Xu hướng tuyển dụng sinh viên của các tập đoàn thời trang hàng đầu

Ngày đăng: 29/09/19

Ngày nay, các nhà tuyển dụng từ các hãng thời trang cao cấp đang phát triển các chương trình đào tạo với các trường đại học hàng đầu. Từ việc hợp tác của Kering với Centre for Sustainable Fashion (CSF) tại London College of Fashion cho đến Sup de Luxe tại trường École des Dirigeants et des Créteurs d’entreprise của Paris (ECF), nơi đào tạo thạc sĩ và cử nhân trong chuyên ngành quản lí thời trang cao cấp toàn cầu, được hỗ trợ tài chính bởi tập đoàn Richemont (đơn vị sở hữu Cartier). Các học bổng này chính là chiếc chìa khoá để để gia nhập vào những công ty thời trang toàn cầu.

Karen Harvey, một nhà tuyển dụng cấp cao, người đã đưa những ứng cử viên hạng C vào các vị trí sáng tạo lẫn kinh doanh, đưa ra nhận xét rằng: “Quan hệ đối tác đang được coi trọng hơn”. Ông nói thêm: “Thông qua các mối quan hệ lâu dài này, các công ty có dịp gặp gỡ sinh viên nhiều hơn một hay hai lần. Vì vậy họ sẽ không chỉ nhìn lướt qua portfolio của các ứng viên”.

Vậy cụ thể trường học nào đang tạo cơ hội cho sinh viên được làm việc tại các thương hiệu thời trang cao cấp?

Kering

Top brands: Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga, Stella McCartney, Alexander McQueen, Brioni…

 Các chương trình chính thức của Kering với các trường đại học được mở rộng về địa lý. “Một mục tiêu quan trọng của tập đoàn là thu hút, tuyển dụng và phát triển những người tốt nhất, bất kể họ ở đâu”, một phát ngôn viên của tập đoàn cho biết. “Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường nơi mà mỗi người chúng ta được khuyến khích học hỏi, phát triển, hoàn thiện khả năng tiềm ẩn và có sức ảnh hưởng tích cực. Sự đa dạng ở nơi làm việc – giới tính, quốc tịch, tuổi tác, gia cảnh, khuynh hướng tình dục và tài năng – làm phong phú tất cả chúng ta và là chìa khoá dẫn dắt sự sáng tạo và phát triển.”

Đối với chương trình Quản trị Kinh doanh (MBAs), tập đoàn tài trợ “Kering Luxury Certificate” tại trường Kinh doanh Quốc tế HEC ở Paris. Chương trình bao gồm các cuộc hội thảo do các nhà quản lý của Kering và các chuyến đi thăm các thương hiệu trực thuộc tập đoàn, cùng với đó là cuộc thi hàng năm do các giáo sư tại trường HEC và các giám đốc của Kering đánh giá. Năm 2017, 38 người từ 15 quốc gia khác nhau được nhận vào chương trình, theo Kering, thường xuyên có những buổi tuyển dụng tại tập đoàn đối với những người được chọn.

Về mảng sáng tạo, Kering tham gia vào một số đề xuất, bao gồm hợp tác với Trung tâm Thời trang Bền vững của trường London College of Fashion (CSF), bao gồm khoá học Thạc sĩ về Thời trang bền vững được hỗ trợ bởi tập đoàn; cùng với đó là giải thưởng Kering hàng năm cho Sustainable Fashion (Thời trang bền vững), giải thưởng có thể là tiền mặt hoặc một vị trí thực tập trong tập đoàn; một buổi talk show hàng năm do một giám đốc điều hành đưa ra. (Trong buổi talk show tháng 10 vừa rồi, giám đốc điều hành Gucci, Marco Bizzarri đã thông báo rằng thương hiệu này sẽ không sử dụng lông thú thật trong quần áo và phụ kiện nữa).

Tại trường Parsons School of Design ở New York, Kering đã trao giải cho hai người tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang  BFA một cơ hội để thực tập hoặc học nghề tại một trong số những thương hiệu của mình. Song song với đó, Kering cũng kết nối với trường Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh cung cấp hai chương trình: The Artistic Innovation Studio, giúp sinh viên cơ hội tự tạo ra không gian làm việc riêng; và chương trình hỗ trợ tài chính cho 10 sinh viên nữ.

Ngoài ra còn có nhiều chương trình chuyên sâu trong các thương hiệu của Kering, bao gồm sự hợp tác giữa La Scuola dei Maestri Pellettieri (work shop của thương hiệu Bottega Veneta), và Đại học IUAV của Venice đưa ra chương trình đào tạo nghề sau đại học về sản xuất túi xách và phụ kiện thời trang.

