phố thực thụ. 

Tuy streetwear có là một cộng đồng tự do nhưng không đồng nghĩa với việc nó là nơi dành cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, để có thể hiểu được nó một cách sâu sắc thì chúng ta phải bắt đầu một mối quan hệ với chính streetwear. Bên cạnh đó, những tín đồ bên trong cộng đồng, đặc biệt là những nhà thiết kế và thương hiệu – những người khiến cộng đồng streetwear ngày càng vững mạnh bằng cách thẳng thắn thể hiện cái tôi và tư duy sáng tạo của mình, có lẽ họ đều là những tâm hồn “khép kín”, khi những tác phẩm của họ thường không nhận được sự đồng cảm của đại đa số tín đồ thời trang, một phần cũng là vì không phải ai cũng có thể đồng điệu với văn hóa của họ. 

Tuy nhiên, trong thế giới thời trang cũng không có ít những lần streetwear hay thời trang đường phố đưa rút gọn khoảng cách với những ngạch khác của thị trường thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp. Trên thế giới, chúng ta có Virgil Abloh với những lần khuấy động triều đại Louis Vuitton Menswear hay ngay tại Off-White. Vậy tại Việt Nam, đã từng có một thương hiệu streetwear nào khai thác được tính đại chúng, nhưng vẫn giữ được văn hóa cộng đồng? Điều này có lẽ sẽ đúng với câu chuyện của T-REDX. 

Nhà thiết kế – Founder T-REDX – Huyền Bùi

Thời kỳ đầu của “chú khủng long bạo chúa” đường phố

Vào năm 2019, nhà thiết kế Huyền Bùi đã chính thức mở ra trang sử đầu tiên tại thị trường thời trang Việt của “chú khủng long bạo chúa” mang tên T-REDX. Theo từ điển, “T-REX” là từ để con người gọi tên cho loài khủng long bạo chúa, vậy tại sao chú khủng long đường phố của NTK Huyền Bùi lại có tên T-REDX. Chia sẻ tại series The Signature Season 2, Huyền giải thích, T-REDX chính là màn kết hợp và chơi chữ thú vị giữa “T-REX” và “RED”. Trong đó, RED chính màu sắc yêu thích và gắn liền với cung mệnh của Huyền. Ngoài ra, Red còn là tên thương hiệu đầu tiên của Huyền, nhưng Red đã chẳng thành công như chính Huyền đã mong đợi. Khi để “RED” vào “T-REDX”, Huyền như thể tự mình làm lại một chương mới, tiếp tục chinh phục hành trình mới bằng những chính những thất bại ngày trước. T-REDX là mọi tâm huyết của Huyền cũng như động lực để Huyền cố gắng hàng ngày để có thể tiếp tục theo đuổi hoài bão thời trang. 

Mỗi chú khủng long đều cai trị một vùng lãnh thổ hay một thời kỳ nhất định, T-REDX cũng thế. T-REDX được “sinh ra” với sự nuôi dưỡng của streetwear, nhưng phát triển với một cách tiếp cận đầy khác biệt. Đối với đại đa số tín đồ Việt, mỗi khi nhắc đến streetwear chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đế những chiếc áo thun rộng, quần baggy thùng thình hay những món đồ đậm chất đường phố và hip-hop. Tuy nhiên, đối với NTK Huyền Bùi, streetwear còn phổ quát định nghĩa, bản chất của mình rộng hơn thế và khoảng thời gian học thời trang ở Singapore đã khiến Huyền đúc kết được điều đó. 

Streetwear vốn dĩ tự do, vì thế từ những kiến thức nền tảng mà Huyền đã học được, nhà thiết kế đã tự sáng tác cho mình một câu chuyện về thời trang đường phố riêng biệt hơn khi diễn giải streetwear bằng sở thích nghiên cứu về thời tiền sử và loài khủng long, cũng như kết hợp những chi tiết từ thời trang trình diễn cùng ngôn ngữ thiết kế đặc thù của streetwear. Với tư duy sáng tạo cùng góc nhìn thời trang khác biệt, Huyền Bùi đã mở ra một thời kỳ tiền sử giả tưởng, một thời kỳ streetwear khác lạ cùng loài khủng long bạo chúa đường phố mang trên mình một vẻ ngoài “Hip-hop bảnh”, và để miêu tả về thời kỳ đó hay T-REDX, có lẽ “Hip hop, Funky, và Details” sẽ là ba từ chuẩn xác nhất. 

