Luật hấp dẫn của Animal Crossing – tựa game gây sốt các tín đồ thời trang thế giới
Ngày đăng: 21/05/20
Animal Crossing: New Horizons (AC:NH) là một tựa game mô phỏng đời sống được phát hành trên hệ máy Switch của Nintendo. Animal Crossing hiện là một tựa game thu hút được đông đảo giới trẻ, đặc biệt là các tín đồ thời trang. Hãy cùng Style-republik giải mã luật hấp dẫn của tựa game qua bài viết này.
Game vốn dĩ dành riêng cho hệ máy switch của Nintendo, tuy nhiên bằng nhiều hình thức và thủ thuật công nghệ khác nhau, ngay cả những người không sở hữu hệ máy này cũng có thể trải nghiệm game trên máy tính. Theo báo cáo của công ty Nielsen SuperData, tựa game này, tính đến thời điểm hiện tại đã bán được hơn 5 triệu bản [1] (với 2 triệu bản được bán ra chỉ trong vòng 2 ngày đầu tiên ra mắt theo báo cáo được đăng tải bởi trang The Wall Street Journal). [2]
Điều gì tạo nên sự hấp dẫn của Animal Crossing?
Animal Crossing đã có 20 năm tồn tại và phát triển, với tựa game đầu tiên được ra mắt là Animal Crossing vào năm 2001 trên hệ máy Nintendo 64. Phiên bản mới nhất là Animal Crossing: New Horizons vừa được ra mắt vào ngày 20 tháng Ba vừa qua, là phiên bản phát triển thứ 8. Nhiều người chơi cũ lựa chọn tựa game này để sống lại tuổi thơ của bản thân; trong khi những người chơi mới lại muốn trải nghiệm nó vì sự mới lạ, thú vị và những lời khen có cánh về game trên các diễn đàn và trang mạng xã hội.
Đây là game trực tuyến, kết nối giữa các người chơi với nhau. Thời gian trong game tương ứng với thời gian thực bên ngoài khiến thế giới trong game là một thế giới tương quan sinh động, với đồ họa thiết kế sắc nét và hình tượng các nhân vật dễ cảm mến. Trong bối cảnh cách ly xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, Animal Crossing vẫn là cách thức giải trí lẫn giao tiếp hữu hiệu của nhiều người trẻ.
Thuần là một tựa game giải trí, trong vai trò là người chơi trực tuyến, người chơi sẽ được sở hữu hẳn một hòn đảo, xây dựng đời sống và tham gia những hoạt động giải trí tùy chọn như câu cá, hái hoa, bắt bướm, chăn nuôi và kiếm tiền để xây dựng thêm hơn hòn đảo của mình, cũng như mua sắm những thứ đồ dụng cụ khác trong game. Mỗi người có thể trải nghiệm game trong nhiều vai trò khác nhau như người lên kế hoạch cho các buổi tiệc party, thiết kế nội thất, kiến trúc sư, nhà cung ứng dịch vụ, và thậm chí là nhà thiết kế thời trang. Đúng thế, mọi người chơi được phép chia sẻ các mã code với nhau để tải về các món quần áo thiết kế trong game và mặc cho nhân vật của mình.
Lượng truy cập đông đảo của tựa game này, với sự chia sẻ, quan tâm của người trên trên các trang mạng xã hội lớn như Reddit, Instagram, Facebook… đã khiến cho nhiều influencer mạng xã hội, tín đồ thời trang gia nhập vào cộng đồng game thủ, kéo theo thương hiệu thời trang và nhà thiết kế để mắt tới Animal Crossing. Sức hút của game lớn đến mức Alexandria Ocasio-Cortez – nữ Hạ nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử của Quốc hội Hoa Kỳ đã có một nhân vật của riêng mình, với trang phục được thiết kế riêng để truyền thông cho chiến dịch mới của Cortez [3]. Thông qua Animal Crossing, những người chơi may mắn có cơ hội được đối thoại trực tiếp với Cortez – vốn rất ủng hộ quyền lợi của cộng đồng LGBT, dân nhập cư, tầng lớp lao động và sự phát triển của nền giáo dục đối với lớp người trẻ có đời sống khó khăn.
