Top 10 nhà thiết kế trẻ có bộ sưu tập đặc sắc nhất tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp K25TT của trường Đại học Văn Lang

Ngày đăng: 30/08/23

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa tốt nghiệp của khoa thời trang trôi qua đều để lại những gương mặt tài năng mới cùng bộ sưu tập nổi bật. Và buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của khóa 25 khoa thời trang, trường Đại học Văn Lang vẫn tiếp tục không khiến giới mộ điệu thất vọng.

Đại học Văn Lang – một trong những nơi “nuôi dưỡng” biết bao thế hệ nhà thiết kế trẻ giàu tiềm năng cho nền thời trang của nước nhà. Những mùa tốt nghiệp của họ chính là những minh chứng cụ thể nhất, khi luôn để lại những ấn tượng khó phai cũng như tạo nên bầu không khí sôi động cho giới mộ điệu. Với tư duy cởi mở và hiện đại, không bị bất kỳ rào cản quy tắc nào “chặn đường”, cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những nhà thiết kế đầy tiềm năng trong tương lai đã đưa những tác phẩm sáng tạo đầy đặc sắc của mình ra “ánh sáng”, để nhiều người biết đến hơn. Không chỉ là kết quả ghi lại 4 năm học hành và nghiên cứu chăm chỉ, đồ án tốt nghiệp còn là bộ sưu tập quan trọng nhất – một cột mốc vàng son trong chặng đường theo đuổi giấc mơ thời trang của mỗi sinh viên.  

Cùng Style-Republik điểm qua 10 bộ sưu tập được đánh giá cao nhất trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên thời trang khóa 25, trường Đại học Văn Lang vừa qua!

Nguyễn Hoài Nhu và bộ sưu tập “Lộc Tứ Bình” 

“Always improve your ability to accept new things, because creativity is unlimited.” (Luôn chấp nhận cái mới, vì sáng tạo là không ngừng thay đổi, không bao giờ có giới hạn), chính là quan điểm thiết kế bậc nhất mà chàng sinh viên trẻ xem như “kim chỉ nam” cho suốt con đường sáng tạo của mình. Bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp của Hoài Nhu được lấy cảm hứng từ Lục Bình Tứ Quý Bát Tràng. Đó là những thiết kế khắc họa một cách toàn diện nhất về những chiếc bình, từ hình dáng, hoạ tiết, màu sắc, chất men đến cả cách bày trí và quá trình làm ra chúng. Với ngôn ngữ thiết kế của riêng mình, Hoài Nhu đã đem đến sức sống mới cho những chiếc bình vô tri vô giác. Lộc Tứ Bình còn là một bức tranh hài hoà giữa chất liệu truyền thống, màu sắc của đương đại và mang một chút tinh thần của tương lai. Đây cũng là điều làm nên màn kết hợp độc đáo trong bộ sưu tập của Hoài Nhu – giữa yếu tố trang phục truyền thống, phom dáng hiện đại và kỹ thuật mới in 3D. Thông qua “Lộc Tứ Bình”, nhà thiết kế trẻ mong rằng người xem sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của những chiếc Lục Bình Tứ Quý Bát Tràng, từ đó hiểu và trân trọng hơn về một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Xa hơn nữa, Hoài Nhu còn mong rằng Lộc Tứ Bình có thể giới thiệu được Làng nghề gốm Bát Tràng đến với bạn bẻ quốc tế, góp phần vào việc gìn giữ vẻ đẹp văn hoá truyền thống của đất nước ta.

Trần Tú Nghi và bộ sưu tập “TUI ICONIC” (Ai trong chúng ta cũng từng là con nít)

