5 bài học quan trọng về khởi nghiệp thời trang

Ngày đăng: 15/06/17

5 bài học cơ bản dành cho những ai bắt đầu tạo dựng nhãn hiệu thời trang của riêng mình từ câu chuyện của các nhà thiết kế lừng danh như Cristóbal Balenciaga cho đến những gương mặt đương thời như Demna Gvasalia và Alber Elbaz.

1. Xác định phân khúc trên thị trường – đảm bảo bạn có mục tiêu rõ ràng

Bạn không thể làm ra một nhãn hiệu thời trang mà không xác định được ai sẽ là người mặc cũng như chi trả cho nó. Một trong những bài học thành công của Vetements là ngay từ đầu nhà thiết kế của thương hiệu Demna Gvasalia đã xác định được khách hàng của mình là ai và họ cần gì. Còn CEO Guram, người lo về chiến lược kinh doanh thì hiểu rõ “tôi sẽ nhìn vào nó và cố gắng hiểu ai sẽ là người mua, ai sẽ trả tiền và ai sẽ là người mặc”.

Xem thêm: Vì sao một chiếc áo thun của Vetements có giá hơn 7 triệu?

Vetements Couture Spring 2017 Collection

2. Hãy chuẩn bị để làm việc chăm chỉ

Khởi đầu bạn sẽ phải làm rất nhiều việc, thật chăm chỉ, nhưng sau đó khi đã có những thành tựu nhất định, mọi thứ cũng sẽ không dễ dàng hơn, sự tăng trưởng phải cao hơn vào năm sau nữa, đó chính là quy luật kinh doanh. Aurora James – người sáng lập Brother Vellies vào năm 2013 với số vốn 5000 đô la. Thương hiệu của cô đã phát triển và được Quỹ Thời trang CFDA / Vogue hỗ trợ vào năm 2015, nhưng cô vẫn phải đối mặt với thách thức doanh số, James nói: “Bạn phải rất quyết tâm, sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ, sẵn sàng để mất mọi thứ, sẵn sàng làm tất cả để có một cánh cửa hiện ra trước mặt”.

Brother Vellies

3. Tìm hiểu sâu hơn về kinh doanh

“Bạn phải làm những bộ quần áo thực sự bán được và mang lại lợi nhuận cũng như dễ mặc – nếu không thì tại sao bạn lại kinh doanh?” chia sẻ từ nhà sáng lập Tommy Hilfiger, ông cũng cho biết thêm: “Tôi tự học về kinh doanh và tôi đã vất vả học cách đọc bảng cân đối kế toán, bảng sao kê ngân hàng, và thật sự làm các phép toán thô sơ để tìm hiểu làm thế nào để có thể sinh lợi”, ông nhớ lại. “Lúc đó thật khó cho tôi khi cố gắng nắm bắt ý tưởng vừa trở thành một nhà thiết kế đồng thời là một doanh nhân, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.”.

Xem thêm: Sinh viên thời trang: tư duy sáng tạo hay kiến thức kinh doanh?

Đó là về Tommy Hilfiger, nhưng tất nhiên không phải nhà thiết kế của thương hiệu nào cũng phải lo lắng chuyện kinh doanh nếu như họ tìm được một đối tác thích hợp, một người chuyên lo lắng việc kinh doanh để nhà thiết kế tập trung vào chuyên môn. Câu chuyện về Nhà thiết kế Yves Saint Laurent là một ví dụ, ông chỉ tập trung thiết kế, còn mọi vấn đề đã có Pierre Bergé lo liệu.

Nhà thiết kế Yves Saint Laurent trong một show diễn

4. Quảng bá trên mạng xã hội

Nhiều nhà thiết kế không bán trực tiếp sản phẩm của mình mà thông qua các nhà phân phối. Các sản phẩm từ nhà phân phối hoặc là đến tay khách hàng, hoặc là quay trở lại với nhà sản xuất. Nhà sản xuất phải nhận lấy rất nhiều rủi ro thông qua các nhà bán lẻ, thế nhưng bao nhiêu nhãn hiệu nhỏ lẻ có thể tạo dựng kênh phân phối của riêng mình? Ngày nay, các nhãn hiệu nhỏ có thể bán hàng trên website và mạng xã hội, việc này vừa tạo dựng tiếng tăm và làm nên doanh số.

Thương mại điện tử đang tạo nên một sân chơi mới đầy tính cạnh tranh trên toàn cầu. Các thương hiệu thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua Instagram, Facebook, với sự kết hợp cùng các KOL, blogger thời trang để lan tỏa giá trị của thương hiệu.

5. Học từ những thất bại

Thăng trầm trong giới thời trang là chuyện không thể tránh khỏi, hầu hết các nhà mốt lớn đều lao đao trước những biến động trong dòng chảy của thời gian: khi nhà sáng lập qua đời, khi nhà thiết kế ngôi sao của thương hiệu ra đi, hoặc khi công chúng chạy theo cái mới… Và rõ ràng không có công thức chính xác và cụ thể để thành công dù là trong bất kì lĩnh vực nào.

Khi Cristóbal Balenciaga đưa ra những thể nghiệm mới vào show diễn thời trang của mình vào năm 1951, sự mới mẻ và phá cách đã không được lòng các khán giả thời bấy giờ, show diễn kết thúc trong câm lặng, trừ tiếng vỗ tay nhiệt tình đầy lẻ loi của Carmel Snow, biên tập viên của tạp chí Harper’s Bazaar thời đó. Qua thời gian, nghệ thuật của Balenciaga mới dần được thừa nhận và tôn vinh.

Xem thêm: Cristóbal Balenciaga – Vững chãi trước phù du

Các tác phẩm Cristóbal Balenciaga trong một cuộc triển lãm.

Nhà thiết kế Alber Elbaz giám đốc sáng tạo của Lanvin từ 2001-2015, trong suốt 14 năm giữ vai trò thuyền trưởng của nhà mốt này, Elbaz đã đưa thương hiệu trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất toàn cầu khi kết hợp di sản phong phú cùng với sự biến đổi độc đáo của riêng mình. Ít ai nhớ trước đó vào năm 1998, Alber được nhận vào  Yves Saint Laurent, thiết kế dòng sản phẩm ready-to-wear cho nữ giới nhưng sau đó ông bị gạt bỏ khi Tập đoàn Gucci mua YSL Rive Gauche vào năm 2001.

Một thất bại không phải là kết thúc, đó đơn giản chỉ là những thách thức, để “đường dài mới biết ngựa hay”. Hoặc đơn giản đôi khi đó chỉ là tài năng chưa được khai phá hay đón nhận. Hãy kiên trì theo đuổi con đường của riêng mình, thành công nhất định sẽ đến.

Thực hiện: Hoàng Khôi