Thời kỳ phồn thịnh của khủng long bạo chúa

Khai thác một chủ đề quá mới mẻ cũng như kết hợp streetwear với một mảnh ghép sáng tạo khác biệt hoàn toàn, “chú khủng long bạo chúa” T-REDX cũng đã từng đối mặt với sự hoài nghi của khán giả, nhất là vào những ngày đầu ra mắt. Bởi lẽ, chủ đề về khủng long chẳng dề dàng để ngôn ngữ thời trang có thể thể hiện nó một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, thiết kế chủ đạo (key item) của T-REDX đã hoàn toàn xoay chuyển cục diện. Với sở thích đặc biệt về outerwear, cụ thể hơn là những chiếc jacket, Huyền Bùi đã đưa “chú khủng long bạo chúa” T-REDX của mình đến gần hơn với khán giả chỉ bằng một chiếc jacket mô phỏng lại bộ xương của loài khủng long bằng 88 nếp xếp ly thủ công. 

Vừa mới tung ra thị trường, Khủng Long Jacket đã ngay lập tức gây ấn tượng sâu sắc với làng mốt Việt bằng chính sự sáng tạo dị biệt. Áo khoác Khủng Long được lấy ý tưởng từ bộ xương, với hình ảnh chụp cận rồi phóng to từ góc nhìn từ trên xuống. Để tạo sự khác biệt, bộ xương này không được diễn giải bằng hình thêu hay bản in bình thường mà NTK Huyền Bùi đã diễn giải cấu trúc của bộ xương khủng long trên phom dáng của áo jacket bằng nghệ thuật gấp giấy Origami của Nhật Bản. Trước khi áp dụng kỹ thuật origami trên vải, Huyền đã bắt đầu trên giấy, về sau mới nghiên cứu áp dụng ngược lại lên vải. Khác biệt với các nhà thiết kế streetwear, chiếc áo Khủng Long Jacket của T-REDX được khai thác với sự đề cao tính thủ công – khi mọi chi tiết xếp ly trên áo đều được làm thủ công 100% từ cái đầu tiên cho đến khi đưa vào sản xuất. Với phom áo basic kết hợp cùng chi tiết thủ công tỉ mỉ, Khủng Long Jacket chính là minh chứng cho mong muốn của Huyền Bùi khi có thể tạo ra mọt nút thắt giao thoa giữa thời trang trình diễn và thời trang đường phố. Bằng tất cả sự tâm huyết của người sáng lập, sự đầu tư vào chất lượng, tỉ mỉ trên từng chi tiết, chiếc áo jacket đầu tiên của “chú khủng long bạo chúa” T-REDX không chỉ giúp thương hiệu gây chú ý với cộng đồng streetwear Việt Nam, mà còn như cột mốc đầu tiên để thời kỳ tiền sử giả tưởng xác định được vị thế của mình và bắt đầu thời kỳ phồn thịnh. 

Nếu như Khủng Long Jacket là thứ để T-REDX xác định độ nhận diện của thương hiệu, thì chiếc áo Varsity kỉ niệm 1 năm thành lập mới chính là cột mốc mở ra một kỷ nguyên mới cho T-REDX, và để chứng tỏ cho mọi người thấy thời kỳ phồn thịnh của “chú khủng long bạo chúa mạnh mẽ như thế nào. Đối với Huyền Bùi, varsity jacket không chỉ là một chiếc áo khoác ngoài bình thường mà nó còn gắn liền với những sự kiện quan trọng. Vì thế item này cũng chính là sản phẩm mà Huyền Bùi chọn để kỷ niệm 1 năm ra mắt “chú khủng long bạo chúa” T-REDX. Để tạo ra một chiếc varsity jacket chứa đựng nhiều ý nghĩa, Huyền đã quyết định tập trung vào những các hình thêu màu mè đặc sắc. Mỗi hình thêu trên chiếc jacker Varsity 1st  Anniversary đều gắn liền và tượng trưng cho một dấu ấn đặc biệt trong thời kỳ tiền sử giả tưởng của chính thương hiệu. Hình thêu ở sau lưng tượng trưng thời kỳ rất là hưng thịnh của T-REDX, với các chi tiết đậm kiểu jungle và kiểu kỷ Jura. Ở hai cánh tay sẽ là hình thêu về thiên thạch – biểu trưng cho sự kiện dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, cùng hình đất nước Việt Nam. Ở mặt trước là logo của T-REDX, cùng con số 1806 (ngày thành lập), và tuyên ngôn mạnh mẽ “Non-extinct”. Từ thịnh đến suy, từ rực rỡ đến lụi tàn, từ biến mất rồi tái sinh, và đọng lại với lời khẳng định đanh thép “Chúng tôi sẽ không bao giờ tuyệt chủng”, chiếc áo varsity jacket chính là cách để T-REDX khẳng định được vị thế của mình trên đường đua streetstyle tại Việt Nam từ thời điểm đó đến hiện tại. 

