NTK Võ Công Khanh: Tôi bán tác phẩm chứ không bán quần áo may sẵn
Ngày đăng: 27/08/17
Võ Công Khanh, người nghệ sĩ mang cái tôi rất lớn của làng thời trang Việt – một con người dám chấp nhận gạt bỏ mọi định kiến để đi đến cùng cái tôi của chính mình, làm đến cùng những gì mình yêu thích. Nhà thiết kế chia sẻ: “Ai sinh ra trên đời đều có những cái riêng. Và tôi chỉ là một Vo Cong Khanh mê những thứ cấu trúc kỳ lạ, rong chơi trong thế giới đầy mộng mơ do chính mình tạo dựng. Nhiều lúc, tôi cũng giả “tĩnh” nhưng không được. Nên thôi, có sao để vậy!”.
Bài phỏng vấn NTK Võ Công Khanh trước thềm Cocoon Show – show diễn kỉ niệm hành trình 10 năm chuyên nghiệp đang được các tín đồ thời trang háo hức chờ đợi. Cocoon sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 28/8/2017 tại Gem Center số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 mang đến một “Thế giới cổ tích ma mị” của NTK Võ Công Khanh.
Style-Republik.com và Facefashionworkshop sẽ Livestream toàn bộ Show diễn The Cocoon của NTK Võ Công Khanh. Đón xem trên fanpage @SRofficialvn và @F.A.C.Evietnam.
Mọi người nói anh điên. Anh cũng tự nhận là mình điên. Nhưng người điên, liệu có làm được thời trang?
Người ta thường bảo rằng thiết kế của tôi “điên”, quái, chẳng giống ai, khác người… Việc đi riêng trên một con đường đôi khi bị xem là dị. Nhưng trong thế giới của mình, tôi luôn có những quy tắc và công thức riêng mà chỉ có tôi mới biết cách pha chế đậm đà. Một ly cafe đậm thì luôn kén người có đủ đô để dùng, nhưng một khi đã thử thì sẽ nghiện. Vì thế, tôi hay đùa với một vài vị khách rằng: “nếu chưa đủ tự tin, đừng vội mặc trang phục của tôi.”
Hơn 10 năm trôi qua, tôi vẫn luôn đắm chìm trong giấc mộng “điên” của một gã họa sĩ, kẻ mang những bức họa cuộc sống vẽ lên thế giới thời trang của chính mình. 19 tuổi, tôi được phát hiện tại một cuộc thi về thời trang. Là một chàng sinh viên mỹ thuật đầy ngây ngô và bỡ ngỡ, tôi luôn tự hỏi bản thân câu “tại sao họ lại trao giải cho mình”. Mãi đến vài năm sau, được gặp lại một thành viên ban giám khảo ngày ấy là cô Viện trưởng Viện mẫu thời trang Pháp, tôi mới nhận được câu trả lời: “Chúng tôi trao phần thưởng đó cho một nhà thiết kế, chứ không phải mẫu thiết kế ấy tại cuộc thi”. Phong độ chỉ là nhất thời, nhưng cái “chất” mới là điều quan trọng hơn để trở thành nhà thiết kế. Cô ấy nói với tôi: “Hãy là chính mình. Bạn sẽ là duy nhất”.
Ai sinh ra trên đời đều có những cái riêng. Và tôi chỉ là một Vo Cong Khanh mê những thứ cấu trúc kỳ lạ, rong chơi trong thế giới đầy mộng mơ do chính mình tạo dựng.
Ai sinh ra trên đời đều có những cái riêng. Và tôi chỉ là một Vo Cong Khanh mê những thứ cấu trúc kỳ lạ, rong chơi trong thế giới đầy mộng mơ do chính mình tạo dựng. Nhiều lúc, tôi cũng giả “tĩnh” nhưng không được. Nên thôi, có sao để vậy (cười lớn).
“Nhiều người bảo tôi điên, có kẻ bảo tôi ngu, nhưng tôi muốn được là chính mình”, anh từng trả lời như thế trong một bài phỏng vấn. Vì đâu anh lại muốn được “là chính mình” như thế? Vì cái tôi cá nhân, vì ước mơ mà anh đang theo đuổi, hay nói như Winfrey Oprah, là vì “tôi không biết rằng là chính mình lại giúp tôi giàu như bây giờ. Nếu biết trước thì tôi đã làm thế sớm hơn” ?
