Trợ lý thiết kế (Assistant designer) – Con đường đi từ vô danh cho đến nhà thiết kế triệu đô

Ngày đăng: 20/11/19

Những nhà thiết kế nổi tiếng hiện nay, như Alessadro Michele của Gucci, Demna Gvasalia của Balenciaga, Natacha Ramsay-Levi của Chloé, Sarah Burton của Alexander McQueen, Maria Grazia Chiuri của Dior… ít người biết rằng họ đã dành nhiều năm làm việc đằng sau hậu trường với vai trò “assistant designer” trước khi đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo cho các nhà mốt lớn. Vậy assistant designer: họ là ai? Và họ được gì sau hàng năm trời phấn đấu?

Bất kể nhà mốt nào cũng cần một nhà thiết kế tài giỏi để dẫn dắt, tuy nhiên ngoài nhân vật chủ chốt chịu trách nhiệm thổi hồn cho thương hiệu, thì các công ty thời trang còn có một đội ngũ nhân viên, trợ giúp cho nhà thiết kế chính. Công việc thiết kế chưa bao giờ là chuyện đơn giản, với tần suất các show diễn và số lượng bộ sưu tập mới ra đều đặn cả năm, khối lượng công việc là khổng lồ.

Thực tế, đằng sau sự thành công của mỗi show trình diễn ở các Tuần lễ Thời trang là tâm huyết và công sức của cả một tập thể, bao gồm các nhà thiết kế phụ và những thợ thủ công lành nghề. Đó là những người không bao giờ được nêu tên, họ cũng không đứng ra vào phút cuối để chào khán giả, bởi đơn giản chỉ họ là “assistant designer” cho nhà thiết kế chính, nhà thiết kế chính sẽ thay mặt đội ngũ chào kết thúc mỗi show diễn.

Marc Beckman, người sáng lập và điều hành của DMA United, một công ty quảng cáo và đại diện tài năng cho hay: “Có quá nhiều thứ trong ngành công nghiệp thời trang này được đặt nặng vào cái tên và tiếng tăm, tuy nhiên, theo thời gian, cái người ta coi trọng cuối cùng vẫn là sản phẩm”. Suy cho cùng, không phải bất cứ nhà thiết kế hậu trường nào cũng vươn được lên vị trí giám đốc sáng tạo như Alessadro Michele, Demna Gvasalia hay Natacha Ramsay-Levi… tuy nhiên cũng có những người đã gầy dựng được tầm ảnh hưởng nhất định trong giới thời trang, với vai trò “cánh tay phải” cho nhà thiết kế hay chuyên gia hàng đầu về một lĩnh vực nào đó của giới trang. Và với công sức và tài năng đã bỏ ra, mức lương triệu đô cho mỗi năm với họ là chuyện trong tầm tay.

Dưới đây là những gương mặt thiết kế nổi bật, họ đang hoặc đã từng tồn tại dưới danh nghĩa “assistant designer” tại các nhà mốt hàng đầu thế giới, thầm lặng góp công sức cho sự thành công của thương hiệu. Trong đó, Virgine Viard được gọi là “cánh tay phải” của học giả thời trang Karl Lagerfeld tại Chanel, Darren Spaziani là một trong số những nhà thiết kế túi xách thành công nhất trong thập kỉ qua, hiện đang là giám đốc nghệ thuật phụ trách mảng đồ da tại Louis Vuitton. Matthieu Blazy từ một thực tập sinh giờ kề vai sát cánh cùng với Raf Simons và Pieter Mulier tại Calvin Klein. Đáng chú ý là sự bền bỉ của Fabio Zambernardi dành cho Prada và Miu Miu, từ năm 1981 ông gia nhập với vai trò trợ lý cho đến ngôi vị sáng tạo hàng đầu như ngày nay.

Còn có Yuni Ahn, giám đốc thiết kế của Céline, người đã giúp thiết lập bản sắc của thương hiệu thời trang xứ sở Paris. Martine Rose tại Balenciaga năm vừa qua đã được vinh danh với hai giải thưởng thiết kế từ LVMH và ANDAM. Và cuối cùng, một thành viên trong ekip của Marc Jacobs, Aisling Ludden-Burman là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong hoạt động kinh doanh. Tin rằng câu chuyện về họ sẽ mang đến những điều thú vị cũng như lan tỏa nguồn cảm hứng cho những ai hoạt động trong giới thời trang.

Virgine Viard (Chanel)

Virgine Viard
Virgine Viard

Giữ vị trí giám đốc studio của Chanel hơn hai thập kỉ, Virgine Viard được gọi là “cánh tay phải” của Karl Lagerfeld. Viard có trách nhiệm chuyển giao tầm nhìn của Karl Lagerfeld đến 8 bộ sưu tập hàng năm của nhà mốt (2 BST Haute Couture và 6 BST Ready to wear), cô là người thường rời studio của Chanel cuối cùng. Karl Lagerfeld nói về Viard như sau: “Cô ấy là cánh phải và cũng là cánh tay trái của tôi, mối quan hệ giữa chúng tôi rất chặt chẽ, được nhân đôi bởi một tình bạn thực sự”.

