Bị tố cáo là đạo nhái, Guess ngừng bán mẫu túi tote cùng kiểu với Telfar
Ngày đăng: 30/03/21
Cư dân mạng đã chỉ ra sự giống nhau hoàn toàn giữa mẫu túi nổi tiếng của thương hiệu Telfar và mẫu túi mới ra mắt của Guess. Sau sự chỉ trích đạo nhái của cư dân mạng, Guess đã quyết định rút mẫu túi này khỏi kệ hàng.
Telfar là thương hiệu thời trang phi giới tính ra mắt năm 2005 bởi nhà thiết kế da màu Telfar Clemens. Túi Telfar trong bộ sưu tập Thu Đông 2020 là món đồ được săn lùng nhiều nhất trong hơn tám triệu mặt hàng thời trang ba tháng qua, theo Lyst. Mẫu túi tote lần đầu ra mắt vào năm 2014. Thiết kế được làm bằng da thuần chay, dập chữ “T” trên thân, có giá 150 – 257 USD tùy cỡ. Sau khi ra mắt một năm, túi Telfar cháy hàng, tạo nên cơn sốt săn lùng.
Vì thế, khi Guess ra mắt mẫu túi tote mang tên G-Logo đã đăng ký bản quyền, sự giống nhau từ hình dáng chiếc túi cho đến vòng tròn logo đã không thoát khỏi ánh mắt của cư dân mạng. Trên các mạng xã hội, làn sóng chỉ trích đạo nhái hướng về Guess buộc thương hiệu này phải nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Một người khác đã viết: “Guess sao chép kiểu dáng, hình dạng, biểu tượng, màu sắc của túi Telfar và cách họ thậm chí chụp ảnh chiếc túi cho thấy đây không phải là hành động không có chủ đích từ họ.”
Hôm qua, Guess đã ra thông báo chính thức rút sản phẩm G-Logo totes của mình khỏi kệ hàng.
“Signal Brands, đơn vị được cấp phép sản xuất túi xách của Guess, Inc., đã tự nguyện ngừng bán túi G-Logo. Một số phản hồi trên các phương tiện truyền thông xã hội đã so sánh chiếc túi này với túi mua sắm của Telfar Global. Signal Brands không muốn tạo ra bất kỳ trở ngại nào đối với thành công của Telfar và do đó, đã độc lập quyết định ngừng bán các loại túi có logo G” – Signal Brands, đơn vị cấp phép sản xuất túi xách của Guess, cho biết trong một tuyên bố chia sẻ với People.
Song song đó, phía bên Telfar chia sẻ với tờ New York Times, họ biết về mẫu túi này hồi tháng 2, không có ý định kiện tụng với Guess và Signal Brands vì lo ngại tiêu hao tài chính.
Sau khi Guess rút mẫu túi khỏi kệ hàng, đại diện của Telfar chia sẻ trên tờ PEOPLE: “Chúng tôi nghĩ rằng thật sự ý nghĩa khi đạt được kết quả vô cùng tốt đẹp mà không cần phải nói hay làm bất cứ điều gì. Nó gửi một thông điệp rằng đôi khi sức mạnh thực sự đến từ con người và từ tình yêu…”
Trong suốt sự việc, Telfar chỉ chia sẻ lại bài viết của New York Times và không lên tiếng về mẫu túi đạo nhái. Tuy nhiên, nhà sáng lập của thương hiệu gửi lời cảm ơn đến cư dân mạng đã tạo áp lực dẫn đến quyết định việc Guess phải ngừng bán mẫu túi tote đạo nhái.
Trong nhiều năm qua, vấn đề đạo nhái trong ngành công nghiệp thời trang trở thành vấn đề nhức nhối. Một mặt, những thương hiệu thời trang danh tiếng bị làm giả, làm nhái sản phẩm. Mặt khác, những thương hiệu thời trang độc lập với quy mô nhỏ hay các nhà thiết kế tự do dễ bị sao chép sản phẩm thành công bởi các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tài chính và nhân lực để theo đuổi các vụ kiện tụng đòi lại công bằng. Một số im lặng, trong khi một số khác nhờ sự lên tiếng của cư dân mạng để tạo áp lực lên các thương hiệu sao chép.
Thực hiện: K.