Đối với yếu tố thời trang trong Animal Crossing, các nhân vật trong game đều được tùy ý chọn lựa cách ăn mặc cho riêng mình. Đây dường như là cơ hội để họ (các NTK, thương hiệu thời trang) gửi gắm các sáng tạo của mình vào game nhằm mục đích duy trì sự nhận diện cần thiết cho thương hiệu, cũng như sự gắn kết với cộng đồng yêu mến thời trang trong game.
Thời trang trong Animal Crossing
Một trong những điểm hấp dẫn của Animal Crossing đối với một bộ phận lớn người chơi là nằm ở việc mỗi người chơi có thể dễ dàng thiết kế các mẫu áo, váy cho nhân vật của riêng mình (hiện chỉ giới hạn người chơi ở việc tùy chỉnh áo với váy). Nếu cảm thấy khó khăn, người chơi vẫn có thể dựa vào những hướng dẫn cụ thể trên các diễn đàn công nghệ và thủ thuật game với hàng nghìn lượt bình luận và tương tác sôi nổi về Animal Crossing mỗi ngày.
Thậm chí một tài khoản tập trung vào thời trang trong Animal Crossing đã được thiết lập trên Instagram với tên gọi @animalcrossingfashionarchive (hiện có gần 45 nghìn lượt theo dõi). Đây là tài khoản instagram được theo dõi đông đảo nhất. Người đứng sau tài khoản @animalcrossingfashionarchive là một nhạc sĩ, kiêm nghệ sĩ thị giác – Kara Chung tại HongKong. Còn có nhiều tài khoản khác như @nookstreetmarket hay @crossingtherunway cũng được vận hành với chủ đích là trưng bày những khoảnh khắc thú vị khi trải nghiệm Animal Crossing và thời trang trong game của chính họ. Việc chia sẻ phong cách thời trang trong game hiện trở nên vô cùng phổ biến trong cộng đồng Animal Crossing.
Renzo Navarro – nhiếp ảnh gia tại Manila (Philippine), là một game thủ luôn tích cực chia sẻ các trang phục của mình lên trang @animalcrossingfashionarchive. Trong quãng thời gian cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh, Animal Crossing là một nơi lý tưởng để anh tiếp tục công việc sáng tạo và sự chú tâm của mình vào thời trang. “Tôi bắt tay vào việc thiết kế quần áo cho nhân vật của tôi ngay khi đạt đến cấp độ cho phép nhân vật được sử dụng tính năng này. Thứ đầu tiên mà tôi tái dựng lại là phiên bản mô phỏng một mẫu thiết kế đầm giữa Moncler và Pierpaolo Piccioli”, Navarro chia sẻ trong bài phỏng vấn với tờ Esquire UK. [4]
Thực chất thì các công cụ sáng tạo trong game khá đơn giản để thao tác, nó giống như một phiên bản đơn giản của Photoshop. Những nỗ lực của Navarro bao gồm tái dựng lại các mẫu thiết kế yêu thích của nhiếp ảnh gia từ các thương hiệu như Jacquemus, Bode, Thom Browne, Comme des Garcons, Carl Jan Cruz (NTK người Philippine). Những trang phục của Rick Owens, Martin Margiela hay Issey Miyake cũng được nhìn thấy trên tài khoản của @animalcrossingfashionarchive.
