Trần Tiễn Cao Đăng: “Tôi là con người được nhào nặn bằng nỗi buồn”

Ngày đăng: 28/06/18

Trần Tiễn Cao Đăng – dịch giả của những tác phẩm nổi tiếng như Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino) đã trở lại vai trò nhà văn với tập truyện ngắn mới nhất Những gặp gỡ không thể có vừa được công ty sách Tao Đàn phát hành.

Style-Republik đã có cuộc trò chuyện với tác giả xoay quanh tác phẩm mới này và những quan niệm của anh về văn chương.

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Vì sao anh đặt tiêu đề tập truyện ngắn mới nhất là “Những gặp gỡ không thể có”?

Nhan đề này đến một cách tự nhiên, và khi nó đến, tôi cảm thấy không thể khác được. Bởi vì các truyện trong tập, không truyện nào có cái nhan đề đủ “sức nặng” như thế.

Bốn truyện trong “Những gặp gỡ không thể có” đều có chung bầu không khí buồn khi cái đẹp bị đối xử thô bạo, một dự cảm về tận thế; khi viết, anh có ý thức ngay từ đầu là sẽ xây dựng một bầu không khí chung như thế để tạo sự thống nhất cho toàn tập truyện hay đây là một sự ngẫu nhiên do tiềm thức chi phối?

Chỉ đến khi tập hợp các truyện viết rải rác vào những lúc khác nhau vào cùng một tập dựa trên vài cái chung giữa chúng, tôi mới dần dần nhận ra rằng, bên cạnh những cái chung khác, chúng đều bao hàm một dự cảm về tận thế. Đó là do tâm thế xuyên suốt của tôi, hay là do “tiềm thức chi phối” như bạn nói. Giả như tôi làm vậy một cách chủ ý, tỉnh táo, có tính toán, tôi không chắc rằng hiệu quả cuối cùng sẽ mạnh hơn.

Có người xếp tập truyện mới này vào dòng “fantasy”, có phải thể loại này cũng là dòng truyện anh nhắm đến cho “Những gặp gỡ không thể có” ngay từ khi viết?

Viết ra tác phẩm là việc của nhà văn, xếp loại tác phẩm là việc của nhà làm sách và nhà phê bình. Tuy nhiên, nhìn lại tác phẩm của mình với con mắt của người ngoài, tôi không cảm thấy gọi chúng bằng cái tên “fantasy” là phù hợp – hẳn cũng giống như bạn không thể dùng từ fantasy để phân loại “Hóa thân” của Kafka vậy. Nhưng dù sao đi nữa, điều đó chẳng quan trọng – quan trọng là niềm tin của người viết vào tính chân thực của câu chuyện anh kể, bất kể nó “phi thực” đến đâu.

Tác phẩm Những gặp gỡ không thể có vừa ra mắt của nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng

Các truyện trong “Những gặp gỡ không thể có” đều kết thúc bằng cái chết – khi thì cái chết được nói rõ, khi thì được ám gợi, nhưng nhìn chung đều là sự kết thúc. Có phải anh đang quá bi quan về thế giới?

Chingiz Aitmatov, nhà văn người Kyrgystan thuộc Liên Xô cũ mà nhiều người thuộc thế hệ 6x-7x hẳn từng đọc và yêu mến, có nói (đại ý): “Tôi là con người được nhào nặn bằng nỗi buồn.” Câu ấy hẳn tôi có thể dùng để nói về mình. Chẳng phải là tôi không thích vui cười – tôi rất thích truyện tiếu lâm và thỉnh thoảng xem các show hài trên truyền hình. Tuy nhiên, với tôi, cái hài không bao giờ có nổi chiều sâu như cái bi – trừ khi đó là cái hài để tự giễu mình. Bên cạnh đó, có lẽ là tôi hay suy nghĩ nhiều hơn người khác về bản chất phù du của mọi vật và mọi sự.

Có lẽ là tôi hay suy nghĩ nhiều hơn người khác về bản chất phù du của mọi vật và mọi sự…

Nếu có người nói văn của anh toàn thoát ly hiện thực, hình như anh là người dùng văn chương để trốn tránh những vấn đề gai góc của cuộc sống thực tế, thì anh sẽ nói gì?

