Dự báo tương lai ngành công nghiệp thời trang đồ cưới tỷ đô: Thế hệ Z, millennial xem trực tuyến và mua trực tiếp
Ngày đăng: 19/02/19
Theo như nghiên cứu, ngày nay có đến 75% cô dâu tìm kiếm váy cưới trên mạng, 50% ghé thăm cửa hàng, 35% thử chiếc váy cưới và 13% quyết định mua. Thị trường thời trang cưới trên toàn cầu được dự đoán sẽ vượt con số 80 tỷ USD vào năm 2020 (theo Global Industry Analysts). Thị trường thời trang đồ cưới được đánh giá là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, do người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn, đồng thời diễn biến cũng khá phức tạp do sự phân mảnh của thị trường.
Ba khó khăn của ngành thời trang đồ cưới: cùng tồn tại với thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng của thời trang nhanh và tỷ lệ kết hôn giảm là thử thách cho ngành công nghiệp này. Không dừng lại ở đó, những thách thức đến từ kỹ thuật số, sự chuyển đổi để thu hút khách hàng tương lai khiến thời trang váy cưới cần thực hiện cuộc cách mạng chuyển giao, đi từ truyền thống đến truyền thông xã hội.
Năm 2018 đánh dấu hôn lễ hoàng gia của Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle. Sự kiện này dự kiến sẽ thúc đẩy doanh số bán lẻ tại Vương quốc Anh thêm 195,5 triệu bảng Anh (tương đương với 223,6 triệu euro) trong thời gian 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8 (theo Srpingboard). Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các thương hiệu của Anh cũng như ngành công nghiệp du lịch từ sự kiện gọi là “hiệu ứng Meghan”.
Ngoài ra, các nhà thiết kế áo cưới ở khắp mọi nơi đang tìm cảm hứng và dự đoán xu hướng thời trang cưới trong thời gian tới. Những ảnh hưởng lớn sẽ đến từ những hôn lễ long trọng hay xu hướng được định hình từ các tuần lễ thời trang dành cho cô dâu như London Bridal Fashion Week (Tuần lễ thời trang cô dâu ở London); New York Bridal Fashion Week (Tuần lễ thời trang cô dâu ở New York), Barcelona Bridal Fashion Week (Tuần lễ thời trang cô dâu tại Barcelona) và các sự kiện như Paris Bridal, Interbride Messe Gmbh ở Düsseldorf, Sì SposaItalia tại Milan.
Kỹ thuật số và đa phương tiện: hai chiến lược thiết yếu cho tương lai
Thách thức chính của ngành công nghiệp thời trang váy cưới chính là thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng và khác biệt để tập trung vào bán lẻ đa kênh, phát triển chiến lược kỹ thuật số, tập trung vào ý tưởng của những “cửa hàng tương lai”, theo như nghiên cứu về “Cửa hàng tương lai dành cho những cô dâu thuộc thế hệ millennial” được ủy quyền bởi Tuần lễ thời trang cô dâu tại Barcelona đến Giáo sư Josse Luis Nueno trường IESE Business School.
Thế hệ millennial là những cô dâu đầu tiên của nền tảng kỹ thuật số, phá vỡ cách thức mua sắm kiểu cũ – Ester Maria Laruccia
Ester Maria Laruccia của BBFW chia sẻ với FashionNetwork.com: “Thế hệ millennial là những cô dâu đầu tiên của nền tảng kỹ thuật số, phá vỡ cách thức mua sắm kiểu cũ”. Họ duyệt các sản phẩm trực tuyến và mua trực tiếp tại các cửa hàng. Cửa hàng trực tuyến đang giữ 10% doanh số bán hàng nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ thay đổi trong vòng mười năm tới. Kênh trực tuyến sẽ chiếm 30% doanh số, 70% còn lại dự kiến bắt nguồn từ các cửa hàng trưng bày.
Đến năm 2025, những người tiêu dùng thuộc thế hệ Z và millennial, bao gồm những người sinh đầu những năm 80 sẽ trở thành các đối tượng chính của thị trường đồ cưới. Nueno cho biết các cửa hàng thời trang cô dâu cần chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình kinh doanh mới này. Ngày nay, có đến 75% cô dâu tìm kiếm váy cưới trên mạng, 50% ghé thăm cửa hàng, 35% thử chiếc váy cưới và 13% quyết định mua. Để tăng tỷ lệ này, các nghiên cứu khuyến khích tích hợp công nghệ mới và trải nghiệm vật lý như: tường video, bảng hiệu kỹ thuật số có tính tương tác, gương thông minh và danh mục ảo. Hiện tại, chỉ có 6% các công ty ở Tây Ban Nha, Hoa kỳ, Anh, ý, Pháp và Đức có chiến lược kỹ thuật số, một cách tiếp cận cực kì cần thiết theo đánh giá của Neuno.
