Nhìn lại 20 năm “Im Lặng” kiêu hãnh của Nguyễn Công Trí

Ngày đăng: 30/12/19

Điều gì đã làm nên thành công của Nguyễn Công Trí? Phải chăng là sự may mắn (như anh vẫn khiêm tốn trước những lời ca tụng)? Câu trả lời nằm ngay ở triển lãm “Cục Im Lặng”. Bên cạnh những tác phẩm thời trang được ra đời bằng sự tỉ mỉ, may lên từ những thứ vải sang trọng có, thô mộc có trong hàng tháng trời là ý nghĩa và thông điệp đa dạng mà nó hàm chứa. Mỗi BST mang trong đó sự đối lập, là một lát cắt để hữu hình hóa hành trình chinh phục cái đẹp của nghệ sĩ Nguyễn Công Trí.

Trên con đường ấy, anh không hề cô độc, một tay anh không thể làm nên tất cả nếu thiếu những người nghệ nhân lành nghề nhất, một tay anh cũng không thể làm nên một triển lãm nếu thiếu đi 10 mảnh ghép là những tài năng trẻ trải dài ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Thế nhưng, anh đã trở thành người gắn kết tất cả và những tác phẩm của anh trở thành nguồn cảm hứng cho những ai yêu cái đẹp. Giá trị của cuộc triển lãm có thể đến từ ý niệm cá nhân rất riêng của Công Trí, nhưng có khi lại là sự đồng điệu, những kí ức rất đỗi thân thương bên trong chúng ta, vì thế những tạo phẩm ấy đã vượt lên thời trang để chạm vào đường biên của nghệ thuật. Không đòi hỏi người xem điều gì, cũng chẳng đặt ra tiêu chí nào cho cuộc triển lãm, Công Trí mời gọi mỗi cá nhân tìm kiếm cho ta những miền kí ức của riêng mình khi anh lần đầu mở ra cánh cửa năm tháng sau 20 năm im lặng.

NO.1 – TRẮNG (2009)

“Trắng” thường được coi là thứ màu “câm”, vì thế chọn lựa nó là cách Công Trí đặt ra thử thách cho bản thân khi thực hiện BST No.1. Thay vì đi trên con đường an toàn với màu sắc sặc sỡ, anh muốn giúp màu trắng cất lên tiếng nói đa ngôn đa nghĩa. Cuộc đời như một cuốn sách, bằng trang giấy trắng ta vẽ lên chính mình, muốn hiểu về một người, ta phải lật giở từng trang. Từ những mảng thêu tỉ mỉ đến từng lớp vải xếp tiếp nhau trùng điệp được cắt gọt gọn gàng tạo nên những khối hình thù phi cân bằng, vuông vức. Công Trí tạo nên những mảng khối mạnh mẽ từ những thứ vải mỏng nhẹ như voan, lưới bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thầm lặng đối với thủ công tinh xảo.

Là BST khởi nguồn, “Trắng” như bước đi đầu tiên để Công Trí chinh phục 10 bài tập lớn mà mình đặt ra. Câu chuyện tìm kiếm bản thân thời chập chững bước vào nghề của anh đã trở thành điểm gặp gỡ với nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu. Tác phẩm “Bản ngã xếp lớp 1” với 18 bức tranh làm nên từ bột tre, bắp, bèo hòa vào nước vẽ lên muôn hình vạn trạng thứ tế bào làm nên cơ thể con người. Chúng được phóng to, xếp hình zigzag như kiểu đóng sách xưa, bao quanh người xem như lời chất vấn con người về bản chất thật sự của họ trên cuộc đời.

NO.2 – CÃI LẠI (2010)

Bộc lộ bản tính khác biệt ngay từ BST No.1, Công Trí chưa từng có ý định dựa dẫm vào truyền thống để tìm kiếm “sự thương hại”. Điều đó không hề phủ định tình yêu mà anh dành do tinh hoa dân tộc, anh yêu những giá trị Việt bằng sự hài hước và âu yếm, yêu như đứa con yêu cha mẹ mình, vì thế anh hay “Cãi Lại”. Vô tình điều này lại khiến bài tập tiếp theo trở nên khó khăn. Lấy hình tượng áo dài, nhưng thể hiện nó theo một cách vô cùng lạ lẫm, nàng thơ là cô gái xăm mình, cột vạt ngang eo, chạy thẳng từ trường học vào bar. Trên nền áo dài truyền thống, phom dáng áo tứ thân mớ ba mớ bảy, đầy nổi loạn. Chất liệu thun lưới và tơ tằm siêu mỏng, những chi tiết được cắt 3D để tạo khối, đòi hỏi sự chuyển biến chất liệu mượt mà để không gây cảm giác gượng ép. Phần in nhiệt nhìn xa phải như hình xăm trên da thịt, lại gần thì tựa họa tiết mộc mạc tranh Đông Hồ thuần chất.

