Bí mật đằng sau những ô cửa trưng bày của các thương hiệu nổi tiếng
Ngày đăng: 06/03/22
Tại New York, thương hiệu Lord & Taylor ghi nhận có đến 500.000 người đi ngang qua cửa sổ cửa hàng mỗi ngày, trong khi con số này của thương hiệu đồng hồ Macy là 10.000 người mỗi giờ. Theo nghiên cứu của NPD Group, window display (ô cửa sổ trưng bày) ảnh hưởng đến 24% quyết định mua hàng và gần như là ấn tượng đầu tiên của khách hàng về thương hiệu của bạn.
Chỉ có một cơ hội trong vài giây để thu hút và ảnh hưởng đến quyết định của người mua, window display (cửa sổ trưng bày) đang dần được các thương hiệu đầu tư sáng tạo để níu chân khách hàng. Ngoài ra, việc các cửa hàng thường tập trung trên cùng một tuyến đường khiến cho tính cạnh tranh càng cao, và việc người dùng thường lướt điện thoại khi đi dạo đã tạo ra một áp lực không nhỏ dành cho những người phụ trách việc thiết kế ô cửa sổ trưng bày.
Dưới đây là những window display nổi tiếng gợi ý cho bạn những ý tưởng độc đáo trong việc tư duy sắp xếp một ô cửa sổ trưng bày bắt mắt và hiệu quả.
Gucci
Tương tác thực tế ảo (AR) ngày càng được sử dụng tại các cửa hàng để nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người mua và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng mới của thương hiệu.
Đối với chiến dịch Hallucination, Gucci đã tận dụng công nghệ và lồng ghép các tác phẩm nghệ thuật cổ điển được tái hiện lại. Một điều khiến ô cửa sổ này trở nên thu hút hơn, đó là tất cả các ma nơ canh đều quay mặt vào trong, mang lại cảm giác của một buổi triển lãm nghệ thuật.
Chưa dừng lại ở đó, với Gucci, window display không còn là khu vực với 4 bức tường. Chỉ cần quét mã QR có sẵn trên cửa kính, Gucci mời bạn vào không gian hoạt hình của những tác phẩm nghệ thuật trên thông qua việc tải app.
Bài học rút ra: Tạo một trải nghiệm tại window display sẽ khiến cửa sổ trưng bày sống động hơn và thu hút người đi đường tương tác trực tiếp với thương hiệu. Việc người dùng tải ứng dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua hàng tại cửa hàng, xa hơn là mua hàng trực tuyến trong tương lai, và cho phép thương hiệu được tương tác và chăm sóc người dùng nhiều hơn trong vòng đời của một khách hàng.
Leaves of Trees
Leaves of Trees – một thương hiệu dược phẩm ở Toronto gần đây đã thiết kế ô cửa sổ trưng bày với mô hình lớn các tuýp sản phẩm chăm sóc da được treo ngược với những dải hoa hồng khô, bưởi và hoa oải hương đại diện cho các thành phần chính.
Không phải kích thước hay độ hoành tráng của những đạo cụ, mà chính những thành phần tự nhiên và USP (unique selling point) của hãng đã làm cho window display trở nên mới mẻ và ấn tượng hơn.
Cửa sổ trưng bày độc đáo của Leaves of Trees đã thu hút rất nhiều người đi đường, nhưng không phải cứ nhiều người xem thì là hiệu quả. Vào năm 2014, thương hiệu này cũng đặt những bông hoa làm bằng giấy đầy màu sắc, chúng thu hút rất nhiều người đi đường đứng lại xem. Nhưng tai hại là, không một ai biết cửa đang bán gì. Người dùng bị nhầm lẫn thương hiệu là một nhà hàng, một cửa hàng bán nước ép trái cây, và thậm chí là một quầy thuốc.
“Chúng tôi đã nhận về nhiều lượt khách ghé thăm hơn kể từ khi đặt sản phẩm vào window display và điều chỉnh nội dung với các chương trình khuyến mãi hoặc thông điệp của một chiến dịch truyền thông. Thật may, những người khách ghé vào đều là những đối tượng mục tiêu của chúng tôi, và hầu hết mỗi người đều đi ra với một món đồ trên tay” – Roohi Quereshi, người sáng lập thương hiệu cho biết.
