Kỷ nguyên của Made to measure: Sự hồi sinh của những bộ suit đỉnh cao
Ngày đăng: 05/09/19
Các thương hiệu thời trang đang cạnh tranh nhau từng chút một để phục vụ cho nhu cầu thể hiện cá tính riêng của khách hàng, từ các chi tiết tùy chỉnh đến các yếu tố phức tạp nhất của thời trang nam cao cấp.
Từ Paul Smith, Hackett đến Savile Row – con phố hồi sinh dịch vụ may đo cao cấp
Nhu cầu tùy biến trong thế giới xa xỉ vẫn tiếp tục phát triển không ngừng. Cho dù đó là một chiếc đồng hồ, một đôi giày thể thao hay xe hơi, các thương hiệu đi đầu về phong cách đang sáng tạo hơn bao giờ hết để cho ra những sản phẩm vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, trong ngành may mặc, các nhà mốt lại đang tìm về các kỹ thuật truyền thống – thứ mà bạn sẽ thấy ở Savile Row và thời trang cao cấp haute couture – để mang lại nét riêng độc đáo cho các bộ complê, tôn vinh sự vừa vặn và cá tính của chủ nhân.
Paul Smith đã cung cấp dịch vụ bespoke từ năm 1998, nhưng vào tháng 3 mới đây là lần đầu tiên ông giới thiệu dịch vụ may đo theo yêu cầu (với giá từ 1.300 bảng Anh). “Tất cả chúng ta đều có hình dáng và kích cỡ khác nhau, vì vậy dịch vụ may đo cho phép mọi người lựa chọn các loại vải và chi tiết thiết kế độc quyền trong một bộ trang phục hoàn hảo cho mỗi người – dù họ cao hay thấp, mập hay ốm”, Smith giải thích. Khách hàng có thể lựa chọn từ bộ Soho fit hoặc trang phục tối – cũng như áo khoác, quần và áo ghi-lê riêng biệt, tổng cộng có 30 chất vải, tám lớp lót và ba loại khuy. Một quy trình hoàn chỉnh từ lần đo ban đầu đến lần mặc thử cuối cùng có thể mất sáu đến tám tuần.
Mỗi người đều có hình dáng và kích cỡ khác nhau, vì vậy dịch vụ may đo cho phép bạn lựa chọn loại vải, các chi tiết thiết kế độc quyền trong một bộ trang phục chỉ dành cho riêng bạn.
Vào cuối năm ngoái, Hackett đã khởi động lại dịch vụ may đo cao cấp của mình bao gồm 3 phân khúc: bespoke, may-đo thường và may đo cá nhân hóa. Đối với dịch vụ bespoke (có giá từ 4.000 bảng Anh), bắt đầu từ năm 1992, khách hàng đã được thợ may lành nghề được đào tạo từ thương hiệu Savile Row tận tay lấy số đo, cắt may và khâu bằng tay theo kích thước của khách hàng.
Thông thường, khách hàng có ba bộ thử, với thời gian giao hàng khoảng sáu tuần. “Bespoke là lựa chọn xa xỉ tối thượng với tôi – tôi đã nghiện dịch vụ này từ những ngày đầu và không ngừng giới thiệu cho bạn bè và khách hàng”, Jeremy Hackett cho biết. “Gần đây, tôi đã ngồi lại với một khách hàng chưa từng có một bộ đồ bespoke, và chỉ sau 10 phút, anh ấy hoàn toàn bị cuốn hút vào những lựa chọn và chi tiết”.
“Bespoke là lựa chọn xa xỉ tối thượng với tôi – tôi đã nghiện dịch vụ này từ những ngày đầu và không ngừng giới thiệu cho bạn bè và khách hàng”, Jeremy Hackett cho biết
Dịch vụ may đo thông thường (giá từ 1.700 bảng Anh) bắt đầu từ một kiểu mẫu com lê Anh Quốc truyền thống, sau đó được thay đổi để phù hợp với từng khách hàng. Mỗi bộ quần áo được cắt và khâu bằng tay ở Anh, và được giao trong vòng 8 đến 10 tuần. Dịch vụ may đo cá nhân (từ £ 795) được lựa chọn từ bốn thiết kế và 3.000 loại vải, cùng với nhiều tùy chọn lót và khuy. Các bộ quần áo có một nửa được ráp và may làm bằng máy, với thời gian xoay vòng trong sáu đến tám tuần.