Tôi luôn biết mình là ai, biết điều gì cần và nên làm. Tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì. Mỗi chặng đường của tôi đều là ước mơ của nhiều người vì những cái tôi có chẳng ai có thể làm được. Tôi sinh ra vốn là duy nhất nên cũng chẳng cố gắng để thành bản sao của ai cả. “Đường dài mới biết ngựa hay” – tôi chưa muốn đến đích khi còn quá nhiều điều thú vị cần để học, rong chơi và trải nghiệm…
“Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có vẻ đẹp của riêng chúng. Điều mà ‘người bình thường’ xem là xấu xí, tôi cũng có thể nhìn ra được vẻ đẹp của nó”- Alexander McQueen đã nói như thế. Vậy theo anh, đối với một NTK thời trang, việc nhìn nhận được vẻ đẹp từ mọi thứ có thật sự quan trọng?
Con mắt không chỉ là cửa sổ của tâm hồn. Nó còn là cả một bầu trời đầy những câu chuyện thi vị được viết qua lăng kính người nghệ sĩ. Việc nhìn nhận được vẻ đẹp từ những hình ảnh bình dị xung quanh là thứ thuộc về bản năng, và là điều bạn chẳng thể học hay cướp của ai được.
Nếu được gặp Alexander McQueen ngay lúc này, anh sẽ nói gì với ông ấy?
Có lẽ trên cuộc đời này tôi chưa ngưỡng mộ một ai khác bằng ông.
Được biết, trước khi giành giải thưởng thời trang năm 19 tuổi, anh đang theo học kiến trúc. Vì đâu anh lại chuyển từ niềm đam mê kiến trúc sang thời trang?
Từ khi còn bé, tôi đã mê vẽ giấc mơ lớn nhất là trở thành họa sĩ. Mọi thứ thay đổi cho đến khi tôi nhận ra rằng còn có một thiên đường khác mang tên thời trang dành cho bản thân mình. Tôi luôn thấy mình may mắn khi được học hội họa. Nền tảng kiến thức mỹ thuật vững chắc đã tạo nên cái “chất” mang sắc màu riêng biệt in dấu ấn trong từng thiết kế của tôi. Và nó chính là những bức tranh nghệ thuật được vẽ bằng vải mang mác thời trang Vo Cong Khanh.
Nền tảng kiến thức mỹ thuật vững chắc đã tạo nên cái “chất” mang sắc màu riêng biệt in dấu ấn trong từng thiết kế của tôi.
Anh thường được biết đến với các mẫu phục trang mang đậm chất nghệ thuật và trình diễn. Nhưng những loại đồ như thế lại ít được người mặc ưa chuộng. Anh đã cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật như thế nào?
Tôi chẳng bao giờ làm những gì mình không thích. Tại sao tôi phải cân bằng thứ mà chỉ có tôi mới có thể tạo ra? Cái gì ít thì luôn quý và có giá trị. Khách hàng của tôi là những người đặc biệt. Họ luôn hiểu và trân trọng giá trị trang phục tôi tạo ra. Có nhiều người còn phải chờ đến đến 5, 6 tháng để được diện một thiết kế thú vị “by Vo Cong Khanh”. Tôi bán tác phẩm của mình chứ không bán quần áo may sẵn.
Khách hàng của tôi là những người đặc biệt. Họ luôn hiểu và trân trọng giá trị trang phục tôi tạo ra.
Khách hàng tìm đến anh ra sao?
Hữu xạ tự nhiên hương.
Điều tuyệt vời nhất anh học được từ công việc thiết kế thời trang?
Tôi biết cách “bóc vỏ” và tự làm mới mình. Điều này khá thú vị, nhất là trong những lần tôi làm bộ sưu tập mới. Thời trang mang đến cho tôi nhiều năng lượng. Đối với tôi, một ngày sẽ thật tẻ nhạt nếu thiếu công việc.
Anh sẽ làm gì khi nhận được yêu cầu hoàn thiện một bộ phục trang chỉ trong 24 giờ?
Nếu yêu cầu đó làm tôi hứng thú, tôi có thể thực hiện nó một cách xuất sắc chỉ trong 1 giờ. Còn không thì 3 tháng vẫn chưa xong.
Nhìn về quá khứ, bằng kiến trúc của anh giúp ích gì cho công việc hiện tại?
Nó là thứ vũ khí lợi hại nhất của tôi. Cũng giống như một võ tướng không thể thiếu thanh gươm vậy.
Nhìn vào các thiết kế của anh, có thể thấy hologram và hoạ tiết Á đông chiếm phần lớn ý tưởng. Vì sao anh lại chuộng những hoạ tiết Á đông đến như vậy? Theo anh, đối với một nghệ sĩ, giữa việc gìn giữ những yếu tố truyền thống và phát triển phong cách riêng, điều gì quan trọng hơn?
Mất nguồn gốc tức là bạn không còn thứ gì giá trị để kiêu hãnh. Con người vốn sinh ra từ những nơi khác nhau. Văn hoá chính là nơi khai sinh và ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy cùng nền tảng sáng tạo. Là một nhà thiết kế, nếu không mang văn hoá dân tộc mình vào sản phẩm sáng tạo, thì xem như không có giá trị gì.