Bài học rút ra: Sự sáng tạo trong thiết kế cửa sổ trưng bày là vô cùng quan trọng, nhưng đối với những nhà bán lẻ quy mô nhỏ, chưa được người tiêu dùng nhớ đến, điều cần thiết hơn hết là phải làm nổi bật được sản phẩm đằng sau tấm kính. Điều này không chỉ giúp người đi đường biết rõ sản phẩm thương hiệu đang bán là gì, mà còn gia tăng cơ hội tiếp cận đúng những khách hàng đang có nhu cầu.
Saks Fifth Avenue x Vetements
Vốn được biết đến với những window display tinh tế, thế nhưng gần đây, chuỗi thời trang bán lẻ Saks đã có một nước đi vô cùng táo bạo với thương hiệu thời trang Vetements từ nước Pháp: ô cửa sổ trưng bày với những bộ quần áo cũ được chất thành đống.
Sự sáng tạo trên là một tuyên bố công khai của thương hiệu về tính thời trang bền vững và sự trỗi dậy của xu hướng thời trang nhanh. Ngày qua ngày, đống đồ này lại lớn hơn, phản ánh về sự “bừa bãi” trong cách tiêu dùng các mặt hàng thời trang.
“Đó là một điều gì đó rất khác so với những gì Saks đã từng làm trước đây. Chưa một thương hiệu nào dám đặt những thứ bừa bộn lên window display cả. Nhưng chúng tôi đã làm, vì những giá trị bền vững mà chúng tôi hướng tới”. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh của Saks trong mắt người dùng, là một thương hiệu có đạo đức.
Bài học rút ra: Làm nổi bật một thông điệp tử tế thông qua display sẽ giúp nâng cao giá trị hình ảnh của thương hiệu. Bên cạnh đó, đặt những thứ không đúng với chuẩn mực thông thường và đầy tính bất ngờ có khả năng thu hút sự chú ý của người đi đường nhiều hơn.
Alice + Olivia
Chuỗi thời trang bán lé Alice + Olivia đã sử dụng window display để truyền tải những năng lượng tích cực và tinh thần vui nhộn của hãng bằng cách đặt ma nơ canh với đầy những gói snacks ở bức tường phía sau.
Không giống những thương hiệu khác, mục tiêu của ổ cửa sổ này không phải để thu hút khách hàng mới đến với thương hiệu, mà để đánh vào nỗi nhớ của những người mua hàng ở thời điểm hiện tại, những người đã lớn lên với ký ức về những gói snacks.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng, mọi người thường có xu hướng yêu thích và quyết định mua những sản phẩm khiến họ thấy bồi hồi, nhớ nhung về một điều gì đó trong cuộc sống. Julica từ WindowSwear chia sẻ: “Đó chắc chắn không phải là thời trang cao cấp. Nhưng điều đó cho thấy Alice + Olivia rất hiểu người dùng của họ, biết rõ những kỷ niệm thời thơ ấu ảnh hưởng đến khách hàng như thế nào”.
Bài học rút ra: Window display với màu sắc vui tươi và được chiếu đủ ánh sáng sẽ luôn bắt mắt, đặc biệt là vào ban đêm. Joline Mujica từ WindowsWear khuyên: “Window display được chiếu sáng đúng cách sẽ tránh được những khoảng tối có thể khiến quần áo trông nhỏ đi hoặc cũ kỹ.
Bergdorf Goodman
Để thu hút và gây ấn tượng với tệp khách hàng cao cấp trong kỳ nghỉ lễ, cửa hàng bách hóa sang trọng Bergdorf Goodman đã chi một số tiền lên tới sáu con số cho ô cửa sổ trưng bày của mình.
