8 xu hướng sẽ thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp làm đẹp trong năm 2021

Ngày đăng: 06/06/21

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, hành trình điểm chạm của khách hàng dần đang thay đổi từng ngày với muôn hình vạn trạng. Ngành công nghiệp làm đẹp cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi năm qua liên tục chứng kiến sự lên ngôi của những thương hiệu mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, những liệu trình chăm sóc da cá nhân hóa, hay gần đây nhất là những giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ những tập đoàn lớn.

Với sự đổi mới và sáng tạo không ngừng nghỉ, 8 xu hướng dưới đây được dự đoán sẽ thay đổi toàn bộ “cục diện” ngành hàng làm đẹp trị giá lên đến 93,5 tỷ USD này.

1. Sự thống trị của công nghệ: VR và AR 

Tháng 10 năm 2019, Perfect Corp – công ty AR hàng đầu thế giới đã hợp tác với Alibaba – gã khổng lồ Thương mại điện tử Trung Quốc để tích hợp công nghệ dùng thử YouCam Makeup vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên Taobao và Tmall Alibaba. Chỉ sau sáu tháng, Alibaba tiết lộ rằng conversion rate (tỷ lệ chuyển đổi người truy cập website thành người mua hàng) của hãng đã tăng gấp 4 lần.

Từ đó, ứng dụng công nghệ dần trở thành một vũ khí mới của các thương hiệu làm đẹp. Những thương hiệu nổi tiếng như MAC, NARS, L’Oreal đã tích hợp AI, AR và VR vào những trải nghiệm mua sắm dành cho người dùng. 

Amit Jain – Giám đốc điều hành L’Oreal Ấn Độ chia sẻ rằng do đại dịch COVID đã tác động lên thị trường và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, L’Oreal đã thay đổi sứ mệnh của doanh nghiệp từ một thương hiệu làm đẹp đơn thuần trở thành một thương hiệu làm đẹp dẫn đầu về công nghệ.

Và L’Oreal không phải thương hiệu duy nhất đón đầu xu hướng công nghệ này. Tại Malaysia, thương hiệu chăm sóc da Nutox đã hợp tác với công ty Ministry XR để ra mắt “công cụ phân tích làn da”, mang đến khách hàng trải nghiệm cá nhân hóa khi mua sắm sản phẩm chăm sóc da – một thứ khá khó mua nếu không test thử hàng mẫu ở cửa hàng.

Chỉ cần có smartphone, công cụ này sẽ giúp khách hàng phân tích làn da của họ, đưa ra những liệu trình và lời khuyên về từng vấn đề cụ thể như giảm thiểu nếp nhăn, tăng sắc tố làm sáng da hoặc cấp ẩm cho da.

Nutox nhận ra rằng thông qua việc triển khai công cụ AR, công ty có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, gia tăng giá trị thương hiệu và thúc đẩy khả năng mua hàng.

“Từ việc chỉ thử các lớp trang điểm đến phân tích da dựa trên hình ảnh thật, AR và các công nghệ đột phá khác đang thay đổi hành trình tìm hiểu, trải nghiệm và kết nối với các thương hiệu sức khỏe và sắc đẹp của người dùng” – Kimberley Yap, Giám đốc Thiết kế Trải nghiệm của Ministry XR.

Các ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và YouTube cũng ngay lập tức kết hợp công nghệ thực tế ảo vào các banner quảng cáo của các thương hiệu làm đẹp, cho phép người dùng thử các sản phẩm trang điểm trực tiếp tại banner đó mà không cần rời ứng dụng. 

Các thương hiệu như Chanel, YSL, Charlotte Tilbury và Maybelline hiện cung cấp trải nghiệm thử VR trên các nền tảng webiste hoặc các ứng dụng trên điện thoại.

2. Thị trường subscription box đầy tiềm năng

Một báo cáo từ Royal Mail dự báo rằng giá trị của thị trường subscription box (hộp đăng kí) sẽ tăng 72% vào năm 2022.

Cuộc khảo sát gần đây của First Insight về subscription box cho thấy 25% người tiêu dùng Mỹ (cả nam và nữ) hiện đang sử dụng dịch vụ này và và có đến 32% người dự định sẽ đăng ký loại hình này trong sáu tháng tới.

