Vì sao Chanel chọn Matthieu Blazy?
Ngày đăng: 13/12/24
“Chiếc ghế” giám đốc sáng tạo được thèm khát nhất thế giới thời trang đã có chủ. Matthieu Blazy và Chanel trở thành cặp đôi được cả làng mốt chú ý. Vì sao cuộc gặp gỡ đó lại xảy ra? Màn hợp tác bền lâu mang tính thế kỷ này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang sắp đến. Vì sao?
Từ khắp các mặt báo đến các thanh tìm kiếm trên mạng xã hội, “Matthieu Blazy” bỗng trở thành từ khóa được quan tâm hết mực. Nhưng giờ đây cái tên đó không còn được đặt cạnh nhà mốt Bottega Veneta nữa, thay vào đó là “gã khổng lồ” đến từ Pháp của ngành hàng xa xỉ – Chanel. Sau nhiều tháng bị bỏ trống, cuối cùng Chanel cũng điền vào chỗ trống – vị trí giám đốc nghệ thuật của thương hiệu đã được trao cho nhà thiết kế Matthieu Blazy.
Sau sự ra đi của John Galliano ở Maison Margiela, Kim Jones tại Fendi, Sarah Burton tại Alexander McQueen, hiệu ứng domino – thay giám đốc sáng tạo tại các thương hiệu đã xảy ra ở Bottega Veneta. Thương hiệu Ý “chia tay” với người cầm trịch – Matthieu Blazy sau ba năm gắn bó. Tuy chỉ dẫn dắt đầu não sáng tạo của Bottega Veneta trong thời gian ngắn ngủi, nhưng chiến lược phát triển thương hiệu và tài năng của Matthieu Blazy chắc chắn là những di sản trường tồn.
Nếu Daniel Lee vực dậy sức sống của nhà mốt Ý bằng sức mạnh truyền thông, Matthieu Blazy chọn cách đi chậm nhưng chắc, có lẽ vì bản chất anh đã là người khiêm tốn. Matthieu đào sâu kho lưu trữ, gom nhặt và tôn vinh kỹ nghệ thủ công truyền thống của nước Ý, đặc biệt nhất chắc chắn là thuật đan da, intrecciato; nhìn về quá khứ nhưng nhà thiết kế vẫn không quên nêu bật sự đổi mới về vật liệu cũng như sự đa dạng của các tài liệu tham khảo từ nhiều lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, thiết kế và điện ảnh. Matthieu Blazy không tận dụng tiếng vọng mà Daniel Lee để lại. Không rầm rộ, vẫn thực hiện chiến dịch, tổ chức show diễn theo kiểu cũ, Matthieu Blazy đem những cái tốt nhất, đẳng cấp nhất – được nghiền ngẫm nghiên cứu trong suốt bao nhiêu tháng trời bởi nhiều nghệ nhân trong phòng may đo lên trên sàn diễn.
Anh tin rằng những giá trị sáng tạo vượt ngưỡng được cắm sâu trong những mảnh da, hay những bản phối màu sắc, chất liệu biết “đánh lừa” thị giác sẽ dễ dàng để lại ấn tượng khó phai trong lòng khách hàng, trường tồn theo dòng chảy xu hướng luôn biến động. Matthieu Blazy đã đúng; trong 3 năm không ngắn không dài, nhà thiết kế thành công đưa Bottega Veneta trở thành một cái tên nổi bật trên nhịp đập thời trang đương đại, được giới chuyên gia công nhận. Ngoài ra, doanh thu của Bottega Veneta đạt được con số phá kỷ lục vào năm 2024, bất chấp sự suy thoái của ngành hàng xa xỉ đang đe dọa các thương hiệu đình đám khác.