Một tài khoản khác được tạo dựng với chủ đích chia sẻ niềm yêu thích thời trang trong Animal Crossing là @nookstreetmarket với 24 nghìn lượt theo dõi. Tài khoản này chỉ tập trung chia sẻ các mẫu thiết kế được tái dựng lại từ các thiết kế bên ngoài của các thương hiệu lớn như Céline, Prada, Jean Paul Gaultier, Chloé, Alexander Wang, Thom Browne, Maison Margiela, Yves Saint Laurent, Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton… Sự sống động và chi tiết tỉ mẩn trên từng mẫu thiết kế được tái hiện đầy đủ trên trang phục trong game thực sự khiến cho các tín đồ thời trang phát sốt.
Ngay cả những thương hiệu lớn như Maison Valentino cũng không cưỡng lại được sức hút của Animal Crossing. Tận dụng kênh Instagram của mình, thương hiệu đã chia sẻ những hình ảnh đáng yêu là các nhân vật trong game đang mặc những phiên bản tái hiện các mẫu thiết kế ngoài đời thực của Valentino. Tương tự, trên kênh Instagram của Marc Jacobs cũng đã chia sẻ những hình ảnh các nhân vật trong game đang mặc các mẫu thiết kế của thương hiệu được tái dựng lại bởi những người chơi Animal Crossing.
https://www.instagram.com/p/B_sfj81jrOp/?utm_source=ig_embed
Nhà thiết kế Sandy Liang tại New York còn đi một bước tiến xa hơn với Animal Crossing, khi là nhà thiết kế đầu tiên tổ chức một cửa hàng trực tuyến – pop up store trong game. Lần đầu tiên tổ chức, cửa hàng trực tuyến của Sandy Liang chỉ có thể đón tiếp đồng thời được có 6 người chơi trong một lượt. Dù là thế cũng không ngăn cản nhiều tín đồ thời trang xếp hàng đợi đến 2 tiếng đồng hồ để có thể được tiếp cận với nhà thiết kế và các mẫu sản phẩm của Sandy Liang. [5]
https://www.instagram.com/p/B_aUzQ9l2az/?utm_source=ig_embed
Điều thú vị hơn cả là khi các thương hiệu nhìn thấy tiềm năng của việc kết nối với các tín đồ thời trang thông qua Animal Crossing. Tờ ấn phẩm Gossamer gần đây kết hợp cùng với thương hiệu Offhours để tung ra thị trường một mẫu áo phiên bản giới hạn được đặt tên là “Dogwalker”. Mẫu thiết kế này đã sớm được bán sạch khi chỉ vừa ra mắt nhưng với sự phổ biến của Animal Crossing. Gossamer x Offhours đã hợp tác cùng @nookstreetmarket để tạo ra phiên bản trong game của “Dogwalker”. Rất nhiều tín đồ đã bỏ lỡ sản phẩm có giới hạn của Offhours đã tỏ ra vô cùng vui mừng với điều này.
Đồng sáng lập của Gossamer là Verena von Pfetten chia sẻ với tờ ELLE US rằng không thể xem nhẹ việc kết nối thời trang trong một thế giới ảo, bởi nó là một sở thích, một sự ủng hộ tinh thần lành mạnh cho những tín đồ thời trang khi không thể sở hữu được món đồ ở ngoài thực tại, nhưng lại có nó trong thế giới ảo. “Điều này khích lệ mỗi người tận hưởng cuộc chơi thời trang theo một cách mạo hiểm hơn là những gì họ vốn dĩ sẽ làm ở bên ngoài thực tế. Việc sở hữu các món đồ thời trang ảo cũng khiến họ phần nào không còn cảm giác bị hụt hẫng vì không có được chúng ở ngoài đời thực”, Pfetten chia sẻ. [5]
Animal Crossing sẽ giúp thay đổi cách thức vận hành của ngành thời trang trong tương lai?
Nhìn vào thực tế, Animal Crossing hiện tại được mến chuộng và phổ biến rộng khắp như vậy là bởi hoàn cảnh cách ly xã hội vẫn còn đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến các tín đồ thời trang – những người đam mê mặc đẹp mỗi ngày phải tìm một hình thức thay thế để vẫn duy trì được niềm đam mê gắn kết đó với thời trang; Animal Crossing chính là một lời đáp gọi, một phương thức thay thế hoàn hảo.