Chúng ta đã qua từ lâu cái thời nhà văn chỉ được khuyến khích viết về thành tích và đời sống của quần chúng công nông binh, và chúng ta nên chóng vượt qua cái thời nhà văn chỉ được thừa nhận nếu họ viết về “những vấn đề gai góc của đời sống thực tế”. Những nền văn chương thực sự trưởng thành là những nền văn chương phong phú, phồn phức giống như bản thân loài người.

Mặt khác, điều thú vị là khá nhiều người mặc nhiên cho rằng nếu tác phẩm của nhà văn “toàn là chuyện ở đâu đâu” thì trong cuộc sống hằng ngày ông/bà ta cũng là một người luôn ở trên mây. Dường như theo họ trên đời không thể có một người chỉ viết những truyện tình đẹp đẽ ở một xứ tưởng tượng nào đó và đồng thời là một nhà hoạt động xã hội tích cực.

Văn của anh có cảm giác như văn Tây – anh chịu ảnh hưởng phương Tây nhiều quá, nên người đọc Việt khó tìm thấy sự đồng cảm. Điều này có phải xuất phát từ việc các tác phẩm anh dịch hầu hết đều là văn học phương Tây? Ngay cả một tác giả phương Đông mà anh từng dịch là Murakami Haruki cũng là một người viết rất Tây. Anh có bao giờ nảy ra ý định dịch một tác phẩm văn học phương Đông thuần túy hoặc làm cách nào đó để văn của anh có sự pha trộn tỉ lệ Đông – Tây hài hòa hơn không?

Hồi đang học đại học, tôi dịch “Cố đô” của Kawabata từ bản tiếng Nga (một bản dịch thuần túy vì yêu tác phẩm, chưa từng được xuất bản). Khi tôi bắt đầu thực sự đến với văn chương vào khoảng 7-8 tuổi, một trong những nhà văn đầu tiên tôi đọc và “phải lòng” cho đến tận bây giờ là Akutagawa. Hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đó là hai trong số những nhà văn “Nhật Bản” nhất.

Nếu bạn đã đọc hết “Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian”, chắc hẳn bạn có gặp ở đó những đoạn, những chương khiến bạn có cảm giác mạnh mẽ rằng người viết ra chúng không thể nào là một người Mỹ hoặc người Pháp; y chỉ có thể là một người Việt.

Mặt khác, nghĩ kỹ bạn sẽ thấy, quan niệm cho rằng “nhà văn Việt thì phải viết thứ văn gần gũi với người Việt” chính là một trong rất nhiều vòng kim cô trói chặt nhà văn Việt từ trước tới nay.

Kể cả nếu tôi đồng ý với ai đó rằng văn của một tác giả Việt nhất thiết phải có ít nhiều “tính Việt”, thì chúng ta vẫn phải nhìn thấu một điều rằng “tính Việt” hay “dân tộc tính” không phải là cái gì đó nhất thành bất biến. Nếu nó thực sự có sức sống, nó sẽ như một sinh thể, trường tồn, phát triển, mở rộng, tự làm mới, tiến hóa. Những tác phẩm như của tôi là một phần của sự mở rộng, tự làm mới, tiến hóa đó.

Mặt khác, nghĩ kỹ bạn sẽ thấy, quan niệm cho rằng “nhà văn Việt thì phải viết thứ văn gần gũi với người Việt” chính là một trong rất nhiều vòng kim cô trói chặt nhà văn Việt từ trước tới nay.

 

Những gặp gỡ không thể có – Trần Tiễn Cao Đăng

Được biết, anh rất thích phim kinh dị. Những cảnh bạo lực trong truyện của anh, đặc biệt là cảnh hồn ma xuất hiện trong truyện “Nhớ mãi một giờ yêu đương nàng đã trao tôi”, có phải là ảnh hưởng hay được gợi cảm hứng từ phim kinh dị? Cùng với trinh thám, kinh dị vẫn là một thể loại thường bị đánh giá thấp trong địa hạt văn chương, vậy anh đã từng có ý định viết truyện kinh dị thuần túy chưa? Hoặc là nảy ra ý định làm một cuộc cải tiến khiến mọi người có cái nhìn mới về thể loại kinh dị như cách Paul Auster đã làm với thể loại trinh thám?

