10 nhà thiết kế thời trang danh tiếng xuất thân từ Parsons School of Design

Ngày đăng: 30/06/18

Là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất trong lĩnh vực thiết kế thời trang, niềm mơ ước của các sinh viên quốc tế, Parsons School of Design là cái nôi đã đào tạo nên hàng loạt nhà thiết kế danh giá như Tom Ford, Marc Jacobs, Anna Sui, Alexander Wang… Những người hiện đang sở hữu những thương hiệu thời trang lớn mạnh hoặc ngồi trên chiếc ghế giám đốc sáng tạo của những nhà mốt lớn toàn cầu.

Cùng điểm qua 10 gương mặt sáng giá nhất tốt nghiệp từ ngôi trường Parsons School of Design.

1. Tom Ford

Tom Ford

Nhắc đến Tom Ford, người ta nhớ đến sự xa xỉ bậc nhất cùng sự hoàn hảo tuyệt đối dành cho giới thượng lưu, đó là lí do tại sao mà những thiết kế thời trang hay đặc biệt hơn là dòng mỹ phẩm của Tom Ford luôn chinh phục được nữ giới. Trước khi trở thành giám đốc sáng tạo của Yves Saint Laurent và lập ra đế chế thời trang của riêng mình, Tom Ford đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của Gucci, đưa tên tuổi của thương hiệu từ bên bờ vực phá sản đến vị trí độc tôn trong làng mốt trị giá 4 tỉ USD sau 5 năm. Nhà thiết kế là một trong những tên tuổi lớn tốt nghiệp từ trường Parsons School of Design.

2. Anna Sui

Anna Sui

Anna Sui là nhà thiết kế thời trang người Mỹ gốc Hoa ghi được dấu ấn của mình trong lòng giới mộ điệu. Những thiết kế của Anna Sui lấy cảm hứng từ những hoa văn, họa tiết và sắc màu rực rỡ của phương Đông, kết hợp cùng những kiểu dáng hiện đại và năng động. Trên sàn diễn của Anna Sui, người ta nhớ đến hình ảnh những ngưỡi mẫu bước đi trong dáng vẻ vui tươi và cởi mở. Nhà thiết kế Anna Sui từng nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ (CFDA). Cô từng làm việc cho Yves Saint Laurent, Giorgio Armani, Ralph Lauren và Diane von Furstenberg.

3. Marc Jacobs

Marc Jacobs

Nhà thiết kế Marc Jacobs, người được tạp chí Times bầu chọn là 01 trong 100 người có tầm ảnh hưởng và đóng góp lớn cho ngành công nghiệp thời trang. Từ khi còn theo học tại Parsons, Marc Jacobs đã đạt nhiều danh hiệu cao quý từ phía nhà trường; đặc biệt đề án những chiếc áo len đan tay Op-Art trong bài tốt nghiệp, từ đó tạo nên tiếng vang và được Robert Duffy của Reuben Thomas để ý. Marc Jacobs từng nhận giải Perry Ellis CFDA khi chỉ mới 24 tuổi và trở thành đầu tàu của nhà mốt lừng danh Louis Vuitton. 16 năm trên ngai vàng của Louis Vuitton, Marc Jacobs đã từng bước ghi điểm với giới mộ điêu bằng những bộ sưu tập mang tính biểu tượng cũng như để lại những di sản lớn cho nhà mốt của Pháp. Những thiết kế của Marc phản phất hơi thở của thập niên 40 và 50 trong kiểu dáng, cách cắt may đầy táo bạo và mới mẻ. Sau khi rời ghế giám đốc sáng tạo của LV, Marc tập trung hơn cho thương hiệu Marc by Marc Jacobs.

4. Prabal Gurung

Prabal Gurung

Prabal Gurung, nhà thiết kế thời trang người Nepal sinh ra tại Singapore. Prabal từng thực tập cho nhà thiết kế Donna Karan (cũng tốt nghiệp từ Parsons) trước khi làm việc cùng đội ngũ thiết kế của Cynthia Rowley và Bill Blass. Anh giúp truyền cảm hứng và nghị lực cho những công dân của Nepal. Vào năm 2009, anh thành lập thương hiệu thời trang mang tên mình. Một năm sau, Gurung nhận giải thưởng từ Quỹ Thời trang Ecco Domani Fashion Fund Award và được đề cử cho CFDA Swarovski Womenswear Award. Những thiết kế của Prabal Gurung thích hợp cho những buổi tiệc sang trọng, với đường nét mềm mại, gam màu ấm nhưng vẫn toát lên sự hiện đại, tính cao cấp. Thiết kế của Prabal Gurung được nhiều người nổi tiếng yêu thích như Michelle Obama, Oprah Winfrey, Demi Moore và công nương Kate Middleton.