Viard bắt đầu sự nghiệp của mình trong nghề thiết kế với tư cách là trợ lý của Dominique Borg, người từng sản xuất trang phục cho nghệ sĩ người Pháp nổi tiếng Camille Claudel. Vào năm 1987, cô gia nhập Chanel. Và vào năm 1992, khi Karl Lagerfeld làm giám đốc nghệ thuật cho Chloé, cô cũng chuyển sang đó. Năm 1997, Virgine Viard lại trở về Chanel. Đến năm 2000, cô đảm nhận vai trò giám đốc cho dòng trang phục ready to wear.

Năm 2015, Viard chia sẻ trên tạp chí thời trang Crash về bí quyết làm việc của mình: “Tôi cảm thấy mình đang làm việc như cách tôi đã làm cách đây 20 năm. Và tất cả mọi thứ diễn ra suôn sẻ vì trên hết, studio của chúng tôi làm việc theo nhóm. Tôi không cảm thấy mình là một ‘giám đốc’. Các nhân viên đều tin tưởng và trông cậy vào tôi. Chẳng bao giờ chúng tôi xảy ra xung đột”. Với cùng cách làm việc đó, Virgine Viard sẽ tiếp tục gắn bó với Karl Lagerfeld cũng như Chanel trong tương lai tới.

Darren Spaziani (Louis Vuitton)

Darren Spaziani
Darren Spaziani

Darren Spaziani là một trong số những nhà thiết kế túi xách thành công nhất trong thập kỉ qua, là nhà thiết kế phụ kiện được săn đón nhiều nhất, hiện anh đang là giám đốc nghệ thuật phụ trách mảng đồ da tại Louis Vuitton. Được đánh giá là một trong những nhà thiết kế tài năng nhất trong thế hệ đồng lứa, Spaziani từng học tại Central Saint Martins, tốt nghiệp năm 1999, dưới thời giáo sư Louise Wilson.

Một trong những công việc đầu tiên của anh là thiết kế giày, túi, phụ kiện cho Helmut Lang. Năm 2004 anh chuyển sang Louis Vuitton với tư cách thiết kế chính cho mảng đồ da và phụ kiện nam. Tại đây anh làm việc cùng Marc Jacobs và chịu trách nhiệm về thiết kế, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ túi, kính mắt, đồ trang sức, cà vạt, khăn, đồ gia dụng, mũ và găng tay của nam. Năm 2006, anh chuyển sang Balenciaga, đảm nhiệm vai trò giám đốc thiết kế phụ kiện, bao gồm cả đồ nam và nữ, làm việc trực tiếp với Nicolas Ghesquière. Từ 2008 đến 2013, Spaziani làm giám đốc thiết kế phụ kiện cho Proenza Schouler, cũng như tư vấn cho Tory Burch và Diane von Furstenberg.

Tại Proenza Schouler, Spaziani thiết kế túi xách PS1, chiếm giữ vị trí “it bag” trong thị trường trong gần một thập kỉ và góp phần vào sự tăng trưởng của nhãn hiệu này (doanh thu bán hàng tại Proenza Schouler được ước chừng tầm 90 triệu USD vào năm 2016, được chia đều 50-50 giữa quần áo và phụ kiện). Hiện nay, tại Louis Vuitton, Spaziani là một trong những nhà thiết kế cao cấp nhất , tiếp tục làm việc với Nicolas Ghesquière. Trong số những tác phẩm thành công nhất của Spaziani có thể kể đến chiếc túi “Twist”, sản phẩm bán chạy nhất của Louis Vuitton với phần khoá có chữ LV xoay được, cùng với mẫu túi “Speedy” và “Keepall” trong dự án hợp tác với Jeff Koons của Louis Vuitton.

Matthieu Blazy (Calvin Klein)

Matthieu Blazy
Matthieu Blazy

Vào năm 2014, khi nhà báo Suzi Menkes đăng một bức ảnh của nhà thiết kế Matthieu Blazy và Raf Simons lên Instagram, chỉ ra Blazy là nhà thiết kế chính của Maison Margiela, thương hiệu vốn rất kín tiếng về các nhà thiết kế, điều này đã giúp cho Matthieu Blazy được giới mộ điệu biết đến. Menkes viết chú thích cho bức ảnh: “Chương trình đã đưa nhà thiết kế Matthieu Blazy ra khỏi bóng tối”. Thật vậy, cũng từ đó Matthieu Blazy đã bước ra khỏi bóng tối và dần khẳng định danh tiếng của mình.

Là một sinh viên tốt nghiệp trường La Cambre (khoá 2007) ở Paris, Blazy bắt đầu với vai trò một thực tập sinh tại John Galliano và Balenciaga. Sau đó anh làm việc cho Simons ở Antwerp, rồi từ đó trở nhà thiết kế cấp cao cho thương hiệu. Sau đó anh trở thành nhà thiết kế chính cho dòng thời trang cao cấp “Artisanal” rồi đến cả thời trang dòng “ready to wear” của Margiela. Từ tháng Tám năm 2016, Blazy đảm nhận vị trí giám đốc thiết kế cho Calvin Klein cùng với Simons và Pieter Mulier.