Trong ngành công nghiệp thương mại điện tử làm đẹp, các ví dụ như Birchbox và Glossybox đã cho thấy mô hình kinh doanh subscription box đã thành công như thế nào. Trong một nghiên cứu với 5.000 người dùng Mỹ do McKinsey thực hiện, kết quả đã chỉ ra rằng có đến 55% lượt đăng ký dành cho các dịch vụ cung cấp các sản phẩm hoặc trải nghiệm được cá nhân hóa. Và cho đến nay, đó vẫn là dịch vụ phổ biến nhất, phản ảnh mạnh mẽ về mong muốn được trải nghiệm các sản phẩm cá nhân hóa của người dùng.

Subscription box gồm những sản phẩm grooming dành cho nam giới (gel vuốt tóc, lăn khử mùi và dầu dưỡng râu) được xác định là có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trên thị trường. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt các ông lớn trong ngành bán lẻ như P&G, Sephora và Walmart đều nhảy vào “đại dương” này và giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm tương ứng như Gillette on Demand, Play! và Beauty Box.

FabFitFun là một ví dụ điển hình về subscription box nhưng với rất nhiều sự lựa chọn: chăm sóc sức khỏe cá nhân, làm đẹp và thậm chí là trang trí nhà cửa. Nhờ triển khai dịch vụ trên, thương hiệu đã tăng trưởng đến 300% một năm và tính đến năm 2018, đã mang về doanh thu trung bình 200 triệu USD

Để giữ chân khách hàng cũ và thúc đẩy khách hàng quay lại mua hàng nhiều hơn, FabFitFun đã tạo ra những hoạt động thảo luận sôi nổi trên website, nơi các thành viên có thể trao đổi về mọi thứ xung quanh subscription box của hãng và cuộc sống hàng ngày của họ: công thức nấu ăn, liệu trình chăm sóc da và những mẹo trang trí nhà cửa. Thương hiệu này còn làm hẳn một chương trình phát sóng trực tiếp chỉ dành riêng cho hội viên của subscription box, nơi người dùng có thể biết thêm những thông tin thú vị về sản phẩm cũng như những nội dung sáng tạo giúp cải thiện lối sống của họ.

Đối với FabFitFun, cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng là một nghệ thuật, và họ đang dần biến nó thành thế mạnh của mình thông qua việc đầu tư không chỉ cho những sản phẩm bên trong subscription box, mà còn là những nội dung thú vị xoay quanh chiếc hộp.

“Nếu khách hàng nhìn nhận FabFitFun không chỉ dừng lại một chiếc hộp, mà còn là một lối sống với những giá trị cộng đồng, thì thật khó để xác định trải nghiệm subscription box đó đáng giá bao nhiêu”.

3. Xu hướng mỹ phẩm xanh – sạch

Người tiêu dùng hiện đang có xu hướng tìm kiếm những thương hiệu rõ ràng trong bảng thành phần của sản phẩm, và không biết từ khi nào, nguồn gốc thiên nhiên đã trở thành một yếu tố để người dùng cân nhắc có nên “xuống tiền” cho sản phẩm đó hay không. Mặc dù mỹ phẩm từ thiên nhiên đã nổi lên từ năm 2018, nó vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi, và thường có nhiều câu hỏi được đặt ra hơn mà không có mấy câu trả lời.

Trong một nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng trong ngành công nghiệp làm đẹp đang đổ xô vào những sản phẩm có thành phần đơn giản và thiên nhiên. Nhưng thay vì nghe theo và chấp nhận những định nghĩa thiên nhiên từ các thương hiệu, họ tự tìm hiểu và quyết định xem những thành phần đó có đúng là từ thiên nhiên hay không.

Trong khi doanh số của sản phẩm được cho là có nguồn gốc tự nhiên giảm 1,2% so với năm ngoái, doanh số của mỹ phẩm không chứa paraben (chất bảo quản) đã tăng 2,3%. Ngoài ra, doanh số của mỹ phẩm vừa không chứa paraben vừa có nguồn gốc thiên nhiên đang tăng 12% – nhanh gấp 5 lần so với những sản phẩm chỉ đáp ứng yêu cầu không chứa paraben.

Một ví dụ điển hình từ thương hiệu mỹ phẩm Kiehl’s. Hãng đã cải tiến dòng sản phẩm sữa rửa mặt Ultra Facial Cream để loại bỏ paraben và đạt doanh thu 5 triệu USD. Sự thay đổi này đã giúp thương hiệu lọt vào top 5 thương hiệu chăm sóc da uy tín hàng đầu nước Mỹ.

Một cuộc khảo sát của Harper’s BAZAAR với hơn 1.000 phụ nữ ở mọi lứa tuổi và sắc tộc, đã chỉ ra rằng có hơn 60% trong số họ sẵn sàng chi trả cho các thương hiệu mới nếu cung cấp các sản phẩm từ thiên nhiên.