Nhưng thực chất, việc kết hợp giữa thế giới game và thời trang đã không còn quá xa lạ ở hiện tại. Giles Deacon – NTK người Anh cũng lấy cảm hứng từ nhân vật trong game Pac-man và giới thiệu các mẫu thiết kế này trong khuôn khổ của London Fashion Week mùa Xuân-Hè 2009. Vào năm 2012, tựa game Final Fantasy nổi đình đám với hơn 150 triệu bản được bán ở khắp thế giới đã kết hợp với nhà mốt Prada nhân dịp sinh nhật lần thứ 25 của Final Fantasy. Tuy rằng Prada không thiết kế bất kỳ một mẫu nào riêng cho lần tác hợp này, nhưng nhân vật trong Final Fantasy có thể được nhìn thấy mặc những mẫu thiết kế mới nhất của Prada trong bộ hình được xuất bản của ấn phẩm tạp chí bởi tờ Arena Homme + (tại London). [6]
Louis Vuitton cũng là nhà mốt lớn nhập cuộc vào trào lưu kết hợp với những tựa game đình đám để quảng bá cho BST mới của mình. Dưới sự dẫn dắt của giám đốc sáng tạo Nicolas Ghesquière, nhân vật Lighting (Final Fantasy) của hãng game Square-Enix đã lọt vào mắt xanh của vị giám đốc sáng tạo và được sử dụng thay cho người mẫu thật trong các chiến dịch quảng bá cho BST Xuân-Hè 2013. Tháng 10 năm ngoái, nhà mốt này còn tiếp tục thiết kế trang phục cho giải đấu quốc tế của tựa game trực tuyến với hàng triệu fan hâm mộ trên khắp thế giới là League of Legends.
Thương hiệu Moschino cũng từng kết hợp với tựa game Super Mario để ra mắt BST Xuân-Hè 2016 của mình. Sau thành công với Super Mario, nhà mốt nước Ý – Moschino còn tiếp tục tác hợp với tựa game The Sims đình đám vào năm ngoái để giới thiệu các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập ứng dụng của hãng.
Tháng Năm 2019, Nike lần đầu giới thiệu phiên bản giày Jordan sneakers vô cùng đặc biệt, khi chỉ có thể được mang trong trò chơi Fortnite. Đây là lần đầu tiên Nike thương mại hóa sản phẩm của mình trong thế giới ảo của tựa game đình đám này. Cuối tuần trước, cũng ở trong thế giới ảo của Fortnite, nam ca sĩ Travis Scott cũng tổ chức một buổi trình diễn trực tuyến trong game lần đầu tiên.
Gucci cũng từng ủng hộ việc đưa các mẫu thiết kế nổi bật của mình vào trong thế giới ảo của trò Drest – một trò chơi dạy kỹ năng styling thời trang được phát hành vào tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, thương hiệu Badgley Mischka cũng có hành vi tương tự với tựa game Covet Fashion – một tựa game cũng có nhiều điểm tương đồng với Drest.
Những lần kết hợp kể trên giữa các thương hiệu và các tựa game đều mang có lợi cho đôi bên về cả mục đích thương mại lẫn hình ảnh thương hiệu. Nhưng sự quan tâm và yêu thích dành riêng cho Animal Crossing vượt xa hơn gấp nhiều lần như vậy. Dù rằng đây không phải là sự tác hợp chính thức giữa các thương hiệu thời trang đối với Animal Crossing hay nhà phát hành game này là Nintendo. Chính bởi, có lẽ, trào lưu này được khởi sinh từ chính cộng đồng người mến chuộng game và các tín đồ thời trang nên khía cạnh thời trang trong Animal Crossing mới có được sức hút vượt ngoài mong đợi như vậy.