Tất cả đã đủ để giải thích vì sao Matthieu Blazy dễ dàng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho công việc thời trang được thèm khát nhất hiện tại, trong vô vàn đề xuất tiềm năng như Marc Jacobs, Simon Porte Jacquemus, Hedi Slimane, John Galliano và Daniel Roseberry. Là một nhà thiết kế trẻ, tài giỏi có thể biến Bottega Veneta trở thành một biểu tượng mới của sự xa xỉ, đồng thời tạo ra kỷ lục trong bức tranh thời trang ảm đạm, không có gì quá đỗi khó hiểu khi Matthieu Blazy được trao cho quyền cầm trịch nhà mốt xa xỉ của Pháp.
“Matthieu đã trở thành sự lựa chọn hiển nhiên cho thương hiệu khi chúng tôi hiểu được tài năng, tính cách, sự vững vàng trong tầm nhìn sáng tạo, tư duy hiện đại, sự tôn trọng và cam kết của anh ấy đối với các sản phẩm và những người phụ nữ xung quanh.”, chủ tịch thời trang của Chanel, Bruno Pavlovsky, đã nói với BoF trong một cuộc phỏng vấn trước thông báo chính thức.
Sự thể hiện cái tôi, lăng kính sáng tạo đầy khiêm tốn của Matthieu Blazy chính là thứ kho di sản quý báu của Chanel cần. So với nhiều giám đốc sáng tạo hiện tại, Matthieu Blazy chính là người cân bằng hoàn hảo được sứ mệnh bảo tồn di sản của thương hiệu và màn thể hiện tư duy sáng tạo cá nhân. Thay vì những nhà thiết kế luôn muốn bứt phá, sở hữu cái tôi mạnh mẽ khó-thuần-hóa, Chanel lại nghiêng về những ứng cử viên có thể gánh trên vai chức trách bảo tồn và “kể” được câu chuyện di sản của thương hiệu bằng thứ ngôn ngữ đương đại.
“Chúng tôi không chỉ chọn Matthieu chỉ để ‘làm Chanel’, chúng tôi chọn anh ấy để anh ấy còn có thể phá vỡ ranh giới của Chanel, cho tương lai”, Pavlovsky cho biết. “Anh ấy sẽ mang đến sự hiện đại, và Chanel đã sẵn sàng để được chuyển mình”.
Doanh thu của Chanel đã tăng vọt trong những năm gần đây khi lĩnh vực xa xỉ bùng nổ sau đại dịch COVID. Công ty đã báo cáo doanh thu là 19,7 tỷ đô la vào năm 2023, tăng hơn 75% trong năm năm. Khi giá cả sản phẩm của thương hiệu tăng vọt, Chanel đối mặt với nhiều “đơn khiếu nại” của khách hàng từ chất lượng (thường bị chỉ trích là không tương xứng với chi phí tăng lên) đến thiết kế (vẫn có sức hút về mặt thương mại, nhưng đôi khi bị coi là hơi cũ kỹ và thiếu sự bất ngờ). Vì thế, bài toán mà Chanel dành cho Matthieu Blazy chính là phải thúc đẩy thông điệp sáng tạo của thương hiệu, trong khi vẫn phục vụ khách hàng bằng những sản phẩm đáng mơ ước và sở hữu tính ứng dụng cao (lý do để biện minh cho việc chi tiêu hoang phí). Điều này tình cờ lại là sở trường của Matthieu Blazy tại vương triều Bottega Veneta. Bạn có nhớ bộ dạng giản dị của Kate Moss trong chiếc quần jean được làm bằng da tinh xảo đến mức đã đánh lừa được cả làng mốt, mặc cùng áo tank top trắng đơn giản và khoác áo sơ mi kẻ sọc flannel?
Pavlovsky cho biết thêm, cách tiếp cận đến kỹ nghệ và chất liệu đầy nghiêm ngặt của Matthieu Blazy đối với quá trình phát triển sản phẩm sẽ định vị thương hiệu để theo kịp “nhu cầu cao về ý nghĩa và giá trị” của khách hàng. Khi khách hàng được nhìn thấy và tìm hiểu về sản phẩm ở cự ly gần, “điều đó sẽ làm bộ sưu tập thêm thăng hoa; từ đó tăng thêm sự quan tâm của khách hàng.”
