“Core” is the New “Chic” – Một từ vựng thời trang mới mà hội tín đồ không nên bỏ qua
Ngày đăng: 07/11/22
Nếu muốn bắt kịp với thời trang thế hệ mới – thời đại của Gen Z, thì đã đến lúc hội tín đồ phải thay đổi cách định nghĩa về “chic”.
Thời đại mới, cuộc sống mới, thế hệ thống lĩnh mới, quyển từ điển thời trang cũng được bổ sung nhiều từ khóa mới. Khi thời trang thay đổi để thích nghi với dòng chảy tư duy mới mẻ, những khái niệm thời trang từ thuở xa xưa nay cũng dần được tái định nghĩa sao cho phù hợp nhất với cách hiểu của các tín đồ thời trang trẻ. Một ví dụ cụ thể cho điều này chính là sự thay thế của “core” cho “chic”. Đối với các người đam mê thời trang thế hệ trước, “chic” ắt hẳn không còn là một thuật ngữ xa lạ. Nếu ngày nay, giới trẻ thường dùng “aesthetic” để ám chỉ phong cách cá nhân hay một phong cách thời trang cụ thể nào đó thì từ rất lâu về trước, “chic” đã xuất hiện và được biết với ý nghĩa tương tự. Bắt nguồn từ tiếng Pháp vào thế kỷ 19, thuật ngữ thời trang này được định nghĩa là cách ứng xử và ăn mặc thanh lịch, sang trọng và thông minh.
Những độc giả trung thành của những quyển tạp chí thời trang sẽ bắt gặp “chic” thường đi cùng hình ảnh một cô gái thanh lịch và sang trọng. “Chic” tồn tại trong địa hạt thời trang từ rất lâu, và được xem là một phần quan trọng trong văn hóa thời trang. Không chỉ xuất hiện trên hàng loạt các ấn phẩm thời trang nổi tiếng, các tạp chí, trang tin thời trang đình đám, “chic” còn được thêm vào trường từ vựng của các nhà thơ, nhà văn viết tiểu thuyết; đồng thời “chic” còn được nhiều nhà thiết kế lừng danh từ Coco Chanel đến Yves Saint Laurent mở rộng tầng nghĩa với những nàng thơ thời trang của thương hiệu. Nói đến “chic”, hội tín đồ ngày trước trong suy nghĩ cũng đã tự động liệt kê ra hàng loạt phong cách như Casual Chic, Parisian Chic, Boho Chic, hay Sporty Chic,…
Tuy nhiên, khi thời đại được thống lĩnh bởi thế hệ Z, vòng xoay thời trang bắt đầu thiết lập một trật tự mới cùng với những biến đổi nhất định thì “chic” cũng dần mất vị thế. Đồng nghĩa với việc, hàng loạt định nghĩa mới xuất hiện để thay thế. Ngoài “aesthetic” thì “core” còn một từ vựng thay thế được giới trẻ dùng phổ biến hiện nay. Sự bùng nổ mang tên “Core” trên khắp mạng xã hội hay các hội nhóm thời trang còn là dư chấn của cuộc đổ bộ “Barbiecore” trên đường đua xu hướng.
Trong suốt mùa hè vừa, Barbiecore đã trở thành một trong những xu hướng thời trang dẫn đầu bảng xếp hạng với những chiếc váy ngắn cũn cỡn, những chiếc đầm bodycon bằng latex bóng loáng gợi cảm, những mái tóc blonde sành điệu và cả sắc hồng “iconic”. Nói không ngoa, mỗi khi nhắc đến màu hồng là những “con chiên thời trang” chắc chắn sẽ nhớ ngay đến tủ quần áo của những cô nàng búp bê. Theo một báo cáo của Depop vào ngày ngày 8 tháng 7 cho biết lượt tìm kiếm “Barbie Pink” đã tăng vọt lên đến 93%. Từ đây đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: tại sao một màu sắc có thể dùng để miêu tả toàn diện một phong cách? Bởi lẽ barbiecore đâu đơn thuần chỉ là những bộ cánh màu hồng, tại sao không còn dùng “Barbie Chic”? Tuy nhiên, khi “chic” không còn được dùng rộng rãi và thông dụng nữa thì chúng ta phải có một từ vựng mới, tầng nghĩa đủ rộng để gọi tên một phong cách thời trang hay thậm chí một hiện tượng thời trang. Đây có lẽ là một phần lý do cho sự phổ biến của việc sử dụng “core” để chỉ một xu hướng hay phong cách thời trang.