Đỉnh cao Bespoke gọi tên Giorgio Armani
Trong khi đó, Giorgio Armani, đã có phân khúc may sẵn từ lâu trong kế hoạch phát triển của họ khi mở một cửa hàng mới trên phố London Sloane vào năm ngoái. Trong không gian 1.000 mét vuông chứa cả thời trang và nội thất, có một khu vực dành riêng cho dịch vụ Fatto a Mano (từ 3.500 bảng Anh). Hai mẫu cơ bản của Armani chính là điểm khởi đầu: Wall Street, một lối cắt mạnh mẽ, cổ điển, trong khi Soho lại thoải mái và hiện đại hơn. Khách hàng sau đó được giới thiệu với một loạt các kết hợp ve áo, túi, khuy, và có thể chọn từ một loạt các loại vải độc quyền từ nhà thời trang này bao gồm wool, lụa và vicuña.
Mỗi bộ đều được làm thủ công và do một thợ may ở Milan thực hiện hoàn toàn, với các đường khâu chần quanh mép trước và túi ngực để gia cố, và thành phẩm có thể đến tay người nhận trong năm hoặc sáu tuần. Giorgio Armani chia sẻ: “Xu hướng cá nhân hóa là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự thành công của thời trang. Những người mua các sản phẩm xa xỉ bị thu hút bởi ý tưởng có một cái gì đó đặc biệt đối với họ, thậm chí còn hơn thế nếu đó là một bộ đồ phù hợp”. Armani muốn các khách hàng xem ông là thợ may riêng. “Các mẫu ban đầu là của tôi, nhưng vẫn được phép thay đổi để cá nhân hóa cho khách hàng”.
“Xu hướng cá nhân hóa là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự thành công của thời trang. Những người mua các sản phẩm xa xỉ bị thu hút bởi ý tưởng có một cái gì đó đặc biệt đối với họ, thậm chí còn hơn thế nếu đó là một bộ đồ phù hợp”.
Khi giám đốc sáng tạo của Givenchy Clare Waight Keller làm mới lại bộ sưu tập cao cấp của nhà thời trang Pháp cho mùa xuân/hè 2018, trang phục cho quý ông là một phần quan trọng của nó. Trong bộ sưu tập hiện tại (có giá theo yêu cầu), các trang phục nam gồm các mẫu áo khoác màu đen được may sắc sảo với một nút bấm đơn giản; hay chiếc áo khoác dài bằng lụa đen được mặc với áo sơ-mi lụa đen, áo ghi-lê satin và quần âu; một chiếc áo tuxedo mềm phối với khăn thắt lưng đen cài nút; và một áo complê hai hàng khuy cổ điển trong tông màu trắng ngọc trai.
Cũng như với bộ sưu tập cao cấp Givenchy dành cho phụ nữ, những bộ trang phục này đều chỉ được may một lần và được tùy chỉnh theo yêu cầu riêng.
Dolce & Gabbana cũng đã ra mắt dòng sản phẩm cao cấp dành cho nam giới với tên gọi Alta Sartoria vào năm 2015. Domenico Dolce cho biết: “Phu quân của các khách hàng thời trang cao cấp của chúng tôi bày tỏ mong muốn sở hữu những món đồ độc đáo, được làm riêng để mặc trong những dịp đặc biệt”.
Bộ sưu tập mùa này (giá theo yêu cầu), được trưng bày tại Milan vào tháng 12, bao gồm áo khoác dài màu đen một và hai hàng khuy với họa tiết hoa, áo khoác màu đen bóng bẩy với ve áo satin tương phản, và complê dạ tiệc với khuy hay cà vạt. Dolce nói rằng bộ sưu tập này để vinh danh thời Phục hưng ở Milan, với một số đường cắt may phức tạp lấy cảm hứng các bức tranh thời bấy giờ. Cũng như với Givenchy, các thiết kế có thể được thay đổi để phù hợp với từng yêu cầu của khách hàng.
