Vấn đề của ngành thời trang: Quá nhiều nhà sáng tạo nhưng thiếu hụt thợ tay nghề cao?
Ngày đăng: 16/04/24
Tình trạng thiếu hụt nhân sự trong thị trường thời trang ngày càng trầm trọng – thợ may, thợ thêu, và thợ dựng mẫu – tất cả đều là những nhân vật cần thiết trong quá trình sản xuất trang phục.
Theo một bài viết trên trang Nss Mag, nêu bật tình trạng: những người thợ may lành nghề hoặc thợ thêu thủ công đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện nay rất hiếm, một phần vì đây là những kỹ thuật rất phức tạp – đòi hỏi nhiều năm đào tạo và thực hành. Bên cạnh đó, ngày càng có ít chuyên gia có thể đảm nhận công việc kỹ thuật, bản thân các quy trình sản xuất cũng đã thay đổi.
So với trước đây, sản xuất hàng may mặc ngày càng được công nghiệp hóa và thường được giao cho bên thứ ba gia công. Với sự phát triển của thời trang nhanh, may đo thủ công theo lối truyền thông và việc đào tạo thế hệ kế thừa ngày càng ít được chú trọng hơn. Điều này thậm chí còn gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh doanh bền vững của một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân sự chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình dựng mẫu của những thương hiệu thời trang nhỏ lẻ. Quá trình thiết kế và tạo ra một sản phẩm may mặc không chỉ có sự tham gia của thợ may mà còn có cả những thợ dựng mẫu. Trong khi thợ may chịu trách nhiệm ráp trang phục ở giai đoạn cuối cùng, thì thợ dựng mẫu đảm bảo tạo ra sản phẩm đúng với bản phác thảo của nhà thiết kế. Mặt khác, những người thợ dựng mẫu cũng làm ra từng bộ phận chi tiết tạo nên tổng thể trang phục. Do vậy, những vị trí này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, am hiểu về chất liệu, kỹ thuật may và tạo mẫu, những điều ngày càng hiếm thấy trong giới trẻ ngày nay.
Thị trường thời trang cần làm gì để giải quyết vấn đề này?
Nhìn chung, các công đoạn kỹ thuật được xem là kém hấp dẫn và nhàm chán hơn so với vẻ hào nhoáng mà bề nổi ngành thời trang mang lại. Mặc dù đóng vai trò quan trọng, đây là những ngành nghề đã phải hứng chịu sự mất giá trị văn hóa của các nghề thủ công, khiến giới trẻ không muốn tiếp tục con đường này.
Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục thời trang, nhiều người quan tâm đến các khóa học về lý thuyết và thiết kế, nhưng lại có ít nhu cầu hơn về kỹ thuật thực hành và tính thực tế. Nói cách khác, có nhiều người mong muốn hướng tới các công việc thiết kế hoặc trình diễn trang phục hơn là trở thành người trực tiếp tạo nên chúng.
Do đó, để thu hẹp khoảng cách này, các công ty trong ngành phải có khả năng mang lại triển vọng nghề nghiệp và thu nhập cao hơn cho các thợ may, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những vị trí này. Các công ty lớn đang phần nào thành công trong việc này nhờ cơ cấu rõ ràng giúp họ dễ dàng thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và bổ sung chuyên môn cho nhân viên của mình.
Tuy nhiên, các thương hiệu quy mô nhỏ lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực thêu, may, làm chậm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong nỗ lực thay đổi cái nhìn tiêu cực về những ngành nghề thuần kỹ thuật, ngành thời trang cũng đang cố gắng nâng cao nhận thức của lao động – đặc biệt là giới trẻ – về tiềm năng của thị trường thủ công này. Đồng thời, các công ty đang phát triển các chương trình đào tạo nội bộ. Một số công ty, để bù đắp cho việc thiếu kỹ thuật viên, thậm chí còn thành lập các học viện của riêng họ.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo NSS Magazine