Tại Brioni, thợ may được đào tạo thông qua chính ngôi trường dạy may của hãng – Scuola di Alta Sartoria, trong khi các tài năng khác được khai thác thông qua trường Royal College of Art, nơi thương hiệu này hỗ trợ các cuộc thi và tuyển dụng thực tập sinh. Gucci gần đây cũng hợp tác với trường thời trang Polimoda để khởi động một khoá học thạc sỹ về quản lí thời trang bán lẻ.

LVMH

Top brands : Louis Vuitton, Céline, Givenchy, Christian Dior, Loewe, Marc Jacobs…

Với hơn 70 thương hiệu trực thuộc đế chế của mình, không có gì ngạc nhiên khi quan hệ đối tác chính thức của LVMH khá đa dạng. Ngoài việc tuyển dụng từ các trường thiết kế truyền thống như Institut Français de la Mode, Central Saint Martins và Parsons School of Design, công ty cũng tìm kiếm nhân tài quản trị kinh doanh tại các trường học như Harvard Business School, INSEAD và HEC.

Tại trường kinh doanh ESSEC (có campus nằm ngoài Paris như Singapore và Morroco), sinh viên có thể được lựa chọn để đưa vào công ty bằng một chương trình quản lý thương hiệu cao cấp với các cuộc hội thảo do các nhà quản lý LVMH dẫn dắt, cùng với đó là những chuyến thăm công ty và làm thực tập sinh. Sinh viên cũng được làm một dự án thực tế với một brand manager của LVMH. LVMH và Dom Pérignon cũng hỗ trợ chương trình “Savoir-Faire d’exception” của ESSEC, đây là khoá học (bao gồm 20 sinh viên) khám phá tầm quan trọng của di sản trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp.

Tại HEC Paris, LVMH hỗ trợ một người có khả năng quản lý xuất sắc và có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng. Các sinh viên tương lai quan tâm đến chuỗi cung ứng và vận chuyển có thể xem xét trường đại học kĩ thuật Centrale Supélec, nơi tập đoàn hỗ trợ một khoá học thuộc lĩnh vực đó. Đại học Bocconi của Milan đã hợp tác với LVMH mời một giáo sư chuyên ngành quản lý thời trang cao cấp để hỗ trợ chương trình MBA của trường.

Tại châu Á, tập đoàn này đã hợp tác với Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University) về một sáng kiến nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ thị trường hàng cao cấp tại thị trường này thông qua các nghiên cứu điển hình và báo cáo thực địa.

Về lĩnh vực thiết kế và sáng tạo, LVMH thường tuyển những thực tập sinh và các nhà thiết kế trẻ từ các trường như Central Saint Martins và Parsons School of Design. Vào năm 2016, tập đoàn đã đưa ra một dự án hợp tác cùng trường Central Saint Martins mang tên “Sustainability and Innovation in Luxury” để xác định “các giải pháp tiên tiến về tương lai của thời trang bền vững và sự đổi mới của thời trang cao cấp”. LVMH cũng tổ chức đào tạo nghề thông qua Viện Métiers d’ Excellence (IME).

PVH

Top brands: Calvin Klein, Tommy Hilfiger…

Tập đoàn đến từ New York này chào đón 300 đến 350 thực tập sinh cho chương trình thực tập hè kéo dài 10 tuần. PVH thuê chính thức 20-25% số người thực tập tại tập đoàn mỗi năm. “Họ thực sự làm được việc”, Dave Kozel, phó giám đốc điều hành kiêm giám đốc nhân sự của PVH nói. Tại Calvin Klein, 50 thực tập sinh được chào đón mỗi kì học.

PVH có mối quan hệ với hơn 250 trường trên toàn cầu. Trong khi nhiều giám đốc điều hành cao cấp từng tốt nghiệp từ các trường nằm ở vùng biển phía Đông Hoa Kỳ như Học viện Công nghệ Thời trang ( Fashion Institute of Technology), Đại học Philadelphia, trường Nghệ Thuật và Thiết Kế Savannah (Savannah College of Art and Design), mỗi trường có một điểm mạnh về một kỹ năng nhất định.

Ví dụ, hai trường nằm ở Pennsylvania của Mỹ, Lehigh University và Penn State University thường đào tạo ra những ứng cử viên giỏi cho các công việc liên quan đến chuỗi cung ứng, trong khi Đại học Delaware tự hào có một chương trình fashion-merchandising xuất sắc. Parsons và FIT là nơi đào tạo nhưng nhà thiết kế tương lai. Ở châu Âu, PVH thường làm việc với trường London College of Fashion và Kingston University, ở châu Á tập đoàn có hợp tác với Đại học Hong Kong.

Bài: Cherie Bee

Theo: BOF