Thị trường thời trang thể thao dự kiến sẽ đạt mức định giá 350 tỷ USD vào năm 2032
Ngày đăng: 31/07/23
Khi người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào sức khỏe và thể lực sau đại dịch, trang phục thể thao đang dần trở thành một phần của tủ quần áo hàng ngày.
Thị trường trang phục thể thao gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đạt giá trị thị trường là 185,9 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt mức định giá 356 tỷ USD vào năm 2032, theo một báo cáo từ công ty dữ liệu và thông tin LaunchMetrics. Sự gia tăng định giá của ngành trang phục thể thao được cho là do sự tập trung vào sức khỏe và thể lực sau đại dịch cũng như việc thể thao đang dần trở thành xu hướng thời trang thống trị.
“Trang phục thể thao từ lâu đã không còn bị giới hạn trong lĩnh vực biểu diễn và hoạt động thể thao; nó đã len lỏi và dần xuất hiện trong tủ đồ trang phục hàng ngày, chủ yếu bởi chức năng đa dạng, sự thoải mái trong phom dáng và chất liệu cũng như phong cách phóng khoáng của nó,” – Michael Jaïs, Giám đốc điều hành của Launchmetrics, cho biết trong báo cáo.
Châu Mỹ đang tạo ra mức định giá lớn nhất về tác động của thứ hạng và lượng đề cập thị trường quần áo thể thao trên phương tiện truyền thông, tạo ra mức định giá 2,7 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước, theo dữ liệu gần đây từ Launchmetrics do tờ Fashion Dive thu được.
Dựa trên dữ liệu này, báo cáo cũng cho thấy 3 thương hiệu Nike, Adidas và New Balance là ba thương hiệu mạnh nhất về trang phục thể thao vào năm 2022, dựa trên thuật toán MIV được sử dụng để đo lường tác động của các vị trí truyền thông.
Trung Quốc có mức tăng trưởng 52% về MIV, đạt mức định giá 1,8 tỷ USD. Công ty dữ liệu và thông tin LaunchMetrics cho rằng điều này là do sự khác biệt về tiếng nói của thương hiệu. Họ cũng định nghĩa “Tiếng nói” là yếu tố chính thúc đẩy các cuộc hội thoại thương hiệu với người tiêu dùng… Nếu những người có sức ảnh hưởng là những người đóng góp lớn nhất cho MIV của Trung Quốc, thì động lực chi phối MIV của phần còn lại của thế giới là phương tiện truyền thông hoặc bất kỳ bên thứ ba nào xuất bản nội dung về thương hiệu.
Báo cáo dự đoán rằng sự hợp tác trong tương lai giữa các thương hiệu sang trọng và thời trang đường phố có thể giúp thị trường đồ thể thao tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Đối với các thương hiệu xa xỉ, chỉ riêng dòng giày thể thao đã đóng góp tới 30,2% MIV trong trang phục thể thao, điều này là mình chứng biểu thị cho lưu ý của tác giả về mức độ phổ biến ngày càng tăng của những cái bắt tay giữa các thương hiệu trong tương lai. Nó cũng gợi nhắc đến sự hợp tác giữa thương hiệu xa xỉ Gucci và thương hiệu thể thao Adidas, đã mang lại 96,5 triệu đô la trong MIV, hay như sự hợp tác giữa ông trùm ngành thể thao Nike và thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany & Co. đã mang lại 16,7 triệu USD cho MIV.
Báo cáo nêu rõ: “Những sự hợp tác này mang lại tiềm năng to lớn cho các thương hiệu để tối đa hóa [lợi tức đầu tư] và đạt được mức độ phổ biến rộng rãi cũng như tiếp cận đối tượng tiềm năng mới”.
Mặc dù nhiều thương hiệu trang phục thể thao đang tập trung vào việc thúc đẩy nỗ lực phát triển bền vững của họ, báo cáo lại cho thấy tính bền vững chỉ chiếm 1% trong tất cả các MIV liên quan đến trang phục thể thao.
Launchmetrics là một công ty nghiên cứu chuyên thu thập dữ liệu về ngành thời trang, xa xỉ và làm đẹp. Đầu năm nay, họ đã thêm đồ thể thao và đồ gia dụng vào danh mục của mình, theo một báo cáo từ WWD.
Thực hiện: S.
Theo Fashion United