5. Zac Posen

Zac Posen

Trong danh sách những nhà thiết kế trẻ tài ba từ trường thời trang Parsons, phải kể đến Zac Posen, tên tuổi của anh gắn liền với Naomi Campbell. Zac từng đạt giải thưởng  Swarovski’s Perry Ellis của CFDA về Womenswear, ngồi ghế giám khảo Project Runway 11, hợp tác với MAC Cosmetics… Phong cách thiết kế của Zac Posen là sự đẳng cấp, vương giả đến từ kĩ thuật xử lí chất liệu quý hiếm, những đường gấp và tạo phồng cho vải dùng để tôn lên đường cong cơ thể người phụ nữ. Những thiết kế dạ hội của Zac thường xuất hiện trên thảm đỏ với các tên tuổi Kate Winslet, Amanda Seyfried, Beyoncé… Nhà thiết kế từng nhiều lần ghi dấu ấn trên sân chơi thời trang, nổi bật nhất phải kể đến chiếc váy phát sáng trong đêm anh thiết kế cho Claire Danes tại Met Gala 2016.

6. Alexander Wang

Alexander Wang

Là một trong những nhà thiết kế châu Á hàng đầu ghi đậm dấu ấn trên đất Mỹ, Alexander Wang sinh ra tại Đài Loan và định cư ở Mỹ. Anh sớm bộc lộ năng khiếu về vải vóc khi tự tay làm ra 33 mẫu thiết kế cho họ hàng tại hôn lễ của anh trai năm 15 tuổi. 2 năm sau anh theo học tại Parsons và có cơ hội thực tập cho nhiều tên tuổi lớn như Marc Jacobs, Derek Lam, tạp chí Vogue Mỹ. Alexander Wang từng tạo một bước nhảy lớn trong sự nghiệp của mình khi ngồi vào ghế giám đốc sáng tạo của Balenciaga, thổi một luồng gió trẻ vào thương hiệu lâu đời này và được đánh giá cao từ các chuyên gia. Phong cách của Alexander Wang khỏe khoắn và mang hơi thở của thời trang đường phố pha một chút punk-rock, 2 tông chủ đạo là trắng và đen. Với khối óc nhạy bén trong thời trang, thật không gì là bất ngờ khi bộ sưu tập mới của anh từng cháy hàng tại Nhật Bản chỉ sau 30 phút mở bán.

7. Donna Karan

Donna Karan

Nhà thiết kế Donna Karan lớn lên trong một gia đình có truyền thống thời trang: bố là thợ may còn mẹ là người mẫu showroom. Điều này đã tạo một nền tảng tốt cho sự nghiệp sau này của bà. Vào cuối thâp niên 60, sau khi tốt nghiệp trường Parsons chuyên ngành thiết kế thời trang, Donna trở thành trưởng nhóm thiết kế tại Anne Klein. Học được cách tiết chế với thời trang tại đây, Donna Karan đi tiên phong cho phong cách thời trang ứng dụng, dành cho những người phụ nữ hiện đại, bận rộn, yêu thích sự tiện lợi, thoải mái. Ví dụ điển hình cho phong cách này là bộ sưu tập “Seven easy Pieces” ra mắt năm 1985, bạn có thể tạo ra cả tủ quần áo chỉ mới 7 món đồ trong tay, từ đó người ta biết đến và gọi Donna là “Nữ hoàng đại lộ số 7”.

8. Jason Wu

Jason Wu

Jason Wu là nhà thiết kế thời trang người Canada gốc Đài Loan. Sinh ra và lớn lên tại Vancouver, Jason tìm thấy tình yêu của mình với thời trang qua những cuốn tạp chí. Anh học ngành thiết kế thời trang tại trường Parsons School of Design và sau đó làm thực tập sinh cho Narcisco Rodriguez trước khi tạo ra một thương hiệu riêng của bản thân. Vào năm 2006, anh trình làng bộ sưu tập đầu tiên của mình. Bảy năm sau, anh trở thành giám đốc sáng tạo của Hugo Boss – thương hiệu mang đậm nét nam tính, gây nhiều ngạc nhiên cho giới mộ điệu. Điểm sáng trong sự nghiệp của Jason Wu phải kể đến việc đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama diện chiếc đầm chiffon trắng khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống. Từ đó sự nghiệp của Jason bước sang trang mới, trở thành một trong những nhà thiết kế được các sao Hollywood tin tưởng chọn lựa như Reese Wintherspoon hay siêu mẫu Christy Turlington.