Kiton là một thương hiệu đại diện cho sự xuất sắc của thời trang haute coutre đến từ Ý cũng không ngoại lệ. Hãng thời trang Ý luôn tôn vinh đỉnh cao của nghệ thuật made to measure dù là trang phục cho nam hay nữ. Maria Giovanna Paone, Phó Chủ tịch và Giám đốc Sáng tạo của Kiton chia sẻ: “Các cô gái có sở thích riêng, cá tính riêng và đang tìm kiếm thứ gì đó để thể hiện. Cô ấy kiếm tìm một thương hiệu không phải vì danh tiếng mà vì chất lượng. Với chất lượng chúng tôi chưa từng thỏa hiệp, cho dù là chất liệu thô ráp hay chưa được xử lý, nhưng phải có chất lượng hàng đầu”.
Các cô gái có sở thích riêng, cá tính riêng và đang tìm kiếm thứ gì đó để thể hiện. Cô ấy kiếm tìm một thương hiệu không phải vì danh tiếng mà vì chất lượng.
Tại Maison Margiela, giám đốc sáng tạo John Galliano cũng lần đầu tiên thiết kế trang phục cao cấp cho quý ông mùa xuân/hè 2019, bộ sưu tập gồm các tác phẩm có một không hai (giá theo yêu cầu). Trong số đó có thể bắt gặp complê một hàng khuy sọc ca-rô, được cắt may theo phong cách thoải mái, complê hai hàng khuy bằng satin trắng và áo khoác với vai độn căng mạnh mẽ và cổ áo tương phản.
“Cá nhân hóa” là tương lai của dịch vụ xa xỉ
Mỗi chiếc complê được tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng và thời gian giao hàng khác nhau tùy thuộc vào từng kiểu dáng. Không có gì đáng ngạc nhiên, nhu cầu cá nhân hóa cũng làm gia tăng số lượng các thợ may kiểu Savile Row truyền thống, cả ở Anh và trên thế giới. Đã qua rồi thời của ready-to-wear hay những trang phục mì ăn liền, khách hàng xa xỉ cần những tác phẩm trang phục dành riêng cho họ, không cần biết giá cả.
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà ý thức cá nhân rất mạnh mẽ, và cá nhân hóa tạo ra một mối quan hệ mới, sâu sắc hơn giữa khách hàng và trang phục của họ”. – Armani
“Cá nhân hóa” là tương lai của dịch vụ xa xỉ, điều này cũng báo hiệu sự trở lại với các ngành nghề thủ công. Dù là một bộ trang phục hai mảnh truyền thống từ Hackett hay một chiếc áo khoác phức tạp hơn từ Givenchy phải sử dụng các kỹ năng chuyên dụng, thì rõ ràng, đây là những bộ trang phục không thể sao chép bằng máy.
“Ngay khi khách hàng nhận ra khối lượng công việc dành cho một bộ trang phục bespoke hay cho chiếc áo khoác để nó thật vừa vặn với người mặc, họ sẽ hoàn toàn hiểu được giá trị bên trong”, ngài Hackett. Đó là lý do Maison Margiela đặt tên cho bộ sưu tập couture của mình là Artisanal để gợi nhớ về nghề thủ công đặc biệt đằng sau mỗi bộ trang phục.
Maison Margiela đặt tên cho bộ sưu tập couture của mình là Artisanal để gợi nhớ về nghề thủ công đặc biệt đằng sau mỗi bộ trang phục.
Armani tóm tắt lại xu hướng một cách ngắn gọn với phát biểu: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà ý thức cá nhân rất mạnh mẽ, và cá nhân hóa tạo ra một mối quan hệ mới, sâu sắc hơn giữa khách hàng và trang phục của họ. Đó là tương lai của ngành hàng xa xỉ”.
Thực hiện: Vincent Phạm
Theo Luxuo.vn (tổng hợp)