Fabio Zambernardi (Prada và Miu Miu)

Fabio Zambernardi
Fabio Zambernardi

Năm 2002, Fabio Zambernardi đảm nhận vai trò giám đốc thiết kế cho Miu Miu và Prada, làm việc trực tiếp với Miuccia Prada trong các bộ sưu tập ready to wear và phát triển ý tưởng, cũng như giám sát tất cả nhiệm vụ chiến lược, đảm bảo cho sự liên kết giữa hình ảnh và sản phẩm của bộ sưu tập, bao gồm cả việc truyền thông bằng hình ảnh.

Ít người biết rằng Zambernardi đã gắn bó với thương hiệu từ rất lâu. Năm 1981, ông bắt đầu làm việc tại công ty với tư cách trợ lý. Đi lên dần bằng chính thực lực của mình, đến năm 1997, ông được thăng chức giám đốc phụ trách mảng giày. Sau đó, đến năm 1999, Zambernardi trở thành điều phối viên thời trang.

Là một nhân vật lớn ở hậu trường, Zambernardi đã góp công rất lớn từ những ngày đầu, để giúp Prada vươn lên trở thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như hiện tại. Fabio Zambernardi trong giới thời trang nổi tiếng với triết lý “Đa dạng mà tối giản” mà ông gắn bó.

Yuni Ahn (Céline)

Yuni Ahn
Yuni Ahn

Hiện tại, Yuni Ahn là giám đốc thiết kế của Céline, người đã giúp thiết lập bản sắc của thương hiệu thời trang xứ sở Paris này. Yuni Ahn Sinh ra ở Hàn Quốc, tốt nghiệp trường Central Saint Martins năm 2000, và được Stella McCartney mời gia nhập trước cả khi tốt nghiệp. Năm 2001, Yuni gia nhập đội ngũ đầu tiên của McCartney, nơi cô làm việc với hoạ tiết in và thêu cùng Philo. Yuni Ahn đóng vai trò quan trọng trong khâu thiết kế và triển khai các cửa hiệu của Stella McCartney ở New York, London và Los Angeles.

Sau đó, cô chuyển sang tư vấn cho Chloé khi Philo lên đảm nhiệm McCartney vào năm 2000, và làm một số dự án về kiến trúc. Khi Philo tham gia vào thương hiệu Céline, Ahn đã tư vấn về túi, đồ trang sức và kính mắt, giúp Philo có được cái nhìn tổng quát và rõ nét về mẫu người phụ nữ của thương hiệu và thiết lập những yếu tố nổi bật từ phong cách thiết kế- DNA của một thương hiệu. Cô cũng từng làm việc với các nhãn hàng khác như Prada, Miu Miu, Paul Smith, Theory, Simone Rocha, Isabel Marant trong mảng phụ kiện và quần áo.

Martine Rose (Balenciaga)

Martine Rose
Martine Rose

Được coi là một trong những nhân vật đột phá của London, Martine Rose đã lặng lẽ làm việc cho nhãn hiệu thời trang nam của mình từ năm 2007 và gần đây nhất là tư vấn thiết kế trang phục nam cho Balenciaga. Tốt nghiệp Đại học Middlesex năm 2002, một năm sau Martine thành lập nhãn hiệu đầu tay LMNOP cùng với đồng đội Tamara Rothstein. Ngừng công việc kinh doanh năm 2005, cô bắt đầu tự phát triển dự án riêng của mình, bắt đầu từ việc thiết kế áo trong lĩnh vực thời trang nam giới. Từ đó Martine Rose bắt đầu thành công. Cô được biết đến với cách tiếp cận độc đáo của mình trong khâu trình bày các bộ sưu tập.

Tại Balenciaga, Martine Rose càng gầy dựng được sức ảnh hưởng của mình. Tầm nhìn của cô đã đóng phần định hình phong cách nhà mốt như hiện tại, từ những bộ suit lịch lãm cho đến những bộ trang phục thiết kế. Năm 2017, Martine Rose đã được vinh danh qua hai giải thưởng thiết kế từ LVMH và ANDAM.

Aisling Ludden-Burman (Marc Jacobs)

Hình ảnh được lấy từ Instagram của Ludden-Burman chụp cùng Marc Jacobs
Hình ảnh được lấy từ Instagram của Ludden-Burman chụp cùng Marc Jacobs

Aisling Ludden-Burman là nhà thiết kế đồ nữ của Marc Jacobs ở Paris. Sinh ra ở Dublin và tốt nghiệp trường Royal College of Art chuyên ngành thời trang, nhiều nguồn tin cho hay Ludden-Burman là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong hoạt động kinh doanh của Marc Jacobs, làm việc trong khâu thiết kế, quảng cáo và một số dự án đặc biệt. Những gương mặt đáng chú ý khác của Marc Jacobs còn có thể kể đến stylist Katie Grand, cũng là tổng biên tập báo Love và Venetia Scott, hiện là giám đốc thời trang tại Vogue Anh.

Thực hiện: Cherie

Theo BOF