Khiêm tốn, hướng nội nhưng không đồng nghĩa với việc Matthieu không biết cách sử dụng truyền thông. Minh chứng là các bộ hình chiến dịch của Bottega Veneta vẫn khiến làng mốt mong đợi từng phút giây bằng giá trị nghệ thuật thuần túy. Nhà thiết kế khiến người xem mê mẩn với cách sắp xếp màu sắc, bối cảnh để thần thái của người mẫu góp mặt. Dưới thời của Matthieu, Bottega là thương hiệu tiên phong lăng xê chiến dịch quảng bá tận dụng ảnh chụp đường phố – tạo ra những khoảnh khắc vô cùng gần gũi và tự nhiên. Trong chiến dịch mang tính văn hóa đại chúng, nhà thiết kế thể hiện sự nhất quán khi chiêu mộ các ngôi sao Hollywood đang được yêu thích như Kendall Jenner, A$AP Rocky, Jacob Elordi,…
Sau tất cả, Matthieu Blazy đã thành công rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thời xa xỉ và đời sống thực tế, đưa Bottega Veneta vào cuộc sống hàng ngày một cách không gắng gượng. Đó chẳng phải là điều mà Chanel đang khát khao đẩy mạnh cho chương sáng tạo mới của thương hiệu sao?
Tại sao cuộc gặp gỡ ngoạn mục này được đặt kỳ vọng như thế?
Với quy mô của Chanel và tầm ảnh hưởng của nó trong ngành hàng xa xỉ, màn ấn định giám đốc nghệ thuật cùng các định hướng mới cũng tác động đến các xu hướng và mô hình tiêu dùng. Nhiệm kỳ của Lagerfeld tại ngôi nhà trong suốt những năm 90 và 2000 đã chứng kiến sự nhấn mạnh vào thời trang cao cấp, kính mắt trên sàn diễn và các phụ kiện đáng nhớ. Khi triều đại sáng tạo mới tại Chanel của “tân vương” Matthieu Blazy bắt đầu, chắc chắn kỷ nguyên thời trang sắp đến sẽ chứng kiến nhiều cột mốc đổi thay táo bạo.
Dòng phụ kiện hứa hẹn khuấy đảo làng mốt
Túi xách của Chanel là một trong những loại túi xách nổi tiếng nhất thế giới. Karl Lagerfeld từng gây tiếng vang khi giới thiệu chiếc túi 11.12 (được gọi một cách không chính thức là ‘Classic Flap’); trong khi nhiệm kỳ của Viard được đánh dấu bằng chiếc túi 19 – một chiếc túi tote có viền mềm mại kết hợp với đường khâu nổi tiếng của thương hiệu. Với khả năng điều khiển lĩnh vực phụ kiện của Matthieu Blazy, đương nhiên kỷ nguyên mới của Chanel được kỳ vọng hơn hết.
Tên tuổi của Matthieu Blazy một phần cũng được đánh bóng bởi những chiếc túi da đan ở Bottega Veneta. Nhà thiết kế 40 tuổi hiện đại hóa kiểu dệt Intrecciato đặc trưng của thương hiệu để tạo ra vô số hình dạng túi xách đáng mơ ước. Tại hàng loạt xưởng thủ công của Chanel, anh thậm chí còn có thể mở rộng giới hạn, có quyền tiếp cận đến nhiều di sản hơn.
Khi di sản Pháp được tái hiện với sự nhạy cảm của người Bỉ
Các nhà thiết kế thời trang hàng đầu của Bỉ, nhìn chung, được biết đến với các phương pháp tiếp cận lý thuyết và sự ám ảnh với cấu trúc. Trở thành người Bỉ đầu tiên lãnh đạo Chanel, người ta tự hỏi làm thế nào Matthieu sẽ hiện đại hóa vải tweed mang tính biểu tượng của Chanel, một nguyên lý cốt lõi của thương hiệu kể từ khi Gabrielle ‘Coco’ Chanel sử dụng vào những năm 1920? Trong quá trình xây dựng bản sắc của thương hiệu, Chanel đưa ra một quy tắc sản xuất sắc sảo hơn so với những thương hiệu khác: tweed, một thuật ngữ hiện đã thoát khỏi định nghĩa kỹ thuật của nó về một loại vải hai mặt và có thể bao gồm tất cả các kiểu dệt có kết cấu phức tạp, cả về mặt cơ học và sáng tạo.