Để trở thành chiếc varsity jacket được mọi tín đồ khao khát, “cháy hàng” sau 15 phút ra mắt, dẫn thương hiệu vào đúng thị trường resell của streetwear, Varsity 1st Anniversary cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách từ chính quá trình sản xuất lên đến 1 năm. Chẳng hạn như công đoạn chọn vải, liên hệ xưởng thêu, phát triển tất cả những hình thêu, sự đầu tư vào từng những chi tiết nhỏ nhất trên hình thêu. Sau sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, sự ra đời của Varsity 1st Anniversary của T-REDX tiếp tục là “trái ngọt” cho tâm huyết nhiệt thành với thời trang của chính người sáng lập cũng như cả đội ngũ thương hiệu. Qua hai thiết kế signature của T-REDX, có lẽ không khó để giới mộ điệu nhận ra điểm chung giữa chúng là gì. Đó chính là sự đầu tư về chi tiết (Details). Và chính những chi tiết nhỏ đó đã làm nên một thành công to lớn cho thương hiệu như hiện nay.

Ai sẽ được chào đón tại thời tiền sử giả lập của T-REDX?

Khác biệt với bản chất của khủng long, “chú khủng long” T-REDX có lẽ sẽ thân thiện hơn khi chào đón tất cả mọi người, mọi giới tính hay lứa tuổi đến với thế giới dị biệt của chính mình. Những người tìm đến T-REDX đều có một điểm chung là tình yêu dành cho hip-hop, đam mê streetwear, và yêu thời trang. Bên cạnh đó, T-REDX có một nhóm khách hàng rất đặc biệt – mang tên “Friends & Family” gồm những bạn có cùng góc nhìn giống với thương hiệu, ủng hộ và luôn trung thành với T-REDX trên suốt chặng đường phát triển. 

Không chỉ “giữ chân” khách hàng bằng những thiết kế chủ đạo của hơi thở streetwear, T-REDX còn chiêu đãi họ bằng những món phụ kiện độc đáo đi kèm. Cụ thể, trong mỗi bộ sưu tập của thương hiệu, ngoài những chiếc key jacket T-REDX còn hoàn thiện BST với T-Shirt, khăn, túi xách, thắt lưng, bộ bài,… Bên cạnh quần áo, NTK Huyền Bùi còn tạo ra T-REDX Junk – một dòng trang sức của thương hiệu, gồm nhẫn, dây chuyền, lắc tay, hoặc là bất kể thứ gì. Tất cả những sáng tạo đấy đều mang DNA signature của thương hiệu một cách rất mạnh mẽ. Là một người vốn dĩ rất chú trọng đến chi tiết, vì thế Huyền cũng muốn thể hiện sự trân quý, biết ơn của bản thân và thương hiệu vào những cách tương tác với khách hàng. Cụ thể, mỗi sản phẩm trước khi được gửi cho khách hàng, Huyền đều là người tự tay đóng gói chúng. Huyền xem chúng như một món quà và mong khi khách hàng nhận được món quà đó, họ sẽ cảm thấy vui và thật hạnh phúc. Trong mỗi món quá, Huyền đặt tâm tư của mình vào từng miếng giấy gói được thiết kế khác biệt nhau theo mỗi mùa, từng chiếc stickers tặng kèm và thậm chí là cả mùi hương. Không chỉ muốn sản phẩm gây ấn tượng với phần nhìn, T-REDX còn mong muốn rằng khách hàng có thể cảm nhận các thiết kế một cách sâu sắc hơn từ các trải nghiệm từ mọi giác quan. 

Ngoài khách hàng, T-REDX cũng không ít lần khuấy động cộng đồng thời trang Việt với những màn hợp tác cùng các thương hiệu streetwear Việt hay các đội ngũ sáng tạo khác từ Copper Denim, Hidden Archive đến Beuter. Đối với Huyền Bùi, nếu tự ví von T-REDX là chú khủng long bạo chúa trong một bối cảnh thời tiền sử cụ thể thì chắc chắn bức tranh tiền sử đó còn được tô điểm bởi những thứ khác, chẳng hạn như các loài khủng long khác như khủng long ăn cỏ, các loài thực vật như cây dương sỉ, có voi ma-mút,… Vì thế trên chặng đường phát triển của thương hiệu, ngoài tự mình đi lên, T-REDX còn “bắt tay” với nhiều thương hiệu khác, kết hợp với nhiều signature khác để cùng nhau tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới cũng như cùng nhau nâng tầm định vị thương hiệu. 