Các thương hiệu thời trang hoàn toàn không thu về lợi nhuận khi xuất hiện trong tựa game này, nhưng sức hút, độ nhận diện, phổ biến của thương hiệu khi xuất hiện trong Animal Crossing là điều không thể chối bỏ. Nếu quy đổi thành giá trị truyền thông phải trả để có được sự quan tâm với tần suất như thế này, hẳn đó sẽ là một con số không hề nhỏ đối với các thương hiệu. Một điều tích cực khác mà các thương hiệu có thể nắm bắt được thông qua việc xuất hiện trong Animal Crossing, đó là những mẫu thiết kế, phong cách thời trang, xu hướng nào (dù là cũ hay mới) đang thực sự được quan tâm và mến chuộng bởi các tín đồ thời trang. Không chỉ là sản phẩm áo quần, mà ngay cả xu hướng tiêu dùng và sở thích về phụ kiện thời trang cũng có thể dễ dàng được gạn lọc ra từ đấy.
Như thương hiệu Sandy Liang, không bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận với các tín đồ thời trang và người chơi trong game. Nhà thiết kế chỉ chia sẻ các code để tải các mẫu thiết kế được giới thiệu tại cửa hàng trực tuyến – pop up store của mình trong game lên Instagram của thương hiệu, cũng nơi trưng bày sẵn các mẫu thiết kế mới của hãng, hay là hình ảnh chỉn chu của những mẫu thiết kế xuất hiện trong game ở bên ngoài thực tế sẽ nhìn như thế nào. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc người chơi cảm thấy quan tâm và thực sự muốn mua sản phẩm của thương hiệu, chỉ bởi vì họ cảm thấy quá đỗi yêu thích cách styling cho nhân vật của mình trong Animal Crossing, và họ cũng muốn được diện nó ở bên ngoài.
Rõ ràng, các thương hiệu nhỏ, mới hoàn toàn có thể tận dụng sức hút của Animal Crossing để đem đến lợi ích về sự nhận diện lâu dài cho doanh nghiệp như cách của Sandy Liang đã làm. Thương hiệu streetwear 100 Thieves là một đơn cử khác, khi ra mắt toàn bộ các sản phẩm từ trước đến nay của mình vào Animal Crossing. Được thành lập vào 2018, 100 Thieves giới thiệu tới cộng đồng game thủ các mẫu thiết kế từ áo hoodie đến áo thun, kể cả những mẫu thiết kế phiên bản giới hạn vốn dĩ đã được tiêu thụ hết khi vừa ra mắt.
Quyết định này của thương hiệu cũng khá tình cờ, giám đốc marketing Julie Wu của 100 Thieves chia sẻ với tờ The Verge rằng trong mùa cách ly, nhân viên của họ đã tự thiết kế mẫu áo của 100 Thieves để mặc cho nhân vật của mình trong game. Nhận thức được đây là một cơ hội tốt để gắn kết với cộng đồng game thủ và truyền bá hình ảnh thương hiệu, Julia và đội ngũ đã ngay lập tức liên hệ với hai nhà thiết kế đồ họa trên Twitter để đưa toàn bộ các mẫu thiết kế của 100 Thieves vào Animal Crossing. [7]
Thương hiệu streetwear Stray Rats cũng bắt đầu có hành vi tương tự như 100 Thieves, theo chia sẻ của Julian Consuegra – người sáng lập thương hiệu này chia sẻ với trang Business of Fashion. Thương hiệu đã tái dựng lại những mẫu áo thun bán chạy và một mẫu áo len kẻ sọc là sản phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập của Stray Rats tác hợp cùng NTK Marc Jacobs vừa được giới thiệu trong thời gian gần đây.
“Chúng tôi có rất nhiều fan hỏi thăm về các mẫu quần áo trong Animal Crossing, và đây là cách thức mà chúng tôi nhận ra rằng mình muốn áp dụng để tiêu khiển cho các fan hâm mộ của thương hiệu”, Consuegra chia sẻ.