Tôi không chắc rằng Tibor trong “Nhớ mãi một giờ yêu đương nàng đã trao tôi” là một hồn ma (cười). Đó cũng có thể là một người (sống) có tài phá khóa như thần chứ. Đúng là y có nói đến “nằm dưới mộ”, nhưng có thể đó chỉ là một cách nói.

Tuy nhiên, đúng là tôi thích phim kinh dị, cũng như thích phim khoa học giả tưởng và phim hành động võ thuật. Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện viết truyện kinh dị “thuần túy” hoặc kinh dị “cách tân”, tuy nhiên, bất cứ cái gì thuộc về con người đều có thể là chất liệu văn chương của tôi vào một lúc nào đó. Và cái kinh dị, nỗi sợ và đồng thời sự háo hức muốn biết cái kinh dị, nó là một thứ “xưa như Trái đất” thuộc về con người.

Có người cho rằng nhà văn chỉ nên viết về những gì mình biết rõ. Văn của anh thì bao quát những bối cảnh trải rộng nhiều nước, nhiều thực tại khác nhau. Anh nghĩ sao về điều này? Và khi viết về những nơi chưa từng đặt chân đến, anh sử dụng phương pháp nào để tưởng tượng và miêu tả chi tiết? Chẳng hạn, khi James Hadley Chase, một nhà văn Anh, viết tiểu thuyết hình sự “You’ve Got It Coming” (đã dịch sang tiếng Việt với tiêu đề “Dã tràng xe cát”) với bối cảnh đặt tại Mỹ, ông đã dựa vào những công cụ như từ điển bách khoa, bản đồ du lịch chi tiết, du ký nước Mỹ, từ điển tiếng lóng Mỹ… Anh có dùng những công cụ tương tự như thế không khi viết truyện có bối cảnh nước ngoài?

Margaret Mitchell, tác giả tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, sinh năm 1900, mất năm 1949. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà có bối cảnh cuộc Nội chiến Mỹ từ 1861 đến 1865. Lev Tolstoy sinh năm 1828, mất năm 1910. Tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của ông diễn ra trong thời kỳ cuộc kháng chiến của nước Nga chống quân đội Napoléon vào các năm 1805 và 1812. Nếu như quan niệm “nhà văn chỉ nên viết về những gì mình đã trực tiếp nhìn thấy/kinh qua và bởi vậy biết rõ” là thước đo vàng cho chất lượng văn chương, thì hai cuốn tiểu thuyết nói trên là đồ bỏ – vì chúng chỉ là chuyện bịa tạc vô giá trị.

“Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian” (xuất bản 2016) là tiểu thuyết đầu tay của anh nhưng tập truyện ngắn đầu tay của anh không phải là “Những gặp gỡ không thể có” mà là “Baroque và ẩn hoa” (xuất bản 2005). Như vậy là có sự gián đoạn khá dài nếu tính từ tập truyện ngắn đầu tiên đến tiểu thuyết đầu tiên, và nếu tính khoảng cách giữa hai tập truyện ngắn thì thời gian gián đoạn lên đến 13 năm. Vì sao anh lại có sự gián đoạn này?

Từ 2005 đến 2006 là khoảng thời gian tôi tạm ngưng viết, để tìm đường đi đúng nhất cho mình. “Baroque và ẩn hoa” về cơ bản là tập truyện “hiện thực” thuần khiết, và tôi sớm nhận ra rằng đó không phải là chỗ mạnh của tôi. Cuối 2006, tôi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết “thực sự” đầu tiên của mình, với nhan đề (tạm đặt) là “Cospolist Nổi Loạn” mà đến nay chưa hoàn tất vì một số lý do. Có thể coi đó là mốc đánh dấu “bước ngoặt” trong đời văn của tôi – từ đó trở đi, tôi không còn hoài nghi về con đường của mình.

“Life Navigator 25…” thật ra được khởi đầu muộn hơn “Cospolist Nổi Loạn”, vào năm 2010, và hoàn tất vào năm 2014. “Những gặp gỡ…” thì gồm những truyện được viết rải rác trong một thời gian dài, từ trước 2010 cho đến sau 2014. Như vậy, thật ra, sự gián đoạn của tôi không phải trong 13 năm mà ngắn hơn nhiều. Về cơ bản, suốt trong nhiều năm qua, tôi không ngừng viết.

Thực hiện: Kodaki

Ảnh: NVCC