Bạn không thể làm một đề tài về văn hoá nước khác tốt hơn người bản xứ. Trong thế giới thời trang, ngoài chất liệu thì cấu trúc, tỉ lệ và ngay cả chi tiết, màu sắc đều khác nhau ở mỗi quốc gia. Vì thế, tôi luôn tự hào khi người khác gọi tôi là VO CONG KHANH Vietnam.
Khởi nghiệp thời trang là chuyện rất khó ở Việt Nam. Làm thế nào để anh vượt qua chúng, trong lần đầu mở thương hiệu riêng năm 2006?
Hơn 10 năm trước, cụm từ “thời trang” vẫn còn là điều mơ hồ, khi Internet và báo chí thời trang không có nhiều để mọi người tham khảo. Việc đạt được giải thưởng thời trang vào thời điểm đó là một điều rất to lớn, giống như giấc mơ thành sự thật vậy. Đó chính là bệ phóng đưa tôi trở thành nhà thiết kế.
Và sau bốn năm học hỏi kinh nghiệm, tôi ra mắt thương hiệu của mình tại khu designer boutique (do Nhật và Việt Nam thành lập) – nơi tuyển chọn, hỗ trợ những nhà thiết trẻ tài năng bán sản phẩm của mình.
Thời trang Việt Nam hiện tại và thời trang Việt Nam cách đây 10 năm khác nhau như thế nào?
Thời buổi sơ khai của ngành thời trang 10 năm trước là cuộc sàng lọc tìm kiếm tài năng mới. 10 năm sau là một thời kỳ phát triển và đào thải với sự cạnh tranh giữa những người giỏi nhất.
Sau 10 năm gắn bó với nghề, điều gì khiến anh cảm thấy tự hào nhất, và nuối tiếc nhất?
Cái khó nhất của một người nghệ sĩ chính là giữ được phong độ và có tư duy mới mẻ. Phải luôn “tự biết cách bóc vỏ mình”, vì nếu bạn bị “cũ” thì khó bước tiếp được. Vì hào quang trong quá khứ không bao giờ sáng chói mãi.
Tôi chẳng có điều gì phải hối tiếc và luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhìn lại chặng đường đã qua. “Được làm những gì mình thích, đó là điều hạnh phúc nhất”.
Cái khó nhất của một người nghệ sĩ chính là giữ được phong độ và có tư duy mới mẻ. Phải luôn “tự biết cách bóc vỏ mình”, vì nếu bạn bị “cũ” thì khó bước tiếp được.
Khó khăn lớn nhất trong sự nghiệp của anh?
Tôi đánh mất rất nhiều cơ hội chỉ vì ngoại ngữ. Cuộc đời tôi sẽ lật qua trang khác nếu tôi có thể tiếp nhận hai học bổng toàn phần ngành thời trang tại Pháp, cuộc hẹn với cố vấn nghệ thuật của Roberto Cavalli, diễn show tại Tokyo và trở thành trợ lý nhà thiết kế Stephane Rolland (Pháp). Tôi đành lỡ hẹn.
Nhìn lại quãng đường 10 năm, anh thấy thương hiệu Võ Công Khanh đã làm được gì cho bản thân anh, cho khách hàng của anh, và cho Việt Nam nói chung?
Tôi luôn quan niệm: “hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường” Điều gì chân thành sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Khách hàng của tôi đều là những người đặc biệt. Cái họ cần ở tôi là những gì sáng tạo, mang đến sự thú vị chứ không phải một vẻ ngoài xinh đẹp nhạt nhẽo.
Tôi thường không thích nói hay hứa trước điều gì. Nhưng chắc chắn một điều là ngọn lửa trong tôi vẫn luôn bùng cháy. Và sẽ còn rất nhiều điều thú vị cộp mác Vo Cong Khanh!
Đối với những người đang trông chờ Cocoon sẽ là show diễn “điên” nhất từ trước đến nay, anh sẽ nói gì với họ?
Đây là bộ sưu tập mượn hình ảnh từ côn trùng để kể về câu chuyện cổ tích cuộc đời tôi: “sự lột xác của một con sâu hoá bướm”. Tôi chưa bao giờ đặt ra giới hạn trong khái niệm “điên” của mình.
Đó là một trong những điều bất ngờ mà không ai hiểu và đoán được chắc rằng tôi sẽ làm gì. Sự thú vị trong bộ sưu tập nằm ở câu chuyện tôi sẽ kể, chứ không phải ở cấp độ “điên” nặng hay “điên” nhẹ.
Thực hiện: Ho Hai Yen