Dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành thời trang xa xỉ?
Ngày đăng: 04/02/25
Theo báo cáo của Barclays được WWD công bố, Hoa Kỳ sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ vào năm 2025, vì chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc có thể tiếp tục giảm.
Báo cáo nêu rõ rằng người Mỹ hiện chiếm khoảng 25% doanh thu thị trường hàng xa xỉ toàn cầu và chi tiêu của họ trong danh mục này dự kiến sẽ tăng 6% trong năm. Sự tăng trưởng này được dự đoán là bắt nguồn từ sự tự tin của người tiêu dùng được cải thiện và đáng chú ý hơn là từ các đề xuất cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định của tổng thống Donald Trump, dự kiến sẽ kích thích hoạt động kinh tế, khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chi tiêu tùy ý nhiều hơn và khiến những người giàu có (trước đây là phân khúc sinh lợi nhất cho doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ) trở nên giàu có hơn. Ví dụ, khi phân tích các báo cáo tài chính của LVMH, phân khúc người tiêu dùng Mỹ của tập đoàn đã phải đối mặt với một số thách thức trong các quý gần đây nhưng đã cho thấy những dấu hiệu cải thiện ổn định đối với bộ phận Thời trang & Đồ da. Điều này là căn cứ giúp nhiều người tin rằng có thể ngành thời trang sẽ có sự phục hồi tiềm năng trong những tháng tới.
Mặc dù khách hàng tiềm năng vẫn có thể sẽ khan hiếm do vấn đề giá cả, thị trường Mỹ vẫn có nhiều triển vọng và các thương hiệu thời trang đang đẩy mạnh đầu tư. Prada đã mua một tòa nhà ở New York hay Armani đã khánh thành một siêu cửa hàng mới vào năm ngoái. Tuy nhiên, nếu thị trường Trung Quốc không phục hồi lại thời kỳ hoàng kim như trong quá khứ, thế giới xa xỉ sẽ ngày càng phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Chỉ có một vấn đề: ở Hoa Kỳ, nhiều thứ đang thay đổi và các thương hiệu sẽ phải tuân theo “luật chơi mới” dưới thời tổng thống Donald Trump trong một bầu không khí “chính trị” có thể sẽ mang màu sắc bảo thủ hơn.
Vào đêm trước lễ nhậm chức của Trump, toàn bộ Thung lũng Silicon, cùng với các ông trùm trong mảng truyền thông xã hội, đã “quy thuận” trước chính phủ mới, theo Nss Mag nhận định. Elon Musk và X tích cực tuyên truyền cho bầu cử trên mạng xã hội. Meta/Facebook loại bỏ các công cụ kiểm tra và chấm dứt các chương trình đa dạng và hòa nhập được gọi là DEI; Amazon sẽ phát trực tiếp lễ nhậm chức của ông Trump, trong đó Amazon đã quyên góp 1 triệu USD và sẽ sản xuất một bộ phim tài liệu về Melania Trump, do chính Đệ nhất phu nhân sản xuất, với bản quyền độc quyền có giá 40 triệu USD. Các giám đốc điều hành của Apple và Google và Zuckerberg mỗi người đã cam kết 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của Trump…
Tương tự như vậy, các tổ chức tài chính và ngân hàng Phố Wall đang rút lui khỏi các mục tiêu về môi trường và đa dạng: Ví dụ, BlackRock đã rút khỏi sáng kiến Quản lý tài sản Net Zero; phát biểu với tờ Financial Times, David Solomon, CEO của Goldman Sachs, đã ca ngợi “chương trình tăng trưởng” của Trump một tháng sau khi ngân hàng này rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net-Zero; Walmart và McDonald’s đã hủy bỏ các nỗ lực DEI, rút tiền tài trợ từ Trung tâm Công bằng Chủng tộc.
Gần đây, nhiều công ty, bao gồm cả các thương hiệu thời trang, đã giảm đáng kể thông điệp của họ, chuyển sang áp dụng cách tiếp cận thông qua kể chuyện một cách trung lập hơn, có lẽ là để tránh bị tẩy chay trên toàn thế giới. Dấu hiệu đầu tiên là sự biến mất của những người mẫu ngoại cỡ khỏi các buổi trình diễn thời trang, được ghi nhận rộng rãi; một ví dụ khác có thể thấy trong các chiến dịch của Calvin Klein, nơi đa dạng hình thể và đại diện cho nhóm thiểu số LGBTQ nhường chỗ cho vóc dáng săn chắc của Jeremy Allen White, một nhân vật ít mang tính chính trị hơn; cuối cùng, ngay cả Victoria’s Secret cũng đã quay trở lại (mặc dù đã qua thời hoàng kim) với những người có thân hình bốc lửa.
Năm 2023, Vogue Business cũng đã lưu ý rằng các sáng kiến DEI do các thương hiệu đưa ra vào đầu năm 2020—như Black Lives Matter và #MeToo — đã bắt đầu thoái trào.
![](https://style-republik.com/wp-content/uploads/2025/02/trumpreuters012311zon-1737449413833.webp)
Có thể, các thương hiệu thời trang châu Âu hoặc Mỹ sẽ thận trọng hơn dưới thời chính quyền của ông Trump, dù vậy các lý tưởng thể hiện sự tiến bộ có thể được chuyển tải dưới thông điệp nào đó trong tương lai. Các thương hiệu sẽ bị giám sát đồng thời bởi phe bảo thủ hơn của đất nước, bao gồm cả chính phủ. Trong cuộc khủng hoảng xa xỉ hiện tại cùng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thị trường Hoa Kỳ, với nỗi lo về thuế quan mới, có thể khiến các thương hiệu cực kỳ thận trọng để không bị tẩy chay hoặc trả đũa.
Điều này cũng có thể thúc đẩy một số nhà thiết kế hoặc công ty làm thân với chính quyền mới. Đơn cử như gia đình Arnault có mối quan hệ tốt đẹp tổng thống Trump, khi Louis Vuitton mở một nhà xưởng tại Texas. Con trai của Bernard là Alexandre đã xuất hiện trong các cuộc mít tinh và lễ kỷ niệm bầu cử gần đây, và gia đình này đã tài trợ rất nhiều cho đảng Cộng hòa, theo Financial Times.
Tuy nhiên, nếu như vào năm 2017, các nhà thiết kế như Marc Jacobs, Tom Ford và Phillip Lim đã công khai tuyên bố rằng họ không có ý định thiết kế trang phục cho phu nhân Melania Trump. Thậm chí, khi Ralph Lauren nhận lời thiết kế cho Melania Trump trong lễ nhậm chức năm 2017, thương hiệu này đã phải đối mặt với làn sóng kêu gọi tẩy chay.
Tại lễ nhậm chức năm 2025 của ông Donald Trump, có vẻ các nhân vật trong ngành công nghiệp thời trang đã trở nên thoải mái hơn khi kết nối với gia đình ông Trump và những người thân cận. Đệ nhất Phu nhân Melania Trump diện một bộ trang phục được thiết kế riêng của nhà thiết kế Adam Lippes.
Lược dịch: K.
Theo Nss Mag