Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt: Người đến, kẻ đi

Ngày đăng: 19/02/21

Câu chuyện đầu tư vào các thương hiệu thời trang không còn là điều mới mẻ. Nếu những thương hiệu thiết kế hoặc thương hiệu độc lập đang dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường Việt Nam nhờ dấu ấn về mặt tư duy thì một số thương hiệu Việt phát triển theo hướng dành cho số đông lại được các nhà đầu tư rót vốn để đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Thế nhưng, công cuộc đầu tư không phải lúc nào cũng đem lại kết quả mong đợi đó là lợi nhuận và danh tiếng gia tăng. Việc nhiều nhà đầu tư đến rồi lại rút lui sau một thời gian hợp tác khiến các thương hiệu thời trang nội địa Việt Nam đặt ra câu hỏi: Đâu mới là lời giải cho bài toán hóc búa này?

Cùng Style-Republik điểm qua các phi vụ đầu tư lớn của những thương hiệu nội địa lớn ở Việt Nam trong thời gian qua. 

NEM, Vascara: Tập đoàn Stripe International

Thương hiệu NEM từng được xem là một đế chế thời trang công sở dành cho nữ lớn thứ hai tại Việt Nam, do ông Trương Việt Bình sáng lập. Với quy mô rộng lớn, NEM phủ sóng khắp nơi với hệ thống cửa hàng mở rộng khắp cả nước. Cuối năm 2017, ông Bình đã bán thành công NEM cho nhà đầu tư Nhật là Tập đoàn Stripe International. 

Stripe International mua NEM khoảng cuối năm 2017, nhưng vừa sang năm 2018, NEM phát lộ khoản nợ khủng và bị đòi nợ ráo riết, bên cạnh những lùm xùm về chuyện không trung thực trong kinh doanh như nhập hàng về gắn mác thương hiệu NEM để bán…

Chưa biết nước bước tiếp theo của Stripe International dành cho NEM là như thế nào nhưng hy vọng tập đoàn Nhật Bản này sẽ đem đến cho thương hiệu NEM một “diện mạo” mới ấn tượng hơn. 

Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt

Ngoài NEM, Stripe International Inc cũng mua lại Vascara, một thương hiệu giày dép, balo, túi xách, ví và phụ kiện dành cho phái nữ của Việt Nam. Theo đại diện Stripe International, thâu tóm Vascara sẽ giúp công ty Nhật gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, rất tiềm năng với 100 triệu dân.

Elise: Quỹ đầu tư Nhật Bản Asia Fund và Uniqlo

Tháng 2/2019, Elise xác nhận thông tin bán cổ phần cho Quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản – Asia Fund, thuộc Công ty Đầu tư vốn tư nhân Advantage Partners. Advantage Parters từng đầu tư vào những công ty thời trang như Meganesuper, hãng bán lẻ kính mắt Nhật Bản, và hãng trang phục dạo phố ISG ishii-sports.

Bên cạnh đó, Uniqlo cũng có một chân trong thương vụ này. Uniqlo đã chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của Elise. Động thái này diễn ra sau khi Uniqlo tuyên bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu năm 2019.

Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt

Trong 5 năm tới, Elise vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thời trang nữ của Việt Nam, trong độ tuổi từ 20 đến 45. Theo bà Nga Lưu – CEO của Elise, thị trường này có quy mô giá trị khoảng 2 tỷ USD vào năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm. Dự kiến, 4 năm tới, hệ thống cửa hàng Elise sẽ tăng gấp đôi và gấp bốn tổng doanh thu so với hiện tại. Với 95 cửa hàng trên cả nước, Elise có 3 nhà máy chính và hơn 30 công ty gia công độc quyền, cung cấp gần 3 triệu sản phẩm mỗi năm cho thị trường.

Juno, Hnoss, Eva de Eva: Seedcom

Juno từ việc chỉ có một vài cửa hàng bán lẻ nhỏ đã lột xác sau khi nhận đầu tư của Seedcom từ năm 2015. Từ 4 cửa hàng năm 2015, đến nay hệ thống của Juno đã có 95 cửa hàng trên 26 tỉnh, thành trên toàn quốc. Juno phục vụ khách hàng nữ với nhóm sản phẩm chính là giày dép, túi xách, phụ kiện. Đại diện công ty cho biết đã có 1,5 triệu khách hàng và đã bắt đầu bán thử một số sản phẩm ở thị trường Australia từ năm 2019.

Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt

Năm 2018, thương hiệu thời trang 10 năm tuổi Hnoss dành cho giới văn phòng trẻ được bà Cổ Huệ Anh, người sáng lập của Hnoss, chính thức bán cho tập đoàn Seedcom, hiện đang sở hữu các chuỗi Con Cưng, Juno, The Coffee House, King Food,… Trong số những nguyên nhân được chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu là chi phí vận hành ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm không thể tăng cao do phải cạnh tranh với các thương hiệu khác bởi hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện đã thay đổi, tính trung thành với thương hiệu thấp, thích mua theo quảng cáo, khuyến mãi và đang có quá nhiều sự lựa chọn.

Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt

Giữa năm 2018, Seedcom tiếp tục thu nhận Eva de Eva vào hệ thống đầu tư thời trang của mình. Seedcom cho rằng Eva de Eva đang thiếu mảng marketing nên họ quyết định đầu tư, với hy vọng sẽ bù đắp được những yếu tố mà họ cho rằng Eva de Eva còn thiếu. Tuy nhiên, hết năm 2019, sau những nỗ lực đầu tư về cả tài chính lẫn nguồn lực con người, Eva de Eva vẫn thua lỗ. Vì thế mà mới đây nhất, Seedcom đã tuyên bố rút lui khỏi phi vụ đầu tư này. Hiện Eva de Eva đã tìm được nhà đầu tư mới và đang trên đà tăng trưởng trở lại. 

Những thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập thương hiệu thời trang nội địa Việt

Lời giải là gì?

Style-Republik xin được trích lời bà Huệ Anh – CEO của Hnoss để đưa ra những gợi ý có thể sẽ là lời giải cho các thương hiệu Việt để trụ vững trước cơn sóng hàng ngoại nhập: cần tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, nắm bắt nhanh xu hướng thời trang, thắt chặt việc kiểm soát chất lượng và hệ thống phân phối thuận tiện cho người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ để sử dụng dữ liệu phân tích hành vi, xu hướng mua sắm của khách hàng, qua đó tạo nên kế hoạch sản phẩm phù hợp, thúc đẩy mua sắm…


Thực hiện: Mỹ Đỗ