Vải tweed của Chanel là kết tinh của khói óc sáng tạo với sợi bouclé, kim loại và nhựa – chơi đùa với các miếng chèn, đường viền và thêu. Với hàng loạt màn khẳng định năng khiếu và tay nghề khéo léo của Matthieu tại Bottega Veneta, chất liệu trứ danh đại diện cho phụ nữ Chanel được mong đợi sẽ được giải mã theo nhiều phương diện sáng tạo không ngờ đến. Bất cứ điều gì mà Matthieu dự định làm tại Chanel sẽ định hình lại tông điệu chủ đạo cho màn thử nghiệm vật liệu trên toàn bộ thời trang.
Những gương mặt đại diện mới
Nếu có bất kỳ thương hiệu nào đồng nghĩa với sự thanh lịch lâu bền của Pháp, thì đó chính là Chanel. Những vị giám đốc sáng tạo mới kéo theo màn ấn định những gương mặt đại diện mới. Matthieu Blazy được biết đến với việc nhấn mạnh sự đa dạng về độ tuổi trong việc tuyển chọn người mẫu trên sàn diễn cũng như trong chiến dịch; đồng thời, tập trung vào những người mẫu mới và đang nổi. Điều đó đồng nghĩa với việc: những sàn diễn thời trang sắp đến của nhà mốt Pháp có thể sẽ có nhiều dáng người phụ nữ hơn; hình ảnh thanh lịch vượt thời gian của Chanel cũng sẽ được đại diện bằng nhiều tài năng trẻ khác. Mặc dù, ở triều đại của Virginie Viard, chúng ta cũng chứng kiến được sự đa dạng của phụ nữ trên sàn diễn.
Người phụ nữ Chanel sẽ luôn là biểu tượng toàn cầu của sự thanh lịch, hiện đại và năng động nhưng hãy mong đợi cô ấy sẽ thay đổi như thế nào trong những mùa sắp tới.
Vui vẻ là trên hết
Kể từ đầu những năm 2020, định hướng của Chanel đã trở nên khiêm tốn hơn, với sự tôn kính sâu sắc đối với lịch sử của thương hiệu và những gì nhà thiết kế sáng lập, Coco Chanel để lại. Đó là một phần cốt lõi trong định hướng nghệ thuật của Viard, nơi đã tạo nên nền tảng cho một thế kỷ lịch sử của thương hiệu thông qua các thiết kế truyền thống và thanh lịch. Nhưng với cách tiếp cận đầy vui vẻ và tích cực thuần túy của Matthieu Blazy, làng mốt sắp sửa chứng kiến một làn gió mới – phù phiếm, rực rỡ hơn.
Hãy lấy buổi trình diễn Xuân/Hè 2025 của Bottega Veneta làm ví dụ; đó là một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ bộ phim yêu thích thời thơ ấu của Matthieu Blazy – E.T. Extra Terrestrial. Những kiểu dáng vui nhộn nhưng được chế tác thật đỉnh cấp đó đại diện cho sự cân bằng giữa tay nghề thiết kế tỉ mẩn và tinh thần lạc quan. Có lẽ chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng lại những công trình kiến trúc rực rỡ trên sàn runway như thời Karl Lagerfeld. Tuy nhiên, người ta tự hỏi liệu tông màu vui tươi đó còn có phù hợp với Chanel hay không? Câu trả lời sẽ được bật mí bằng thời gian.
Thực hiện Dory
Theo BOF, The Cut, Vogue