Đây cũng là khoảng thời gian ngành công nghiệp này cần nắm vững chiến lược khác biệt hóa và số hóa, không chỉ tại điểm bán mà trong toàn bộ quá trình triển khai, liên hệ, tương tác người tiêu dùng cho đến khi họ thử và mua chiếc váy đó. Kênh trực tuyến đóng vai trò công cụ để lựa chọn trước khi việc mua hàng được hoàn thành tại cửa hàng vật lý. Những dịch vụ mang tính hậu cần sẽ phải cải thiện với sự phát triển của “click-and-collection points” (điểm click và bộ sưu tập). Lĩnh vực bán lẻ được thiết ập nhằm thử nghiệm sự kết hợp giữa không gian trực tuyến và pop-up với định dạng và chi phí thấp.
Sự phức tạp của phân mảnh thị trường
Mỗi năm có đến hơn 10 triệu cặp vợ chồng kết hôn tại Trung Quốc và đất nước này sản xuất nhiều 72% sản phẩm váy cưới xuất khẩu. Với 755.000 chiếc váy cưới được sản xuất mỗi năm, Tây Ban Nha không thể cạnh tranh về số lượng với các quốc gia châu Á. Sự khác biệt giữa Tây Ban Nha và Trung Quốc là về phong cách thiết kế. Thời trang váy cưới tại Tây Ban Nha cũng đạt hơn 1,3 tỷ USD mỗi năm và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh này.
Có một số mô hình kinh doanh trong thị trường phân mảnh này, từ công ty quốc tế lớn đến công ty gia đình vừa và nhỏ, hay công ty nhỏ. So với các lĩnh vực khác, quy trình ngành này chậm hơn và cũng phức tạp hơn, chi phí cao hơn và đồng thời tỷ suất lợi nhuận cũng cao hơn. Trong khi đó, tính truyền thống và độc đáo của sự kiện mang lại sự linh hoạt hơn khi nói đến giá cả. Theo Bride2b tại Zankyou, Tây Ban Nha, một sửa số cô dâu sẵn sàng chi trả 1,750 euro cho một chiếc váy cưới, trong khi con số này dao động từ 750 đến 1,250 euro tại Vương quốc Anh. Ngân sách có vẻ cao hơn tại Ý khi 40% cô dâu sẵn sàng chi trả hơn 2,250 euro cho một chiếc váy cưới.
Thị trường đang dần hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, vì vậy, các chuỗi thời trang tiêu dùng cũng thâm nhập vào lĩnh vực áo cưới bằng cách tạo ra những bộ sưu tập hết hạn nhanh chóng có chi phí thấp hơn, hấp dẫn những khách hàng trẻ tuổi quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến. Kiabi, Asos & Other Stories (một phần của H&M) là những thương hiệu đã ra mắt những bộ sưu tập váy cưới với giá cả phải chăng.
Châu Âu một lần nữa khẳng định họ là thị trường vững chắc và thịnh hành, với các công ty như Pronuptia và Cymbelline ở Pháp, Nicole ở Ý, Lohrengel tại Đức, Ellis Bridals ở Anh, Pronovias và Rosa Clará ở Tây Ban nha. Bên kia Đại Tây Dương, David’s Bridal và Justin Alexander đang thống trị Hoa Kỳ để nắm giữ thị trường lớn nhất hiện nay.
Bắc Mỹ giữ tiềm năng lớn nhất vào năm 2020, cùng với Brazil, Mexico, Argentina, Peru, Colombia, Ả Rập Saudi, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trong khi các nhà thiết kế như Zuhair Murad, Reem Acra và Elie Saab đang dẫn đầu tại Trung Đông thì các cô dâu hiện đại đang ngắm nhìn châu Âu để tìm nguồn cảm hứng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các thương hiệu phương Tây đang được yêu chuộng, trong khi đó, các công ty châu Âu xác định Hoa Kỳ là ưu tiên chiến lược.
Để thành công, các công ty thời trang váy cưới phải trở thành kẻ tiên phong trong việc giành thị phần và đánh bại đối thủ của họ, sự hội nhập thế giới trực tuyến thực sự cần thiết trong ngành công nghiệp hấp dẫn và đầy thử thách này!
Thực hiện: Trang PS
Theo Fashion Network