9. Narciso Rodriguez

Narciso Rodriguez

Narciso Rodriguez, bước ra từ trường Parsons, ông từng đảm nhiệm chức giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Anne Klein, sau đó đầu quân cho Calvin Klein. Vào năm 1997, Rodriguez tự mở thương hiệu thời trang mang tên mình. Thiết kế của ông được chọn cho lễ cưới của John F. Kenedy Jr. hay lễ ra mắt của phu nhân Michelle và tổng thống Barack Obama vào năm 2008.  Phong cách Narcisco thể hiện sự hiện đại, thanh lịch, triết trung và sang trọng. Nhưng điều khiến người yêu thời trang nhớ đến Narcisco Rodriguez là những lọ nước hoa bán chạy nhất thế giới.

10. Proenza Schouler

Proenza Schouler

Proenza Schouler là sự kết hợp của 2 nhà thiết kế trẻ Jack McCollough và Lazaro Hernandez, tên thương hiệu được ghép từ tên hai người mẹ của họ. Họ gặp nhau tại trường thiết kế Parson, bắt tay hợp tác để hoàn thành đề án tốt nghiệp, tạo một tiền đề tốt cho thương hiệu của bộ đôi sau này. Chính đề án tốt nghiệp đó đã trở thành bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu. Nhắc đến phong cách của 2 nhà thiết kế trẻ này, người ta nhớ đến sự trẻ trung, năng động trong các họa tiết stripes và phom dáng thoải mái, không bó hẹp cơ thể nhưng vẫn toát được đặc tính một thương hiệu thời trang cao cấp. Ngoài ra, Proenza Schouler còn được biết đến nhiều hơn với phụ kiện là giày và túi xách. Thương hiệu Proenza Schouler từng 3 lần đạt giải CFDA cho dòng Womenswear cùng nhiều giải thưởng khác trong giới thời trang.


Giảng viên Parsons School of Design nhận lời mời giảng dạy tại F.A.C.E Fashion Workshop

Từ ngày 05/07/2018 tại Hà Nội và ngày 08/07/2018 tại TP.HCM diễn ra Workshop Creativeness in fashion – Translating reseach into unique design processes (Từ tư duy chuyển thể & sáng tạo bộ sưu tập thời trang mang dấu ấn) được giảng dạy bởi Thạc sĩ Marie Geneviève Cyr, hiện làm việc tại trường Parsons School of Design, Top 2 trường Đại học về thời trang toàn cầu.

Được tổ chức bởi F.A.C.E Fashion Workshop, trong khuôn khổ chương trình Fashion meets Art – học tập cùng 4 giáo sư quốc tế, Workshop Creativeness in fashion mang đến một tầm nhìn rộng mở về phương pháp tư duy mới thông qua các giải pháp sáng tạo và ứng dụng bằng kỹ năng 2D, 3D draping, 4D cho BST thời trang của nhà thiết kế cũng như thương hiệu.

Chương trình học kéo dài 03 ngày, bao gồm các buổi thảo luận trực quan, nhiều phản biện và kiến thức chuyên sâu, có phiên dịch viên. Thông tin chi tiết về khóa học tại đây.

Song song đó, giảng viên Marie Geneviève Cyr cũng là khách mời đặc biệt cho chương trình Private talk: The Art Of Fashion Portfolio, cách thức trình bày “hồ sơ nghệ thuật” dành cho các NTK thời trang trẻ, trong hành trình du học thời trang hoặc để thể hiện được năng lực của mình đến nhà tuyển dụng. Chương trình diễn ra tại Hà Nội ngày 6/7/2018 và TP.HCM vào ngày 9/7/2018.

Hình thức đăng ký: trực tiếp tại trụ sở F.A.C.E Fashion Workshop hay trên fanpage hoặc theo số hotline: 01226 609 058 – Ms Huyền Lê (Hà Nội); 0965147117 – Mr Hữu Hôn (TP.HCM).

—————-

F.A.C.E Fashion Workshop

TP.HCM: 213A, Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.3

Hà Nội: Nhà 28, ngõ 221, Kim Mã, Q. Ba Đình

www.facefashionworkshop.com