Ý tưởng táo bạo về sự phá vỡ và tái tạo ấy đã khơi nguồn để đạo diễn múa Ngô Thanh Phương dựng lên vở múa “The Talks”. Vượt ra khả năng của mình khi chuyển thể một tác phẩm múa sân khấu thành tác phẩm trình chiếu nghệ thuật đa kênh. Tác phẩm xoay quanh chiếc áo dài ôm ấp, vỗ về những mối quan hệ bao đời, nhưng tận bên trong luôn trăn trở để bứt phá khỏi những giới hạn.

NO.3 – CẢM (2011)

Luôn mang đến cho người khác sự bất ngờ, Công Trí trở mình khi tạo nên “No.3 – Cảm”. Một chàng trai nổi loạn, đang háo hứng trước thế giới phù hoa chốn thị thành lại tìm về với đồng xanh hoa cỏ. Chọn màu vàng của lúa, nâu của đất để thổi sự mộc mạc vào các mét vải, anh đưa vẻ đẹp dung dị của những con người lao động miệt mài nơi đồng ruộng trở nên đẹp và gợi nhiều cảm xúc. Từng chiếc lá được cắt, thêu kỳ công xếp thành từng vòng, từng bông cỏ nhỏ từ chỉ, len được đính trên chiếc đầm chiết eo cầu kỳ, duy mỹ.

Trang phục là ngôi nhà của cơ thể, những lá vải voan, taffeta bóng bao phủ lên con người như một cấu trúc che chở cơ thể trước sự thay đổi của những nhân tố xung quanh. Và đó cũng là nhiệm vụ của kiến trúc. Lấy chất liệu mây, tre truyền thống để thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, hai kiến trúc sư VUUV dựng lên những vách tre, mây màu sắc nguyên bản được đan tỉ mỉ dẫn lối con người tìm về với bản chất thật sự của chính mình.

NO.4 – CẮT LỚP (2011)

Trang phục được xem như vẻ ngoài của con người, nhưng chính trang phục cũng có thể phản ánh cơ thể bên trong ta hay không? No.4 là cách Công Trí trả lời cho câu hỏi này. Anh nhìn vào tấm ảnh chụp CT của bản thân sau một trận bệnh và đưa hình ảnh từng bó cơ, mạch máu cuồn cuộn chảy lên chiếc áo mất hơn 2 tháng để thêu kín 100% bề mặt với hiệu ứng gradient mãn nhãn, tái hiện lại hàng tỷ nơron thần kinh bằng cước, cườm lấp lánh, may lên thứ trang phục bằng tóc (sợi nilong) đậm chất avant garde, hữu hình hóa tình mẫu tử với bào thai làm từ hàng trăm, ngàn trái tim trong dạ mẫu thân, hay tấm áo khoác với các lớp layer phóng đại từng thớ thịt tràn ngập sự sống.

Cùng đồng điệu với Công Trí khi tìm thấy vẻ đẹp trong những thứ thường bị coi là ghê sợ, gắn liền với bệnh tật, Lu Yang mang đến tác phẩm “Mạn đà la hoang tưởng” phô diễn mối liên hệ mật thiết của con người và bản thể của chính họ, khẳng định rằng dù con người có tư duy cấp tiến đến đâu cũng không thể thoát khỏi vòng xoay sinh lão bệnh tử.

NO.5 – TRÓI (2012)

Chống cự với căn bệnh của thể xác rồi lại trăn trở tìm kiếm bản thân trong một xã hội bị phụ thuộc vào máy móc và công nghệ. Xuyên suốt BST No.5 là hệ thống gọng vải đính lại thành hình khối, phát triển từ phom dáng cường điệu của áo quần thông thường. Sự thông minh của máy móc đã đưa ta đến những thành tựu vĩ đại, nhưng chính nó cũng là “chiếc lồng son” giam hãm con người. Không kháng cự vì sự vô cảm đã ăn sâu vào trí óc, màu sắc neon chói lọi đến đâu cùng là vô nghĩa khi con người đánh mất sự cảm thức trước cái đẹp.

Mượn ý tưởng con người bị vây hãm trước sự tiện nghi của vật chất hiện đại, tác phẩm sắp đặt của Trương Công Tùng tựa như những khối thạch nhũ của một “hang động số hóa” được bao phủ bởi hàng ngàn nút bàn phím, không gian trắng, xám u tịch như tâm hồn con người khi bị sự vô cảm bóp nghẹt, ý nghĩa thật sự của những bước tiến vĩ đại là gì khi con người dần vô cảm với nhau và nô lệ hóa cho máy móc.