Một thương hiệu streetwear khác cũng du nhập vào Animal Crossing là Happy99. Đồng sáng lập thương hiệu này là Nathalie Nguyễn – một cô gái gốc Việt và Dominic Lopez. Phỏng vấn cùng tờ BOF, Nathalie tin rằng có một sự liên kết giữa các sản phẩm trong game và doanh thu thật sự ở bên ngoài. Khi đưa các mẫu thiết kế mới vào Animal Crossing, công ty đã thấy được sự tăng trưởng 30% doanh thu ngay lập tức. Điều này thật đáng mừng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn ở thì hiện tại.
“Tôi nghĩ rằng có sự liên kết rất rõ ràng giữa việc sở hữu một sản phẩm hoodie trong trò chơi và sau đó quyết định mua chiếc áo hoodie đó để chủ nhân cũng có diện mạo tương đồng như với nhân vật của anh ta vậy”, Lopez chia sẻ.
Mối quan ngại của các chuyên gia trong ngành thời trang dành cho Animal Crossing
Tuy rằng Animal Crossing là một nền tảng tốt để các thương hiệu nhỏ tiếp cận, và duy trì sự gắn kết của mình, cũng như tạo ra sự nhận diện đối với khách hàng và các tín đồ thời trang trong game. Nhưng hành vi đưa các mẫu thiết kế của các thương hiệu lớn, với logo và họa tiết độc quyền vào trong game của cộng đồng người chơi đang khiến cho các chuyên gia trong ngành bày tỏ mối quan ngại.
Nhà phát hành Nintendo là một nhà phát hành game lớn trên thế giới. Danh tiếng và di sản họ gây dựng được sau bao thập kỷ vận hành khiến Nintendo là một tập đoàn lớn của ngành công nghiệp này. Với vị thế, tiềm lực của mình, Nintendo không cho phép bất kỳ hành vi thương mại xảy ra trong tất cả các sản phẩm của mình. Các thương hiệu không được phép mua quảng cáo, hay trả tiền cho Nintendo để được xuất hiện trong Animal Crossing. Tất cả mọi sản phẩm quần áo được trao đổi trong game đều là miễn phí, dù là có logo của Prada, Louis Vuitton hay Gucci hay không.
“Tôi không nghĩ rằng Nintendo sẽ thay đổi cách thức này của mình chỉ để mở ra cơ hội kinh doanh hay quảng cáo cho các brand. Đây là hành vi tối thượng để bảo vệ hình ảnh và giá trị xây dựng lâu đời của họ”, chia sẻ bởi Pier Harding Rolls – giám đốc nghiên cứu game tại Ampere Analysis.
Trong khi đó, giám đốc quản lý và nghiên cứu của Wedbush Securities tại Los Angeles – Michael Pachter đưa ra nhận định chắc chắn rằng các thương hiệu thời trang cao cấp luôn can thiệp vào quá trình sản xuất của những sản phẩm trực tuyến trong các trò chơi, hay bất kỳ một nền tảng trực tuyến nào khác có liên quan đến hình ảnh thương hiệu của mình. Tất cả những gì đang diễn ra trong Animal Crossing thật sự không tốt (theo quy tắc hoạt động của họ) cho hình ảnh mà họ muốn xây dựng và duy trì.
“Hãy thử tưởng tượng rằng bạn tự sáng chế ra một món đồ chơi Mickey Mouse; nếu nó không giống với Mickey Mouse, Disney hẳn sẽ tức giận vì sự xúc phạm; nhưng nếu nó giống như đúc, Disney sẽ càng điên tiết hơn bởi đó là hành vi xâm phạm luật sở hữu trí tuệ vì mục đích vụ lợi của bản thân và Disney không được hưởng lợi từ đó. Tương tự, Louis Vuitton cũng sẽ không thể nào hài lòng khi thấy logo nhận diện của thương hiệu được bỏ lên một cuộn giấy vệ sinh hay bất kỳ một thứ đồ gì khác không phải do họ sản xuất và thương mại hóa chúng. Dù cho là gì đi chăng nữa thì hình ảnh của các thương hiệu lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng và điều mà họ muốn là giữ vững được sự chính trực và giá trị thương hiệu”, Pachter chia sẻ.