“Đối với tôi thời Trang là công cụ để thể hiện góc nhìn của nhà thiết kế. Tôi dùng thời Trang để kể nên câu chuyện từ những trí tưởng tượng nằm trong đầu, không có giới hạn cho sự sáng tạo, và càng không có giới hạn cho một tiêu chuẩn rõ ràng. Thời trang của mỗi người là những vùng đất khác biệt, chẳng nơi nào giống nơi nào.” Và đúng như những gì mà Tú Nghi chia sẻ, bộ sưu tập tốt nghiệp “TUI ICONIC” đã thể hiện được trọn vẹn con người bên trong của cô. Từ giây phút đầu tiên giới thiệu bộ sưu tập, “TUI ICONIC” và Tú Nghi đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên khắp mạng xã hội. Bằng chứng là ngay khi được chia sẻ trên khắp nền tảng mạng xã hội, bộ sưu tập đã thu về hơn 4 triệu lượt xem trên TikTok và được nhiều Fanpage hàng nghìn người theo dõi chia sẻ lại và khen ngợi. “TUI ICONIC” nổi bật với gam màu hồng sặc sỡ, chủ nghĩa maximalism, và được lấy cảm hứng từ những cảm xúc của “Đứa trẻ bên trong” và phong cách Decora trên đường phố Harajuku của Nhật Bản. Các hoạ tiết trong bộ sưu tập được xây dựng từ những hình ảnh dễ thương và đầy màu sắc từ những ký ức ở thời thơ bé. Kết hợp với nhiều lớp trang phục cùng phụ kiện như gấu bông, đồ chơi, và phụ kiện đầy màu sắc khác như kẹp tóc, tất màu sắc,… Không chỉ hồn nhiên, vui vẻ hay ngây thơ, “đứa trẻ bên trong” chúng ta cũng có khi giận dữ và nổi loạn. Điều này được thể hiện qua sự kết hợp với sắc đen, cùng tinh thần gai góc từ rock.

Nguyễn Dương Tuyền và bộ sưu tập “House of lichens”

Thời trang với tôi là hạnh phúc, là sự kiên nhẫn,là nơi để thể hiện bản thân rõ nhất, là mục tiêu chinh phục được thể hiện qua góc nhìn về thời trang của cá nhân, mong muốn được truyền tải cảm xúc qua các bề mặt chất liệu.” – nhà thiết kế Dương Tuyền bộ bạch. Và lời chia sẻ này đã được thể hiện rõ nét trong từng thiết kế của bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp vừa qua. Cô sinh viên trẻ mở đầu bộ sưu tập của mình bằng lời tâm tư hay nói đúng hơn là nguồn cảm hứng đứng sau toàn bộ thiết kế, như sau: “Địa y nhỏ bé và không có một ngoại hình lộng lẫy hay thu hút từ những ánh nhìn đầu tiên, vẻ đẹp của sự sống bên trong và mang hướng cũ kỹ đã thu hút tôi từ khi tìm hiểu về chúng”. Đúng thế, sức hút đặc biệt của các loài địa y trong tự nhiên đã trở thành chất liệu sáng tạo chủ đạo. Dương Tuyền đã khai thác và mô phỏng chính xác bề mặt bám của địa y trên vỏ thân cây, vách tường, sỏi đá kết hợp trên vải vóc; cùng đó kết hợp với phong các du mục để mang lại loạt phom dáng, màu sắc, kỹ thuật cũng như chất liệu mới mẻ và thú vị hơn cho bộ sưu tập. Bằng phom dáng mang tính ứng dụng cao, Dương Tuyền khiến người xem đổ dồn sự chú ý vào chi tiết thêu, đính kết, đắp vải, nhuộm vải, tái sử dụng vật liệu cũ, in thủ công,… Tất cả đã giúp nhà thiết kế trẻ thể hiện lại được vẻ đẹp của thiên nhiên một các trọn vẹn và chân thật nhất. Bắt đầu từ những thứ mộc mạc trong tự nhiên như loài địa y – một loài có thể dự báo cho môi trường bị ô nhiễm qua sự sống của chúng, cộng với góc nhìn sáng tạo của bản thân, Dương Tuyền mong muốn bộ sưu tập “House of lichens” sẽ khiến người xem nhận ra vẻ đẹp và sức sống của mẹ thiên nhiên diệu kỳ và mạnh mẽ như thế nào. 

.

