Olivier Lapidus – Tân thủ lĩnh của Lanvin
Ngày đăng: 14/07/17
Sau thông tin nữ thiết kế Bouchra Jarrar rời khỏi Lanvin, do tình hình tài chánh không mấy suôn sẻ; thương hiệu thời trang thành lập từ năm 1889 đã tìm được người đảm đương chức vụ giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế Olivier Lapidus.
Sáu tháng đầu năm 2017, theo thống kê Lanvin phải hứng chịu thua lỗ nghiêm trọng, lợi nhuận tụt dốc xuống 23% so với năm 2016. Theo tờ South China Morning Post, cựu giám đốc Bouchra Jarrar chia sẻ: “Tôi có khá nhiều áp lực, tôi muốn dành nhiều thời gian để khởi động xây dựng chiến lược thời trang đo may cao cấp cho Lanvin nên tôi khép lại mọi kế hoạch phát triển nhãn hàng riêng. Song, tất thảy những cổ đông lớn lại không đồng tình ý kiến, một mình tôi thì không thể hoàn thành nổi sứ mệnh giao phó”.
Ngay lúc căng thẳng, nội giới lại bắt đầu truyền tin, liệu ai đủ khả năng đánh thức giấc ngủ Lanvin? Liệu bà chủ tịch có số cổ phần lớn nhất công ty, nữ doanh nhân gốc Đài Loan Shaw Lan Wang có mời chàng béo Alber Elbaz thêm lần nữa chứ? Vì đa phần ai cũng thấy rõ ràng chỉ có anh mới xứng danh làm truyền nhân thừa kế tinh hoa của bậc tiền bối Jeanne Lanvin mà thôi! Nhưng có người nhận định, Alber Elbaz hễ chấp nhận ra đi là chẳng bao giờ ngoảnh đầu trở lại. Thật vậy, cái tên xướng lên giờ phút này chính là Olivier Lapidus. Người sẽ chính thức đường hoàng ngồi vào chiếc ghế Giám đốc sáng tạo của thương hiệu trứ danh nước Pháp.
Olivier Lapidus là ai? Lapidus từng là Giám đốc sáng tạo của Balmain Homme từ năm 1985 -1986 trước khi về tiếp quản thương hiệu Maison Lapidus mà cha ông cất công gầy dựng. Thương hiệu đã đóng cửa vào năm 2000. Nhắc đến thân phụ của nhà thiết kế 59 tuổi, Ngài Ted Lapidus là nhà thiết kế lừng danh người Pháp những năm 70, đứng đằng nhau những bộ trang phục của ban nhạc The Beatles đi vào huyền thoại làng giải trí có sức ảnh hưởng giới trẻ thời đó cho đến tận hôm nay, tượng đài nhục cảm Brigitte Bardot và linh hồn thời trang thập niên 60 Twiggy.
Sau đợt Maison Lapidus ngừng kinh doanh quần áo, Olivier Lapidus cùng nhiều đối tác thương thảo hợp đồng tham gia các dự án trang trí nội thất khách sạn và tung ra một e- couture riêng.
Xem xét việc bổ nhiệm Lapidus của ông Shaw-Lan Wang, vị chủ tịch Lanvin chia sẻ: “Trong thời đại của mình, Olivier Lapidus luôn quan tâm đến các công nghệ mới. Là một người tiên phong thời trang, giờ đây ông đã đáp ứng với nguyện vọng của công ty và sẽ vượt qua những thách thức của Lanvin trong thế kỷ 21”.
Trên tờ Business of Fashion, thay vì đi theo đường lối phục dựng lại lịch sử nhà mốt thì… các vị cổ đông lớn muốn “đại trùng tu” cùng phương hướng mang tên: “a French Michael Kors” gói gọn ở phạm vi sang trọng theo phong cách sống.
Thương hiệu sẽ được chuyển từ trụ sở lâu năm ở Boissy d’Anglas – nơi mà người sáng lập Jeanne Lanvin đã trang bị cho mình – đến khu ngoại ô Levallois cách trung tâm thủ phủ Paris vài km. Đây là động thái mới nhất trong một phần kế hoạch của công ty nhằm cắt giảm chi phí.
Lại nói thêm mô hình “a French Michael Kors”. Đây phải chăng điềm báo kết thúc một kỷ nguyên, một di sản thời trang vô giá, và quyết định của Shaw-Lan Wang là nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vớt Lanvin?
Bài: Thế Phong