Sự háo hức muốn thử những điều xanh – sạch, có lợi cho môi trường đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của những xu hướng mới, chẳng hạn như blue beauty – một khái niệm về các sản phẩm bảo vệ đại dương và nguồn nước (chẳng hạn như One Ocean Beauty, hãng mỹ phẩm hợp tác với tổ chức từ thiện Oceana).

Thương hiệu mỹ phẩm thân thiện với đại dương: One Ocean Beauty

4. Tận dụng big data để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới

“Tính cộng đồng sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh mới trong ngành công nghiệp làm đẹp. Những thương hiệu có khả năng kết nối với khách hàng, biến khách hàng trở thành một phần của thương hiệu, lấy khách hàng làm giá trị cốt lõi cho mọi khía cạnh phát triển của doanh nghiệp sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai”.

Jennifer Goldfarb, đồng sáng lập Ipsy, đã phát biểu như vậy tại diễn đàn Digital Beauty của WWD. Vậy, làm thế nào để các thương hiệu đạt được điều đó?

Câu trả lời nằm ở big data – dữ liệu khách hàng được thu thập qua bảng câu hỏi, từ khóa tìm kiếm và thói quen chi tiêu.

Sau nhiều năm chìm trong sự lạc hậu và trì trệ, thương hiệu mỹ phẩm bình dân Olay đã quyết định thay đổi chiến lược, bằng cách áp dụng công nghệ vào quy trình làm việc để khai thác và tìm hiểu kỹ hơn về insight của người dùng. Hợp tác với P&G, Olay đã cho ra mắt Olay Skin Advisor – một công cụ tập hợp dữ liệu người dùng từ website, từ đó giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp với làn da của họ. Cho đến nay, Olay Skin Advisor đã thu thập được hơn sáu triệu dữ liệu, đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình phát triển sản phẩm tiếp theo.

Từ kho dữ liệu trên, Olay biết được rằng phần lớn người dùng đang tìm kiếm những sản phẩm dưỡng da không mùi. Vì vậy, thương hiệu đã tung ra phiên bản không mùi cho sản phẩm kem dưỡng da Olay Whip, và nhận được sự yêu thích không kém gì phiên bản gốc. Thừa thắng xông lên, Olay đã tiếp tục phát triển sản phẩm dựa vào nền tảng dữ liệu của mình, điển hình là ra mắt kem dưỡng da chống lão hóa Olay Retinol 24 sau khi thương hiệu nhận thấy retinol là thành phần được người dùng tìm kiếm nhiều nhất.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy những tương tác của người tiêu dùng, điều này đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của chúng tôi. Thay vì ứng dụng công nghệ với mục đích thúc đẩy doanh số, giờ đây chúng tôi ưu tiên sử dụng công nghệ để thiết kế trải nghiệm cho người dùng” – Eric Gruen, Giám đốc thương hiệu Olay khu vực Bắc Mỹ cho biết.

Trong ngành công nghiệp làm đẹp, ngày càng nhiều những thương hiệu áp dụng việc thu thập và phân tích dữ liệu vào quy trình phát triển của doanh nghiệp.

Proven – một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp hàng nghìn nhận xét, phân tích hơn 20.000 thành phần thường có trong mỹ phẩm và thông tin từ hàng nghìn bài báo khoa học. Nhờ cơ sở dữ liệu khổng lồ đó, Proven đã thiết kế và đem lại liệu trình chăm sóc cá nhân dành riêng cho từng người dùng.
Prose – một doanh nghiệp chăm sóc tóc cá nhân, với đội ngũ kỹ sư dữ liệu nội bộ chuyên tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, và thành phần nào trong sản phẩm có thể giải quyết được điều đó. Nhờ vào giải pháp trên, Prose đã tăng mức độ hài lòng của khách hàng đến khoảng 90% trong năm qua.

5. Influencers là một canh bạc hời

Influencer Marketing (tiếp thị thông qua người ảnh hưởng) là một phần của chiến lược phát triển ngành làm đẹp trong vài năm qua, và vẫn sẽ ở đó trong một thời gian dài. Báo cáo năm 2020 của The British Beauty Council (Hội đồng Sắc đẹp Anh) cho thấy Influencer Marketing một lần nữa mang lại cho ngành công nghiệp này sự thúc đẩy đáng kể về mặt kinh tế. Cứ 1 USD chi cho Influencer Marketing, các thương hiệu mang về lợi nhuận khoảng 11,45 USD.