Lương Thiện Long Nữ và bộ sưu tập “Memories of the storm”

“Memories of the storm” – bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp của Long Nữ, được chính nàng sinh viên trẻ miêu tả như một quyển album chắp ghép từ những mảnh ký ức của bản thân về cơn bão Miền Trung, nơi mà Nữ được sinh ra. Bão mang đến mưa, lũ, dông tố cùng với những thiệt hại, tác động tiêu cực cho môi trường xung quanh và con người. Nhưng đối với cảm quan và góc nhìn sáng tạo của một nhà thiết kế thời trang như Nữ, ẩn sau sự tàn khốc từ thiên nhiên ấy là vẻ đẹp lãng mạn, diệu kỳ, cuốn hút đến khó chối từ. Chính vì thế, từng trang album sẽ là từng bức tranh mang chủ đề khác nhau được Long Nữ khắc họa lại vô cùng sống động bằng ngôn ngữ thiết kế đầy duy mỹ, kết hợp với phong cách Avant-garde. Từ bầu trời phủ kín mây đen âm u, xám xịt, những cơn lốc xoáy cát bụi trước khi mưa giống kéo đến,… cho đến những tia sét sáng bừng, lóe lên giữa bầu trời tối om,… nhà thiết kế trẻ đã đem tất cả trên bề mặt chất liệu được xử lý độc đáo, phom dáng và bảng màu sắc được pha trộn đầy ấn tượng. Bên cạnh đó, những cơn mưa nặng hạt trắng trời bao trùm lên mọi vật, làm nhoè đi khung cảnh xung quanh tựa như những bức tranh sơn dầu khổng lồ trong không gian. Hay từng đợt gió lớn xuất hiện thổi bay cây cối, cuốn theo mái nhà, cửa sổ,… tác động lên đời sống sinh hoạt và trang phục của người dân, vô hình dung tạo nên những phom dáng đặc trưng và vô cùng sống động. Long Nữ cũng đã “phục dựng” lại những hình ảnh đó bằng hàng loạt thiết kế có tính thử nghiệm cao và sáng tạo ngoạn mục. Với tinh thần tiên phong của Avant-garde, những bộ trang phục trong “Memories of the storm” đã thể hiện được sự cá tính, gai góc, và mạnh mẽ như con người miền Trung luôn kiên cường vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên. 

Trần Văn Trung và bộ sưu tập “ME”

Như nam nghệ sĩ đa tài chia sẻ: “Fashion is more about feel than science” – Trần Văn Trung mong muốn một lần nữa đắm chìm vào những khung bậc cảm xúc, kỉ niệm tươi đẹp, hạnh phúc trong quá khứ, bằng chính ngôn ngữ thiết kế đầu duy mỹ và tư duy sáng tạo hiện đại  của chính bản thân mình. Không có xuất phát điểm thuận lợi như các nhà thiết kế đã “ngậm thìa vàng” từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của Trung gắn liền với những ngày đi dọc bờ biển để nhặt ve chai kiếm sống. Vì thế không khó hiểu khi biển là nơi chứa đựng mọi kỉ niệm tuổi thơ của nhà thiết kế. Từ những bài cát vàng, cơn nắng dịu dàng, tiếng sóng biển vỗ, cho đến màu biển xanh ngắt, tất cả đều để lại những cảm xúc vô cùng đặc biệt trong Trung. Đặc biệt đến nỗi mà nó đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo để chàng sinh viên trẻ đem vào khai thác trong bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp. Màu biển trong bộ sưu tập “ME”  được diễn tả bằng sắc xanh denim nhạt cũng như màu xanh baby ngọt ngào. Ngoài ra, kỹ thuật nhúng, xếp li, xoắn vải,… đã tạo nên hiệu ứng chân thật của mặt nước, bề mặt của cát,… Không chỉ có biển, tuổi thơ của Trung còn gắn liền với những ngày đi qua các quán bán đồ lưu niệm để tìm kiếm và nhặt những chiếc nơ ruy băng, hay những bông hồng môn từ vườn của nội, và cả chiếc quần jeans mà Trung được mẹ sắm mỗi khi đến Tết,… tất cả những dấu ấn đặc biệt từ tuổi thơ này tiếp tục được nhà thiết kể trẻ diễn giải trong bộ sưu tập. Chúng ta dễ dàng thấy hoa hồng môn được đính kết điểm xuyết trên áo, hoặc chân váy denim, hay cách phá vỡ cấu trúc của chiếc quần jean để tạo hình hoa hồng môn; những chiếc nơ nữ tính cũng trở thành chi tiết tô điểm độc đáo trên tổng thể trang phục.

