Từ đối thủ thành tình nhân: Tại sao chúng ta lại yêu người mà chúng ta ghét?

Ngày đăng: 14/03/24

Motip “đối thủ trở thành người yêu” đã mê hoặc tất cả chúng ta qua nhiều thế kỷ. Tại sao vậy? Cùng chúng tôi tìm hiểu điều gì khiến nó trở nên hấp dẫn đến thế!

Sau chặng đường “mờ nhạt” vào năm 2021 (với một trong những điểm sáng là sự xuất hiện ngắn ngủi của người đàn ông tự gọi mình là “Chuggs”) game show hẹn hò Love Island (Đảo tình yêu) đã lấy lại phong độ, với 100 triệu lượt phát trực tuyến khiến mùa thứ tám và mùa hiện tại là 2 phần có lượng xem cao nhất.

Bên cạnh các tình huống bất ngờ của show, mối quan hệ “khi có khi không” (on-again-off-again) của cặp đôi Ekin-Su và Davide Sanclimenti cũng đã thực sự thu hút đa số người chọn xem game show. Cặp đôi hợp tác từ rất sớm, nhưng mối quan hệ của họ trở nên xấu đi khi những cái ôm bí mật của Ekin-Su được công khai cho tất cả mọi người cùng xem khiến Davide phải thốt lên rằng cô là một “kẻ nói dối và một diễn viên” xứng đáng được nhận giải Oscar.

“Ekin-Su và Davide đang tạo ra tình huống “enemies to lovers”, nó giống như một bộ phim hài lãng mạn đầy kịch tính và là cốt truyện hay nhất từng có.” – một người viết trên Twitter.

“Từ đối thủ thành tình nhân” không phải là “cốt truyện” độc nhất của mỗi Love Island. Đó là một motip mà chúng ta đã thấy rải rác khắp văn học và văn hóa đại chúng: chẳng hạn như “merry war” (mối quan hệ yêu-ghét) của Beatrice và Benedick trong Many Ado About Nothing của Shakespeare hay cuộc đùa giỡn nóng nảy giữa Kat và Patrick trong 10 Things I Hate About You. Thông thường, khán giả có ấn tượng rằng một số mối quan hệ tuyệt vời nhất, nồng nàn nhất đều bắt nguồn từ nghịch cảnh và sự trớ trêu.

Nhưng mối quan tâm của chúng ta đối với những câu chuyện tình cảm kiểu này không chỉ dừng lại ở phạm vi tiểu thuyết hay trong trí tưởng tượng mà đó còn là điều mà mọi người muốn thể hiện trong cuộc sống thực của mình. Tiến sĩ Tony Ortega , nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của nhiều cuốn sách về quản lý mối quan hệ, giải thích: “Trong tình huống này, hai cá nhân xuất phát từ mối căm ghét hoặc thù địch nhau, nhưng sau đó qua quá trình làm việc và tương tác, họ trở thành một cặp đôi.”, “Việc “đối đầu” liên tục có thể dẫn đến một thứ gọi là khả năng chịu ảnh hưởng. Đây là khả năng của một người để có thể đối phó với những cảm xúc tiêu cực theo thời gian và bạn càng tham gia vào một hành vi nhất định thì hành vi đó sẽ càng mạnh mẽ hơn.”

Chuyên gia về mối quan hệ và nhà trị liệu Marisa Peer cho biết thêm: “Cường độ cảm xúc giữa hai cá nhân coi nhau như kẻ thù, đối thủ hoặc mối đe dọa sẽ tạo ra một sự căng thẳng kịch tính. Ranh giới mỏng manh giữa yêu và ghét có nghĩa là cả hai cảm xúc đều gợi lên những phản ứng giống nhau, điều này chứng minh cho việc tương tác mạnh mẽ ngay từ đầu. Sự tương tác lúc đầu là một bài tập tính điểm mà cả hai bên đều thích thú. Nó cung cấp cho mỗi người cái nhìn sâu sắc về tâm lý của người kia và sự hiểu biết gần như trực quan.”

“Niềm đam mê phải đóng một vai trò rất lớn trong quá trình chuyển sang thành người yêu […] Cùng với sự tức giận và đam mê, chúng ta có thể ném logic và e dè ra ngoài cửa sổ. Về cơ bản, đam mê cho phép chuyển từ kẻ thù sang tình nhân” – Tiến sĩ Tony Ortega

Mặc dù có vẻ phản trực giác khi xem xét mối quan hệ với một người mà bạn hoàn toàn không thể chịu đựng được, nhưng Peer lập luận rằng việc đó sẽ tạo điều kiện để xây dựng một kết nối xác thực. Ngược lại với mối quan hệ “’yêu từ cái nhìn đầu tiên” đầy lí tưởng (trong đó những phẩm chất hấp dẫn của đối phương sẽ che lấp mọi khuyết điểm) thì câu chuyện “đối thủ trở thành những người yêu nhau” lại cho thấy mỗi bên tập trung hoàn toàn vào những tiêu cực của người kia và phải thương lượng lại cách họ nhìn nhận về bản thân trong tâm trí. 

“Cả hai bên liên quan đều tập trung vào những khuyết điểm của đối phương và ở một mức độ nào đó, đã phóng đại chúng để phù hợp với định kiến ​​của họ về kẻ thù. Bị ném vào nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào thường có nghĩa là họ phải học cách giao tiếp, đàm phán và hiểu người khác,” Peer giải thích. “Đồng thời họ cũng học cách khám phá những điều tích cực bên trong một ai đó và nhận ra rằng tổng thể của người ấy có nhiều điều tích cực hơn những gì đã nghĩ trước đây.”

Những cảm xúc dâng cao mà hai “đối thủ” có khi ở cạnh nhau cũng dẫn đến những tương tác gay gắt hơn. Tiến sĩ Ortega chia sẻ: “Thường có một số dạng tức giận xung quanh người mà bạn không thích và sự tức giận có thể là một cảm giác rất mãnh liệt.”

Tất nhiên, có một mối tình lãng mạn nảy nở từ nghịch cảnh không phải lúc nào cũng là điều tốt dù cho nhiều bộ phim truyền hình khiến chúng ta tin tưởng vào motip đó. Tiến sĩ Ortega giải thích: “Vì tình huống quá căng thẳng nên không có nhiều suy nghĩ được diễn ra. Đối phương có thể chỉ nhượng bộ trước sự thôi thúc. Điều này có thể làm mất đi một số kỹ năng xây dựng mối quan hệ quan trọng như giao tiếp khiến người còn lại dễ bị tổn thương và trì hoãn sự hài lòng.” Peer đồng ý. Cô nói: “Nếu hành vi của đối phương vẫn thất thường, dao động qua lại giữa ghét và yêu, thì có khả năng người cư xử như vậy mang đặc điểm tự ái cao”. 

“Những mối quan hệ hỗn loạn này có thể gây nghiện đối với nhiều người và họ cần được tư vấn để điều chỉnh lại quan niệm về tình yêu.”

“Ai lại không muốn nhìn thấy điều gì đó mà họ ước mình có thể làm nhưng lại quá sợ hãi?” Tiến sĩ Ortega nói. “Trò chơi” này rất thú vị. Cách nó thường diễn ra trong văn hóa đại chúng cũng rất hấp dẫn. Nó khơi dậy niềm đam mê trong chúng ta và điều đó thật kích thích. 

“Tất cả chúng ta đều yêu thích một cái kết cổ tích và một cách giải quyết thành công, vì thế những câu chuyện kiểu “yêu-ghét” đều phù hợp.”

Thực hiện: Elio

Theo Dazed