Theo báo cáo từ trường Kinh doanh Harvard, chi tiêu toàn cầu cho Influencer Marketing đã tăng từ 2 tỷ USD (năm 2017) đến 8 tỷ đô (năm 2018). Con số này được dựa đoán sẽ còn tiếp tục tăng đến 15 tỷ USD vào năm 2022.

Những con số trên hẳn sẽ không chỉ nằm trên những trang giấy, khi ông lớn trong ngành là Estée Lauder hiện đang chi đến 75% ngân sách marketing cho những người có ảnh hưởng. 

Một sáng tạo từ L’Oréal với chiến dịch “Beauty Squad”, thương hiệu này đã hợp tác với những người nổi tiếng để sản xuất video và nội dung quảng bá cho sản phẩm của hãng, sau đó công chiếu trên website, mạng xã hội, cũng như kênh riêng của người nổi tiếng, mở rộng phạm vi tiếp cận người dùng lên đến 5,5 triệu người.
Ipsy, dịch vụ đăng ký túi trang điểm hàng tháng, thu hút những beauty bloggers và đại sứ thương hiệu để sản xuất những video unbox và hướng dẫn cách sử dụng các sản phẩm trong hộp.

Tuy nhiên, một dữ liệu mới đây cho thấy đang có một xu hướng mới trong nghề Influencer: sự chân thực.

Dựa vào báo cáo năm 2020, công ty nghiên cứu thị trường Mintel gợi ý rằng: “Các thương hiệu mỹ phẩm và người ảnh hưởng nếu thể hiện được sự chân thực thông qua các nội dung quảng bá, sẽ trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh bão hòa hiện nay”. Truyền tải thông tin một cách tự nhiên, chân thành sẽ giúp thương hiệu chiếm được lòng tin của khách hàng.

Tuyên bố trên được củng cố bởi nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard. Với 250 phụ nữ “đam mê làm đẹp” tham gia khảo sát, có đến 43% trong số đó cho biết họ chỉ mua hàng từ những người ảnh hưởng đã thật sự sử dụng qua sản phẩm. Từ đó chỉ ra rằng, một cách vô thức, người dùng đang tìm kiếm những người ảnh hưởng có cùng tình trạng da với mình, và sau đó thuyết phục bản thân tin rằng những người nổi tiếng đó đã thực sự tin tưởng và sử dụng sản phẩm mà họ đang quảng bá.

Những giá trị mới về tính minh bạch và liên kết này đã mở ra cơ hội phát triển cho xu hướng Micro-Influencer (những người có tầm ảnh hưởng nhỏ), bởi người tiêu dùng cảm thấy rằng họ thật sự có thể kết nối và tương tác thường xuyên hơn, từ đó xây dựng mối liên hệ cá nhân và dần tin tưởng với những người ở tầm ảnh hưởng nhỏ này.

6. Mạng lưới hợp tác thương hiệu

Phân tích thị trường gần đây của AdNews cho thấy, chi phí cho việc hợp tác trong bất kỳ ngành nào cũng đều rẻ hơn 30 lần so với chi phí quảng cáo trên các kênh kỹ thuật số, nhờ vào lượng khách hàng có sẵn của mỗi bên. Điều này củng cố lại ưu điểm của việc hợp tác thông qua mạng lưới của đối tác, có thể đem lại giá trị quảng bá cao hơn với mức chi phí mềm hơn.

Trong ngành công nghiệp làm đẹp, điều này đặc biệt đúng. Khi một hãng mỹ phẩm kết hợp cùng một thương hiệu (khác lĩnh vực) để ra mắt sản phẩm mới, sự thích thú từ khách hàng sẽ là yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng cho sản phẩm đó. Thông thường, những sản phẩm này thường mang tính sưu tầm và thu hút sự chú ý của khách hàng (Andy Warhol x NARS là một ví dụ nổi bật). Từ đó tạo ra một nhu cầu lớn cho các sản phẩm kết hợp tương tự trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Andy Warhol x NARS

Vì vậy, khi các sở thích như món ăn vặt yêu thích hoặc chương trình truyền hình thời thơ ấu được kết hợp cùng chuyện làm đẹp, cả hai thương hiệu đều có thể mở rộng khả năng tiếp cận tệp khách hàng chéo của nhau, mang về một lượng lớn những khách hàng mới và đầy tiềm năng.