Nguyễn Văn Mạnh và bộ sưu tập “Circle”

Văn Mạnh là một người suy tư không ngừng về nghệ thuật, anh xem thiết kế thời trang như là một phương thức biểu đạt những chiêm nghiệm bằng ngôn ngữ thị giác. Cùng với mong muốn chuyển tải những câu chuyện nghệ thuật vào trong trang phục và ứng dụng vào đời sống thường nhật, Văn Mạnh tạo ra bộ sưu tập “Circle” cho đợt tốt nghiệp lần này. Đúng với tên gọi, bộ sưu tập là lần thử nghiệm của chính nhà thiết kế về cấu trúc từ hình tròn. “Circle” tập trung khai thác các phương pháp cắt rập và tạo phom dáng thú vị thông qua ba cách tái cấu trúc trang phục: cắt rập theo hình tròn, rã rập từ hình tròn và kết hợp hình tròn với quần áo. Bộ sưu tập rời khỏi những cách tạo rập truyền thống, để tìm đến những giá trị sáng tạo mang tính tương lại và phá vỡ quan niệm cũ – quần áo tôn lên vẻ đẹp ba vòng của người mặc, những mẫu thiết kế trong “Circle” phóng đại và xô lệch khỏi cơ thể tạo nên sự lạ mắt và vẻ đẹp độc đáo đầy cuốn hút. Sau khi tạo được phom dáng mới từ ba kỹ thuật trên, bộ sưu tập kết hợp với chất liệu denim và chi tiết kỹ thuật của áo khoác denim, quần jeans,… để thể hiện trọn vẹn tinh thần trẻ trung, tự do và vô cùng phóng khoáng.

Nguyễn Võ Thanh Châu và bộ sưu tập “Scarlet Witch”

Vào đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp lần này, Thanh Châu đem đến bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ cuộc đời nhân vật Scarlet Witch trong bộ phim Doctor Strange in the Multiverse of Madness năm 2022 của đạo diễn Sam Raimi. Qua từng thiết kế hoàn chỉnh, nữ sinh viên thời trang khai thác những chuyển biến tâm lý của Scarlet Witch qua ba giai đoạn chính: giai đoạn dằn xé và mất mát, giai đoạn tha hoá và bùng nổ sức mạnh, giai đoạn sụp đổ. Thông qua đó, bộ sưu tập đã thể hiện được nội tâm của một con người khi bị nỗi đau dằn xé đã khiến họ trở thành ác nhân trong câu chuyện của chính mình. Hệ thống hoạ tiết được xây dựng dựa trên sự thay đổi trạng thái của nhân vật; bên cạnh đó, Thanh Châu đã sử dụng các biện pháp xử lý chất liệu đặc sắc như tạo hình gương vỡ, mài và nhuộm denim, đính cườm, thêu tay và cắt laser,… Bảng màu trầm tối như đỏ thẫm, đen và xám còn là phương thức để Thanh Châu diễn giải sự biến chất của Scarlet Witch. Kết hợp với phá vỡ cấu trúc, nhà thiết trẻ còn mang đến nhiều phom dáng và diện mạo khác nhau mang đậm tinh thần của Y2K.

Nguyễn Trúc Huệ và bộ sưu tập “LICHEN”

“Đơn giản nhưng cầu kỳ’’ đó là cách mà Trúc Huệ cảm nhận và tiếp cận thời trang. Đây cũng là lý do vì sao loài địa y nhỏ bé trong thiên nhiên rộng lớn chính là nguồn cảm hứng sáng tạo chủ đạo trong bộ sưu tập tốt nghiệp, mang tên “LICHEN” của nữ sinh viên Trúc Huệ. Địa y – loài sinh vật nhỏ bé nhưng không tầm thường, vì chúng có thể sinh tồn ở bất cứ nơi đâu và phát triển trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Từ đó, Trúc Huệ đã đem đến hàng loạt bộ váy dạ hội lộng lẫy, nữ tính, đan xen với sự phức tạp, mạnh mẽ và đầy gai góc của chi tiết, và bề mặt chất liệu. Nhà thiết kể trẻ đã khai thác khai thác cấu trúc mọc và vẻ đẹp của Địa y ở nhiều góc độ khác nhau. Mỗi loài địa y đều có những nét đặc trưng rất riêng về cả hình thái, màu sắc và đặc điểm cấu tạo. Vì thế, từng mẫu thiết kế trong “LICHEN” cũng chẳng mẫu nào giống mẫu nào, từ màu sắc, phom sáng đến chất liệu. Để tạo nên hiệu ứng bề mặt giống nhất với địa y, Trúc Huệ đã kết hợp và sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp xử lý như in vải, thêu, lóc vải, đính kết, rã rập, kết hợp 18 loại ren khác nhau,… Thông qua ngôn ngữ thiết kế đầy duy mỹ cùng tư duy “lãng mạn hóa” mọi điều giản dị trong cuộc sống, Trúc Huệ mong muốn người xem sẽ cảm nhận được vẻ đẹp diệu kỳ của địa y theo một góc nhìn mới – mơ mộng, sống động và đầy tính nữ hơn. 