Một trong những ý tưởng hoành tráng nhất của Bergdorf là sử dụng một triệu viên pha lê Swarovski cho window display lần này. Một quả cầu pha lê cao cấp bên cạnh một nhà tiên tri trong bộ trang phục sang trọng, tất cả đều được đặt là riêng trong 9 tháng và được bán đấu giá sau khi kết thúc mùa lễ hội.
Mặc dù ngân sách chi ra của Bergdorf cao hơn hầu hết các nhà bán lẻ trên cùng con phố, nhưng ô cửa sổ trưng bày của họ đã để một ấn tượng rất mạnh mẽ về các sản phẩm cao cấp của thương hiệu.
Bài học rút ra: Đầu tư thêm kinh phí cho window display vào những thời điểm nhất định trong năm thực sự mang lại hiệu quả cao. Cửa sổ trưng bày trong kỳ nghỉ lễ có khả năng thu hút thêm lượng người ghé thăm và theo nghiên cứu của NPD, chi phí quảng cáo cho ngày lễ thường chiếm 25% doanh số hàng năm của các thương hiệu
Tiffany & Co.
Tiffany đã nổi tiếng với một bộ sưu tập những window display kể từ khi nó xuất hiện trong bộ phim kinh điển Bữa sáng ở Tiffany’s.
“Không thương hiệu nào thiết kế cửa sổ trưng bày tốt hơn Tiffany. Họ kể những câu chuyện bên trong tấm kính và điều đó khiến mọi người phải “lóa mắt”.
Điều đáng được nhắc đến và tán thưởng nhất về window display của thưởng hiệu bán lẻ này chính lad sự tối giản của nó. Không giống window display của Bergdorf Goodman, luôn cố gắng phô diễn những gì xa hoa lộng lẫy nhất, cửa sổ trưng bày của Tiffany lại được hạn chế đến mức tối thiểu
Một window display gần đây của hãng không có gì ngoài bảy cái bẫy chuột và một con chuột đang cầm một viên kim cương màu vàng hoàng yến. Trên nền màu xanh lam đặc trưng của thương hiệu, chỉ có duy nhất một sản phẩm chính.
Bài học rút ra: Bạn sẽ rất muốn tận dụng mọi không gian của ô cửa sổ và lấp đầy bằng những vật trang trí đẹp đẽ. Nhưng việc “nhồi nhét” quá nhiều vật dụng sẽ khiến tổng thể bị lộn xộn, và làm giảm giá trị của sản phẩm chủ đạo. Đặt duy nhất một mặt hàng ở đó sẽ khiến nó trở nên nổi bật và thu hút mọi ánh nhìn của người đi đường
Barneys New York
Giữa nhiều cửa sổ được thiết kế hào nhoáng, Barneys gần đây đang chọn muốn hướng đi khác, khắc họa cuộc sống con người thay vì sử dụng ma nơ canh.
Các thợ điêu khắc từ Okamoto Studio Của Nhật Bản đã hoàn thiện những khối băng theo chủ đề lễ hội, tượng trưng cho những sản phẩm như jumpsuits, găng tay và khăn quàng cổ. Phần trình diễn trực tiếp được kết hợp với âm nhạc không chỉ làm nổi bật các sản phẩm có trong cửa hàng mà còn thu hút sự chú ý của người mua sắm trong suốt một thời gian dài. Trong khi người đi đường dành nhiều nhất 45 giây để ngắm các window display vào các ngày lễ, thì Barneys đã níu chân được nhiều người trong thời gian lên đến 15 phút.
“Cửa sổ trưng bày của Barneys đã khiến mọi người thích thú, ghi hình lại và đăng tải trên các mạng xã hội như Snapchat và Facebook”. Joline Mujica từ WindowSwear cho biết
Bài học rút ra: Window display với hình thức sáng tạo, khác biệt hoàn toàn với những gì đối thủ cạnh tranh đang làm không chỉ thu hút mọi ánh nhìn trên đường phố mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận, giúp thông điệp của bạn được lan tỏa nhiều hơn trên mạng xã hội
Fendi
Phá bỏ những quy tắc về hàng xa xỉ, đặt chúng trong những bối cảnh đối lập có thể góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là cách tiếp cận của Fendi khi bên trong cửa sổ trưng bày, họ đặt những chiếc túi xách da đắt tiền vào các mô hình máy bán hàng tự động thường thấy ở trung tâm New York.