NO.6 – NẤM (2012)

Những suy nghĩ cực đoan đưa vị thế loài người trong mắt Công Trí xuống hàng sau một loài dị biệt, không phải động vật cũng không phải thực vật – Nấm. Như lời ca tụng về sự sống bất diệt và cuồng điên của thứ tạo vật nhỏ bé được viết nên từ nhung, gấm, lụa, lưới thượng hạng,… thông qua những kĩ thuật haute couture thượng thừa. Từng khối nấm được tạo hình từ vải nhung, cắt họa tiết, rút lưới, đính cườm; những bề mặt được tạo hiệu ứng từ hàng vạn mảnh xà cừ kết tay, chỉ tơ kết thành những layer sóng màu,… trong hàng ngàn giờ. Không thể đếm hết bao nhiêu kỹ thuật trong No.6 nếu chỉ nhìn qua một lần, từng trang phục là kết tinh của một khoảng thời gian làm việc nhẫn nại, không thỏa hiệp với sự biến nhát, cẩu thả.

Ngưỡng vọng sức sống phi thường của loài nấm, Alexander Tú cùng nhóm nhảy LYRICÍST sử dụng những chuyển động cơ thể để diễn tả những đặc tính của loài nấm, sinh vật luôn đặt mình ở ngưỡng quân bình của mọi nghịch lý: Mang tính chữa lành nhưng cũng chứa đựng độc dược, lưu chuyển linh hoạt hữu tính và vô tính, nhỏ bé nhưng lại mang cấu trúc ADN phức tạp.

NO.7 – CẢM ƠN SÀI GÒN (2013)

Dù không sinh ra tại Sài Gòn, nhưng, như bao kẻ tha hương khác, Công Trí chọn cái thành phố hoa lệ mà hào sảng, ồn ào mà phồn hậu này làm quê hương của mình. “No.7- Cảm ơn Sài Gòn” là lời tri ân của một người con được cưu mang. Gắn liền với kí ức của anh về Sài Gòn là những tấm vé số, những bìa đĩa CD trên tà áo dài. Chất liệu chủ đạo là lụa tơ tằm, satin, tơ sợi,… cùng lần đầu chạm ngõ kỹ thuật smocking và đan lóng đôi mô phỏng bề mặt lồng gà, vách che,… mà sau này trở thành đặc trưng trong thiết kế của anh.

Có một cái gì đó “rất Sài Gòn”, dung dị mà phóng khoáng liên kết những ai yêu nó, kể cả đối với một người con xa quê. Hứa Như Xuân trở về sau những năm tháng sống tại Pháp, kí ức về Sài Gòn giúp chị tái hiện lại những nét thân thuộc đối với chúng ta khi nghĩ về miền đất này. Chiếc áo dài treo vào cái quạt trần, bay là là trên mấy cây vàng cây bạc, bên cạnh chiếc màn xanh ngọc hệt như cái nơi cửa sổ ngôi nhà chị từng ở. Chắc chắn mỗi người cũng sẽ tìm được một phần kí ức của mình khi đứng trước tác phẩm này.

NO.8 – TIẾNG VỌNG (2014)

Gây bất ngờ khi mang đến một BST nhẹ nhàng, sâu lắng như No.7, và rồi lại một lần nữa chất vấn con người trong một thế giới mà máy móc thống trị với BST No.8-Tiếng vọng. Phô diễn khả năng xử lí chất liệu thượng thừa. BST là bản hòa phối đậm chất Futuristic (vị lai) của nhựa dẻo, kim loại, voan, satin, len với tông màu tối và metallic. Vải nhung được dập nổi, kết cườm thành những luồng sáng chạy dọc khắp trang phục. Kỹ thuật cắt laser được ứng dụng tạo nên các bề mặt loang lổ. Khi được xếp chồng nên nhau, chúng tạo ra những bề mặt phức tạp, không tưởng bên cạnh những hình thêu các vì sao, mặt trăng,… từ chỉ bạc.

Phom dáng phá vỡ cấu trúc của trang phục truyền một cảm hứng mạnh mẽ đến nghệ sĩ Tùng Monkey để anh sáng tạo nên tác phẩm “Cầu võng” dưới hình thức tương tác ảo VR. Anh chia sẻ: “Cầu võng lấy cảm hứng từ thẩm mỹ vị lai của NTK Nguyễn Công Trí. Nhưng ẩn dưới thẩm mỹ ấy là câu chuyện các nhân, khi công nghệ tồn tại như công cụ cho ta kể câu chuyện của mình.”