Sự kết hợp giữa Cheetos và Hershey. Cheetos đã tạo ra sự hứng thú cho người dùng và thu hút một lượng lớn tệp khách hàng mới thông qua bảng phấn mắt theo chủ đề Cheetos và bộ sưu tập son bóng XXTRA Flamin ’Hot.
Hershey Corporation đã phối hợp với thương hiệu làm đẹp Etude House từ Hàn Quốc để tạo ra các sản phẩm với diện mạo giống hệt những thanh chocolate. Nhờ thiết kế bao bì ấn tượng, sản phẩm đã thu về nhiều phản hồi tích cực về chất lượng và nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy nhất của hãng.

Xu hướng hợp tác này được dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển với một loạt sự hợp tác đáng được mong chờ sau:

  • Coca Cola đã tuyên bố về sự hợp tác với gã khổng lồ phấn mắt Morphe
  • MAC quyết định mở rộng phạm vi kinh doanh thông qua hợp tác với game trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc – Honor of Kings
  • Innisfree kỷ niệm 14 năm ra mắt sản phẩm phấn phủ chủ lực, thông qua việc hợp tác với thương hiệu kẹo Mentos

Không chỉ hợp tác giữa hai thương hiệu, trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật đang dần trở nên phức tạp, việc hợp tác giữa các nhãn hàng và cá nhân người ảnh hưởng để cho ra mắt sản phẩm cũng là một giải pháp hiệu quả. Tận dụng lượng khách hàng có sẵn của cả hai bên, tạo ra sự thích thú cho người dùng, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng và lượng người theo dõi cho cả hai bên.

Colourpop trong lần hợp tác với YouTuber Kathleenlights cho ra mắt bảng phấn mắt
Morphe với bảng phấn mắt được kết hợp với YouTuber James Charles và Jaclyn Hill. Năm 2017, một triệu bảng màu Jaclyn Hill x Morphe đã được bán, và một năm sau, bảng màu của James Charles được bán hết sạch chỉ sau mười phút sau khi ra mắt.

7. Liệu trình chăm sóc da siêu cá nhân hóa

Một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây của Epsilon với 1.000 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18-64 cho thấy mức độ hấp dẫn đối với hoạt động cá nhân hóa trong ngành bán lẻ là rất cao. 80% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng hợp tác với công ty nếu công ty đó cung cấp những trải nghiệm cá nhân hóa và 90% cho biết họ cảm thấy bị thu hút bởi những thương hiệu với sản phẩm, dịch vụ được cá nhân hóa dành riêng cho họ.

Mong muốn được cá nhân hóa và kết nối với thương hiệu của người tiêu dùng là yếu tố cho sự ra đời của một xu hướng siêu cá nhân hóa trong ngành công nghiệp làm đẹp, dựa trên công nghệ AI và cuộc trò chuyện hai chiều.

Neutrogena với MaskiD – một loại mặt nạ in 3D phù hợp với nhu cầu của từng làn da, dựa trên dữ liệu thu thập được từ một bức ảnh selfie của người dùng.
La Roche-Posay ra mắt miếng dán pH My Skin Track dính trên da, giúp theo dõi độ pH và gợi ý các sản phẩm phù hợp thông qua một ứng dụng trên điện thoại.
Serum SkinCeuticals Custom Dose với khả năng tự điều chỉnh liều lượng.

Trong ngành công nghiệp làm đẹp có tính cạnh tranh cao, siêu cá nhân hóa là một cách đảm bảo giúp thương hiệu có thể nổi bật hơn bằng cách cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên sở thích và những trải nghiệm của họ. Sử dụng công nghệ để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, giúp củng cố sự trung thành với thương hiệu và giữ chân khách hàng cho những lần mua tiếp theo.

Prose – một thương hiệu chăm sóc tóc đã cho khách hàng thực hiện một khảo sát nhỏ trực tuyến gồm 25 câu hỏi để xác định các sản phẩm cũng như liệu trình chăm sóc da phù hợp phù hợp nhất với họ. Các câu hỏi được trải đều từ những vấn đề liên quan đến chất tóc, tình trạng da đầu, môi trường sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày.

“Chúng tôi lấy những thông tin này, đưa chúng vào thuật toán nội bộ và điều chỉnh thành một công thức dành riêng cho bạn. Nó cũng sẽ gọi ý cho bạn đâu là sản phẩm nên “must have” trong liệu trình chăm sóc của bạn.”- Paul Michaux, đồng sáng lập Prose chia sẻ

Sau một nghiên cứu cho thấy rằng 40% nam giới ở Anh gặp khó khăn trong quá trình mua sắm các sản phẩm chăm sóc cá nhân vì không biết sản phẩm nào là phù hợp, Geologie đã ra đời: Một dịch vụ đăng ký chăm sóc da dành cho nam giới, cung cấp cho khách hàng nam một liệu trình chăm sóc nhân hóa với những sản phẩm được xác định dựa trên câu trả lời của họ cho một khảo sát nhỏ.