Mujica cho biết: “Sự kết hợp giữa phân khúc cao cấp và bình dân khiến thương hiệu trở nên gần gũi và dễ tiếp cận với người đi đường hơn. Nó đã thu hút người mua sắm vào cửa hàng giống như một trò chơi điện tử.”
Mô hình ‘Máy bán hàng Fendi’ đã xuất hiện trong hầu hết các cửa hàng của hãng trên toàn thế giới. Và kết quả thương hiệu này thu về là những bức ảnh về “máy bán hàng Fendi” đã được chia sẻ rộng rãi bởi các blogger thời trang và nó đã giúp thương hiệu cao cấp này thu hút được một lượng lớn khách hàng trẻ tuổi
Bài học rút ra: Hiểu chính xác người bạn muốn thu hút họ ghé thăm cửa hàng sẽ giúp thương hiệu sáng tạo những cách tiếp cận hiệu quả đến người mua hàng.
Type Books
Nhà sách độc lập Type đã trở nên nổi tiếng ở Toronto nhờ những cửa sổ trưng bày lộng lẫy. Các chủ đề gần đây của ô cửa sổ bao gồm những điều kỳ diệu dành cho trẻ em như đại dương, chữ cái vui nhộn và những quyển sách dành cho trẻ em. Mỗi tác phẩm window display đều là đứa con tinh thần của người thợ vẽ tranh Kalpna Patel, người đã tạo ra phần lớn tác phẩm của mình chỉ bằng giấy và keo.
Một window display mùa đông gần đây của hãng đã tôn vinh văn hóa Hygge, theo tiếng Đan Mạch có nghĩa là sự thoải mái và dễ chịu, qua đó giới thiệu những cuốn sách về kỹ năng thủ công và nấu ăn được đặt trong những ngôi nhà kiểu Bắc Âu.
Với ngân sách khiêm tốn, không có những món đồ đắt tiền và lộng lẫy như pha lê Swarovski, nhưng được thay đổi thường xuyên với những chủ đề cụ thể, window display của Type đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ người đi đường và gia tăng lượng khách hàng ghé vào cửa hàng.
Bài học rút ra: Một window display hiệu quả không nhất thiết tốn nhiều chi phí và phức tạp hóa mọi thứ. Mujica chia sẻ: “Tôi đã thấy nhiều window display tuyệt vời nhưng chỉ mất 300 USD để hoàn thành. Ngoài ra, giấy là chất liệu đáng để cân nhắc trong trường hợp nguồn vốn không đủ nhiều vì giấy có giá thành rẻ và dễ dàng biến hóa.”
Hermès
Thông thường, khi thiết kế window display, các thương hiệu sẽ sắp xếp các phụ kiện nhỏ xung quanh nhằm biến sản phẩm chủ đạo thành tâm điểm.
Nhưng Hermès đã làm điều hoàn toàn ngược lại. Window display của hãng được sáng tạo với những dải lụa xung quanh cốc nước trái cây khổng lồ. Bằng việc đề cao giá trị nghệ thuật trong cửa sổ trưng bày, Hermès đã mang lại một trải nghiệm bắt mắt, nơi sản phẩm không còn là trọng tâm.
Bài học rút ra: Màu sắc là thành phần quan trọng trong việc bán hàng trực quan và có thể ảnh hưởng đến hành vi của người mua. Nếu bạn muốn thu hút khách hàng, nên có màu đỏ và cam trong window display để thu hút sự chú ý của những người đi đường. Một window display nhắm đến đúng đối tượng và được chuẩn bị tốt có thể nâng cao giá trị của thương hiệu, mang lại những năng lượng tích cực và khiến mọi người không ngừng bàn luận về nó.
Thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng bằng những chủ đề sáng tạo sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho thương hiệu, thúc đẩy lượng khách ghé thăm cửa hàng, từ đó gia tăng doanh số bán hàng.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo WindowSwear