Vậy thực chất “core” là gì? Trong thời trang, “core” được xem như một hậu tố, được đặt ở cuối trong trật tự của một cụm từ chỉ phong cách, tương tự như “chic”. Trước khi nổi rầm rộ trên khắp nền tảng xã hội hiện nay, thì core đã được biết đến khi được sử dụng trong thuật ngữ học thuật Normcore vào năm 2013 – một từ được chuyên trang dự đoán xu hướng K-Hole đặt ra trong một bài báo cáo xã hội học “Youth mode: a Report on Freedom”. Ở trường nghĩa này, normcore là một thái độ của người trẻ trong một thời đại mới: không muốn làm một cá thể nổi bật trong một đám đông. Một năm sau, normcore mới được công nhận là một xu hướng khi được phân tích theo góc nhìn thời trang trên tờ New York Magazine. Từ đây, normcore chính là một xu hướng chống lại sự hào nhoáng, bóng bẩy vốn đặc trưng của thế giới thời trang. Normcore đặc trưng với vẻ ngoài giản đơn với chiếc áo phông đơn sắc hay áo sweater vừa vặn đi cùng đó là một chiếc quần jeans phóng khoáng. Tuy nhiên sự bình thường này lại nổi bật với một vẻ đẹp hấp dẫn đặc biệt – bình thường nhưng không tầm thường.
Tiếp nối normcore chính là sự phổ biến của gorpcore vào năm 2017 ở New York. Gorpcore, được viết tắt từ cụm “Good Ol’ Raisins and Peanuts” – món ăn nhẹ snack hỗn hợp cho những chuyến đi khám phá của những người đi bộ đường dài. Cũng đặc trưng bởi sự thoải mái như normcore nhưng quần áo của gorpcore sẽ đặc trưng bởi những items chuyên dụng hơn như áo phao, váy túi hợp, balo leo núi,… Sau đó là các bàn luận xung quanh Menocore – một xu hướng cũng giống normcore bởi sự tự do trong ăn mặc và cả thái độ không cố gắng “gồng mình” để bắt kịp các xu hướng thời trang đang thịnh hành.
Dần dà, “core” chạy theo dòng chảy của mạng xã hội. Từ normcore, mạng xã hội đã “sinh” ra hàng loạt thuật ngữ xu hướng có cùng một công thức “…+ core” như bubblegumbitchcore, cottagecore, witchcore, fairycore, balletcore, regencycore, và cả Barbiecore khuấy động xu hướng mùa hè năm nay. Regencycore được hội tín đồ biết đến và lăng xê sau sự nổi tiếng của bộ phim Bridgerton với vẻ đẹp cuốn hút từ hoàng gia. Trong khi đó Kidcore là một xu hướng màu sắc gợi nhắc về thời thơ ấu đầy hoài niệm của thập niên 90 và những năm 2000. Như một vòng chảy, cứ mỗi một xu hướng “hết thời” thì lại có một xu hướng mới được lăng xê. Và cứ như thế “core” được dùng phổ biến hơn bao giờ hết.
Nếu cắt nghĩa từ “core” trong Barbiecore, Kidcore, Fairycore hay Cottagecore,… thì chúng ta sẽ thấy được một điểm chung: core chính là cách thể hiện quần áo là biểu trưng cho bản sắc bên trong. Ví dụ, Normcore sẽ phù hợp với những người thích hòa nhập vào dòng người đông đúc hơn là trở thành một nhân vật nổi bật trong đám đông bởi sự khác biệt của mình. Tương tự, cottagecore còn tượng trưng cho một cuộc sống bình dị ở vùng quê thơ mộng, mỗi sáng thức dậy tận hưởng ánh nắng, nhâm nhi tí cà phê rồi thưởng thức một chiếc bánh mì trên cùng là một lớp mứt dâu ngọt lịm.
Cách dùng core trong thời trang để chỉ một xu hướng, phong cách mới còn khiến những ý tưởng thời trang táo bạo của các nhà thiết kế trở nên dễ hiểu hơn. Cách thêm từ “core” như thế sẽ tổng quát được khá đầy đủ những gì mà các nhà mốt muốn truyền tải, đặc biệt cách này giúp những tín đồ thời trang trẻ dễ dàng tiếp cận hơn cũng như sẽ dễ gọi tên hơn rất nhiều. Nếu “chic” chỉ là sự sang trọng hay thanh lịch thì “core” sẽ bao quát được rộng hơn một phong cách hay thời trang cụ thể.
Thực hiện: Huỳnh Trân
Theo Vogue