Giờ đây, trong một thế giới phẳng ngày càng phổ biến về thông tin, người tiêu dùng đang sẵn sàng trò chuyện và đóng góp cho sự phát triển của thương hiệu mà họ đã chọn nếu họ cảm thấy đang thực sự được lắng nghe và ý kiến của họ có giá trị.

8. Inclusive Beauty – Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Nielsen đã cho thấy, ở Mỹ, các thương hiệu làm đẹp đang dần dịch chuyển với sự đa dạng hơn trong các dòng sản phẩm của mình. Những màu sắc độc lạ đã xuất hiện nhiều gấp 7 lần bên cạnh những gam màu tiêu chuẩn. Một điều thú vị hơn, sản phẩm kem nền với những tone màu mới lạ đã bán nhanh gấp 3 lần so với các sản phẩm thông thường.

“Việc đa dạng hóa sản phẩm để bất kỳ ai cũng có thể tìm được tone màu cho bản thân đang dần trở nên phổ biến.” – Jordan Rost, Phó chủ tịch Nielsen chia sẻ.

Dữ liệu từ Global Cosmetic Industry cho thấy, doanh số bán hàng của những sản phẩm làm đẹp tôn vinh giá trị văn hóa khác biệt (đa dạng tông da/tình trạng da) đang tăng với tốc độ gấp 2 lần so với những sản phẩm thông thường. Những thương hiệu make-up ra mắt sản phẩm với thông điệp dành cho mọi đối tượng, với bất kỳ tông da nào cũng có thể dễ dàng chọn được sản phẩm ưng ý đang dần hái quả ngọt với những con số doanh thu khả quan.

Ngoài ra, nhu cầu tìm được một sản phẩm dành riêng cho mình của người dùng không chỉ dừng lại ở việc tìm được tone màu phù hợp với màu da. Người dùng mong muốn nhiều hơn ở một sản phẩm: một sản phẩm mà họ có thể nhìn thấy tính cách cá nhân và phong cách sống của mình trong đó.

Too Faced – một thương hiệu với các sản phẩm trang điểm sáng tạo và bảng màu đa dạng đã tự hào mang về con số doanh thu khổng lồ trong năm 2019: 350 triệu USD. Cùng với đó là Illamasqua, một thương hiệu làm đẹp với chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng “Express your individuality” (thể hiện cá tính của bạn) đã chứng kiến mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay: 50 triệu USD.

Trong khi đó, “tân binh” mới trên thị trường – Black Opal Beauty đã thu về con số 15 triệu USD bằng cách phục vụ một phân khúc mới và đầy tiềm năng: dân tộc thiểu số. Derek Wanner, Phó Giám đốc Kinh doanh và Marketing của Black Opal chia sẻ: “Người tiêu dùng đến từ những dân tộc thiểu số không chỉ có khao khát làm đẹp mà còn có sức tiêu thụ rất lớn – một phân khúc đầy tiềm năng của ngành công nghiệp làm đẹp nhưng chưa được khai thác do các chuẩn mực về màu da của ngành công nghiệp này”.

Một chiến dịch của Black Opal Beauty

Phụ nữ da màu hoặc thiểu số đồng ý rằng dù đã có một khởi đầu tích cực với sự ra đời của các sản phẩm đa dạng bảng màu, nhưng họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn: số lượng đang áp đảo chất lượng. Cụ thể hơn, mặc dù số lượng tông màu đã xuất hiện nhiều và đa dạng hơn, những tông màu đó vẫn không thật sự tiệp với tông da của người dùng. Chuyện này xảy ra ngay cả với Fenty – thương hiệu đi đầu trong phân khúc này.

“Là một người da màu, bạn có thể thấy một thương hiệu mỹ phẩm có đến 50 tông màu nhưng chúng thật sự không quá khác biệt,” Kimberly Smith, đồng sáng lập của Brown Beauty Co-Op chia sẻ với Retail Dive. “Nó không chỉ đơn giản là về tông da. Các thương hiệu đã vội vàng mà không tìm hiểu kỹ xem những người da màu như chúng tôi cần gì ở một sản phẩm trang điểm”.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Yieldify