Pachter cũng bày tỏ rằng sẽ không cảm thấy quá ngạc nhiên nếu có không may xảy ra một vụ kiện tụng giữa các thương hiệu thời trang cao cấp và tập đoàn Nintendo trong thời gian sắp tới, chỉ vì Animal Crossing. Điều này không phải là chưa từng xảy ra trước đây; và rất nhiều khả năng sẽ xảy ra kiện tụng bởi không một lí do nào mà các thương hiệu thời trang cao cấp có thể kiếm tiền từ việc cấp phép cho hình ảnh thương hiệu được xuất hiện trong nền tảng game của Nintendo. Hai ông lớn đối đầu nhau trong một vụ kiện tụng về hình ảnh thương hiệu chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thời trang.
“Chắc chắn mọi người chơi sẽ muốn trả ít nhất 1$ cho sản phẩm quần áo, phụ kiện của một thương hiệu thời trang cao cấp, ví dụ như là Louis Vuitton trong Animal Crossing; và con số đó sẽ trở thành 20 triệu đô nếu có 20 triệu người chơi khác cũng muốn sở hữu món đồ đó. Đó là mức doanh thu hoàn toàn có thể đạt được và khả thi đối với một nền tảng game đang vô cùng được quan tâm như Animal Crossing”, Pachter đưa ra quan điểm.
Cho dù, hiện tại vẫn chưa có một động thái nào từ các thương hiệu thời trang cao cấp trong việc cấm đoán hình ảnh logo thương hiệu của mình được xuất hiện trong Animal Crossing. Nhưng nếu có một thương hiệu thời trang nào phát ra tín hiệu hay có động thái không ủng hộ hành vi của cộng đồng người chơi thì chắc chắn mọi thứ xáo động ngay lập tức.
“Chỉ cần có một thương hiệu đầu tiên liên hệ tới tập đoàn Nintendo và nói rằng họ không thể cho phép hình ảnh thương hiệu của mình được xuất hiện mà không có bất kỳ một khoản chi phí nào được trả cho hành vi đó. Lúc đó, bộ phận pháp lý của Nintendo hẳn sẽ phát hoảng và nhận diện ra được vấn đề ngay lập tức”, Pachter kiên định về lập luận của mình.
Còn đây là ý kiến chủ quan của tác giả bài viết; có thể lúc này tập đoàn Nintendo vẫn chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề; hoặc có thể họ hoàn toàn nhận thức được điều này, lẫn việc đại đa số người chơi đang phát cuồng vì Animal Crossing là cũng bởi yếu tố thời trang và họ được tự mình phục trang cho nhân vật ảo của mình với những trang phục, phụ kiện từ các thương hiệu thời trang mà họ mến chuộng. Tập đoàn Nintendo có thể chỉ đang làm ngơ và xuôi theo diễn tiến của nó, nhằm khiến tựa game này tiếp tục duy trì được sức hút của nó lâu nhất có thể, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội vẫn còn chưa thấy kỳ hạn kết thúc.
Nintendo sẽ không có một động thái chủ động nào trong việc ngăn chặn điều này tiếp tục xảy ra, nếu không có bất kỳ một hành vi chủ động nào từ phía các thương hiệu thời trang cao cấp. Nhưng nếu thật sự cất nhắc, các thương hiệu thời trang cao cấp có lẽ cũng sẽ không muốn hình ảnh của mình bị gắn thêm cái mác là keo kiệt, hay tham lam bởi cộng đồng người chơi Animal Crossing và các tín đồ thời trang. Dù gì đi chăng nữa, thông qua nền tảng game này mà sức hút và độ nhận diện của các thương hiệu vẫn được duy trì và hoàn toàn miễn phí trong bối cảnh khó khăn của toàn ngành thời trang đang phải đối mặt.