NO.9 – LÚA (2016)

Lần đầu chạm ngõ Tokyo Fashion Week với No.9, hành trang mà chàng trai nhỏ bé mang ra biển lớn lại chính DNA của dân tộc. Đưa Lãnh Mỹ A, thứ vải quốc bảo kết tinh trầm tích bao đời trong cái màu đen huyền được nhuộm từ nhựa trái mặc nưa hơn 100 lần trong 6 tháng, sánh ngang cùng chiffon, satin, organza,…những loại vải thống trị thế giới haute couture. Tôn vinh giá trị truyền thống bằng các phom dáng hiện đại được làm mới từ áo bà ba, áo du kích dân dã Nam Bộ. Đồng thời, anh đặt các dáng vẻ hữu cơ như cây lúa, cọng cỏ bên cạnh các cấu trúc hình học trong cách đan, kết, smocking… trên bề mặt nhung, lãnh tạo nên các tác phẩm tinh xảo, ra đời từ bàn tay của những người thợ lành nghề bằng sự nhẫn nại.

Thích thú trước cách tiếp cận của Công Trí khi không phản đối những điều thường bị cho là đối lập nhau như: truyền thống-hiện đại, đồng lúa-viễn tưởng. Với bộ tác phẩm gồm tranh, điêu khắc tĩnh, điêu khác động, sắp đặt vị nơi chốn, Truc-Anh vẽ nên khung cảnh thiêng liêng tựa như điện thời của nữ thần sông, lúa gạo, mặt trăng và thần rắn.

NO.10 – EM HOA (2017)

Khép lại 10 bài tốt nghiệp, và cũng là dấu ân sâu đậm nhất của anh đối với giới mộ điệu thời bấy giờ, Công Trí chọn tôn vinh những con người nhỏ bé, thầm lặng. Qua lăng kính thời trang, hình ảnh người phụ nữ trong chiếc áo sơ mi cũ, có phần thô kệch với gánh xe hoa xuất hiện trên sàn runway với các thiết kế bằng cotton-katé phi giới tính, oversized, thêm thắt các chi tiết phóng đại với tông trắng, xám lạnh lẽo của những khối nhà bê tông. Khoảnh khắc người mẫu xoay lưng là khi những đóa hoa thêu từ chỉ, cườm, vải,… bung nở một cách rực rỡ nhất. Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp duy mỹ của những đóa hoa, anh còn ẩn dụ nó với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ, xinh đẹp mà anh gọi là “Em Hoa”.

Đồng điệu trong cách suy nghĩ cường điệu hóa những vẻ đẹp đời thường, Bảo Nguyễn liên tưởng khám phá này như hành trình tìm ra hang Sơn Đoòng. Tác phẩm “Trong khu rừng, có một cánh cửa” khắc họa hai thế giới tương phản bao trùm hành trình tìm kiếm ý nghĩa ở những điều thân thuộc luôn ở quanh mình của một cô bé. Đó có thể là một kì quan vĩ đại hay đơn giản chỉ là một cành hoa, nhành cây dại, một tình cảm giữa người với người trong mối quan hệ thân thương.

Công Trí đã nỗ lực 20 năm để có được buổi triển lãm kéo dài 3 ngày. Điều đó giống như khi ta so sánh với thành quả lao động miệt mài của một NTK cùng với đội ngũ của mình trong hàng tháng trời chỉ để những “đứa con tinh thần” tỏa sáng trong vài phút ngắn ngủi. Cảm hứng sáng tạo của anh có thể đến từ bất kì đâu, bất kể đó là điều nhỏ nhoi, bình dị hay những ý niệm siêu thường. Qua mỗi BST, Công Trí trở mình mạnh mẽ trong tư duy sáng tạo, nhưng vẫn có những mắt xích liên kết các chủ đề lại với nhau. Điểm sáng được đánh giá cao chính là khả năng dung hòa những khái niệm đối lập nhau ngay trong một BST. Phản đối một điều gì đó không có nghĩa ta phải biến chúng trở nên xấu xí, thời trang hóa và dùng chúng làm tiếng nói mạnh mẽ để hướng con người về những giá trị tốt đẹp mới chính là ý nghĩa thật sự.
Bên cạnh đó, việc hợp tác cùng 10 nghệ sĩ trẻ tạo ra 10 điểm chạm nghệ thuật đã giúp tạo ra những không gian ấn tượng, gia tăng tính cảm nhận của người thưởng thức đối với tác phẩm. Lần đầu tiên, một triển lãm với quy mô lớn và được đầu tư kỳ công gồm nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau kết nối thông qua thời trang. Người đến xem, dù là ai, ít nhiều sẽ mang về cho mình một thứ điều gì đó. Có thể là những kỹ thuật may đo, xử lý chất liệu tuyệt vời, những ý niệm tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ, hay đơn giản là sự cảm phục trước vẻ đẹp duy mỹ được làm nên từ những đôi bàn tay nhỏ bé.

Thực hiện: Hiếu Lê