Khủng long bạo chúa có phải đối mặt với thời kỳ diệt vong?

Đối với một thương hiệu hay một nhà thiết kế thời trang có lẽ nguồn cảm hứng sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự sinh tồn. Khi lấy hình ảnh khủng long làm nguồn cảm hứng – một chủ đề không dễ để một thương hiệu đồng hành trên chặng đường dài, người sáng lập – nhà thiết kế Huyền Bùi và cả T-REDX không ít lần đối mặt với những nghi ngờ về vấn đề “cạn ý tưởng”. Tuy nhiên, cụm từ “cạn ý tưởng” sẽ chẳng nằm trong quyển từ điển sáng tạo của Huyền lẫn thương hiệu của cô. Bởi lẽ, nguồn tham chiếu sáng tạo của T-REDX không chỉ dừng lại ở hình ảnh khủng long hay những cuộc khảo cổ học giải mã cấu trúc của bộ xương của chúng mà còn bao quát cả một thời kỳ mà khủng long sinh sống gồm thiên nhiên, thực vật, động vật và cả những bộ xương của các loài khác nữa. Đối với Huyền, nguồn cảm hứng có thể bắt nguồn từ khắp mọi nơi, mọi vật và chúng còn phụ thuộc vào góc nhìn của bản thân người làm sáng tạo và thời trang. Từ những nguồn cảm hứng nhỏ riêng biệt, Huyền đã gom nhặt và khiến signature thiết kế của thương hiệu càng thêm vững mạnh. Người sáng lập đã chẳng sợ cạn ý tưởng thì ắt hẳn “chú khủng long bạo chúa” đường phố T-REDX cũng chẳng e ngại khi phải đối mặt với thời kỳ diệt vong, giống như chiếc hình thêu “Non-extinct” trên chiếc jacket Varsity 1st Anniversary. 

Bên cạnh việc cũng cố và thống nhất DNA thiết kế theo dòng chảy phát triển của thương hiệu, T-REDX còn quan tâm đặc biệt đến chất lượng của từng sản phẩm. Khác với haute couture hay fashion custom, streetwear tiếp cận với khách hàng với số lượng sản phẩm không có giới hạn. Tuy nhiên, không vì thế mà T-REDX bỏ quên chất lượng thiết kế của thương hiệu. Không làm nhiều để kiếm doanh thu, làm ít để chiêu trò, hay ưu tiên về số lương , T-REDX luôn đề cao chất lượng mà các thiết kế của mình khi gửi nó đến tận tay khách hàng. Dù có sản xuất ra chỉ 100 thiết kế cho toàn mùa đi chăng nữa, thì Huyền Bùi phải đảm bảo rằng chất lượng của 100 cái đó phải như 1, tất cả mọi chi tiết đều phải hoàn hảo. Từ khâu lên ý tưởng, sản xuất đến gói hàng, Huyền Bùi luôn tin rằng sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của T-REDX sẽ được đền đáp bởi những đón nhận nồng nhiệt của khách hàng. Và đúng như thế, thời kỳ thịnh vượng của “chú khủng long bạo chúa” đường phố được lập nên từ sự ủng hộ không chỉ từ cộng đồng thời trang Việt mà còn lan tỏa đến thế giới. Ví dụ, nam rapper nổi tiếng Offset đã từng diện thiết kế của T-REDX trên sóng truyền hình của chương trình The Hype.  

Tham vọng của “khủng long bạo chúa” T-REDX

Mới định vị thương hiệu trên thị trường thời Việt chỉ 4 năm, vì thế hành trình phía trước của T-REDX còn rất dài cùng nhiều điều dang dở cần được phát triển. “Từ 2023 trở đi, mình nghĩ T-REDX sẽ không chỉ vui vẻ với thời trang, quần áo không mà còn sẽ có nhiều thứ khác nữa. Nó sẽ liên quan đến lifestyle, hoặc là những thứ nó vui hơn như vậy nữa,” Huyền chia sẻ. T-REDX có nhiều tham vọng để hiện thực hóa; tuy nhiên, dù có phát triển và tồn tại đến đâu, thương hiệu luôn mong rằng khi nhắc đến T-REDX, giới mộ điệu sẽ nhớ ngay đến một “chú khủng long bạo chúa” đường phố bụi bặm, chất chơi, màu mè, và khác biệt đến mức chỉ có T-REDX mới có được. 

Xem full The Signature Season 2 cùng khách mời T-REDX tại đây: The Signature Season 2 Tập 1: T-REDX 

Thực hiện Dory