Nếu ở một hoàn cảnh khác, có lẽ các thương hiệu thời trang cao cấp sẽ không bỏ qua. Nhưng xét lại, có lẽ việc ngậm bồ hòn làm ngọt sẽ là phương cách giải quyết hợp lý nhất. Biết đâu được, sẽ có một màn tác hợp chất lượng giữa một tựa game khác được phát hành bởi Nintendo (hoặc là với chính Animal Crossing) và một thương hiệu thời trang cao cấp trong tương lai. Hoặc có thể, khả thi hơn, là các thương hiệu thời trang cao cấp tạo nên một phiên bản game thu hút của riêng mình (giống như các bộ phim bom tấn, ăn khách tại Hollywood cũng thường có phiên bản game của riêng mình được phát triển). Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra và rất đáng để mong chờ. Dù sao đi chăng nữa, Animal Crossing cũng đã phần nào cho thấy được sức hút khi kết hợp giữa thế giới trò chơi và thời trang là mạnh mẽ đến mức nào.
Các bước tiến hành tạo dựng trang phục cho nhân vật trong Animal Crossing
Theo trang Hypebae, và chia sẻ của Kara Chung – người đứng sau tài khoản @animalcrossingfashionarchive thì có 5 bước tiến hành để tạo ra trang phục cho nhân vật của mình. [8]
1. Bắt đầu tính năng Pro Designs, có thể được tìm thấy trong NookPhone. Chỉ có thể sử dụng tính năng Pro Designs này khi mua phiên bản nâng cấp (trong game) từ NookShop.
2. Chọn chất liệu bạn muốn thiết kế.
3. Sử dụng hộp công cụ bên màn hình tay phải để thêm vào chi tiết thiết kế tùy thích. Có thể thử nghiệm với nhiều sự kết hợp màu sắc khác nhau bằng cách kết hợp nhiều họa tiết đa dạng, hay tùy chỉnh bằng tay sắc độ, độ bão hòa, độ sáng tối của tông màu đó.
4. Phải để tâm đến mọi chi tiết của mẫu thiết kế như phần thân áo sau, hay tay áo đối với các mẫu áo thun, đầm.
5. Lưu lại thành quả và đặt tên cho sản phẩm của mình; sau đó kết hợp với những món đồ thời trang có sẵn trong tủ đồ. Có thể chia sẻ mã code sản phẩm đó cho bạn bè trong game để cùng nhau thiết lập phong cách thời trang đồng điệu.
Thực hiện: Fellini Rose
Các nguồn tham khảo cho bài viết:
[1] https://www.businessoffashion.com/articles/professional/nintendo-animal-crossing-custom-clothes-fashion[2] https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-04-14/nintendo-s-animal-crossing-is-the-biggest-hit-of-the-lockdown
[3] https://hypebae.com/2020/5/alexandria-ocasio-cortez-animal-crossing-island-visit-random-tweet
[4] https://www.esquire.com/uk/style/fashion/a32169322/animal-crossing-fashion-archive/
[5] https://www.elle.com/fashion/a32315651/animal-crossing-fashion/
[6] https://www.scmp.com/magazines/style/article/3082585/louis-vuitton-and-pradas-final-fantasy-collabs-super-moschino-5
[7] https://www.theverge.com/2020/4/28/21238703/animal-crossing-new-horizons-streetwear-fashion-outfits-nintendo-switch
[8] https://hypebae.com/2020/3/how-to-make-outfits-animal-crossing-new-horizons-nintendo-switch-video-gaming-fashion-archive-instagram-custom-pro-design