Nguyễn Như Diệu và bộ sưu tập “Trung Thu Ngày Xưa Ấy”

Có lẽ những năm 2000 luôn là cột mốc đặc biệt trong mỗi ký ức của chúng ta, đối với Như Diệu cũng như thế, đặc biệt là dịp Tết Trung thu. Ngày Tết trung thu là ngày Tết dành cho trẻ em đi chơi, phá cỗ – chơi rước đèn khắp xóm, cùng nhau chia những chiếc bánh trung thu nhiều vị nhiều sắc với ba mẹ và bạn bè,… Nhưng có lẽ đó chỉ là điều đã từng và chúng đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Bởi lẽ, khi xã hội ngày một hiện đại thì những giá trị truyền thống của Tết Trung thu xưa dần mất đi và thay vào đó là những thứ tiện nghi hơn, hiện đại hơn. Để có sống lại với quá khư vui vẻ và đầy hồn nhiên đó, Như Diệu đã tập trung khai thác và lồng ghép những món đồ đặc trưng của ngày Tết Trung thu như lồng đèn: lồng đèn bằng giấy bóng kính, lồng đèn cù, lồng đèn giấy,.. và những chiếc bánh trung thu với hoa văn cổ điển khi xưa,… vào trực tiếp các thiết kế của bộ sưu tập “Trung Thu Ngày Xưa Ấy”. Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn có những hoạ tiết thêu gợi nhắc chi tiết của khuôn bánh, đường cut out và rã rập, đính kết trang trí, chất liệu có độ trong và lấp lánh giống hệt chiếc lồng đèn. Vải lụa trong bộ sưu tập được lựa chọn có độ trong nhất định, bắt sáng không chỉ vì phong cách bộ sưu tập hướng tới là sự nữ tính, thơ mộng mà còn vì liên tưởng đến chất liệu của lồng đèn bóng kính. Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập là màu trắng, ngà ngà liên tưởng đến những thước phim xưa cũ hoài niệm. 

Lục Bảo Quỳnh và bộ sưu tập “OSTUNI”

Là một người yêu thích sự trải nghiệm, yêu thích du lịch, nghệ thuật và văn hóa, Bảo Quỳnh luôn muốn khám phá những vùng đất đẹp và độc đáo trên thế giới để tìm cảm hứng sáng tạo cho những thiết kế của mình. Và ở bộ sưu tập tốt nghiệp, mang tên “Ostuni” thành phố xinh đẹp ở Apulia, miền nam nước Ý đã trở thành “chất liệu” sáng tạo chủ đạo cho các thiết kế. Bộ sưu tập của Bảo Quỳnh khai thác các biểu tượng của thành phố, cũng như góc nhìn toàn cảnh, bằng các màu sắc và hoạ tiết đặc trưng. Cụ thể, hệ thống hoạ tiết, hoa văn được xây dựng dựa trên các hình ảnh từ các địa điểm nổi tiếng như những di tích lịch sử, các hoa văn trên hàng rào ở bancon và góc nhìn từ xa của toàn thành phố Ostuni. Ngoài ra, nhà thiết kế trẻ còn thể hiện góc nhìn nghệ thuật từ các công trình kiến trúc như Cột Thánh Oronzo, Bảo tàng Nghệ thuật Cổ điển bằng phương pháp vẽ tay, in, và kết hợp với thêu truyền thống. Họa tiết những ngôi nhà trong bộ sưu tập được bố trí theo một cách ngẫu hứng, tạo ra những con đường nhỏ quanh co. Hình dạng đặc trưng của kiến trúc Ostuni là hình dáng bán cầu, hình tháp hay hình chữ nhật. Và nó được áp dụng vào bố cục trang trí thông qua kỹ thuật patch work, để tăng thêm phần thanh lịch và thời thượng cho tổng thể. 

Thực hiện Dory

Ảnh: NVCC